BẢN QUYỀN TRONG TPP

0
451

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW trả lời phóng viên báo Nhịp cầu đầu tư về vấn đề bản quyền trong TPP, mời quý vị đón đọc bài phỏng vấn tại đây:

Câu hỏi: Sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong số 30 chương đàm phán của TPP. Một khi TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thuận lợi gì?

Trả lời: Khi TPP có hiệu lực thì đương nhiên các quy định về sở hữu trí tuệ trong TPP cũng có hiệu lực. Những quy định trong TPP, theo một số nguồn tin bị “rò rỉ” trong quá trình đàm phán thì là những tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ khắt khe hơn, có tiêu chuẩn cao hơn so với Trips trong WTO và các cam kết khác của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do song phương.

Khi những quy định về sở hữu trí tuệ có hiệu lực với những tiêu chuẩn cao hơn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những khó khăn như sau:

Thứ nhất: Việt Nam sau khi gia nhập WTO, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống xác lập quyền về sở hữu trí tuệ như đăng ký nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng tương đối tốt, tuy nhiên, hệ thống thực thi chúng ta làm chưa tốt, ví dụ tình trạng vi phạm bản quyền đối với phần mềm máy tính còn tỷ lệ rất cao, nếu theo tiêu chuẩn mới, các cơ quan chức năng sẽ xiết chặt việc thực thi về bản quyền phần mềm, yêu cầu tất cả các phần mềm sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam đều có bản quyền thì có thể nói, chi phí mua bản quyền của các doanh nghiệp đang tồn tại sẽ rất cao, vượt quá chi phí của doanh nghiệp, chi phí ra nhập thị trường của các dự án mới, đặc biệt là dự án của doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Thứ hai: Trong TPP, các quốc gia có nền khoa học công nghệ mạnh, sở hữu nhiều tài sản trí tuệ như sáng chế, bản quyền phần mềm mạnh, họ yêu cầu sẽ kéo dài thời gian bảo hộ sang chế và bản quyền, điều này cũng làm cho doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế trong việc tiếp cận và sử dụng các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ đã hết thời gian bảo hộ sang chế và bản quyền.

Thứ ba: TPP cũng sẽ mở rộng các khái niệm về sở hữu trí tuệ trong việc thực thi quyền, các quy định nghiêm ngặt hơn, điều đó cũng sẽ dẫn tới việc các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với các tranh chấp về sở hữu trí tuệ không chỉ trong nước mà tại nước ngoài, cũng làm mất thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

Bên cạnh những khó khăn nêu trên, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ các quy định của sở hữu trí tuệ trong TPP đó là nếu các doanh nghiệp có những công nghệ mới, công nghệ cao, chúng ta cũng được các quốc gia khác trong TPP bảo hộ với tiêu chuẩn cao và chúng ta cũng thu được lợi nhuận từ việc đó.

Thêm nữa, từ những khó khan về việc tiếp cận công nghệ mới, cũng thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phải tự đổi mới, sáng tạo để có nhiều sản phẩm trí tuệ phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của chính mình và có thể xuất khẩu ra thế giới.

Câu hỏi: Có phải chỉ những công ty liên quan đến sản xuất, sử dụng sản phẩm sở hữu trí tuệ mới cần lưu tâm đến luật bản quyền trong TPP?

Trả lời: Ngày nay, sở hữu trí tuệ bao trùm lên toàn bộ các hoạt động của nền kinh tế, càng sản xuất, cung cấp  ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao thì chúng ta lại càng phải sử dụng nhiều tài sản sở hữu trí tuệ mới như sáng chế, giải pháp hữu ích, phần mềm máy tính.

Hiện nay đã là thế kỷ 21, Việt Nam đang định hướng và mong muốn xây dựng nền kinh tế trí thức, có nghĩa là doanh nghiệp tập trung vào nghiên cứu, đổi mới và sang tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng chất xám cao, một trong những biện pháp thúc đẩy hoạt động này đó là chúng ta phải có một cơ chế trân trọng và bảo hộ được tài sản sở hữu trí tuệ của người dân và doanh nghiệp.

Vì vậy, theo quan điểm của tôi, TPP về sở hữu trí tuệ có thể ảnh hưởng tới tất cả các doanh nghiệp trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều tài sản sở hữu trí tuệ để tạo ra sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng tri thức cao ra thị trường.

Câu hỏi: Có những vấn đề gì mà Việt Nam cần lưu ý trong nội dung liên quan đến bản quyền, sẽ áp dụng khi gia nhập TPP?Có sự khác nhau nào trong luật bản quyền trước và sau khi TPP có hiệu lực?

Trả lời: Chúng ta còn phải đợi khi các bên công bố các cam kết trong đó có những cam kết về sở hữu trí tuệ trong TPP mới có thể kết luận được các nội dung nêu trên.

Tuy nhiên, với việc nâng nhiều tiêu chuẩn bảo hộ lên so với hiệp định Trips trong WTO thì rõ rang là các quy định của pháp luật  Việt Nam về sở hữu trí tuệ trong luật sở hữu trí tuệ sẽ phải thay đổi cho phù hợp.

Liên quan tới nội dung lien quan tới bản quyền, thong qua những tài liệu không chính thức từ giới truyền thong, chúng ta hiểu rằng các quốc gia như Hoa Kỳ, nơi sở hữu nhiều tác phẩm được bảo hộ bản quyền nhất điện ảnh, tín hiệu truyền hình được mã hoá, tác phẩm báo chí thì họ muốn kéo dài thời gian bảo hộ những tác phẩm này.

Theo Luật Việt Nam, hiện nay tác phẩm điện ảnh được bảo hộ là 50 năm kể từ khi tác phẩm được công bố, theo đề xuất mới của Hoa Kỳ, thời hạn 50 năm sẽ được nâng lên thành 70 năm và vì vậy, công chúng Việt Nam cần phải đợi thêm 20 năm nữa mới có thể tiếp cận miễn phí các tác phẩm phim của Hollywood mà không sợ vi phạm bản quyền.

Bên cạnh đó, hiện nay, bản quyền đối với các chương trình truyền hình được mã hoá theo tín hiệu vệ tinh, theo TPP còn mở rộng các ra những tín hiệu truyền hình cáp, rõ rang quy định này chưa có trong pháp luật Việt Nam.

Nói tóm lại, nếu pháp luật Việt Nam về SHTT chưa có quy định hoặc quy định chưa đầy đủ thì khi TPP có hiệu lực, chúng ta phải rà soát và sửa đổi để phù hợp.

Câu hỏi: Có ý kiến cho rằng, nếu siết áp dụng bản quyền, như tinh thần đề cập ở TPP, nhiều ngành nghề sẽ bị thay đổi về môi trường kinh doanh cũng như nhiều công ty sẽ phá sản. Ông có quan điểm gì  về vấn đề này?

Trả lời: Như phân tích ở trên, hiện tại, nếu chúng ta siết chặt bản quyền đặc biệt là bản quyền phần mềm, sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ các doanh nghiệp Việt Nam, hiện tại, có từ 80% tới 90% bản quyền phần mềm tại Việt Nam là phần mềm lậu, nếu 80% doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm lậu mà mua hết bản quyền thì số tiền bản quyền sẽ cực lớn, ảnh hưởng tới chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Phần lớn các phần mềm được sử dụng trong các doanh nghiệp hiện nay là phần mềm có xuất xứ nước ngoài, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, vì vậy, chúng ta không thấy khó hiểu thì Hoa Kỳ đề xuất các giải pháp mạnh trong việc thực thi bảo hộ bản quyền tại các quốc gia trong TPP, đặc biệt là Việt Nam.

Từ một ví dụ nêu trên có thể khẳng định chắc chắn rằng với việc siết chặt biện pháp thực thi theo TPP thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, còn việc ảnh hưởng có dẫn tới phá sản hay không thì chúng ta cần đợi việc công bố đầy đủ các cam kết và hành động của chính phủ, doanh nghiệp để có thời gian tuân thủ lộ trình thực thi cam kết

Câu hỏi: Theo đánh giá và quan sát từ góc độ nghề nghiệp, mức độ vi phạm bản quyền của doanh nghiệp Việt Nam nghiêm trọng ra sao? Nó đã ảnh hưởng như thế nào đến bức tranh kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam thời gian qua?

Trả lời: Từ góc độ nghề nghiệp, chúng ta thấy là việc vi phạm bản quyền tại Việt Nam là phổ biến và bản thân các doanh nghiệp coi việc vi phạm bản quyền là một vấn đề bình thường và tạo ra lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tôi có thể lấy một ví dụ, việc vi phạm bản quyền trong môi trường kỹ thuật số hiện nay diễn ra nghiêm trọng, có một số doanh nghiệp khởi nghiệp bằng cách xây dựng các website cung cấp các bộ phim nổi tiếng của nước ngoài và bán quảng cáo trên đó. Khi kinh doanh mảng này, họ chỉ quan tâm tới việc đảm bảo về đường truyền, server và nhân lực, khi hỏi tới vấn đề bản quyền, có nghĩa là họ có được chủ sở hữu các bộ phim này cho phép hay không? Họ thường không quan tâm, trả lời bằng cách lách luật là những bộ phim này do người dung tải lên và họ không có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, việc kinh doanh nhạc số vi phạm bản quyền trên các trang mạng diễn ra phổ biến, cũng với lý do là do người dùng tải lên, họ kinh doanh các trang mạng này và bán quảng cáo mà không trả tiền bản quyền.

Ngoài ra, các bài báo kể cả nước ngoài và Việt Nam đều bị sao chép một cách trái phép trên mạng, nhiều website tại Việt Nam đã dung các phần mềm lấy tin tự động hoặc sao chép toàn bộ các bài báo của các báo khác về mà không hề xin phép.

Việc sao chép bất hợp pháp còn diễn ra tại thị trường mỹ thuật, Việt Nam hiện nay đã không có một thị trường tranh đúng nghĩa khi có quá nhiều tranh giả, người nước ngoài không dám tin vào nền mỹ thuật chân chính của Việt Nam.

Từ một số vụ việc kinh doanh vi phạm bản quyền nêu trên đặc biệt là trong môi trường kỹ thuật số, điều này đang ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Một số tập đoàn lớn của Hoa Kỳ khi kinh doanh tại Việt Nam, họ đã ngừng các hợp đồng quảng cáo với các trang mạng bị cáo buộc vi phạm bản quyền.

Câu hỏi: Liệu việc áp dụng bản quyền khi gia nhậpTPP có giúp lập lại trật tự trong một số ngành liên quan đến sở hữu trí tuệ và mở ra những hướng đi mới?

Trả lời: Khi chúng ta gia nhập WTO, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ tương đối đầy đủ và tiệm cận với các giá trị của thế giới, các quy định về xác lập quyền sở hữu trí tuệ cũng được thực thi tốt.

Tôi cũng hy vọng với việc gia nhập TPP, Việt Nam sẽ phải cam kết và hành động quyết liệt hơn trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Qua một số thong tin báo chí, trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam có đề cập tới việc TPP yêu cầu phải khởi tố hình sự các vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ nói chung và vi phạm bản quyền nói riêng, điều này sẽ là một chế tài mạnh để ngăn ngừa vi phạm bản quyền.

Chúng ta biết là hiện tại, rất ít vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam bị xử lý hình sự, chủ yếu là xử lý hành chính với những quy trình và thủ tục dài, khó áp dụng và khôgn hiệu quả đặc biệt là đối với những vi phạm nhỏ lẻ.

Theo ông, nếu điều chỉnh cho phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng các yêu cầu về bản quyền trong TPP, doanh nghiệp Việt Nam mất nhiều thời gian, tiền bạc không?

Trả lời: Nếu chúng ta đáp ứng các đòi hỏi của TPP về sở hữu trí tuệ, chắc chắn không chỉ doanh nghiệp mà cả cơ quan nhà nước cũng sẽ tốn ngân sách và thời gian để thực hiện.

Về phía nhà nước, sẽ phải mất một thời gian để nghiên cứu và rà soát các quy định hiện hành của sở hữu trí tuệ xem có phù hợp với TPP hay không? Cái nào chưa phù hợp thì phải sửa, cái nào chưa có thì phải xây dựng, điều  này sẽ là một sức ép rất lớn.

Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi hiện nay như toà án, hải quan và thanh tra cũng sẽ có nhiều việc phải làm vì có thể sẽ có nhiều tranh chấp xảy ra.

Còn đối với doanh nghiệp Việt Nam, khi TPP có hiệu lực, các quy định về sở hữu trí tuệ bị xiết chặt, chúng ta cũng sẽ phải mất thời gian và tiến bạc để thực sự tuân thủ các quy định này, tránh các vi phạm dẫn tới tranh chấp.

Một trong những ví dụ điển hình đó là thay vì chúng ta dung các phần mềm máy tính vi phạm, chúng ta phải nghiên cứu, tìm ra các phần mềm có mã nguồn mở, không vi phạm sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp phần mềm.

Đối với doanh nghiệp thuốc, khi chúng ta bị hạn chế tiếp cận công thức thuốc giá rẻ (generic), chúng ta sẽ phải đầu tư và nghiên cứu ra dược phẩm của chúng ta.

Cần những biện pháp như thế nào để vấn đề bản quyền được tuân thủ nghiêm túc?

Trả lời: Biện pháp để vấn đề bản quyền được tuân thủ nghiêm túc đó là chúng ta phải nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về việc tôn trọng thành quả trí tuệ, sáng tạo của doanh nghiệp khác, không thể kinh doanh mãi dựa trên “sự ăn cắp” tài sản của người người khác.

Nâng cao nhận thức rồi thì chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các cán bộ thực thi trong các cơ quan nhà nước, thực sự,  hiện nay, không có nhiều thẩm phán, cán bộ thực thi có kinh nghiệm và kiến thức về sở hữu trí tuệ, điều này cũng dẫn tới việc xử lý trên thực tế không nhanh và hiểu quả.

Bên cạnh đó, quyền sở hữu trí tuệ là quyền dân sự, vì vậy, chính chủ thể bị vi phạm cần phải tự thực hiện việc bảo vệ quyền của mình, sử dụng các công cụ pháp lý, kỹ thuật để bảo vệ quyền lợi của mình.

Câu hỏi: Một khi VN thực thi nghiêm túc luật bản quyền, người tiêu dùng có được lợi hơn so với tình trạng tranh tối tranh sáng như hiện nay?

Trả lời: Nếu việc thực thi nghiêm túc luật bản quyền, người tiêu dùng cũng sẽ nâng dần ý thức tuần thủ pháp luật đặc biệt là pháp luật về bản quyền.

Đây là một trong những tiêu chí mà mỗi người công dân trong xã hội phát triển đều có ý thức.

Ví dụ như khi người Việt Nam muốn nghe nhạc thì ngay lập tức sẽ lên mạng, tải các bài hát về và mong muốn dùng miễn phí.

Một ví dụ khác là người tiêu dùng Việt Nam luôn có xu hướng dùng phần mềm miễn phí bằng cách phá mã các phần mềm có bản quyền.

Hoặc muốn xem một bộ phim mới nhất của Hollywood, người tiêu dung cũng lên mạng và tìm kiếm, tải về xem.

Điều này sẽ cản trở sự sang tạo và gây một hình ảnh xấu cho Việt Nam về môi trường kinh doanh và bản thân người tiêu dung cũng thiệt hại là chỉ được thưởng thức và sử dụng các tác phẩm, phần mềm kém chất lượng, bị lỗi, ảnh hưởng lâu dài tới quá trình kinh doanh.

Một lộ trình bảo hộ bản quyền rõ rang sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dung và xã hội, thúc đẩy hoạt động sang tạo.

Câu hỏi: Về phía doanh nghiệp, nếu làm ăn bài bản, họ có cơ hội gì?

Trả lời: Về phía doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp làm ăn bài bản, có nhiều sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, tiến hành bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ thì đương nhiên doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ tận dụng được một cộng đồng của 12 quốc gia chiếm tới 40% GDP toàn cầu, đây là một lợi thế không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam có thể xâm nhập thị trường quốc tế.

Thêm vào nữa, 11 quốc gia trong TPP đều là những quốc gia có nền kinh tế phát triển, pháp luật sở hữu trí tuệ đã có từ lâu đời và tinh thần tuân thủ cao, nếu chúng ta có những sản phẩm tốt, chúng ta sẽ ít bị áp lực về nạn vi phạm bản quyền ở những quốc gia này.

Xin cám ơn ông!