Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong vụ Tân Hiệp Phát

0
432

Trả lời phóng viên Phương Dung, Báo dân trí điện tử, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trao đổi như sau, mời quý vị đón đọc tại đây:

Câu hỏi: Thứ nhất, dưới góc độ pháp lý, việc toà án kết án anh Minh 7 năm tù đúng hay sai? Quy định cụ thể của Điều 135 Bộ luật hình sự là gì?

Trả lời: Dưới góc độ pháp lý, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng toà án tuyên phạt anh Minh 7 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản (Điều 135 Bộ Luật hình sự) là có căn cứ vì lý do sau:

Anh Minh khi phát hiện có con ruồi trong chai nước thì đã có hành vi đe doạ đại diện của Tân Hiệp Phát nhằm chiếm đoạt số tiền 500 triệu đồng để chi tiêu cho cá nhân.

Anh Minh cũng biết có sự tồn tại của ban bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thay vì báo cho cơ quan này thì lại chọn giải pháp là nếu doanh nghiệp không đưa tiền thì sẽ tố cáo với báo chí, phát tờ rơi để nhằm làm mất uy tín của doanh nghiệp.

Nhiều lập luận cho rằng, bản chất của việc thoả thuận giữa anh Minh và doanh nghiệp là thoả thuận dân sự, tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, đây không phải là thoả thuận dân sự, đây là một sự ép buộc và đe doạ nhằm mục đích trục lợi.

Bên cạnh đó, một công dân trong xã hội phải có trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội, không thể vì một cái sai của người khác mà lợi dụng để đạt được lợi ích vất chất.

Sản phẩm bị lỗi là điều không thể tránh khỏi, nếu ai phát hiện sản phẩm lỗi cũng có cách hành xử như anh Minh thì tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, đe doạ nghiêm trọng đến trật tự xã hội.

Việc toà án tuyên anh Minh 7 năm tù cũng là nhẹ hơn đề nghị của Viện kiểm sát vì Toà án đã căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng khoản 2 thay vì khoản 3 Điều 135 Bộ Luật hình sự.

Điều 135 về Tội cưỡng đoạt tài sản có quy định như sau:

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Câu hỏi: Thứ hai, theo anh, bản thân người tiêu dùng khi gặp phải trường hợp như anh Minh nên ứng xử ra sao để có thể vừa đòi quyền lợi cho mình vừa không dính vào vòng lao lý?

Trả lời: Luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dung có quy định nguyên tắc sau:
Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải được thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật.
Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức, cá nhân khác.
Vì vậy, khi người tiêu dung gặp phải trường hợp như anh Minh thì cần phải ứng xử đúng với quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dung, cụ thể như sau:

Người tiêu dùng có thể trực tiếp hoặc thông qua tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tiếp khiếu nại tới doanh nghiệp cung cấp sản xuất hàng hoá dịch vụ, yêu cầu họ giải thích và nếu hàng hoá có lỗi, phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.

Nếu doanh nghiệp không đồng ý, có thể gửi đơn tố cáo, khiếu nại hoặc khởi kiện tới toà án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tuyệt đối tránh trường hợp như anh Minh, có nghĩa là đe doạ doanh nghiệp, nếu không đưa số tiền lớn thì sẽ tố cáo, làm mất uy tín của doanh nghiệp, điều này là xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp, trật tự xã hội mà pháp luật hình sự bảo vệ.

Câu hỏi: Thứ ba, sắp tới đây gia đình anh Minh kháng cáo thì anh dự báo khả năng thành công như thế nào? Có thể nào mức án sẽ được giảm xuống hay không?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật Tố tụng hình sự, nếu vụ án hình sự sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị thì vụ án được xét xử phúc thẩm.

Anh Minh hoàn toan có quyền nộp đơn kháng cáo để đề nghị toà án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án theo hướng tuyên vô tội hoặc giảm nhẹ hình phạt.

Việc có giảm nhẹ hình phạt hay không hay tuyên vô tội là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử sau khi xem xét lại toàn bộ chứng cứ cũng như quá trình xét xử tại phiên toà.

Theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự, toà án cấp phúc thẩm hoàn toàn có quyền giảm nhẹ hình phạt nếu có đủ căn cứ và đúng pháp luật.

Vì vậy, tôi hy vọng, tại phiên toà tới, anh Minh, các luật sư, đại diện viện kiểm sát và hội đồng xét xử sẽ có một phiên xử theo hướng tranh tụng thẳng thắn, đúng pháp luật và bảo đảm quyền lợi của các bên.