Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

0
401

Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, thay thế Nghị định 97/2010/NĐ-CP, là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xác định các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo Nghị định, có 10 nhóm hành vi bị coi là vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. 10 nhóm hành vi vi phạm này được chia thành hai Mục, cụ thể như sau:

MỤC 1. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

– Vi phạm quy định về thủ tục xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp;

– Vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp;

– Vi phạm quy định về đại diện sở hữu công nghiệp;

– Vi phạm quy định về giám định sở hữu công nghiệp;

– Vi phạm quy định về niêm phong, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

MỤC 2. XÂM PHẠM QUYỀN VÀ CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH TRONG LĨNH VỰC SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

– Xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí;

– Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp;

– Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa Iý;

– Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo;

– Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Đối với từng nhóm hành vi vi phạm, Nghị định quy định chi tiết nội dung và mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm. Các vi phạm phải chịu hình thức xử phạt tiền, xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 250.000.000 đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức tăng gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 500.000.000 đồng.