Cẩn trọng khi xử lý các đơn vị tự ý sử dụng nhãn hiệu Apple

0
541

Trong bài viết Cẩn trọng khi xử lý các đơn vị tự ý sử dụng nhãn hiệu Apple đăng trên báo An ninh thủ đô có ý kiến của luật sư Phạm Duy Khương từ SBLAW.

ANTD.VN – Vừa qua, Công ty Võ Trần, đại diện pháp lý của Công ty Apple tại Việt Nam đã gửi văn bản đến một số cửa hàng điện thoại ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội khuyến cáo việc sử dụng một số nhãn hiệu của thương hiệu này.

Cũng theo Công ty Võ Trần, các cửa hàng nhận được thư khuyến cáo đều không phải là đơn vị được ủy quyền của Apple để bán, bảo hành, sửa chữa các sản phẩm của Apple song vẫn sử dụng nhãn hiệu quả táo khuyết, Apple, iPhone, iPad… trên biển hiệu của cửa hàng.

Xử lý của Apple với điểm bán hàng nhái là đúng luật

Liên quan đến sự việc trên, theo Luật sư, Thạc sỹ Phạm Duy Khương, Giám đốc công ty Luật SBLAW, hiện nay, có tình trạng ngoài những sản phẩm chính gốc do Apple sản xuất vào Việt Nam theo con đường chính ngạch và xách tay, thì có nhiều sản phẩm fake (hàng nhái).

Đối với những cửa hàng bán sản phẩm này thì việc xử lý của Apple là đương nhiên và theo đúng luật. Apple có thể thông qua đại diện pháp lý của mình tại Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi trưng bày, quảng cáo xâm phạm quyền của họ theo điều 125, 129 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009.

Tuy nhiên, với các đơn vị đang bán sản phẩm do chính Apple sản xuất (sản phẩm được nhập khẩu song song) nhưng không được phép của Apple sẽ xảy ra những tranh cãi, xung đột về quan điểm giữa vấn đề “được phép” và “không được phép”.

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi và bổ sung 2009, Nghị định 103/2006/NĐ-CP sửa đổi, thông tư số 11/2015/TT-BKHC, các đơn vị dù không được phép của chủ sở hữu quyền vẫn được bán sản phẩm Apple do chính hãng này sản xuất (bao gồm cả sản phẩm xách tay) theo quy định về nhập khẩu song song

Cũng theo Luật sư Phạm Duy Khương, vấn đề nằm ở chỗ, Apple có quyền yêu cầu các đơn vị này chấm dứt sử dụng bất hợp pháp các nhãn hiệu của hãng trên biển hiệu, và trên các giấy tờ kinh doanh, phương tiện kinh doanh không? Thực tiễn xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ cho thấy, đã có đơn vị bị xử lý về xâm phạm quyền do thực hiện các hành vi nêu trên dù thực tế cửa hàng đang kinh doanh mặt hàng đáp ứng quy định về nhập khẩu song song (đa phần là hàng xách tay). Nhưng theo quy định hiện hành, hàng hóa nhập khẩu song song được phép lưu thông trên thị trường trong nước.

Thiếu thận trọng sẽ dẫn đến vượt quyền

Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rõ về hàng hoá nhập khẩu song song. Theo đó, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý không có quyền cấm người khác thực hiện hành vi thuộc các trường hợp: “Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài”.

Như vậy, có thể hiểu, các đơn vị đáp ứng điều kiện về nhập khẩu hàng hoá song song (xách tay) thì vẫn có quyền “lưu thông” sản phẩm này trên thị trường dù có được Apple cho phép hay không. Nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là thế nào là “lưu thông”, và trưng bày để bán có là một hoạt động lưu thông hàng hóa?

Nghị định 103/2006/NĐ-CP nêu rõ, hành vi lưu thông sản phẩm bao gồm cả hành vi bán, trưng bày để bán, vận chuyển sản phẩm. Trưng bày để bán là hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp, bao gồm cả trưng bày trên Internet. Điều 121 của Luật thương mại cũng quy định điều kiện đối với hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu phải là những hàng hoá, dịch vụ kinh doanh hợp pháp trên thị trường, đồng thời phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa và ghi nhãn hàng hoá.

Do đó, người kinh doanh hàng hóa hợp pháp được phép thực hiện quyền trưng bày để bán hàng hóa/dịch vụ của mình theo quy định của Luật thương mại: Thương nhân Việt Nam có quyền trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ; lựa chọn các hình thức trưng bày, giới thiệu phù hợp. Tuy vậy, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định rõ ràng để phân biệt hoạt động quảng cáo thương mại và trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ. Luật không đủ để giải thích rõ.

Do đó, cơ quan có thẩm quyền chỉ có thể xử phạt được hành vi của người nhập khẩu song song nếu có căn cứ rõ ràng để phân biệt hành vi quảng cáo với hành vi trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Nếu chưa có căn cứ rõ ràng, việc xử phạt là khiên cưỡng và mang tính chủ quan. Do đó, Apple muốn cấm việc quảng cáo kinh doanh của các cửa hàng bán sản phẩm chính hãng của Apple nhưng không được phép của hãng tại Việt Nam cần có các bước đi thận trọng, tách biệt, nếu không sẽ vượt quá ranh giới được phép và dẫn đến vượt quyền – Luật sư Phạm Duy Khương bày tỏ quan điểm.

Nguồn: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/can-trong-khi-xu-ly-cac-don-vi-tu-y-su-dung-nhan-hieu-apple/724281.antd