Cảnh báo về phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu

0
542

Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) – thuộc Bộ thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã thông báo khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.

Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW.

-Mới đầu năm, xơ sợi Việt Nam lại dính kiện chống bán phá giá tại Ấn Độ. Ông có đánh giá như thế nào về động thái này, thưa ông?

Trả lời:

Cáo buộc của Hiệp hội sản xuất sợi nhân tạo Ấn Độ cho rằng, sản phẩm sợi VSY nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam bán phá giá vào Ấn Độ là nguyên nhân gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của Ấn Độ, thể hiện ở khâu sản xuất, bán hàng và lợi nhuận, doanh thu, dòng tiền, … Do đó, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) – thuộc Bộ thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã thông báo khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.

Từ tháng 09/2019, Bộ Công Thương đã đưa ra danh sách cảnh bảo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế. Theo danh sách này, xơ sợi Việt Nam được đưa vào diện cảnh báo ở mức 2. Điều này cho thấy các thị trường nhập khẩu nước ngoài đang có biện pháp mạnh để bảo vệ nền sản xuất trong nước, đặc biệt xơ sợi là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của nước ta cũng đang dần là đối tượng bị nhắm đến trong cuộc cạnh tranh thương mại.

-Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thị trường sơ sợi Việt Nam?

Trả lời:

Xơ sợi là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam, thế nhưng kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung bùng nổ thì việc xuất khẩu mặt hàng này đang dần trở nên khó khăn hơn. Việc bị liệt vào các vụ kiện chống bán phá giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiêu thụ xơ sợi tại thị trường nước ngoài, dẫn đến việc tồn đọng hàng hóa trong nước và có thể bị ép bán với giá rẻ.

Tuy nhiên, mặt hàng sợi bị dính kiện chống bán phá giá này là sợi staple – mới chỉ là một trong các nhóm mã sợi chứ chưa phải toàn bộ xơ sợi tại Việt Nam nên các doanh nghiệp kinh doanh nhóm mã sợi khác cũng cần lưu ý và hết sức cẩn thận khi xuất khẩu nhóm này sang thị trường khác.

-Về phía các doanh nghiệp thì cần có sự thay đổi nào trong việc sử dụng cũng như ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian tới, thưa ông?

Trả lời:

Việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và biện pháp chống bán phá giá nói riêng là điều bình thường trong thương mại quốc tế hiện nay. Do đó, doanh nghiệp cần bình tĩnh để xử lý vấn đề. Đồng thời, các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam phải chuẩn bị kỹ lưỡng các sổ sách kế toán, tài chính, các hợp đồng mua bán và các hồ sơ chứng từ khác có liên quan phù hợp với yêu cầu của cơ quan chức năng bên nước nhập khẩu.

Để đối phó với các cuộc điều tra chống bán phá giá trong tương lai, sự thay đổi quan trọng nhất từ phía doanh nghiệp là thay đổi thói quen liên quan đến việc thiết lập hệ thống sổ sách kế toán và tài chính. Cơ quan điều tra của nước nhập khẩu sẽ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp các minh chứng về giá trị thông thường của sản phẩm.

Hệ thống các quy chuẩn số sách, chứng từ tài chính của mỗi quốc gia có thể có sự khác biệt, tuy nhiên cơ quan có thẩm quyền về điều tra chống bán phá giá của nước nhập khẩu sẽ chỉ chấp nhận các quy chuẩn, tiêu chuẩn của họ và không chấp nhận quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam.

Nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả một số nước tại ASEAN, chấp nhận chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), nên doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nên chủ động chuẩn bị các sổ sách báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể cung cấp các thông tin cho cơ quan điều tra một cách đầy đủ và nhanh nhất.

-Nhưng rõ ràng phòng vệ thương mại không chỉ đơn thuần là “cuộc chơi” của mỗi doanh nghiệp riêng lẻ, mà là “cuộc chơi tập thể” hay nói cách khác là chiến lược hay hành động của cả một ngành sản xuất nội địa sản phẩm liên quan, thưa ông?

Trả lời:

Đây là một nhận định hợp lý từ cả góc độ nước tiến hành điều tra chống bán phá giá hay nước bị điều tra chống bán phá giá. Từ góc độ nước tiến hành điều tra chống bán phá giá, thường một vụ việc về điều tra chống bán phá giá sẽ được tiến hành trên cơ sở yêu cầu của ngành sản xuất nội địa.

Do đó, ngành sản xuất trong nước phải thu thập thông tin, phải thuyết phục được cơ quan có thẩm quyền ở trong nước về việc cần thiết phải tiến hành điều tra chống bán phá giá, phải cung cấp đầy đủ các thông tin cho cơ quan có thẩm quyền để họ có thể xác định được thiệt hại của ngành sản xuất đó khi cuộc điều tra chống bán phá giá đã được tiến hành.

Từ góc độ của nước bị điều tra chống bán phá giá, các doanh nghiệp có sản phẩm bị điều tra chống bán phá giá, thông qua hiệp hội ngành hàng của mình, cần phải có sự trao đổi và thống nhất về cách thức đối phó, chia sẻ thông tin cũng những cùng nhau thực hiện các biện pháp đối phó và chia sẻ các chi phí có liên quan…

Theo đó, đối với một việc điều tra chống bán phá giá, một doanh nghiệp đứng riêng lẻ thường sẽ bất lợi ở nhiều khía cạnh. Vì vậy, ngành sản xuất nội địa, khi có chiến lược hay hành động tập thể thì sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

-Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia vào hàng loạt các FTA thế hệ mới, việc né tránh các đợt phòng vệ thương mại là điều gần như không thể. Vậy theo ông, trong bối cảnh hôm nay, các thiết kế của chúng ta nên được thiết kế như thế nào để có thể hạn chế hoặc giảm thiểu được những tác động tiêu cực mà các vụ việc phòng vệ thương mại mang lại?

Trả lời:

Khi tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia cam kết cắt giảm những rào cản thương mại để hàng hóa có thể lưu thông một cách tối đa qua biên giới các nước. Các biện pháp bảo hộ thương mại truyền thống như thuế nhập khẩu sẽ bị loại bỏ. Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ ngành sản xuất của nước nhập khẩu. Các biện PVTM gồm có biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Các biện pháp PVTM hiện nay được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia, bởi mục đích áp dụng là bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại từ hàng hoá nhập khẩu.

Các FTA thế hệ mới của Việt Nam về cơ bản đều xây dựng cơ chế phòng vệ thương mại trên cơ sở các quy định của WTO. Để giảm thiểu những tác động tích cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam nên thực hiện các chính sách để giúp các ngành sản xuất đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu của mình, để tránh sự phụ thuộc vào một hoặc một vài thị trường nào đó.

Đồng thời, Chính phủ nên xây dựng các chuẩn mực kế toán trong nước theo các chuẩn mực quốc tế và khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế.

Cuối cùng, trong trường hợp thấy việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá của nước ngoài là không phù hợp với các quy định của WTO và FTA thế hệ mới, Việt Nam nên chủ động sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO hoặc của FTA thế hệ mới đó để bảo vệ cho quyền lợi của ngành sản xuất ở trong nước.