Con dấu của doanh nghiệp được quy định khá đầy đủ tại Luật Doanh nghiệp 2005. Ý nghĩa của quy định này là gì ?

0
322

Thực tế tranh chấp con dấu của doanh nghiệp trong nội bộ doanh nghiệp đã xảy ra và đã có trường hợp bị cơ quan công an khởi tố về tội danh chiếm đoạt trái phép con dấu. Vì vậy, Luật Doanh nghiệp 2005 dành hẳn Điều 36 để quy định cụ thể về con dấu nhằm làm rõ giá trị pháp lý của con dấu của doanh nghiệp và giúp cho xã hội nhận thức đúng, tránh những hành vi xử lý con dấu gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo Luật Doanh nghiệp 2005 thì con dấu là tài sản của doanh nghiệp (không giống như con dấu của cơ quan công quyền) và trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, doanh nghiệp có thể có con dấu thứ hai. Quy định này nhằm đáp ứng cho thói quen sử dụng con dấu tại Việt Nam.

Một số nước trên thế giới cho phép doanh nghiệp tự thiết kế con dấu và đăng ký với cơ quan công quyền để làm dấu hiệu nhận dạng riêng không trùng lặp với doanh nghiệp khác, còn chữ ký mới là dấu hiệu quan trọng nhất để nhận dạng người giao dịch đúng thẩm quyền.

 Tình huống: Năm 2001, một công ty ở tỉnh H, do có nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất nên cử một số cán bộ chuyên môn sang Nhật để tìm hiểu và mua dây chuyền sản xuất mới để tăng năng suất lao động. Ở Nhật, công ty này đã tìm được đối tác có dây chuyền sản xuất hiện đại. Khi hai bên ký kết hợp đồng liên doanh thì một sự kiện bất ngờ xảy ra liên quan đến con dấu của phía Nhật. Bên Việt Nam đã ký tên, đóng dấu theo đúng với quy định của pháp luật, dấu tròn 36 ly mực đỏ do cơ quan công an cấp. Nhưng phía Nhật Bản lại không đóng dấu tròn 36 ly giống như phía Việt Nam mà con dấu của họ cũng tròn nhưng nhỏ hơn 36 ly rất nhiều, mực dấu lại là mầu tím than.

Khi hợp đồng được mang đến cơ quan nhà nước Việt Nam chứng thực, rắc rối đã xảy ra. Cán bộ ta quá ngỡ ngàng khi thấy con dấu của công ty Nhật không phải là mực đỏ, không phải hình tròn 36 ly như Việt Nam mà chỉ nhỏ như đầu ngón tay, hoa văn loằng ngoằng. Mặc dù phía Nhật giải thích rõ cho cán bộ cơ quan nhà nước Việt Nam biết rằng dấu của họ do họ tự nghĩ ra, hình thù, màu sắc, mực in ra sao là do họ tự quyết định và dấu này chỉ có ý nghĩa phân biệt công ty họ với công ty khác, chính quyền Nhật không can thiệp vào chuyện này. Nhưng cán bộ của Việt Nam vẫn sợ không dám đóng dấu chứng thực hợp đồng và yêu công ty Nhật Bản phải đến cơ quan sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam xin xác nhận con dấu. Đại sứ quán Nhật Bản trả lời là họ không thể thực hiện được việc này. Thế là công ty Nhật Bản lại được yêu cầu xin giấy xác nhận con dấu của chính quyền Nhật Bản. Phía Nhật Bản thấy vậy liền chấm dứt hợp đồng liên doanh với phía Việt Nam vì họ nghĩ có mỗi chuyện con dấu mà còn rắc rối thế thì sau này làm ăn ở đây chắc là gặp rất nhiều khó khăn. Thế là chỉ vì chuyện con dấu mà doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thiệt hại.

Con dấu của doanh nghiệp chỉ là một dấu hiệu nhận dạng doanh nghiệp để phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác; nhưng lâu nay người ta vẫn lầm lẫn cho nó là một biểu hiện pháp lý của doanh nghiệp. Thực tế là con dấu chỉ có tính xác thực chứ không có ý nghĩa pháp lý. Con dấu rất dễ bị làm giả và xét về tính xác thực thì nó là loại xác thực kém nhất nếu so với chữ ký, vân tay, con ngươi, ADN.

 Theo Luật gia:Cao Bá Khoát và Luật sư: Trần Hữu Huỳnh.