ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ TRỌNG TÀI TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP – CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN VÀ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI

0
2229

SBLAW giới thiệu đề tài khoa học cấp cơ sở  ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ TRỌNG TÀI TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP – CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN VÀ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI.

Đây là đề tài do các giảng viên cơ hữu của Học viện tư pháp xây dựng và luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW là phản biện 1.

 

 

ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ

Mã số: ĐTKH.   /2017

 

 

ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ TRỌNG TÀI TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP – CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN VÀ

GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI

                             Chủ nhiệm: ThS. Nguyễn Thu Hồng

                                    Khoa Đào tạo Công chứng viên và CCDTPK

 

 

 

HÀ NỘI, THÁNG 12 NĂM 2017

DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI THAM GIA THỰC HIỆN ĐỀ TÀI

 

  1. Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thị Thu Hồng – Trưởng Bộ môn đào tạo nghiệp vụ Đấu giá, Khoa Đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác.
  2. Thư ký đề tài: ThS.Lại Thị Bích Ngà – Trưởng Bộ môn đào tạo nghiệp vụ Công chứng, Khoa đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác
  3. Thành viên tham gia thực hiện chính:

– ThS Nguyễn Thị Tú Anh – Phó Trưởng phòng quản lý bán đấu giá tài sản – Trọng tài thương mại, Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp.

– TS. Đồng Thị Kim Thoa – Phó Giám đốc Trung tâm liên kết đào tạo Luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp.

– ThS Phạm Thị Thúy Hồng – Phó trưởng Khoa, Phụ trách Khoa đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác, Học viện Tư pháp.

– ThS Nguyễn Thị Thu Hồng – Trưởng Bộ môn đào tạo nghiệp vụ Đấu giá – Khoa đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác, Học viện Tư pháp.

– ThS Lại Thị Bích Ngà – Trưởng Bộ môn đào tạo nghiệp vụ Công chứng – Khoa đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác, Học viện Tư pháp.

– ThS Trần Minh Tiến – Trưởng Phòng Đào tạo và Công tác học viên, Học viện Tư pháp.

– ThS Cao Thị Kim Trinh – Trưởng bộ môn đào tạo nghề Thừa phát lại – Khoa Đào tạo Các chức danh thi hành án dân sự.

Ngoài các thành viên tham gia thực hiện chính nêu trên, công trình nghiên cứu này còn có sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức/đơn vị: Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.

 

MỤC LỤC

  Trang
A. MỞ ĐẦU
1.  Tính cấp thiết của đề tài 6
2.  Tình hình nghiên cứu của đề tài 8
3.  Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài 8
4.  Phạm vi nghiên cứu của đề tài 9
5. Phương pháp nghiên cứu 9
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn, tính ứng dụng của kết quả nghiên cứu đề tài 10
7. Kết cấu đề tài

Kết luận

10
B. NỘI DUNG BÁO CÁO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
Chương 1: Cơ sở lý luận, thực tiễn và những thuận lợi, khó khăn đối với Học viện Tư pháp trong việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài 12
1.1. Cơ sở lý luận của việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp 12
1.2. Cơ sở thực tiễn của việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp 18
1.3. Thuận lợi, khó khăn đối với Học viện Tư pháp trong việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài 25
Chương 2: Kinh nghiệm đào tạo nghiệp vụ trọng tài và định hướng xây dựng nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp 30
2.1. Kinh nghiệm đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Việt Nam một số nước trên thế giới – bài học vận dụng cho Học viện Tư pháp. 30
2.2. Định hướng xây dựng nội dung Chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp 43
Chương 3: Điều kiện đảm bảo để tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp 55
3.1. Xây dựng chương trình đào tạo 55
3.2. Xây dựng đội ngũ giảng viên 57
3.3. Xây dựng giáo trình, tài liệu, hồ sơ tình huống; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học 61
3.4. Phương pháp đào tạo 63
3.5. Công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo 68
3.6. Các giải pháp hỗ trợ khác 69
C. PHẦN CÁC CHUYÊN ĐỀ 70
Chuyên đề 1: Bối cảnh, điều kiện và cơ sở của việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp

(ThS Nguyễn Thị Tú Anh)

71
Chuyên đề 2: Kinh nghiệm đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Việt Nam và một số nước trên thế giới – bài học vận dụng cho Học viện Tư pháp

(TS Đồng Thị Kim Thoa)

84
Chuyên đề 3: Định hướng xây dựng nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp

(ThS Trần Minh Tiến)

102
Chuyên đề 4: Phương pháp đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp (ThS Phạm Thị Thúy Hồng – ThS Lại Thị Bích Ngà) 114
Chuyên đề 5: Tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp – Cơ hội, thách thức và điều kiện đảm bảo thực hiện

(ThS.Nguyễn Thị Thu Hồng – ThS. Cao Thị Kim Trinh)

126
PHỤ LỤC CỦA BÁO CÁO TỔNG THUẬT
PHỤ LỤC I: Dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, các Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023” 148
PHỤ LỤC II: Danh sách trung tâm trọng tài và số lượng trọng tài viên của cả nước (đến ngày 31/8/2017) 163
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 166

 

 

 BÁO CÁO TỔNG THUẬT

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
A. PHẦN 1: MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam là phương thức giải quyết tranh chấp hiện đang được chú trọng. Ngoài Luật trọng tài thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày càng có nhiều văn bản pháp luật ở nhiều ngành lĩnh vực khác nhau quy định việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như: Luật đầu tư năm 2014 (Điều 14), Luật doanh nghiệp 2014 (Điều 63, Điều 147), Luật thương mại 2005 (Điều 317), Luật hàng hải 2015 (Điều 5, Điều 131, Điều 141, Điều 287, Điều 338, Điều 339), Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 (Điều 30, Điều 38, Điều 39). Khoản 1 Điều 14 Bộ luật dân sự 2015 đã bổ sung quy định làm rõ vai trò, thẩm quyền của trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong thời gian qua cho thấy, trong 04 năm, từ năm 2011 đến 31/12/2015, các Trung tâm trọng tài đã thụ lý 1.831 vụ việc và đã ban hành 1.549 phán quyết trọng tài[1]. Trong thời gian trước đó, từ năm 2004 đến năm 2009, các Trung tâm trọng tài đã giải quyết được 282 vụ việc [2]. Như vậy, số lượng phán quyết trọng tài thời gian gần đây đã tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại thì còn số này vẫn ở mức khiêm tốn, chưa giảm tải công tác xét xử cho tòa án. Số lượng tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài trong những năm qua chỉ chiếm khoảng 1% số vụ tranh chấp kinh tế mà tòa án hàng năm phải giải quyết[3].

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp tính đến ngày 31/8/2017, cả nước có 480 trọng tài viên. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tư pháp thì chất lượng đội ngũ trọng tài viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập. Một số trọng tài viên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức thương mại quốc tế; yếu về kỹ năng nghề nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp[4].Theo quy định của pháp luật hiện hành (Điều 20 Luật trọng tài thương mại), người được làm trọng tài viên không buộc phải qua khóa đào tạo nghiệp vụ. Mặt khác, đa số trọng tài viên ở nước ta đang hoạt động kiêm nhiệm, họ thường có một công việc ổn định khác để sinh sống (trọng tài viên có thể là công chức, viên chức, luật sư, kế toán, kỹ sư,…)[5] nên chưa thực sự chuyên tâm, chưa dành nhiều thời gian cho việc tham gia trọng tài. Một số trọng tài viên chưa được trang bị kiến thức pháp lý cơ bản, lúng túng trong quá trình tố tụng trọng tài, yếu về kỹ năng giải quyết tranh chấp, hành nghề, nhất là các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế. Trong khi đó, quá trình giải quyết tranh chấp trọng tài khá phức tạp bao gồm giai đoạn tiền xét xử, xét xử và ban hành phán quyết trọng tài. Trọng tài viên phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự tố tụng trọng tài, bởi nếu vi phạm trình tự tố tụng này thì phán quyết trong tài có nguy cơ bị tòa án tuyên hủy theo Điều 68 Luật trọng tài thương mại. Do vậy, để có thể chủ động trong quá trình tố tụng trọng tài, ngoài việc nắm vững kiến thức pháp luật, trọng tài viên cần được trang bị nhiều kỹ năng giải quyết tranh chấp như kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xác minh, thu thập chứng cứ và mời giám định; kỹ năng hòa giải trong tố tụng trọng tài (hướng dẫn các bên tự thương lượng và kỹ năng tiến hành hòa giải khi được các bên yêu cầu); kỹ năng tổ chức phiên họp, giải quyết yêu cầu hoãn, vắng mặt và thẩm vấn của trọng tài; kỹ năng soạn thảo phán quyết trọng tài đảm bảo về pháp lý và dễ thi hành; kỹ năng sửa chữa, giải thích phán quyết trọng tài (trên thực tế có những phán quyết trọng tài ban hành không rõ ràng, dẫn đến rất khó thi hành), v.v… Điều này đặt ra nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên trong suốt quá trình hành nghề nhằm không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giải quyết tranh chấp.

Trong những năm qua, Bộ Tư pháp và một số Trung tâm trọng tài đã tiến hành việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho trọng tài viên nhưng chủ yếu thực hiện dưới các hình thức như tọa đàm, hội thảo. Các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cũng không được tổ chức thường xuyên, đồng bộ, chuyên nghiệp. Điều này đặt ra nhiệm vụ tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ trọng tài viên có chất lượng, có đủ khả năng cạnh tranh quốc tế, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới để họ thực sự là những “thẩm phán tư” giải quyết nhanh chóng các tranh chấp kinh tế, thương mại, đầu tư, cho người dân, doanh nghiệp. Và đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên nước ta được nêu tại Dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, các Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023”.

Để nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp theo nhiệm vụ do cơ quan có thẩm quyền giao/hoặc theo nhu cầu thực tế của các trung tâm trọng tài, các trọng tài viên, Học viện Tư pháp đã giao cho Khoa Đào tạo Công chứng viên và các chức danh khác thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: “Đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp – Cơ sở lý luận, thực tiễn và giải pháp triển khai”.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Từ khi Luật trọng tài thương mại 2010 được ban hành và có hiệu lực cho đến nay, chưa có công trình khoa học nào trong và ngoài Học viện Tư pháp nghiên cứu một cách tổng thể về việc đào tạo trọng tài viên tại Việt Nam. Có một số bài báo cáo, tham luận,…song các bài viết này chỉ đề cập đến yêu cầu đào tạo nghiệp vụ trọng tài dưới khía cạnh là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ trọng tài viên phục vụ công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế của nước ta.

Đề tài Đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp – Cơ sở lý luận, thực tiễn và giải pháp triển khai là công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên tại Học viện Tư pháp nghiên cứu chuyên sâu về đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp cơ sở.

3. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục tiêu nghiên cứu:

– Làm sáng tỏ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài cho những người là nguồn công nhận trọng tài viên, những người đã trở thành trọng tài viên nhưng cần được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ trọng tài để đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ hoạt động trọng tài trong thực tiễn hành nghề.

– Có được những đề xuất giải pháp và luận cứ khoa học kèm theo về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài sẽ được thực hiện bởi Học viện Tư pháp theo nhiệm vụ do cơ quan có thẩm quyền giao hoặc theo nhu cầu thực tế của các trung tâm trọng tài, trọng tài viên.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu:

Để đạt được mục tiêu nêu trên, đề tài giải quyết các nhiệm vụ sau:

Ngoài việc nghiên cứu Đánh giá thực trạng: Hoạt động trọng tài và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài ở Việt Nam hiện nay, Đề tài dự kiến nghiên cứu các nội dung sau đây:

  1. 1. Bối cảnh, điều kiện và cơ sở của việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp;
  2. 2. Kinh nghiệm đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Việt Nam và một số nước trên thế giới – bài học vận dụng cho Học viện Tư pháp;
  3. 3. Định hướng xây dựng nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp;
  4. 4. Phương pháp đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp;
  5. Tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp – Cơ hội, thách thức và điều kiện đảm bảo thực hiện.

4. Phạm vi nghiên cứu

Chủ nhiệm Đề tài và các thành viên tham gia xác định phạm vi nghiên cứu đề tài phù hợp với khuôn khổ của công trình khoa học cấp cơ sở cũng như yêu cầu và điều kiện thực tế thực hiện của nhóm nghiên cứu, cụ thể bao gồm các nội dung chính sau: (1) Cơ sở lý luận, thực tiễn của việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài; (2) Thực trạng hoạt động trọng tài, đội ngũ trọng tài viên thực trạng đào tạo, bồi dưỡng trong tài viên, (3) Định hướng giải pháp đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp phục vụ cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Để phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp, các giải pháp tập trung vào việc định hướng xây dựng nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài và điều kiện bảo đảm thực hiện việc tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp.

5. Phương pháp nghiên cứu

Cơ sở lý luận của đề tài được tiếp cận dựa trên quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong đó có hoạt động bổ trợ tư pháp, xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động trọng tài thương mại.

Phương pháp nghiên cứu chính của đề tài dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sử dụng những phương pháp nghiên cứu khoa học truyền thống và hiện đại, như phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh, điều tra xã hội học.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn, tính ứng dụng của kết quả nghiên cứu đề tài

– Đề tài tập trung nghiên cứu, luận giải và làm sáng tỏ yêu cầu tất yếu phải đào tạo nghiệp vụ trọng tài cho đội ngũ trọng tài viên phục vụ công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế và giải pháp tổ chức thực hiện.

– Đề tài là công trình đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về đào tạo nghiệp vụ trọng tài cho đội ngũ trọng tài viên. Kết quả nghiên cứu của đề tài còn góp phần định hướng vào việc xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu, hồ sơ tình huống để nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp. Kết quả nghiên cứu của đề tài gồm các luận cứ khoa học và giải pháp đề xuất có thể trực tiếp được ứng dụng, sẽ góp phần tác động đến việc thay đổi tư duy, cách thức hành động trong đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp trong thời gian tới theo nhiệm vụ do cơ quan có thẩm quyền giao hoặc theo nhu cầu thực tế của các trung tâm trọng tài, trọng tài viên; đồng thời cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước, các trung tâm trọng tài và trọng tài viên cũng như các tổ chức, cá nhân khác quan tâm đến lĩnh vực hoạt động trọng tài thương mại.

7. Kết cấu sản phẩm của Đề tài

Trong thời gian thực hiện Đề tài (từ tháng 02/2017 đến tháng 11/2017), Chủ nhiệm Đề tài và các thành viên tham gia đã tiến hành các hoạt động cụ thể sau:

– Nghiên cứu tổng quan về đề tài;

– Thu thập tài liệu, dữ liệu và phân tích, đánh giá để xác định các nội dung nghiên cứu chi tiết; xây dựng đề cương các chuyên đề nghiên cứu chính;

– Nghiên cứu thực hiện các chuyên đề;

– Xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu;

– Tổng kết, đánh giá và chỉnh sửa, hoàn thiện sản phẩm của đề tài để nghiệm thu theo quy định của Học viện Tư pháp.

Kết quả các hoạt động nêu trên đều được tích hợp đầy đủ trong Báo cáo tổng thuật kết quả của Đề tài. Báo cáo tổng thuật kết quả nghiên cứu Đề tài gồm ba phần chính:

Chương 1: Cơ sở lý luận, thực tiễn và và những thuận lợi, khó khăn đối với Học viện Tư pháp trong việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài.

Chương 2: Kinh nghiệm đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Việt Nam và một số nước trên thế giới và định hướng xây dựng nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp.

Chương 3: Điều kiện đảm bảo để tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp

B. NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN VÀ NHỮNG                             THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN ĐỐI VỚI HỌC VIỆN TƯ PHÁP                     TRONG VIỆC ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ TRỌNG TÀI

 1.1. Cơ sở lý luận của việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp

Việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp dựa trên những cơ sở lý luận sau đây:

Một là, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước

* Quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với phát triển trọng tài thương mại

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là một trong những phương thức được Đảng và Nhà nước ta khuyến khích phát triển từ nhiều năm qua. Trọng tài thương mại phát triển, một mặt sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, đáp ứng tối đa quyền định đoạt, bảo đảm uy tín, bí mật của các bên tranh chấp, mặt khác, giúp giảm tải khối lượng công việc của Tòa án, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, từ đó góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Từ nhiều năm qua, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản pháp luật, trong đó, nhấn mạnh việc chú trọng phát triển phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nhằm rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế, thương mại, cụ thể như:

– Nghị quyết số 48 – NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã định hướng“Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế (trọng tài, hoà giải) phù hợp với tập quán thương mại quốc tế. Tham gia các điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp, nhất là các điều ước liên quan tới việc công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của toà án, quyết định trọng tài thương mại”;

– Nghị quyết 49 – NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”;

– Nghị quyết số 09 – NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng chỉ đạo việc“khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”;

– Nghị quyết số 10 – NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã chỉ rõ nhiệm vụ trong những năm tới: “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế giải quyết tranh chấp kinh tế, dân sự, trọng tâm là các hoạt động thương lượng, hoà giải, trọng tài thương mại và toà án nhân dân các cấp, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp”;

– Nghị quyết số 19 – 2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, trong đó có đặt mục tiêu “giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 300 ngày”;

– Nghị quyết 98/NQ – CP ngày 3/10/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10 – NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng “Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi hợp đồng và giải quyết tranh chấp” trình Chính phủ vào quý IV năm 2018; đồng thời phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, “đề xuất giải pháp rút ngắn thời gian giải quyết các vụ án dân sự và kinh doanh thương mại”.

– Ngày 17/6/2010, Luật trọng tài thương mại được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2011. Luật trọng tài thương mại được ban hành với nhiều quy định mới phù hợp với Luật mẫu của Liên hợp quốc về trọng tài (UNCITRAL Model Law), thông lệ quốc tế về trọng tài thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại ở Việt Nam. Triển khai thi hành Luật trọng tài thương mại, ngày 28/7/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2011/NĐ – CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật trọng tài thương mại. Ngày 7/11/2012, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 12/2012/TT-BTP ban hành một số biểu mẫu về tổ chức và hoạt động trọng tài thương mại. Ngày 3/5/2014, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành quy định Luật trọng tài thương mại. Liên quan đến việc thi hành phán quyết trọng tài, Luật thi hành án dân sự năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2014 đã thống nhất trình tự, thủ tục thi hành bản án của Tòa án và phán quyết trọng tài, theo đó việc thi hành phán quyết trọng tài sẽ được thực hiện như thi hành bản án của tòa án, không có bất kỳ phân biệt hoặc ưu tiên trong việc thi hành bản án và phán quyết trọng tài. Điều này cũng góp phần nâng cao hiệu quả của phương thức trọng tài, xóa bỏ quan niệm rằng phán quyết trọng tài có hiệu lực thi hành thấp hoặc không có khả năng thi hành như bản án của tòa án. Những văn bản này đã tạo nên hành lang pháp lý khá đồng bộ để thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển, đồng thời cũng nâng cao vị thế của trọng tài viên.

* Quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp

Yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp nói chung, trọng tài viên nói riêng đã được định hướng từ Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo đó cần “Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ; tiến tới thực hiện chế độ thi tuyển đối với một số chức danh”; “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cử nhân luật, đào tạo cán bộ nguồn của các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp; bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Hai là, vị trí, vai trò của trọng tài thương mại và trọng tài viên

Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực ngày càng sâu rộng của Việt Nam, rủi ro tranh chấp thương mại có xu hướng ngày càng gia tăng là điều khó tránh khỏi. Trên thế giới, có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp thương mại nhưng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ngày càng được các bên tranh chấp ưu tiên lựa chọn, nhất là đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp được hình thành trên cơ sở thỏa thuận của các bên tranh chấp, theo đó, các bên tự nguyện đưa tranh chấp ra một Hội đồng trọng tài có thể gồm một hoặc nhiều trọng tài viên tùy thuộc vào lựa chọn và quyết định của các bên theo một trình tự, thủ tục tố tụng nhất định. Phán quyết của Hội đồng trọng tài là phán quyết cuối cùng và có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên[6]. Phán quyết trọng tài không những được thi hành trong nước mà còn được thi hành cả ở nước ngoài theo Công ước về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài năm 1958 (Công ước New York 1958) đã được 157 quốc gia đã phê chuẩn. Lựa chọn trọng tài, các bên được lựa chọn trọng tài viên, luật áp dụng, thời gian, địa điểm phù hợp để tiến hành phiên họp trọng tài. Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đảm bảo tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, xét xử không công khai, đảm bảo bí mật riêng, do vậy không ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh của các bên tranh chấp. Trọng tài viên được coi là “thẩm phán tư” không đại diện cho quyền tư pháp của Nhà nước, vì vậy trọng tài rất phù hợp đối với các tranh chấp mang tính quốc tế giữa các bên mang quốc tịch khác nhau, đặc biệt trong xu thế đầu tư quốc tế và hội nhập toàn cầu như hiện nay. Vì lẽ đó, ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước có nền kinh tế phát triển thì hoạt động trọng tài thương mại được nhà nước đặc biệt quan tâm, hỗ trợ phát triển và trở thành phương thức giải quyết tranh chấp được ưu tiên lựa chọn, ví dụ như như Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, HongKong, Malaysia….

Trong thời gian qua, có thể thấy, vị trí của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam ngày càng được chú trọng. Ngoài Luật trọng tài thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày càng có nhiều văn bản pháp luật ở nhiều ngành lĩnh vực khác nhau quy định việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như: Luật đầu tư năm 2014 (Điều 14), Luật doanh nghiệp 2014 (Điều 63, Điều 147), Luật thương mại 2005 (Điều 317), Luật hàng hải 2015 (Điều 5, Điều 131, Điều 141, Điều 287, Điều 338, Điều 339), Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 (Điều 30, Điều 38, Điều 39). Đặc biệt, Bộ luật dân sự 2015 (khoản 1 Điều 14) đã bổ sung quy định làm rõ vai trò, thẩm quyền của trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp. Do vậy, Việt Nam cần phải đẩy mạnh, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trọng tài nói chung, chất lượng đội ngũ trọng tài viên nói riêng, chất lượng phán quyết trọng tài để trọng tài để có thể đáp ứng được nhu cầu giải quyết tranh chấp trong nước và tranh chấp có yếu tố nước ngoài trong bối cảnh những tranh chấp này ngày càng tăng về số lượng, tính phức tạp và giá trị tranh chấp.

Trong các chức danh tư pháp, trọng tài viên thuộc nhóm chức danh bổ trợ tư pháp. Nghị định số 96/2017/NĐ – CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp (có hiệu lực từ 16/8/2017) đã quy định các nghề bổ trợ tư pháp bao gồm: luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, thừa phát lại, quản tài viên. Trọng tài thương mại cũng như các nghề bổ trợ tư pháp khác có vị trí quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của hoạt động tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án), là công cụ không thể thiếu để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan tiến hành tố tụng đối với việc bảo đảm công lí, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo tinh thần của Hiến pháp, thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 – NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị.

Để nâng cao chất lượng hoạt động trọng tài, Điều 20 Luật trọng tài thương mại quy định điều kiện trở thành trọng tài viên, theo đó trọng tài viên phải là những người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự; có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành học từ 5 năm trở lên. Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu trên cũng có thể trở thành trọng tài viên. Trung tâm trọng tài có thể quy định các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn luật định. Như vậy, Luật trọng tài thương mại đã nâng cao điều kiện trở thành trọng tài viên nhằm tạo điều kiện cho các Trung tâm tuyển chọn được đội ngũ trọng tài viên có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kinh nghiệm, uy tín để giải quyết tranh chấp, qua đó nâng cao chất lượng xét xử của trọng tài viên, đồng thời, đảm bảo phù hợp với đặc thù của hoạt động trọng tài thương mại bao gồm các tranh chấp đa dạng và chuyên sâu như mua bán hàng hóa, xây dựng, sở hữu trí tuệ, lao động, phân phối, đại lý và trung gian, bảo hiểm thương mại, đầu tư nước ngoài, tranh chấp hàng hải, tín dụng và thanh toán quốc tế, bảo vệ người tiêu dùng…cần có những trọng tài viên là chuyên gia đầu ngành, am hiểu và có kiến thức sâu để giải quyết các tranh chấp.

Vai trò của trọng tài viên còn được nâng lên ở việc quy định về quyền và nghĩa vụ của trọng tài viên. Theo quy định tại Điều 21 Luật trọng tài thương mại, trọng tài viên có nhiều quyền và nghĩa vụ quan trọng trong quá trình tố tụng. Do đó, ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật về trọng tài thương mại, pháp luật liên quan đến lĩnh vực giải quyết tranh chấp còn phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt phải độc lập và giữ bí mật trong quá trình tiến hành tố tụng trọng tài. Điều này đòi hỏi trọng tài viên phải được đào tạo, am hiểu về quy tắc đạo đức nghề nghiệp, pháp luật về trọng tài để không vi phạm trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Ba là, định hướng nâng cao chất lượng đội ngũ trọng tài viên

Xuất phát từ đường lối, chủ trương chính sách của Đảng về định hướng phát triển trọng tài thương mại, về yêu cầu đối với công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp nói chung và đào tạo nghiệp vụ trọng tài nói riêng; từ thực trạng hoạt động trọng tài và chất lượng đội ngũ trọng tài viên, ngày 08/11/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, trong đó xác định nhiệm vụ của Học viện Tư pháp trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 là phải: “…Tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên, Đấu giá viên, Trọng tài viên, Trợ giúp viên pháp lý, Thẩm tra viên thi hành án dân sự, Thư ký thi hành án dân sự và các chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp[7].

Năm 2017, Thủ tướng Chính đã phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, các Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023”. Theo kế hoạch, Đề án sẽ được trình Chính phủ trước tháng 12/2017 để phê duyệt. Mặc dù còn nhiều ý kiến, quan điểm của các chuyên gia tham gia xây dựng Đề án về vấn đề đào tạo trọng tài viên (đào tạo theo nhu cầu) tại Việt Nam nhưng theo Dự thảo Đề án, việc đào tạo kỹ năng nghiệp vụ cho trọng tài viên là một trong những giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ trọng tài viên (Mục III.2 của Dự thảo Đề án). Tại cuộc họp ngày 15/11/2107, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã kết luận chính thức về việc cần thiết phải đào tạo kỹ năng hành nghề cho trọng tài viên.

1.2. Cơ sở thực tiễn của việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp

Một là, chức năng đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên của Học viện Tư pháp

Theo Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg ngày 25/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Học viện Tư pháp thì Học viện Tư pháp là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu hình quốc huy, có tài khoản riêng, có trụ sở tại thành phố Hà Nội và Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Điều 3 Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg, Học viện Tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn:

– Đào tạo nghiệp vụ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên và các chức danh tư pháp khác;

– Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho chấp hành viên, công chứng viên, luật sư và cán bộ có chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp;

– Nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp;

– Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong việc đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học;

– Tùy theo yêu cầu và đòi hỏi của thực tế, Học viện Tư pháp có thể được cơ quan có thẩm quyền giao thêm nhiệm vụ mới.

Như vậy, ngoài các chức danh tư pháp đã được ghi rõ trong Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg, Học viện Tư pháp còn có thẩm quyền đào tạo, bồi dưỡng một số chức danh khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp và tùy theo yêu cầu và đòi hỏi của thực tế, Học viện Tư pháp có thể được cơ quan có thẩm quyền giao thêm nhiệm vụ mới. Theo quy định tại Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp thì các nghề bổ trợ tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp bao gồm: luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, thừa phát lại, quản tài viên. Như vậy, trọng tài thương mại thuộc nhóm nghề bổ trợ tư pháp nên việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trọng tài viên được giao cho Học viện Tư pháp thực hiện là hoàn toàn có cơ sở.

Bên cạnh đó, Học viện Tư pháp đang triển khai Quyết định số 2083/QĐ – TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, theo đó, mục tiêu của giai đoạn 2016 – 2020, Học viện Tư pháp có nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, trong đó có trọng tài viên. Vì vậy, đây là cơ sở và thời điểm thuận lợi để Học viện Tư pháp xây dựng và triển khai chương trình đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ trọng tài viên.

Hai là, thực trạng số lượng, chất lượng đội ngũ trọng tài viên

Về số lượng trọng tài viên, trung tâm trọng tài, theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp tính đến ngày 31/8/2017, cả nước có 480 trọng tài viên và 21 Trung tâm trọng tài thương mại. So với thời điểm trước khi Luật trọng tài thương mại có hiệu lực, số lượng trọng tài viên và Trung tâm trọng tài đã tăng lên rõ rệt (năm 2009 cả nước có 212 trọng tài viên và 7 Trung tâm trọng tài)[8].

Về chất lượng đội ngũ trọng tài viên, theo đánh giá của Bộ Tư pháp thì chất lượng đội ngũ trọng tài viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập. Một số trọng tài viên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức thương mại quốc tế; yếu về kỹ năng nghề nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp[9]. Theo đánh giá của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội thì Một số Trọng tài viên chưa thực sự giỏi về trình độ chuyên môn, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, một số Trọng tài viên chưa được trang bị kiến thức pháp lý cơ bản, thiếu kiến thức về thương mại quốc tế và lúng túng trong quá trình tố tụng trọng tài...[10]. Theo đánh giá từ phía Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thì “do không tham gia thường xuyên các vụ việc nên ở một số Hội đồng trọng tài kĩ năng thực hành tố tụng chưa thực sự có tính chuyên nghiệp, cần nâng cao hơn. Vấn đề này, yêu cầu Bộ Tư pháp – cơ quan quản lí Nhà nước về Trọng tài nên nghiên cứu, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo và cấp chứng chỉ cho các trọng tài viên về kiến thức pháp luật Tố tụng trọng tài[11].

Có thể thấy, đa số trọng tài viên ở nước ta đang hoạt động kiêm nhiệm, họ thường có một công việc ổn định khác để sinh sống (Trọng tài viên có thể là công chức, viên chức, luật sư, kế toán, kỹ sư,…)[12] nên chưa thực sự chuyên tâm, chưa dành nhiều thời gian cho việc tham gia trọng tài. Trọng tài viên thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau và một số chưa được trang bị kiến thức pháp lý cơ bản, thiếu kiến thức về pháp luật thương mại quốc tế và lúng túng trong quá trình tố tụng trọng tài, yếu về kỹ năng giải quyết tranh chấp, hành nghề nhất là các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế; số trọng tài viên thông thạo ngoại ngữ, kỹ năng tranh tụng để có thể tham gia tranh tụng tại các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế, các tranh chấp có yếu tố nước ngoài còn rất ít. Một số trọng tài viên còn chưa tích cực trong việc tự học tập, cập nhật kiến thức pháp luật để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành nghề.

Trong khi đó, quá trình giải quyết tranh chấp trọng tài khá phức tạp bao gồm giai đoạn tiền xét xử, xét xử và ban hành phán quyết trọng tài. Trọng tài viên phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự tố tụng trọng tài, bởi lẽ nếu vi phạm trình tự tố tụng này thì phán quyết trong tài có nguy cơ bị tòa án tuyên hủy theo Điều 68 Luật trọng tài thương mại.

Để có thể chủ động trong quá trình tố tụng trọng tài, ngoài việc nắm vững kiến thức pháp luật, trọng tài viên cần được trang bị nhiều kỹ năng giải quyết tranh chấp như kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xác minh, thu thập chứng cứ và mời giám định; kỹ năng hòa giải trong tố tụng trọng tài (hướng dẫn các bên tự thương lượng và kỹ năng tiến hành hòa giải khi được các bên yêu cầu); kỹ năng tổ chức phiên họp, giải quyết yêu cầu hoãn, vắng mặt và thẩm vấn của trọng tài; kỹ năng soạn thảo phán quyết trọng tài đảm bảo về pháp lý và dễ thi hành; kỹ năng sửa chữa, giải thích phán quyết trọng tài (trên thực tế có những phán quyết trọng tài ban hành không rõ ràng, dẫn đến rất khó thi hành), v.v… Điều này đặt ra nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên trong suốt quá trình hành nghề nhằm không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giải quyết tranh chấp.                                                                       

Do vậy, tại Báo cáo sơ kết 4 năm thi hành Luật trọng tài thương mại số 74/BC-BTP ngày 08/4/2016 của Bộ Tư pháp đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trọng tài thương mại, trong đó chú trọng giải pháp tăng cường năng lực đội ngũ trọng tài viên và nâng cao tính chuyên nghiệp của các Trung tâm trọng tài, trong đó cần “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng giải quyết tranh chấp, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ trọng tài viên”.

Theo Dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, các Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023” do Bộ Tư pháp xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trước tháng 12/2107 để phê duyệt, thì một trong những giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên là “xây dựng chương trình đào tạo về pháp luật trọng tài thương mại, kỹ năng cho trọng tài viên” (Mục III.2).

Ba là, thực trạng hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong thời gian qua, theo số liệu thống kê cho thấy, trong 04 năm (từ năm 2011 đến 31/12/2015), các Trung tâm trọng tài đã thụ lý 1.831 vụ việc và đã ban hành 1.549 phán quyết trọng tài[13]. So với thời gian trước khi Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực, từ năm 2004 đến năm 2009, các Trung tâm trọng tài đã giải quyết được 282 vụ việc[14].

Như vậy, số lượng phán quyết trọng tài thời gian gần đây đã tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại của người dân và doanh nghiệp thì còn số này vẫn ở mức khiêm tốn, chưa giảm tải công tác xét xử cho tòa án. Số lượng tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài trong những năm qua chỉ chiếm khoảng 1% số vụ tranh chấp kinh tế mà tòa án hàng năm phải giải quyết[15]. Điều này cho thấy, tuy số lượng trọng tài viên đã tăng lên, chất lượng đội ngũ trọng tài viên đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn giải quyết tranh chấp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới và trong khu vực, cạnh tranh gia tăng giữa các trung tâm trọng tài trong nước và khu vực.

Bốn là, thực trạng đào tạo trọng tài viên

Việc đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng trọng tài viên, chất lượng phán quyết trọng tài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp. Trên thế giới, để tránh việc hạn chế tự do lựa chọn trọng tài viên của đương sự, rất ít nước quy định về đào tạo, trình độ, bằng cấp hoặc các tiêu chuẩn khác của trọng tài viên. Luật mẫu UNCITRAL về trọng tài thương mại của Ủy ban pháp luật thương mại không có quy định về điều kiện trở thành trọng tài viên, điều kiện bắt buộc phải trải qua đào tạo để trở thành trọng tài viên. Luật trọng tài của các nước như Anh, Pháp, Nhật Bản[16] cũng không có quy định này. Điều này phản ánh việc pháp luật các nước hoàn toàn để cho các bên đương sự có quyền tự lựa chọn trọng tài viên phù hợp (trình độ chuyên môn, quốc tịch, bằng cấp…) để giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, ở các nước phát triển, để nâng cao chất lượng trọng tài, việc đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên được tổ chức thường xuyên và được tổ chức rất đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm đào tạo đội ngũ trọng tài viên có chất lượng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trọng tài viên như: đào tạo ngắn hạn, đào tạo dài hạn do các trường đại học[17], học viện và các tổ chức trọng tài và hòa giải tổ chức (Ví dụ: ở Anh – Tòa án Trọng tài Quốc tế Luân Đôn –LCIA; Pháp – Trung tâm hòa giải và trọng tài Paris – CMAP; Singapore – Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore – SIAC; Hồng Kông – Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kông – HKIAC; Malaysia – Trung tâm trọng tài khu vực Kuala Lumpur – KLRCA) [18].

Ở Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ trọng tài viên, điểm d khoản 1 Điều 15 Luật trọng tài thương mại quy định quy định Bộ Tư pháp có thẩm quyền “hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên. Khoản 9 Điều 28 Luật trọng tài thương mại quy định Trung tâm trọng tài tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng giải quyết tranh chấp cho trọng tài viên. Đây là không phải là hình thức đào tạo bắt buộc mà là hình thức đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, hội thảo, tọa đàm, v.v… Bởi lẽ, cũng như luật trọng tài thương mại của các nước trên thế giới, Luật trọng tài thương mại 2010 không có quy định đào tạo là một trong những điều kiện bắt buộc để trở thành trọng tài viên. Điều 20 của Luật trọng tài thương mại quy định về tiêu chuẩn trọng tài viên không quy định trọng tài viên phải bắt buộc qua đào tạo như các chức danh tư pháp khác (ví dụ như: Luật sư, công chứng viên phải qua thời gian đào tạo nghề 12 tháng, tập sự 12 tháng, đấu giá viên phải tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá 6 tháng, tập sự 6 tháng). Do vậy, để trọng tài viên nắm vững kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, tuân thủ quy tắc đạo đức thì trọng tài viên phải được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục sau khi được công nhận là trọng tài viên và trong suốt quá trình tham gia trọng tài thương mại.

Trên thực tế, trong những năm qua, hoạt động bồi dưỡng trọng tài viên chủ yếu do Bộ Tư pháp và một số Trung tâm trọng tài thực hiện. Được sự hỗ trợ của một số tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Tư pháp đã tổ chức một số khóa tập huấn, hội thảo, tọa đàm về kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp cho các trọng tài viên và đã nhận được phản hồi tích cực từ phía các trọng tài viên. Về phía các Trung tâm trọng tài cũng đã tổ chức một số lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tư vấn, kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại… cho các trọng tài viên như Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm trọng tài luật gia Việt Nam….Tuy nhiên, các khóa đào tạo vẫn chưa được tổ chức thường xuyên, đồng bộ, chuyên nghiệp. Theo đánh giá của Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng và Nguyễn Thị Thu Trang[19] thì “để có một quá trình tố tụng trọng tài thật sự hiệu quả, nhanh chóng, các trọng tài viên còn cần kinh nghiệm điều hành quá trình tố tụng cũng như nắm vững trình tự tố tụng trọng tài. Việc tố tụng trọng tài phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc bảo mật khiến cho các trọng tài viên không thể tìm hiểu kinh nghiệm qua các vụ kiện trọng tài khác mà mình không được tham gia, trong khi hiện nay không có nhiều những diễn đàn trong nước cũng như quốc tế để các Trọng tài viên trao đổi những đúc kết thực tiễn của mình với nhau và tìm tòi thêm về cách xử lý của trọng tài viên, chuyên gia quốc tế”[20]    

Như vậy, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào sân chơi toàn cầu của nền kinh tế thế giới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh thì việc phát triển, tăng cường trọng tài thương mại để quyết tranh chấp là yêu cầu đặt ra hết sức cấp bách. Điều này đặt ra nhiệm vụ tăng cường đào tạo đội ngũ trọng tài viên có chất lượng, có đủ khả năng cạnh tranh quốc tế, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới để họ thực sự là những “thẩm phán tư” giải quyết nhanh chóng các tranh chấp kinh tế, thương mại, đầu tư, cho người dân và doanh nghiệp.

Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, cần có một cơ sở đào tạo có chức năng đào tạo các chức danh tư pháp trực thuộc Bộ Tư pháp định hướng và thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn, dài hạn về trọng tài để trọng tài viên có thể thường xuyên học hỏi, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng của mình. Và qua những căn cứ trên cho thấy, Học viện Tư pháp là cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tư pháp có đủ chức năng và khả năng thực hiện việc đào tạo đối với chức danh này.

1.3. Thuận lợi, khó khăn đối với Học viện Tư pháp trong việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài

* Thuận lợi

Thứ nhất, việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài xuất phát từ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn vững chắc[21].

Thứ hai, Học viện Tư pháp đã có gần 20 năm kinh nghiệm đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp.

Với 20 năm kinh nghiệm đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, Học viện Tư pháp sẽ có nhiều thuận lợi trong việc xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu, xây dựng đội ngũ giảng viên và tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài. Kế thừa nguyên lý đào tạo hiện đại đã được Học viện Tư pháp xây dựng từ nhiều năm trước, Học viện Tư pháp sẽ xây dựng chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài theo nhu cầu thị trường, lấy năng lực thực hiện (chuẩn đầu ra) làm mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo được cấu trúc theo module, kế hoạch dạy học linh hoạt, việc dạy – học và đánh giá theo năng lực thực hiện, có thể cần gì học nấy.

Học viện Tư pháp hiện có đội ngũ giảng viên vững mạnh, bao gồm đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ cao, kiến thức sâu rộng với có 47 giảng viên, trong đó: 02 Giảng viên cao cấp, 11 Giảng viên chính, 34 Giảng viên. Về trình độ đào tạo, Học viện tư pháp có 01 Phó Giáo sư – Tiến sĩ, 08 Tiến sĩ, 29 Thạc sĩ (hầu hết đang học nghiên cứu sinh), 08 cử nhân. Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu, Học viện Tư pháp có đội ngũ khoảng hơn 600 giảng viên thỉnh giảng chủ yếu đến từ Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Toà án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, các luật sư; các cơ quan Thi hành án, các tổ chức hành nghề công chứng, đấu giá và các cơ quan, đơn vị khác. Phần lớn giảng viên tham gia giảng dạy có năng lực chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn và có phương pháp giảng dạy khoa học. Nhiều người có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, là những chuyên gia đầu ngành trong hoạt động nghề. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lựa chọn, xây dựng đội ngũ giảng viên cho nhiều chức danh đào tạo, Học viện Tư pháp hoàn toàn có khả năng xây dựng được đội ngũ giảng viên vững mạnh để tham gia giảng dạy cho các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài.

Học viện Tư pháp đã xây dựng được những nguyên lý, phương pháp đào tạo rất hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, đó là giảng lý thuyết kết hợp với thực tiễn thông qua thực hành hồ sơ tình huống, diễn án, đóng vai, quan sát thực tiễn, tập trung vào kỹ năng hành nghề đối với từng chức danh đào tạo; kỹ năng hùng biện, kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng xử án… Nguyên lý đào tạo này đã được triển khai thực hiện tại Học viện Tư pháp trong nhiều năm qua và đã được các khóa học viên đánh giá cao. Tương tự như các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp khác, việc đào tạo trọng tài viên cũng đặt ra yêu cầu học lý thuyết và kết hợp với thực tiễn, bởi lẽ trọng tài viên vừa phải hiểu biết chuyên sâu về pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng đồng thời phải có kỹ năng giải quyết tranh chấp thực tiễn rất đa dạng nên nguyên lý đào tạo của Học viện Tư pháp rất phù hợp với việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài.

* Khó khăn

Một là, số lượng học viên hạn chế

Cùng nằm trong nhóm chức danh bổ trợ tư pháp, nhưng đào tạo nghiệp vụ trọng tài sẽ có nhiều điểm khác biệt so với với đào tạo nghiệp vụ Luật sư, Công chứng viên, Đấu giá viên… Theo quy định của pháp luật hiện hành, một người, để có thể trở thành Luật sư/Công chứng viên/Đấu giá viên…, ngoài những tiêu chuẩn chung thì đều phải hoàn thành một khóa đào tạo nghiệp vụ hoặc là một năm (Luật sư, Công chứng viên), hoặc là 06 tháng (Đấu giá viên); sau đó họ phải trải qua một quá trình tập sự (một năm tập sự đối với Luật sư và Công chứng viên, 06 tháng tập sự đối với Đấu giá viên); đồng thời họ phải đỗ trong kỳ kiểm tra hết tập sự thì mới đủ điều kiện để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp. Do đó, người muốn được hành nghề Luật sư, Công chứng, Đấu giá… thì buộc phải tham gia và hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ.

Khác với Luật sư, Công chứng viên, Đấu giá viên, theo quy định tại Điều 20 Luật trọng tài thương mại thì người được công nhận là Trọng tài viên không bắt buộc phải qua đào tạo và tập sự nghề. Việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài (nếu có) sẽ hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu xã hội, từ sự tự nguyện của các trọng tài viên. Mặt khác, đa số trọng tài viên ở nước ta đang hoạt động kiêm nhiệm, họ thường có một công việc ổn định khác để sinh sống nên thường không dành nhiều thời gian cho việc tham gia trọng tài. Vì vậy, họ rất khó để có thời gian tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trọng tài. Theo chia sẻ của ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)[22] tại buổi Tọa đàm lấy ý kiến xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, các Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023” do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 24/10/2017 tại Hà Nội thì trong năm qua, khi VIAC tổ chức tập huấn cho đội ngũ trọng tài viên của Trung tâm, mặc dù phải tổ chức tới 3 đợt tại cả hai miền Nam – Bắc, dùng cả mệnh lệnh hành chính bắt buộc nhưng cũng chỉ thu hút được khoảng ¾ số lượng trọng tài viên của Trung tâm tham dự.

Do vậy, khó khăn, thách thức đầu tiên đối với Học viện Tư pháp là số lượng học viên tham gia các lớp đào tạo nghiệp trọng tài sẽ rất hạn chế. Trong khi đó, để thực hiện được việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài một cách bài bản, chuyên nghiệp, đạt chất lượng, Học viện Tư pháp cần đầu tư ban đầu tương đối lớn về cả nhân lực và kinh phí mới có thể chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lớp học. Sau đó, nếu các lớp học không được tổ chức thường xuyên thì Học viện Tư pháp cũng sẽ khó để xây dựng, duy trì được đội ngũ giảng viên chuyên sâu cũng như đầu tư cơ bản, thường xuyên cho hoạt động đào tạo này.

Hai là, học viên tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài là những người có kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực nhưng không đồng đều về kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề.

Theo quy định tại Điều 20 Luật trọng tài thương mại quy định về tiêu chuẩn để trở thành trọng tài viên cho thấy, trọng tài viên là những người có trình độ cao, thậm chí họ đã là các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Mặt khác, đối tượng có thể trở thành trọng tài viên là rất rộng. Họ là những người đã tốt nghiệp trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên (trừ trường hợp Trung tâm trọng tài có yêu cầu cao hơn theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật trọng tài thương mại), thậm chí trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn mà không đáp ứng được yêu cầu trên cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên. Do vậy, học viên các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài không chỉ bao gồm những người đã tốt nghiệp đại học mà có thể còn có một số người chưa tốt nghiệp đại học, một số người đã tốt nghiệp chuyên ngành luật hoặc có thể tốt nghiệp đại học ở tất cả các chuyên ngành đào tạo khác. Do đó, tư duy, kiến thức pháp luật về trọng tài của học viên là không đồng đều. Đây cũng là một khó khăn không nhỏ đối với Học viện Tư pháp trong quá trình xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo đối với chức danh này.

Ba là, chuẩn đầu ra phải đạt được ở mức độ cao

Các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp từ trước đến nay đều được thực hiện theo cách thức “truyền thống” với việc xác định mục tiêu là đào tạo nguồn để bổ nhiệm. Người học sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo nghiệp vụ còn phải tập sự nghề trong một thời gian nhất định để tiếp tục thực hiện việc “học nghề” trên thực tiễn. Đây là giai đoạn học viên ứng dụng những kiến thức lý thuyết đã được trang bị tại Học viện Tư pháp vào thực tiễn hoạt động nghề nghiệp. Ở giai đoạn này, học viên được tham gia vào các công việc cụ thể tương tự như vai trò luật sư/công chứng viên/đấu giá viên dưới sự hướng dẫn và giám sát của các luật sư/công chứng viên/đấu giá viên đang hành nghề; là giai đoạn họ được trải nghiệm và tiếp tục rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, chuẩn bị cho quá trình hành nghề sau này. Do vậy, mục tiêu đối với các khóa đào tạo Luật sư, Công chứng viên, Đấu giá viên,v.v… tại Học viện Tư pháp chủ yếu nhằm trang bị cho học viên đạo đức nghề nghiệp, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản và một phần kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu.

Tuy nhiên, đối với đào tạo nghiệp vụ trọng tài, xuất phát từ đối tượng đào tạo đòi hỏi sau khi kết thúc chương trình đào tạo, người học phải thực hiện được các công việc đã được học, phải hành nghề được. Do đó, yêu cầu về chuẩn đầu ra đối với đào tạo nghiệp vụ trọng tài không chỉ dừng lại ở đào tạo nguồn để bổ nhiệm mà sẽ cao hơn rất nhiều so với chương trình đào tạo chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp khác tại Học viện Tư pháp hiện nay. Vì vậy, từ khâu xây dựng chương trình đào tạo, lựa chọn đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, tổ chức biên soạn giáo trình, hồ sơ tình huống, tài liệu tham khảo, sử dụng phương pháp đào tạo và tổ chức đào tạo đòi hỏi đều phải đạt ở mức độ cao hơn so với các chức danh khác. Và Học viện Tư pháp chỉ có thể thu hút được sự quan tâm, tham gia của đội ngũ trọng tài viên tham dự lớp học khi có những khóa đào tạo nghiệp vụ trọng tài đạt chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu và mong muốn của người học.

CHƯƠNG 2: KINH NGHIỆM ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ TRỌNG TÀI TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI VÀ ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ TRỌNG TÀI TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP

 2.1. Kinh nghiệm đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Việt Nam và một số nước trên thế giới bài học vận dụng cho Học viện Tư pháp

2.1.1. Tình hình hoạt động đào tạo trọng tài ở Việt Nam

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ngày càng được chú trọng ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp tính đến ngày 31/8/2017, cả nước có 480 trọng tài viên và 20 Trung tâm trọng tài thương mại, trong đó, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) có 144 trọng tài viên, chiếm gần 35% tổng số trọng tài viên. Thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong thời gian qua cho thấy vai trò tích cực và cả những điểm còn hạn chế của đội ngũ trọng tài (trong đó nổi bật là vấn đề tiêu chuẩn, đào tạo về nghiệp vụ).

Từ sau khi có Luật trọng tài thương mại (với quy định về việc đào tạo trọng tài viên tại Điểm d khoản 1 Điều 15 về thẩm quyền của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên, quy định tại khoản 9 Điều 28 Luật trọng tài thương mại về hoạt động bồi dưỡng của Trung tâm trọng tài cho trọng tài viên), hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên đã bước đầu được chú trọng hơn so với trước đây. Tuy vậy, cho đến nay, cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp là Học viện Tư pháp chưa được chính thức giao nhiệm vụ đào tạo trọng tài. Hoạt động bồi dưỡng của các Trung tâm trọng tài cho các trọng tài viên chỉ là bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ thông qua các khóa tập huấn ngắn hạn, hội thảo, tọa đàm về những vấn đề mới trong quy định pháp luật hoặc về kinh nghiệm hoạt động trọng tài từ một số tổ chức trọng tài quốc tế, nước ngoài cho các trọng tài viên trong một số lĩnh vực nhất định nào đó của việc giải quyết tranh chấp thương mại (thường là mua bán hàng hoá, đầu tư, xây dựng, ngân hàng…).

Như vậy, ở Việt Nam cho đến nay chưa đào tạo nghiệp vụ trọng tài một cách bài bản, thường xuyên, theo nghĩa trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng tương đối toàn diện cho học viên để có thể hành nghề chất lượng cao. Mặc dù vậy, Học viện Tư pháp cũng vẫn cần nghiên cứu tham khảo thực tiễn nội dung, tài liệu của các khóa tập huấn, hội thảo trong nước và quốc tế về trọng tài ở Việt Nam, đặc biệt là khi xây dựng, thực hiện chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài.

2.1.2. Một số kết quả nghiên cứu bước đầu về đào tạo nghiệp vụ trọng tài ở nước ngoài

Những nguyên tắc cơ bản nhất về việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trên thế giới được ghi nhận trong Luật Mẫu UNCITRAL7 như nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của các bên (party autonomy), tính độc lập của thỏa thuận trọng tài (separability) và quyền được tự xem xét vấn đề thẩm quyền của Hội đồng trọng tài (competence-competence), tính chung thẩm của phán quyết trọng tài (finality), nguyên tắc tố tụng công bằng (due process), và nguyên tắc bảo mật (confidentiality). Về lý thuyết, những nguyên tắc cơ bản nhất này phù hợp với thực tiễn trọng tài thế giới và quan trọng hơn là thực sự đưa trọng tài trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, công bằng cho các bên.[23]

Trên cơ sở đó, các tổ chức trọng tài ở nhiều nước cũng đã xây dựng các nguyên tắc, quy tắc cụ thể cho hoạt động trọng tài. Ví dụ: Viện trọng tài Luân đôn – Anh (CIArb) đưa ra các nguyên tắc, quy tắc cụ thể bao gồm: (1) pháp luật; (2) bộ máy tư pháp, (3) chuyên gia trong lĩnh vực trọng tài quốc tế, (4) chất lượng giáo dục về trọng tài, (5) quyền có người bảo vệ trong tố tụng của các bên tranh chấp, (6) khả năng tiếp cận và môi trường an toàn, (7) cơ sở vật chất, (8) quy tắc đạo đưc, (9) khả năng thi hành thỏa thuận trọng tài, quyết định và phán quyết trọng tài nước ngoài, (10) miễn trừ trách nhiệm đối với trọng tài viên.[24]

Thực tế hoạt động trọng tài cho thấy trọng tài viên thường là các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên để có một quá trình tố tụng trọng tài thật sự hiệu quả, nhanh chóng, họ còn cần nắm vững trình tự tố tụng trọng tài và kinh nghiệm điều hành tiến trình trọng tài. Hơn nữa, việc tố tụng trọng tài phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc bảo mật khiến cho các trọng tài viên không thể tìm hiểu kinh nghiệm qua các vụ kiện trọng tài khác mà mình không được tham gia, trong khi hiện nay không có nhiều những diễn đàn trong nước cũng như quốc tế để các Trọng tài viên trao đổi những đúc kết thực tiễn của mình với nhau và tìm tòi thêm về cách xử lý của trọng tài viên, chuyên gia quốc tế.[25] Do đó, theo quan điểm của nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực trọng tài, việc đào tạo kỹ năng nghiệp vụ trọng tài là rất cần thiết. Đây chính là lý do các tổ chức trọng tài uy tín ở các nước tổ chức đào tạo (training) nghiệp vụ trọng tài.

Tuy vậy trên thế giới, rất ít nước có quy định về tiêu chuẩn trọng tài viên và hoạt động đào tạo nghiệp vụ trọng tài với ý nghĩa là điều kiện để được công nhận và hành nghề trọng tài, xuất phát từ bản chất của trọng tài là do các bên được tự do lựa chọn trọng tài viên, luật áp dụng, địa điểm, thời gian giải quyết tranh chấp, quy tắc tố tụng trọng tài. Luật mẫu về trọng tài thương mại của Ủy ban pháp luật thương mại của Liên hợp quốc (UNCITRAL) không có quy định về điều kiện được công nhận là trọng tài viên nói chung và điều kiện qua đào tạo nghiệp vụ trọng tài nói riêng. Luật trọng tài của các nước như Luật trọng tài của Anh (Arbitration act 1996), Bộ luật tố tụng dân sự Pháp, Bộ luật tố tụng dân sự Nhật Bản, Luật trọng tài Singapore 2001 – Arbitration Act 2001…. không có quy định về đào tạo bắt buộc đối với trọng tài, hoặc đào tạo để trở thành trọng tài. Các nước phát triển có xu hướng coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên hơn với các hình thức đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn do các trường đại học thực hiện để cấp bằng cử nhân hoặc thạc sỹ chuyên sâu về trọng tài, hoặc các tổ chức trọng tài thực hiện.

Thực tế cho thấy các Trung tâm trọng tài quốc tế nổi tiếng của một số nước trên thế giới (như Tòa án Trọng tài Quốc tế Luân Đôn (Anh) –LCIA; Trung tâm hòa giải và trọng tài Paris (Pháp)- CMAP; Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore – SIAC; Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kông-HKIAC; Trung tâm trọng tài khu vực Kuala Lumpur (Malaysia)-KLRCA….) đều có các chương trình đào tạo đội ngũ trọng tài viên có chất lượng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.

Trong khuôn khổ nghiên cứu và điều kiện còn khá hạn chế của người thực hiện chuyên đề này, tác giả bước đầu khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu tham khảo về hoạt động đào tạo trọng tài ở một số nước ngoài như: Anh, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước khác.

Ở góc độ chung nhất, người nghiên cứu nhận thấy: Ở các nước đều không có một cơ sở đào tạo nghiệp vụ trọng tài chuyên nghiệp. Hoạt động đào tạo ngắn hạn kỹ năng và kiến thức cần thiết cho các trọng tài viên, luật sư và chuyên gia về trọng tài thường do các tổ chức trọng tài tiến hành theo hình thức các khóa đào tạo ngắn hạn và theo nhu cầu đăng ký tham gia của ứng viên – người muốn hành nghề trọng tài trong thực tế. Hiện có khá nhiều khóa học đào tạo ngắn hạn kỹ năng và kiến thức cần thiết cho các trọng tài viên, luật sư và chuyên gia về trọng tài của các tổ chức trọng tài quốc tế hàng đầu như các khóa học của Viện trọng tài London (CIarb)[26], Viện trọng tài Paris (Arbitration Academy)[27], Phòng thương mại quốc tế (ICC)[28], Hội đồng quốc tế về trọng tài thương mại (Young ICCA)[29].

Nhìn chung, các chương trình đào tạo trọng tài thường bao gồm: (1) chương trình đào tạo trọng tài cơ bản (The Basic Arbitrator Training Program) và (2) chương trình đào tạo trọng tài nâng cao (Advanced training) hoặc chuyên sâu nghiệp vụ trọng tài quốc tế hoặc trọng tài thương mại quốc tế.

Dưới đây là phần trình bày khái quát về một vài chương trình đào tạo nêu trên:

2.1.1.1. Đào tạo trọng tài ở Hoa Kỳ

1.2.1. Đào tạo trọng tài ở Hoa Kỳ

(1) Chương trình đào tạo trọng tài cơ bản (The Basic Arbitrator Training Program)

Chương trình đào tạo trọng tài cơ bản tập trung đào tạo các kỹ năng của trọng tài viên theo các giai đoạn của tiến trình trọng tài và các thủ tục trong đó trọng tài viên phải tuân thủ để hoàn thành vụ việc trọng tài.

Nội dung đào tạo trong Chương trình đào tạo trọng tài cấp độ cơ bản của Cơ quan quản lý tài chính công nghiệp: FINRA- Financial Industry Regulatory Authority (Hoa Kỳ)[30] bao gồm mỗi giai đoạn của tiến trình trọng tài và việc kiểm tra các thủ tục trong đó trọng tài viên phải tuân thủ để hoàn thành vụ việc trọng tài. Chương trình gồm 03 phần và ứng viên phải hoàn thành trong 120 ngày:

Phần I – Đào tạo trọng tài cơ bản (08 giờ)

Khóa đào tạo các kỹ năng bao gồm mỗi giai đoạn của tiến trình trọng tài và và việc kiểm tra các thủ tục trong đó trọng tài viên phải tuân thủ để hoàn thành vụ việc trọng tài. Khóa đào tạo này yêu cầu 1 bài kiểm tra các tài liệu tự học qua mạng (online) và hoàn thành kỳ thi. Kỳ thi gồm 25 câu hỏi lựa chọn và yêu cầu điểm tối thiểu đạt yêu cầu 80% (20 câu trả lời đúng). Khóa Đào tạo trọng tài cơ bản và kỳ thi có thời gian khoảng 08 giờ.

Sau khi học viên hoàn thành khóa học online, học viên sẽ sẵn sàng tham gia đào tạo Expungement bắt buộc.

Đào tạo Expungement (Phần II – 1,5 giờ)

Khóa học online cung cấp hướng dẫn về các thủ tục expungement được quy định trong Luật về Các quy tắc Thủ tục trọng tài 12805 và 13805 cũng như Quy tắc FINRA 2080.

Đào tạo này giải thích vai trò của CRD, cung cấp một cách tổng quan về quy trình, nghiên cứu sâu về Quy tắc FINRA 2080 và Luật về Quy tắc thủ tục trọng tài 12805 và 13805 để đảm bảo rằng các trọng tài viên tuân theo tất cả các yêu cầu thủ tục trọng tài.

Các trọng tài viên phải hoàn thành khóa học và kỳ thi. Kỳ thi gồm 10 câu hỏi đúng/sai và mức hoàn thành là 80% (8 câu trả lời đúng) để đỗ kỳ thi. Khóa học chiếm khoảng 1,5 giờ.

Phần III- Các bài học trên lớp (Live Video OR Onsite Classroom Training Session, Part III – 4 hours) : 04 giờ

Đào tạo ở Phần này cũng cung cấp cơ hội cho các giảng viên của FINRA gặp gỡ và đánh giá các ứng viên. Đào tạo trên lớp được tiến hành tại một trong 4 văn phòng khu vực trong năm: Boca Raton, Chicago, Los Angeles and New York City. Các ứng viên có thể tham gia chương trình để đáp dứng yêu cầu đào tạo trên lớp. Ứng viên phải xác nhận với người đào tạo và họ sẽ hoàn thành khóa đào tạo cơ bản online.

Ứng viên trọng tài đã hoàn thành chương trình đào tạo trọng tài cơ bản sẽ được công nhận có khả năng giải quyết vụ việc. Ở một số bang, Giáo dục pháp lý tiếp tục – Continuing Legal Education (CLE) có thể được tiến hành đối với khóa đào tạo Trọng tài cơ bản.

(2) Đào tạo trọng tài nâng cao

Mô hình đào tạo online về chủ đề chuyên sâu sẽ giúp ứng viên củng cố kỹ năng và duy trì sự phát triển chương trình giải quyết tranh chấp của FINRA. Đây là chương trình bổ sung cho chương trình đào tạo trọng tài bắt buộc, có nội dung là khóa đào tạo về giải quyết tranh chấp của FINRA. Cách thức tiến hành là các khóa đào tạo ngắn hạn gồm:

– Khóa học video miễn phí có thể được tiếp cận ngay lập tức và không yêu cầu đăng ký, gồm các nội dung về: Các yêu cầu chuyển tiền và báo cáo hoạt động; Hoàn thành Báo cáo chi phí trọng tài; Báo cáo hoạt động; Giải thích các quyết định.

– Khóa học online FINRA – yêu cầu đăng ký đối với các khóa đào tạo nâng cao qua hệ thống quản lý học tập, bao gồm:

+ Đào tạo vị trí chủ tịch hội đồng trọng tài

+ Quy tắc giao tiếp trực tiếp

+ Phát hiện và xử lý các vấn đề pháp lý

+ Đào tạo Expungement

+ Hiểu biết về giai đoạn tiền tố tụng

2.1.1.2. Đào tạo trọng tài nâng cao/chuyên sâu về trọng tài quốc tế, thương mại quốc tế ở Vương quốc Anh

Ở Anh, bước đầu tiên để trở thành trọng tài là tham gia khóa đào tạo. Viện Trọng tài London (The Chartered Institute of Arbitrators – CIArb)[31] có Chương trình đào tạo Pathways về Trọng tài quốc tế có nội dung bao gồm luật về trách nhiệm, luật về trọng tài, thực tiễn và thủ tục trọng tài, các thủ tục viết và phán quyết trọng tài.

Khóa đào tạo này cung cấp cách hiểu về những nguyên tắc chung về trọng tài quốc tế và mối liên hệ của nó với các tiến trình giải quyết tranh chấp khác. Khóa học sẽ cung cấp cho các ứng viên kiến thức tổng quan về khuôn khổ pháp lý, kinh nghiệm thực tiễn tốt về thủ tục trọng tài quốc tế, thẩm quyền của trọng tài quốc tế.

  1. Tương tự chương trình đào tạo trọng tài của Viện Trọng tài London – CIArb là Chương trình khung cấp chứng chỉ Diploma về trọng tài thương mại quốc tế của Oxford (UK) tại Anh với thời lượng 09 ngày. Các nội dung bắt buộc hoặc lựa chọn khi đào tạo cho các nơi trên thế giới là 09 ngày, trong đó 58 giờ bắt buộc và 10 giờ lựa chọn.
2.     Chương trình khung cấp chứng chỉ Diploma về trọng tài thương mại quốc tế của Oxford (UK) tại Anh 3.     Yếu tố bắt buộc hoặc lựa chọn 4.     Thời gian gợi ý

5.     (Giờ)

Các hệ thống pháp luật và quy tắc

·      Công ước New Yorrk

·      Công ước Washington (ICISD)

·      Thể chế UNCITRAL

·      Quy tắc Trọng tài của UNCITRAL

·      Luật mẫu UNCITRAL

·      Luật trọng tài 1996

Bắt buộc 3.5 giờ
·      Phân biệt Trọng tài thương mại quốc tế với các hình thức khác của ADR (phương thức giải quyết tranh chấp thay thế Tòa án)

·      Trọng tài nội địa

·      Tranh tụng (Tòa án)

Bắt buộc 3 giờ
Luật áp dụng trong trọng tài thương mại quốc tế Bắt buộc 2 giờ
Sự thiết lập hỗ trợ của tòa án: Luật quốc gia

·      Luật mẫu UNCITRAL (Úc, Canada – Quebec, Đức…

·      Luật trọng tài 1996 (Anh)

·      Luật trọng tài liên bang (Hoa Kỳ)

·      Các luật quốc gia khác

Bắt buộc 3. giờ
Quản lý trọng tài: Trọng tài quy chế và Trọng tài vụ việc

·      Tổng quan các quy tắc:

·      Quy tắc UNCITRAL

·      ICC, LCIA, AAA

·      SIAC, HKIAC, ICDR, SCC, ACICA, KLRCA, CIETAC

·      WIPO, CAS, PCA, ICSID

Bắt buộc 2 giờ
Các bối cảnh hệ thống luật common law và luật thành văn (civil law) Bắt buộc 1.5 giờ
Thỏa thuận trọng tài I

·      Bản chất của thỏa thuận trọng tài

·      Hình thức của thỏa thuận trọng tài

·      Các dạng thỏa thuận, tiền và hậu tranh chấp

·      Các điều khoản Tiered/Stepped và điều kiện án lệ

·      Chính sách công trong trọng tài

·      Luật áp dụng trong thỏa thuận trọng tài

·      Năng lực tham gia thỏa thuận trọng tài

·      Các bên, phạm vi và formulation

·      Các điều khoản khác theo mục tiêu

·      Xác định (các) trọng tài viên

·      Trọng tài quy chế hay trọng tài vụ việc

Bắt buộc 1.5 giờ
Thỏa thuận trọng tài II

·      Số lượng các trọng tài viên

·      Tiêu chuẩn (chất lượng) của trọng tài viên

·      Địa điểm trọng tài

·      Luật nội dung

·      Luật thủ tục

·      Ngôn ngữ

·      Quy định đối với trọng tài nhiều bên (multi-party)

Bắt buộc 2 giờ
Bình luận về tiến trình trọng tài

·      Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài

·      Tranh chấp cần giải quyết

·      Phạm vi của thỏa thuận

·      Trọng tài vụ việc liên quan đến chính sách công

·      Điều kiện sử dụng án lệ

·      Thẩm quyền

·      Vai trò của Tòa án trong thực thi thỏa thuận

·      Các yêu cầu về bình luận, thảo luận trong Quy tắc Trọng tài

Bắt buộc 1.5 giờ
Chỉ định trọng tài viên

·      Tiến trình trọng tài quy chế hoặc trọng tài vụ việc

·      Thủ tục chuẩn

·      Xác định tòa án

·      Điều khoản về chỉ định

·      Phỏng vấn các trọng tài viên, Hướng dẫn thực tế số 16 của CIArb

·      Đàm phán phí trọng tài và các điều khoản về thỏa thuận, Hướng dẫn thực tế số 3 của CIArb

·      Hợp đồng với các bên

·      Các cơ sở (nguồn) về quyền và nghĩa vụ của trọng tài viên

·      Giới hạn thẩm quyền của trọng tài

Bắt buộc 2 giờ
Sự độc lập, khách quan, trung thực của trọng tài và các yêu cầu/thách thức khác

·      Yêu cầu về tính khách quan, trung thực (ví dụ: Hướng dẫn của IBA về xung đột lợi ích

·      Các trọng tài viên, luật sư tranh tụng, luật sư tư vấn từ cùng một hãng luật tham gia vụ việc

·      Các phương tiện trong tiến trình trọng tài, ngoài thủ tục tư pháp

·      Xử lý trường hợp thay đổi thẩm quyền trọng tài (Hướng dẫn thực tế số 06 và 11 của CIArb)

·      Xử lý trường hợp có khởi kiện tại tòa án (Hướng dẫn thực tế số 08 của CIArb)

·      Vai trò của bên đề cử trọng tài viên; vai trò của thành viên chủ tịch

·      Trọng tài có thể sử dụng các tiến trình ADR khác không (Hướng dẫn thực tế số 07 của CIArb)

·      Vấn đề đòi bồi thường đối với sự không tham gia của một bên

·      Đặc miễn trọng tài viên

·      Trách nhiệm trọng tài viên

Bắt buộc 2 giờ
Bảo mật

·      Bảo mật trong tiếp cận vấn đề

·      Giữa các bên

·      Bên thứ ba

·      Hòa giải

·      Các nhân chứng

·      Phát hành các tài liệu

·      Bảo mật đối với các nhận định

·      Bảo mật đói với phán quyết

·      Ngoại lệ của yêu cầu bảo mật

·      Các biện pháp thực hiện sự bảo mật

·      Trách nhiệm khác của các bên, các nhân chứng và trọng tài viên

·      Xử lý trường hợp trọng tài viên bị buộc tội về hành vi tội phạm (Hướng dẫn thực tế số 12 của CIArb)

Bắt buộc 1.5 giờ
Đối thoại với đại diện lãnh đạo Viện Trọng tài Tự chọn 1.5 giờ
Thủ tục trọng tài

·      Các giai đoạn trọng tài

·      Các phân chia quan trọng của thủ tục trọng tài

·      Yêu cầu mới và yêu cầu phản tố

·      Sự lựa chọn thủ tục

·      Thủ tục trình văn bản viết

·      Chứng cứ

·      Tài liệu

·      Các chuyên gia

Bắt buộc 1.5 giờ
Biện pháp hỗ trợ tạm thời

·      Thời điểm áp dụng

·      Hình thức

·      Đối tượng áp dụng

·      Sau khi thành lập hội đồng trọng tài

·      Do Hội đồng trọng tài tiến hành

(Hướng dẫn thực tế số 1 và 2 của CIArb)

·      Bảo đảm chi phí

·      Hỗ trợ của tòa án đối với biện pháp tạm thời

·      Theo Luật mẫu, bản gốc và bản thay đổi 2006

·      Thẩm uyền   và thực tiễn theo Quy tắc Tố tụng của ICC, SIAC, ACICA, UNCITRAL và CIETAC

·      Các quy định về trọng tài khẩn cấp                               (emergency arbitrator): ICC, SIAC, ACICA

Bắt buộc 1.5 giờ
Phiên xử trọng tài

·      Địa điểm

·      Các sắp xếp cần thiết ( Hướng dẫn UNCITRAL về tổ chức thủ tục trọng tài)

·      Sự tham gia

·      Đại diện các bên

·      Đại diện pháp lý/các yêu cầu thực tiễn tại địa phương

·      Sai sót của một bên tham gia

·      Đề nghị đối với các thủ tục

·      Quy tắc tiến hành thủ tục

·      Các nhân chứng

·      Tài liệu và chứng cứ bắt buộc của bên thứ ba

·      Chứng cứ (ví dụ: Quy tắc IBA về đưa ra chứng cứ tại trọng tài thương mại quốc tế

·      Vai trò của chuyên gia, (Hướng dẫn thực tế số 10 của CIArb)

·      Các quy tắc tố tụng

·      Các phiên xử riêng/ đề xuất chi phí

·      Việc không có mặt một bên (Hướng dẫn thực tế số 4 của CIArb)

·      Các tài liệu chi do trọng tài đưa ra (Hướng dẫn thực tế số 5 của CIArb)

Bắt buộc 2 giờ
Phán quyết: vân đề yêu cầu bồi thường, vấn đề tranh chấp, lợi ích, tiền tệ và chi phí

·      Điều 5 Công ước NewYork

·      Vấn đề tranh chấp

·      Vấn đề bồi thường , tiền tệ , lợi ích, chi phí

·      Các quy định về nội dung và thủ tục

·      Các yếu tố thương mại, tỷ giá hối đoái, thuế, VAT, GST (Hướng dẫn thực tế số 13 của CIArb)

·      Các loại chi phí đối với từng chủ thể tham gia thủ tục trọng tài(Hướng dẫn thực tế số 09 của CIArb)

Bắt buộc 2-3 giờ
Thi hành phán quyết trọng tài Bắt buộc 3 giờ
Vai trò của Tòa án trong hỗ trợ tiến trình trọng tài Bắt buộc 1.5 giờ
Hội thảo nhóm (10 lần) Bắt buộc 2.75 giờ x 10
Quỹ tài chính Bên thứ ba Tự chọn 0.5 giờ
Các lĩnh vực khác của hoạt động trọng tài: Trọng tài lĩnh vực đầu tư nhà nước; lĩnh vực xây dựng; trọng tài hàng hải; trọng tài thể thao Tự chọn (tổng khoảng 10 giờ) 2.5 giờ cho mỗi lĩnh vực
Chuẩn bị cho bài thuyết trình ngày cuối cùng Tự chọn
Phiên thuyết trình ngày cuối cùng – yêu cầu về thẩm quyền Tự chọn
Phiên thuyết trình ngày cuối cùng – Yêu cầu biện pháp tạm thời Tự chọn
Phiên thuyết trình ngày cuối cùng – Yêu cầu sự xuất hiện nhân chứng Tự chọn
Phiên thuyết trình ngày cuối cùng – Yêu cầu đối với phán quyết Tự chọn

Chương trình đào tạo trọng tài của các tổ chức trọng tài quốc tế khác ở một số nước như Ấn Độ, Hàn Quốc… cũng bao gồm các nội dung tương tự như nêu trên.

2.1.2. Một số khuyến nghị, đề xuất bước đầu về định hướng đào tạo nghiệp vụ trọng tài ở Việt Nam từ kinh nghiệm nước ngoài

Trọng tài viên là người tham gia hội đồng trọng tài để thực hiện việc phân xử vụ việc tranh chấp. Về nguyên tắc, trọng tài viên do các bên đương sự tự lựa chọn căn cứ niềm tin của họ vào tính chuyên nghiệp, kiến thức chuyên môn, uy tín của trọng tài viên. Các tổ chức trọng tài khi bổ nhiệm các cá nhân vào danh sách trọng tài viên cũng tự xác định các tiêu chuẩn để có được các trọng tài viên có chất lượng cao. Vì vậy, trên thực tế trọng tài viên chủ yếu được chọn qua quá trình sàng lọc mang tính xã hội. Ở một số nước có nền kinh tế chuyển đổi như Trung Quốc, Việt Nam và một số ít nước khác có các quy định pháp luật về tiêu chuẩn trọng tài viên. Tuy vậy, các quy định này cũng chỉ là cơ sở pháp lý của việc cấp chứng chỉ hành nghề cho trọng tài viên, còn việc họ có được lựa chọn bởi các bên tranh chấp để tham gia hoạt động trọng tài hay không thì phụ thuộc vào quá trình chọn lọc của xã hội.

Theo nhận định của các chuyên gia uy tín trên thế giới, “chất lượng của trọng tài viên tương đương với chất lượng của tố tụng trọng tài”[32]. Tại hội thảo “Trọng tài quốc tế: Thương mại và Đầu tư” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức ngày 20/7/2016 tại Hà Nội, ông Kay Jannes Wegner – Luật sư Công ty KIM & CHANG phát biểu: Ở khu vực Đông Nam Á, trong vòng gần 10 năm qua, mọi điều về trọng tài quốc tế đã tốt hơn, các bên đã tự tin hơn khi đưa ra các vụ việc để điều trần và giải quyết tranh chấp tại khu vực. Tôi tin tưởng luật sư và những người tham gia vào hệ thống này sẽ có nhiều điều kiện và kinh nghiệm giải quyết các vụ tranh chấp trọng tài trong thời gian tới.

Từ kinh nghiệm nước ngoài về đào tạo trọng tài như nêu trên, để hình thành một đội ngũ trọng tài viên có năng lực, có tính chuyên nghiệp, có chuyên môn và uy tín xã hội cao ở Việt Nam, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cần được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định cụ thể về đào tạo nghiệp vụ trọng tài nhằm góp phần đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ Trọng tài viên giỏi về trình độ chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp, giàu kinh nghiệm thực tiễn.

Trong thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực trọng tài, hoạt động của các tổ chức trọng tài, việc đẩy mạnh đào tạo nghiệp vụ trọng tài ở Việt Nam là rất cần thiết. Căn cứ quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước đối với trọng tài thương mại, Học viện Tư pháp cần được chính thức giao nhiệm vụ là đơn vị chủ trì, phối hợp với các trung tâm trọng tài xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài cơ bản, nghiệp vụ trọng tài nâng cao/chuyên sâu lĩnh vực quốc tế, thương mại quốc tế của Việt Nam trên cơ sở tham khảo thực tiễn hoạt động đào tạo trọng tài của các tổ chức trọng tài quốc tế có uy tín trên thế giới. Định hướng chung trong vấn đề này là tiến hành song song các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài (tương tự như bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc đối với luật sư, công chứng viên…) cho các trọng tài viên hoặc luật sư mới vào nghề, các chương trình đào tạo ngắn hạn cho các đối tượng khác có nhu cầu trở thành trọng tài viên nhưng chưa có đủ trình độ, kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ trọng tài. Các chương trình đào tạo nên được tổ chức theo hình thức tín chỉ, với phần bắt buộc và phần tự chọn (nâng cao, chuyên sâu) để phù hợp với nhu cầu của người học có trình độ và mục tiêu khác nhau.

2.2. Định hướng xây dựng nội dung Chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp

2.2.1. Về đối tượng đào tạo

Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp quốc tế và trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp thương mại nội địa. Các loại tranh chấp khác nhau đòi hỏi trọng tài giải quyết phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn và điều kiện khác nhau. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của Học viện Tư pháp hiện nay, chúng tôi cho rằng chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài viên ban đầu mới chỉ nên dừng lại là đào tạo nghiệp vụ trọng tài viên giải quyết các tranh chấp nội địa. Khi đó, chương trình đào tạo mới mangtính khả thi.

2.2.2. Về chuẩn đầu ra

Chuẩn đầu ra là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, được cơ sở đào tạo cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện. Tuỳ thuộc vào mục tiêu đào tạo mà chương trình sẽ xác định các yêu cầu về chuẩn đầu ra.

Từ trước đến nay, các chương trình đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp đều chỉ xác định mục tiêu là đào tạo nguồn chức danh tư pháp để bổ nhiệm. Để được bổ nhiệm làm chức danh tư pháp, có thể hành nghề trên thực tế thì người học sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo phải trải qua giai đoạn tập sự hành nghề trong một thời gian khá dài. Chính vì vậy, yêu cầu đối với chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp hiện nay đều ở mức hạn chế.

Chúng tôi cho rằng mục tiêu đào tạo đối với chương trình đào tạo trọng tài viên cần phải khác với mục tiêu đào tạo các chương trình của Học viện Tư pháp hiện nay. Chương trình đào tạo trọng tài viên không thể xác định mục tiêu đào tạo là đào tạo nguồn mà sau khi kết thúc chương trình đào tạo trọng tài viên, người học có thể hành nghề được ngay. Cùng có chức năng giải quyết vụ việc nhưng Trọng tài viên khác Thẩm phán ở chỗ trọng tài viên thực hiện chức trách trên cơ sở đề nghị, yêu cầu lựa chọn của đương sự hoặc phân công của Trung tâm trọng tài. Thẩm phán thực hiện chức trách trên cơ sở phân công công việc của Chánh án. Do đó, nếu trọng tài viên không có đủ uy tín, kỹ năng kinh nghiệm cần thiết thì sẽ không có khả năng được lựa chọn giải quyết vụ việc.

Nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài, chúng ta nhận thấy các nước đều tiếp cận theo hướng kết thúc khoá đào tạo là người học có thể thực hiện được ngay nghề nghiệp của mình, trong khi các chương trình đào tạo chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp tại Học viện Tư pháp hiện nay đều tiếp cận đến mục tiêu là đào tạo nguồn. Như vậy, rõ ràng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo trọng tài viên phải cao hơn rất nhiều so với chương trình đào tạo chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp hiện nay.

2.2.3. Về cấu trúc chương trình đào tạo

Nhìn lại chặng đường lịch sử thời gian 20 năm qua, các chương trình đào tạo chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp tại Học viện Tư pháp được xây dựng theo 02 hình thức niên chế và tín chỉ. Hiện nay, cơ bản các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp đều được xây dựng theo hình thức tín chỉ.

Các bài học đều được thiết kế theo module thống nhất:

Cách thiết kế và xây dựng chương trình như trên phù hợp với hoạt động đào tạo nguồn, có ấn định cụ thể thời gian đào tạo. Tuy nhiên, đối với chương trình đào tạo trọng tài viên, khi mục tiêu đào tạo không phải là đào tạo nguồn mà là đào tạo nghề, không bị hạn chế về thời lượng thì chương trình nên định hướng xây dựng nên theo các module kỹ năng. Đây cũng là cách thiết kế mới mà qua tham khảo kinh nghiệm của nhiều chương trình đào tạo trọng tài viên của ICC, Pháp, CIArb đều xây dựng theo module.

Phát triển chương trình theo mô đun là một phương thức tiên tiến. Theo phương thức này, nội dung của chương trình đào tạo trở lên uyển chuyển hơn, không gò bó, cứng nhắc, luôn cập nhật được những biến động, gắn đào tạo với thực tiễn, phù hợp với người học và nhu cầu của thị trường lao động.

Hiểu một cách chung nhất, “Mô-đun là đơn vị học tập được tích hợp giữa kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp một cách hoàn chỉnh nhằm giúp cho người học có năng lực thực hiện trọn vẹn một hoặc một số công việc của một nghề”[33] để tạo ra một năng lực chuyên môn. Điều đó có nghĩa là kết thúc thành công việc học một mô đun sẽ tạo ra những kỹ năng tối thiểu cần thiết cho việc tìm việc làm. Đồng thời, mỗi mô đun có thể hình thành một phần nhỏ chuyên môn của một người thợ lành nghề. Trong chương trình đào tạo theo mô đun kỹ năng hành nghề (MKH), khái niệm môn học bị phá vỡ. Toàn bộ nội dung kiến thức khoa học đã tích hợp lý thuyết và thực hành, giúp người học nhanh chóng hình thành được các năng lực hoạt động nghề nghiệp. Các “lát cắt dọc” thay thế cho “lát cắt ngang”. Chương trình được xây dựng trên các vấn đề trọn vẹn của các mô đun. Trong trường hợp này, ranh giới giữa các lĩnh vực kiến thức và kỹ năng không còn nữa. Ưu điểm của chương trình này là:

– Mục tiêu đào tạo và cấu trúc nội dung đa dạng, thời gian đào tạo ngắn, phù hợp với nhu cầu của người học cũng như người sử dụng lao động;

– Đào tạo ban đầu và nâng cao trình độ là một quy trình được thực hiện thường xuyên, tạo điều kiện cho người học có thể nhanh chóng đi vào nghề nghiệp cũng như có thể nâng cao trình độ nghề nghiệp tới đỉnh cao khi có điều kiện;

– Nội dung đào tạo được tích hợp giữa lý thuyết và thực hành nghề;

– Nhanh chóng và kịp thời bổ sung những kiến thức và kỹ năng nghề phù hợp với sự biến đổi nhanh chóng của pháp luật, nền kinh tế. Vì đây là hệ thống mở, có thể bổ xung hoặc thay đổi các đơn nguyên học tập một cách dễ dàng;

– Nâng cao tính mềm dẻo, linh hoạt của quá trình đào tạo nghề, tạo điều kiện liên thông giữa một nghề, đặc biệt đối với những nghề cùng một lĩnh vực kỹ thuật nhờ vào việc sử dụng chung một số mô đun đơn vị;

– Hiệu quả kinh tế và đào tạo cao, vì hầu hết các kiến thức và kỹ năng đều có thể được sử dụng ngay để hành nghề sau khi học xong mỗi MKH;

– Người học có thể tự học, tự đánh giá nhờ vào các hướng dẫn, các bài tập kiểm tra, trắc nghiệm sau khi học xong mỗi đơn nguyên, mỗi mô đun;

– Tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong quá trình dạy học nhờ vào những quy định và hướng dẫn cụ thể;

– Có điều kiện thực hiện “cá nhân hóa cao” trong đào tạo, nhờ việc đánh giá khả năng, trình độ của từng học viên trước khi học và việc hướng dẫn lựa chọn các mô đun thích hợp để đạt yêu cầu học tập của họ cũng như mục tiêu đào tạo của nhà trường.

Tuy nhiên, cách xây dựng chương trình theo module cũng có những hạn chế nhất định như:

– Thiếu tính hệ thống chặt chẽ của từng bộ môn;

– Cấu trúc nội dung đào tạo hoàn chỉnh cho toàn khóa của một nghề kém phần logic;

– Việc trang bị những kiến thức kỹ thuật cơ bản cho một nghề diện rộng bị hạn chế bởi thời gian đào tạo và cấu trúc logic của quá trình đào tạo. Mặt khác, kiến thức lý thuyết chỉ dừng ở mức thấp, người học khó có thể đạt được trình độ phân tích, đánh giá vấn đề;

– Đào tạo theo MKH có thể kém hiệu quả đối với những MKH mà phần thực hành chiếm quá ít, hoặc khi các chuẩn đánh giá không được quy định rõ ràng;

– Đào tạo theo MKH tốn kém hơn phưong thức đào tạo truyền thống vì biên soạn tài liệu giảng dạy phức tạp, phưong tiện, thiết bị giảng dạy cần hoàn chỉnh theo quy định;

– Giáo viên cần có trình độ cao và phải được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy theo MKH. Đào tạo nghề theo MKH sẽ rất thuận lợi cho các loại hình đào tạo ngắn hạn.

2.2.4. Về nội dung chương trình đào tạo

Chúng tôi cho rằng nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài thương mại phải:

  1. a) Xuất phát từ thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài ở Việt Nam

Điều 2 Luật Trọng tài thương mại quy định trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại. Về lý thuyết, các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại là rất rộng. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ở Việt Nam chỉ phát sinh tập trung trên một số lĩnh vực.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều trung tâm trọng tài thương mại nhất với 11/14 tổ chức trọng tài thương mại (gồm 9 Trung tâm trọng tài thương mại và 02 Chi nhánh) thì các trọng tài viên chủ yếu giải quyết các tranh chấp liên quan đến các lĩnh vực như mua bán hàng hóa, xây dựng, sở hữu trí tuệ, lao động, phân phối, đại lý và trung gian, bảo hiểm thương mại, đầu tư nước ngoài, tranh chấp hàng hải, tín dụng và thanh toán quốc tế.

VIAC, với tính chất là trung tâm trọng tài thương mại quốc tế hàng đầu ở Việt Nam thì trong nhưng trong những năm qua, số lượng các vụ tranh chấp được đưa ra giải quyết tại VIAC không ngừng tăng lên thì các vụ việc giải quyết tranh chấp chủ yếu tập trung trong lĩnh vực mua bán, xây dựng, dịch vụ, hợp tác kinh doanh và gia công[34]

Năm 2016, trong số 155 vụ tranh chấp mà VIAC giải quyết thì có 34% là tranh chấp trong lĩnh vực mua bán, xuất nhập khẩu, 15% tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng, 11% tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và các tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm, thuế. Trong số đó, có 50% là các tranh chấp nội địa, đặc biệt là từ khối doanh nghiệp FDI. Các tranh chấp có yếu tố nước ngoài tiếp tục tăng trưởng với số lượng tham gia nhiều nhất từ Trung Quốc, (bao gồm cả Hồng Kong).

Xuất phát từ đặc điểm đó, nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài viên nên đề cập đến những lĩnh vực chủ yếu phát sinh tranh chấp tại Việt Nam như mua bán hàng hoá, đầu tư, xây dựng, ngân hàng.

  1. b) Phải xuất phát từ đặc điểm, vị trí và vai trò của trọng tài

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, trọng tài viên đóng vai trò như một Thẩm phán, mỗi phán quyết của trọng tài có tác động rất lớn đến quyền và lợi ích của các bên trong tranh chấp. Do đó, để quyền và lợi ích của các bên được đảm bảo, cũng như giữ gìn và nâng cao uy tín của mình, trọng tài viên bên cạnh trình độ chuyên môn cao, cần có những kỹ năng đặc thù để có thể giải quyết tranh chấp và đưa ra phán quyết trên cơ sở công tâm, khách quan và toàn diện. Vì thế, nội dung chương trình đào tạo cần đề cập đến đạo đức nghề nghiệp trọng tài viên, các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết của trọng tài viên khi giải quyết vụ việc.

Trên cơ sở những yêu cầu nêu trên, nhóm nghiên cứu đề tài đề xuất định hướng xây dựng chương trình đào tạo,bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp trong thời gian tới khi được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chức danh này theo nhu cầu của các cá nhân hoặc của tổ chức trọng tài gồm:

(1) Chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài cơ bản: dành cho những người chưa hành nghề trọng tài nhưng có trình độ từ cử nhân luật trở lên và có nguyện vọng trở thành trọng tài viên trong tương lai.

(2) Chương trình đào tạo trọng tài chuyên sâu trong lĩnh vực trọng tài thương mại quốc tế: dành cho những người đã là trọng tài viên hoặc có đủ các điều kiện cần thiết về trình độ, kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực pháp luật. Chương trình đào tạo này có đặc điểm gần giống như Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế được thực hiện tại Học viện Tư pháp năm 2017-2018.

(3) Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài, nghiệp vụ trọng tài thương mại quốc tế: dành cho những người đã là trọng tài viên mới vào nghề hoặc đã có thâm niên làm trọng tài nhiều năm nhưng có nhu cầu được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ trọng tài. Các lĩnh vực trọng tâm cần ưu tiên là giải quyết tranh chấp đầu tư, thương mại, tài chính, ngân hàng, xây dựng có và không có yếu tố nước ngoài.

Trong thời gian tới, khi Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018 – 2023” do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng và theo xu thế hoàn thiện Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Xem thêm Phụ lục I của Báo cáo tổng hợp Đề tài), việc xây dựng chương trình đào tạo về pháp luật trọng tài thương mại, kỹ năng cho trọng tài viên sẽ có cơ sở pháp lý vững chắc hơn để thực hiện; các cơ sở đào tạo pháp luật và chức danh tư pháp sẽ nghiên cứu, bổ sung giáo trình và môn học riêng về các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế ngoài tòa án (Alternative dispute resolution) trong đó có trọng tài thương mại trong hệ thống các môn học tự chọn của sinh viên (ngành luật, kinh tế, quản trị kinh doanh, thương mại của các trường đại học và các cơ sở đào tạo nghề luật sư, thẩm phán, doanh nhân…), Tòa án nhân dân tối cao, các Trung tâm trọng tài xây dựng chương trình giảng dạy về kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại cho trọng tài viên, Tổ chức tập huấn chuyên sâu về kỹ năng của trọng tài viên (Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ kiện, kỹ năng áp dụng pháp luật nước ngoài, rà soát điều khoản trọng tài, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, kỹ năng thu thập chứng cứ, mời giám định viên; kỹ năng hòa giải trong tố tụng trọng tài, kỹ năng tổ chức các phiên họp, kỹ năng hỏi của trọng tài viên, kỹ năng soạn thảo phán quyết trọng tài, quy tắc đạo đức của trọng tài viên…) và kinh nghiệm trong giải quyết các tranh chấp thương mại nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực đội ngũ trọng tài viên trong giải quyết tranh chấp thương mại trong nước và tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, hoàn thiện kỹ năng cho trọng tài viên, xây dựng quy tắc đạo đức trọng tài viên, từ đó nâng cao năng lực của các trung tâm trọng tài. Học viện Tư pháp – cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp có đủ các điều kiện cần thiết để đảm nhiệm vai trò là đầu mối chủ trì, phối hợp với Hiệp hội trọng tài viên Việt Nam (nếu được thành lập trong tương lai), các đơn vị chức năng quản lý nhà nước hoạt động trọng tài, các tổ chức trọng tài thương mại quốc tế, tổ chức trọng tài của Việt Nam tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nêu trên theo nhu cầu của các đối tượng cá nhân, tổ chức khác nhau, góp phần thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018 – 2023” như đã nêu trên.

Từ định hướng chung nêu trên, nhóm nghiên cứu đề xuất một số nội dung đào tạo trong Chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài thương mại ở cấp độ cơ bản sẽ gồm các nội dung chính sau:

Module 1: Trọng tài thương mại

Trong module này sẽ đề cập đến những vấn đề như:

– Lợi ích của việc lựa chọn trọng tài

– Tiêu chuẩn, điều kiện trở thành trọng tài viên

– Tính độc lập của trọng tài và chế tài kỷ luật

– Quyền và nghĩa vụ của trọng tài

– Trọng tài thương mại quốc tế và trọng tài thương mại Việt Nam

– Phí trọng tài

– Thách thức đặt ra cho hoạt động của trọng tài thương mại

– Trọng tài thương mại của thế kỷ 21

Module 2: Thoả thuận trọng tài

Thẩm quyền của trọng tài phụ thuộc vào hiệu lực của thoả thuận trọng tài được thiết lập giữa các bên trước hoặc sau khi xả ra tranh chấp. Vì vậy, khi xem xét thẩm quyền của trọng tài cần đánh giá giá trị của thoả thuận trọng tài theo quy định của pháp luật có liên quan. Trọng tài chỉ có thẩm quyền khi thoả thuận trọng tài có tồn tại, có hiệu lực và có thể thực hiện được. Ngoài ra, trong các hợp đồng hoặc các hiệp định về đầu tư giữa các chính phủ thường có quy định trước khi đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài, các bên cần thực hiện các bước đàm phán, thương lượng và hoà giải. Do đó, khi xem xét thẩm quyền của trọng tài cần lưu ý xác định các bước đàm phán, thương lượng đã được thực hiện chưa.

Trong module này sẽ đề cập đến những vấn đề như:

– Đặc điểm cơ bản của thoả thuận trọng tài

– Thoả thuận trọng tài vô hiệu/thoả thuận trọng tài hợp pháp

– Đề nghị lựa chọn trọng tài viên

– Soạn thảo điều khoản thoả thuận trọng tài

– Địa điểm và ngôn ngữ trọng tài

– Chọn lựa trọng tài viên và chỉ định trọng tài

– Từ chối trọng tài

Trong module này cần làm rõ tính độc lập của bản thân trọng tài viên đối với các bên trong tranh chấp và các trọng tài viên khác. Để tránh đưa ra phán quyết theo cảm tính và thiên vị một trong các bên tranh chấp, trọng tài viên cần xem xét hiện nay mình đang tham gia giải quyết những vụ việc nào? Liệu có bất cứ bên nào hay luật sư của bên nào có sự liên hệ với lợi ích của bản thân mình hay không. Đồng thời, để tránh bị ảnh hưởng bởi phán quyết của một trọng tài viên khác cùng tham gia vụ việc, trọng tài viên cũng cần xem xét liệu mình có thể bị ảnh hưởng bởi phán quyết của các trọng tài viên khác hay không ? Bên cạnh đó, để có đủ khả năng giải quyết tranh chấp, trọng tài viên phải có năng lực chuyên môn nhất định, có thể là luật sư, giáo sư hoặc tư vấn viên chuyên nghiệp, những người có đủ cả trình độ, kinh nghiệm và nhiệt huyết.

Module 3: Nghiên cứu hồ sơ và áp dụng pháp luật/án lệ

Trong module này sẽ đề cập đến những vấn đề như:

– Khiếu nại của các bên về thẩm quyền trọng tài;

– Nguyên tắc và lựa chọn quy tắc tố tụng trọng tài;

– Đơn yêu cầu và Đơn kiện lại;

– Xem xét giá trị của chứng cứ cũng đóng vai trò quan trọng, trong trường hợp cần thiết, có thể cân nhắc việc yêu cầu các bên bổ sung thêm bằng chứng hoặc tìm kiếm chuyên gia có trình độ trong lĩnh vực tương ứng để xem xét giá trị bằng chứng và trợ giúp trọng tài viên trong việc ra phán quyết;

– Nghiên cứu và áp dụng pháp luật trong nước;

– Nghiên cứu và áp dụng luật nước ngoài;

– Nghiên cứu và áp dụng án lệ quốc tế/Việt nam.

Module 4: Chứng cứ trong tố tụng trọng tài

Trong module này, cần đề cập đến những nội dung sau đây:

– Xây dựng chứng cứ vụ việc: người làm chứng, nhân chứng, giám định

– Lời khai của người làm chứng và những chứng cứ khác

– Các biện pháp khẩn cấp tạm thời;

Module 5: Hoà giải

Hoà giải giữa các bên trong tranh chấp luôn luôn là một việc khó khăn, đòi hỏi trọng tài viên phải thực sự công tâm và khéo léo. Công tâm trong việc xem xét các tình tiết của vụ việc và đưa ra phương án hoà giải một cách công bằng, luôn luôn giữ vị trí trung lập, không thiên về lợi ích của bất cứ bên nào. Khéo léo trong việc phân tích lợi và hại cho các bên, thuyết phục các bên hoà giải một cách công bằng và thiện chí.

– Xây dựng phương án hoà giải

– Phương pháp hoà giải

Module 6: Phiên họp trọng tài/ hội đồng trọng tài

Việc chuẩn bị cho phiên họp trọng tài cũng như điều hành phiên họp hội đồng trọng tài. Trong module này, đòi hỏi phải trang bị những nội dung:

– Chuẩn bị phiên họp như: Kiểm tra lại các vấn đề mang tính tố tụng (thẩm quyền, thời hiệu, tư các đương sự và người đại diện cho đương sự, ngôn ngữ trọng tài, địa điểm trọng tài, các điều kiện khởi kiện theo thỏa thuận của các bên) và xử lý các sai sót (nếu có); Xác định các vấn đề cần làm rõ, các tài liệu, chứng cứ cần yêu cầu đương sự bổ sung; Xác định luật áp dụng (luật nội dung);

– Kỹ năng tổ chức, điều hành phiên họp;

– Kỹ năng đặt câu hỏi.

Module 7: Phán quyết trọng tài

Mỗi phán quyết của trọng tài viên sau quá trình giải quyết tranh chấp có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín cá nhân của trọng tài viên. Do đó, khi đưa ra phán quyết, trọng tài viên cần đảm bảo phán quyết đó là công bằng và có căn cứ, trên cơ sở xem xét một cách khách quan và đầy đủ các tình tiết và bằng chứng trong vụ việc. Trong module này, sẽ đề cập đến các nội dung:

– Phân loại phán quyết trọng tài

– Quyền về nội dung đối với phán quyết

– Thông báo phán quyết

– Giải thích và đính chính phán quyết

– Bình luận một số phán quyết

– Soạn thảo phán quyết trọng tài

– Khiếu kiện phán quyết

Module 8: Huỷ bỏ và thi hành phán quyết trọng tài thương mại

– Huỷ phán quyết trọng tài

– Thi hành phán quyết trọng tài.

Chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài thương mại ở cấp độ chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, thương mại quốc tế sẽ bao gồm các nội dung như trong chương trình cơ bản nêu trên nhưng tập trung kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại, thương mại quốc tế, trong đó chú trọng các Module sau đây:

  • Đặc thù và yêu cầu nghề nghiệp đối với trọng tài thương mại quốc tế
  • Kỹ năng tham gia giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế liên quan đến đầu tư quốc tế hoặc các cam kết quốc tế của Nhà nước Việt Nam
  • Phân định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam giữa Trọng tài và Tòa án
  • Kỹ năng tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài bằng trọng tài tại Việt Nam
  • Kỹ năng tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài bằng trọng tài tại nước ngoài
  • Nghiên cứu, vận dụng kỹ năng, thực tiễn hoạt động giải quyết tranh chấp của các tổ chức trọng tài quốc tế uy tín trên thế giới…

 

CHƯƠNG 3: ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO ĐỂ TỔ CHỨC ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ TRỌNG TÀI TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP

3.1. Xây dựng chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài cần xây dựng theo định hướng Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 Hội nghị trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, theo đó cần“chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp … Nội dung giáo dục nghề nghiệp được xây dựng theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp để hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học”.

Xuất phát từ đối tượng học viên và yêu cầu đối với việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài, Học viện Tư pháp cần sử dụng phương pháp tiếp cận và mô hình xây dựng chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài theo nhu cầu thị trường, tiếp cận đào tạo theo mục tiêu, lấy năng lực thực hiện (chuẩn đầu ra) làm mục tiêu đào tạo. Chương trình đào tạo được cấu trúc theo module (là một đơn vị học tập có tính trọn vẹn, tích hợp giữa lý thuyết và thực hành để người học sau khi học xong có năng lực thực hiện được công việc cụ thể của nghề nghiệp), kế hoạch dạy học linh hoạt, việc dạy – học và đánh giá theo năng lực thực hiện, có thể cần gì học nấy.

Đào tạo theo module là vấn đề đã được Học viện Tư pháp đặt ra từ nhiều năm trước đây. Trong bài viết “Giới thiệu chung về hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp” (Tập tài liệu Hướng dẫn thực hiện chương trình đào tạo thẩm phán), PGS-TS Phan Hữu Thư – Nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp đã khẳng định việc đào tạo theo module bài học có những điểm ưu việt cơ bản sau:

Thứ nhất, khắc phục tình trạng chỉ chú trọng lý thuyết mà không chú trọng thực hành...

Thứ hai, khắc phục tư duy đào tạo kiểu “truyền nghề” thủ công: người học chỉ được học bằng cách quan sát người đi trước làm như thế nào rồi làm theo mà không hiểu tại sao lại làm như vậy. Việc đào tạo kỹ năng ở nhiều nơi chưa được khái quát thành các nguyên tắc, phương pháp xử lý công việc, từ đó dẫn tới hậu quả học viên không có được cách tiếp cận mang tính hệ thống, không có khả năng tổ chức và phân bố công việc mang tính khoa học.

Thứ ba, khắc phục tình trạng thụ động, tư duy đơn chiều của người học. Việc đưa học viên vào những tình huống cụ thể để buộc học viên phải chủ động suy nghĩ, đưa ra và bảo vệ các quan điểm, ý tưởng của mình. Nhờ đó, học viên sẽ hiểu sâu hơn, nhớ lâu hơn kiến thức, đồng thời, tính chủ động sáng tạo của chính bản thân mỗi học viên cũng được phát huy”.

Cách xây dựng module bài học như trên đã mang đến sự khác biệt trong công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp tại Học viện Tư pháp trong những năm qua. Và những ưu việt đã được PGS-TS Phan Hữu Thư khẳng định trong bài viết nêu trên cũng đã được thể hiện trên thực tế đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp Học viện Tư pháp. Do vậy, Học viện Tư pháp cần tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài theo các module kỹ năng.

Hiện nay, trong Chương trình đào tạo luật sư và Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội quốc tế của Học viện Tư pháp đã có những môn học có nội dung về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại (như môn “Kỹ năng tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án” trong chương trình đào tạo Luật sư; môn học “Kỹ năng của Luật sư trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế” trong Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế…). Do vậy, trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài, những nội dung phù hợp trong các chương trình đào tạo luật sư cần tiếp tục được nghiên cứu và thể hiện ở mức độ tương ứng với mục tiêu đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp.

Mặt khác, thực hiện theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp về việc chuyển dần các chương trình đào tạo từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ, đến nay, Học viện Tư pháp đã thực hiện xong việc xây dựng các chương trình đào tạo theo tín chỉ như các Chương trình đạo tạo: Thừa phát lại, Chấp hành viên, Luật sư, Luật sư phục vụ hội quốc tế và Chương trình đào tạo nghề đấu giá. Do vậy, khi triển khai xây dựng chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài, Học viện Tư pháp cũng cần xây dựng theo hình thức tín chỉ cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Những yêu cầu, những đặc thù đối với đào tạo nghiệp vụ trọng tài (không đào tạo nguồn để bổ nhiệm, chuẩn đầu ra cao, người học sau khi tốt nghiệp phải thực hiện được công việc, phải hành nghề, đối tượng học viên đa dạng, v.v…) cũng được Học viện Tư pháp nghiên cứu và có phương án xây dựng phù hợp trong chương trình đào tạo đối với chức danh này[35].

Ngoài ra, để đảm bảo tính hiệu quả, đảm bảo chất lượng đào tạo, theo chúng tôi, việc xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp cần thực hiện theo lộ trình phù hợp theo hai giai đoạn:

– Giai đoạn 1: Xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại trong nước;

– Giai đoạn 2: Xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại trong nước và quốc tế.

Mặt khác, để chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài sát với thực tiễn hành nghề, Học viện Tư pháp cần thực hiện song song nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ giảng viên, nhất là đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và tạo cơ hội tối đa cho giảng viên thỉnh giảng, đặc biệt là các trọng tài viên tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo.

3.2. Xây dựng đội ngũ giảng viên

Điểm đặc trưng trong đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp tại Học viện Tư pháp từ trước đến nay là đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ. Đào tạo trọng tài viên, với tính chất đào tạo chuyên sâu đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải là những người giỏi về lý thuyết và thành thạo trong hành nghề, nhiệt tình, tâm huyết trong công tác đào tạo.

Việc xây dựng đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy cho các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp hiện có nhiều thuận lợi. Học viện Tư pháp đã có nhiều năm đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Luật sư, v.v… nên đã xây dựng được một đội ngũ giảng viên đông đảo tham gia hoạt động đào tạo đối với các chức danh này. Trong các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp, đã có một số các môn học/học phần/nội dung rất gần/tương tự với một số nội dung dự kiến trong đào tạo nghiệp vụ trọng tài, đặc biệt trong Chương trình đào tạo Luật sư và Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Trong Chương trình đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp đã xây dựng một môn học Kỹ năng tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, trong đó có trọng tài thương mại. Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế có nhiều các môn học liên quan đến nghiệp vụ trọng tài như các môn: Kỹ năng của Luật sư trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, Kỹ năng giải quyết tranh chấp quốc tế theo cơ chế giải quyết của EVFTA, Kỹ năng giải quyết tranh chấp quốc tế về bán phá giá, trợ cấp xuất khẩu và tự vệ thương mại WTO, v.v… Do vậy, khi tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài, Học viện Tư pháp sẽ lựa chọn những giảng viên giỏi về lý thuyết, thành thạo về kỹ năng nghề nghiệp tố tụng trọng tài để tham gia giảng dạy cho các lớp học này.

Tương tự như đối với các chức danh khác, đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy nghiệp vụ trọng tài sẽ được cấu thành từ lực lượng giảng viên cơ hữu thuộc biên chế của Học viện Tư pháp và giảng viên thỉnh giảng.

* Đội ngũ giảng viên cơ hữu:

Hiện nay, mặc dù Học viện Tư pháp chưa chính thức tổ chức đào tạo trọng tài viên nhưng công tác chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho việc tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài trong những năm tới (như xây dựng Chương trình đào tạo, biên soạn Giáo trình, hồ sơ tình huống và các tài liệu tham khảo khác, v.v.) đòi hỏi phải có lực lượng giảng viên cơ hữu chuyên sâu về lĩnh vực này. Do vậy, theo chúng tôi, để xây dựng lực cho giảng viên cơ hữu tham gia đào tạo nghiệp vụ trọng tài thực sự chuyên nghiệp, có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và phương pháp sư phạm tốt, từ thực tế và yêu cầu của công tác đào tạo nghiệp vụ trọng tài, Học viện Tư pháp cần thực hiện các biện pháp cụ thể như:

– Giao nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ trọng tài cho một đơn vị phù hợp của Học viện làm đầu mối;

– Bổ sung ít nhất 02 biên chế giảng viên cho đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ trọng tài; nghiên cứu thành lập Bộ môn đào tạo nghiệp vụ trong tài và kiện toàn Lãnh đạo Bộ môn;

– Học viện Tư pháp có văn bản gửi Cục Bổ trợ tư pháp, một số Trung tâm trọng tài có phát sinh thường xuyên việc giải quyết tranh chấp để đề nghị các cơ quan, tổ chức này tạo điều kiện cho giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp được tham gia hoạt động nghề nghiệp tại các cơ quan, tổ chức đó để có thêm kinh nghiệm thực tiễn phục vụ giảng dạy tại Học viện Tư pháp.

– Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên cơ hữu được thường xuyên tiếp cận và rèn luyện các kỹ năng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thông qua việc tăng cường đi thực tế tại các Trung tâm trọng tài; nếu có điều kiện có thể cử giảng viên đi thực tế ở nước ngoài để tham khảo nghiệp vụ chuyên sâu về trọng tài thương mại. Hiện nay, các tổ chức trọng tài quốc tế hàng đầu có nhiều khóa học đào tạo ngắn hạn về kĩ năng và kiến thức cần thiết cho các trọng tài viên, luật sư và chuyên gia về trọng tài như các khóa học của Viện trọng tài London (CIarb) [36], Học viện trọng tài Paris (Arbitration Academy)[37], Phòng thương mại quốc tế (ICC) [38], Hội đồng quốc tế về trọng tài thương mại (Young ICCA)[39]. Học viện Tư pháp có thể cử giảng viên tham gia các khóa học này để nắm được nội dung chương trình, phương pháp đào tạo và cách thức tiến hành các khoá đào tạo nghiệp vụ trọng tài của các nước tiên tiến trên thế giới cũng như kinh nghiệm đào tạo, quản lý chuyên môn…

* Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng:

Với phương thức đào tạo “cầm tay chỉ việc” thì quá trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài cần sự tham gia của đông đảo lực lượng giảng viên thỉnh giảng đang hành nghề thực tế. Đây là chính là lực lượng chiếm số đông và sẽ là lực lượng chủ chốt trong đội ngũ giảng viên thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ trọng tài. Họ là các trọng tài viên đến từ các Trung tâm trọng tài, một số là Lãnh đạo, chuyên viên của Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, cũng tương tự như yêu cầu đặt ra đối với giảng viên cơ hữu, với mục tiêu kết thúc khóa đào tạo, học viên có thể hành nghề được ngay nên yêu cầu đặt ra đối với giảng viên thỉnh giảng cũng phải đặt ở mức độ cao.

Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng tại Học viện Tư pháp nói chung có ưu điểm nổi bật là có kiến thức thực tế phong phú, có trình độ chuyên môn, nhiệt tình tham gia giảng dạy, tuy nhiên, họ thường bị hạn chế về phương pháp sư phạm. Mặt khác, giảng viên thỉnh giảng thường đến từ nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, công việc chuyên môn của họ thường xuyên bận rộn, việc giảng dạy cho Học viện Tư pháp thường là công việc kiêm nhiệm nên thời gian đầu tư cho hoạt động này là không nhiều.

Để xây dựng lực giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng giảng dạy, theo chúng tôi, Học viện Tư pháp cần thực hiện các biện pháp cụ thể sau:

– Về việc lựa chọn giảng viên thỉnh giảng: Học viện Tư pháp cần đề nghị Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp hỗ trợ giới thiệu các trọng tài viên, các chuyên gia giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, giàu kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết với nghề nghiệp để lựa chọn làm giảng viên thỉnh giảng. Mặt khác, Học viện Tư pháp cần xem xét lựa chọn từ các giảng viên thỉnh giảng có uy tín, giảng dạy đạt chất lượng cao đã/đang tham gia giảng dạy các kỹ năng/nội dung tượng tự hoặc có liên quan đến kỹ năng/nội dung đào tạo nghiệp vụ trọng tài trong các chương trình đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, luật sư tại Học viện Tư pháp. Học viện Tư pháp cũng cần phải có quy trình lựa chọn giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy cho cac lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài một cách công phu, cẩn thận để đảm bảo việc xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đạt chất lượng cao;

– Cần có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với giảng viên thỉnh giảng, kịp thời khen thưởng, động viên khuyến khích những giảng viên tích cực tham gia giảng dạy đạt chất lượng cao;

– Ký Hợp đồng giảng dạy có thời hạn với một số trọng tài viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có sức khoẻ, có đạo đức và tâm huyết với công tác đào tạo của Học viện Tư pháp;

– Cần thường xuyên tập huấn về phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Do các giảng viên thỉnh giảng là những người bận rộn trong công tác chuyên môn nên các lớp tập huấn nên bố trí ngắn ngày, cần chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ để đảm bảo cao nhất số lượng các giảng viên thỉnh giảng có thể tham dự. Trong những khóa học đầu, Học viện Tư pháp cần áp dụng triệt để phương pháp song giảng với sự kết hợp giữa giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng, một mặt nhằm nâng cao chất lượng bài giảng thông qua sự phát huy tối đa lợi thế của nhóm giáo viên lý thuyết và thực hành; mặt khác gián tiếp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, cách thức tổ chức lớp học cho giảng viên thỉnh giảng;

– Hỗ trợ cho giảng viên thỉnh giảng trong việc xây dựng giáo án điện tử;

– Tạo điều kiện để giảng viên thỉnh giảng sinh hoạt chuyên môn định kỳ, tham gia các đợt tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn, các hội thảo tọa đàm chuyên đề có liên quan đến hoạt động giảng dạy chính khóa;

– Khuyến khích, có biện pháp thu hút giảng viên thỉnh giảng tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, viết giáo trình, tài liệu, biên tập hồ sơ tình huống, viết bài cho Tạp chí Nghề luật, tham gia các hội thảo khoa học trong và ngoài nước.

3.3. Xây dựng giáo trình, tài liệu, hồ sơ tình huống; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học

3.3.1. Xây dựng giáo trình, hồ sơ tình huống, tài liệu tham khảo

Bên cạnh việc xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên, lựa chọn phương pháp đào tạo thích hợp thì việc xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu, hồ sơ tình huống phù hợp cũng là một điều kiện không thể thiếu để đạt được mục tiêu đào tạo nghiệp vụ trọng tài. Giáo trình là bộ phận thiết yếu quan trọng nhất, là cơ sở để giảng viên và học viên chủ động xác định phạm vi bài giảng, các kiến thức kỹ năng chuẩn mực, trọng tâm bắt buộc phải trang bị với mỗi buổi lên lớp, mỗi đơn vị học trình. Việc xây dựng giáo trình cho các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với Chương trình đào tạo và pháp luật hiện hành, sát với thực tiễn hành nghề. Giáo trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài của Học viện Tư pháp vừa phải bảo đảm tính chất lý luận vừa bảo đảm được tính chất dạy nghề theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Giáo trình sẽ không mang tính lý thuyết như của các cơ sở đào tạo cử nhân hay tài liệu của các lớp bồi dưỡng kiến thức trong ngành tư pháp mà cần được xây dựng theo hướng đi sâu vào việc hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng hành nghề của trọng tài viên. Mặt khác, giáo trình cũng còn là những kinh nghiệm hành nghề quý báu, cách thức giải quyết các tình huống thường gặp trong quá trình hành nghề, cách ứng xử đúng đắn, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp trọng tài viên. Trong quá trình biên soạn giáo trình, Học viện Tư pháp cần huy động tối đa sự tham gia của các giảng viên thỉnh giảng là các trọng tài viên và chuyên gia quản lý của Cục Bổ trợ tư pháp có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động trọng tài và quản lý nhà nước trong hoạt động trọng tài.

Tương tự như xây dựng giáo trình, việc xây dựng hồ sơ tình huống phục vụ cho các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài cũng phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với Chương trình đào tạo, sát với thực tiễn hành nghề. Do vậy, Học viện Tư pháp cần liên hệ, phối hợp với các Trung tâm trọng tài để được sưu tầm hồ sơ từ một số vụ việc thực tế đã được giải quyết. Học viện cần thu thập nhiều hồ sơ thực tế để có điều kiện chọn lọc được các hồ sơ hay về nội dung và có nhiều vướng mắc về cách thức xử lý để tạo tình huống cho học viên phải tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, việc sử dụng hồ sơ tình huống cần đảm bảo nguyên tắc các hồ sơ được sử dụng phải phù hợp với các bài học theo chương trình đào tạo đã được phê duyệt. Bên cạnh việc sưu tầm hồ sơ vụ việc thực tế để biên tập thành hồ sơ tình huống phục vụ công tác đào tạo, Học viện Tư pháp cũng cần có phương án xây dựng hồ sơ tình huống giả định đối với những bài/nội dung không sưu tầm được hồ sơ hoặc chưa có hồ sơ thực tế đã được giải quyết.

Học viện Tư pháp cần hết sức chú trọng công tác biên tập hồ sơ tình huống, để vừa bảo đảm đúng mục tiêu của công tác đào tạo nghiệp vụ trọng tài, đồng thời phải đảm bảo tính bí mật đối với các phán quyết trọng tài. Việc biên tập hồ sơ tình huống vừa phải đảm bảo tính thực tiễn của hồ sơ, vừa phải phù hợp với mục tiêu của từng bài học, với mục tiêu rèn luyện từng kỹ năng. Mặt khác, trong bối cảnh các tranh chấp thương mại ngày càng phức tạp, tình trạng phán quyết trọng tài bị tòa án tuyên hủy vẫn còn tương đối nhiều, Học viện Tư pháp cũng cần nghiên cứu xây dựng, bình luận một số hồ sơ vụ việc điển hình để các trọng tài viên có cơ hội cọ sát, nghiên cứu học hỏi.

Do đào tạo nghiệp vụ trọng tài chưa từng được đơn vị nào thực hiện nên để việc triển khai thực hiện chương trình đào tạo đạt hiệu quả, bên cạnh việc xây dựng giáo trình, hồ sơ tình huống, Học viện Tư pháp cũng cần biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình đào tạo dành cho giảng viên và học viên. Học viện Tư pháp cũng cần đầu tư xây dựng giáo án điện tử, trong đó có xây dựng các video clips về các hoạt động xử lý vụ việc và điều hành phiên họp giải quyết tranh chấp của trọng tài viên để hỗ trợ cho việc giảng dạy và học tập.

3.3.2. Chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học

Để việc đào tạo nghề đấu giá được tiến hành thuận lợi, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học cũng là vấn đề cần được quan tâm. Từ năm 2013, Học viện Tư pháp đã hoàn thành xong việc xây dựng trụ sở và đưa vào sử dụng trên diện tích đất gần 1,7 héc ta, với diện tích sàn xây dựng 28.370 m2 gồm 3 toà nhà: toà nhà hành chính, toà nhà giảng đường và toà nhà ký túc xá. Toà nhà giảng đường cao 12 tầng và 01 tầng hầm với tổng diện tích sàn 11.531m2, có 41 giảng đường từ 20 đến 150 chỗ ngồi và 1 hội trường lớn 378 chỗ ngồi. Trên các giảng đường ngoài bàn, ghế đều được trang bị hệ thống âm thanh để giảng bài, phần lớn giảng đường có điều hoà nhiệt độ. Hệ thống máy tính, máy chiếu cũng được tăng cường đảm bảo đủ phục vụ cho việc dạy và học. Tại cơ sở thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Tư pháp cũng vừa khánh thành và đưa vào sử dụng trụ sở tại 180 Bis Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, quận Thủ Đức với diện tích sàn xây dựng khoảng 13.000 m2. Với cơ sở vật chất như trên, Học viện Tư pháp hoàn toàn có đủ điều kiện đảm bảo cho việc triển khai chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài.

3.4. Phương pháp đào tạo

Do chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài có những đặc thù riêng nên việc lựa chọn phương pháp đào tạo phù hợp là hết sức cần thiết và quan trọng. Học viên lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài là những người ít nhiều đã có những kiến thức, kinh nghiệm nhất định. Do vậy, đối với lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài, Học viện Tư pháp cần sử dụng các phương pháp đào tạo phù hợp môi trường sư phạm hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với đặc thù trong công tác đào tạo kỹ năng hành nghề cho trọng tài viên và cần lưu ý đến những nguyên tắc sử dụng phương pháp dạy học tích cực cho người lớn như[40]:

– Học viên vốn đã có một số kiến thức đáp ứng với mục tiêu của chương trình đào tạo, giảng viên cần có khả năng khai thác những kiến thức đó.

– Học viên chủ yếu học bằng thực hành hơn là chỉ nghe giảng đơn thuần

– Nội dung truyền đạt cần có tính hiện thực cao, sinh động thì sẽ dễ tiếp thu và nhớ lâu hơn là một bài lý thuyết.

– Việc học không chỉ là một quá trình suy nghĩ thuần tuý mà cần bao gồm cả lý tính và cảm tính.

– Kinh nghiệm cá nhân của học viên là một nguồn tài liệu quan trọng và là “nội dung” của khoá đào tạo. Kiến thức có thể khai thác và phát triển từ nguồn kinh nghiệm dự trữ của học viên.

– Học viên học tốt nhất khi họ có thể liên hệ nội dung học với kinh nghiệm sống của mình.

– Học viên có thể học từ bạn học cũng như từ giảng viên.

– Học viên tham gia tích cực vào quá trình học tập và cần được sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau giữa các học viên, cũng như giữa học viên và giảng viên.

– Sự bố trí phòng học và các phương tiện giảng dạy đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra một không khí cởi mở và tiếp thu kiến thức.

Với mô hình “lấy người học làm trung tâm”, việc sử dụng phương pháp đào tạo của Học viện Tư pháp cần hết sức linh hoạt, phù hợp với tính chất của từng nội dung trong chương trình đào tạo. Học viện Tư pháp cần sử dụng phối kết hợp các phương pháp cơ bản sau trong hoạt động đào tạo nghiệp vụ trọng tài như: phương pháp song giảng, phương pháp thuyết trình, phương pháp giải quyết tình huống, phương pháp đóng vai, phương pháp kiến tập, thực tập, làm việc nhóm, tọa đàm, v.v…[41]

         3.4.1. Phương pháp song giảng

Đây là hình thức thực hiện bài giảng có sự phối hợp giữa hai giảng viên, một giảng viên lý thuyết (thường là giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp) và một giảng viên thực hành (là các trọng tài viên/hoặc chuyên gia, cán bộ quản lý nhà nước, v.v… có nghiệp vụ chuyên sâu về trọng tài). Sự phối hợp giữa hai giảng viên sẽ đem lại tính toàn diện trong việc giải quyết các nội dung giảng dạy và đặc biệt là tạo dựng và rèn luyện kỹ năng cho học viên. Nếu chỉ tiến hành đơn giảng, với một giảng viên lý thuyết, học viên sẽ không có được những hình dung cụ thể về thực tế thực hành các kỹ năng nghiệp vụ cụ thể và các kinh nghiệm giải quyết. Ngược lại, nếu chỉ có một giảng viên thực hành tiến hành giảng dạy thì khả năng học viên không được trang bị một cách bài bản kiến thức lý thuyết kỹ năng là không thể tránh khỏi. Sự có mặt của hai giảng viên cùng tham gia giảng dạy cũng sẽ làm cho buổi học trở nên sinh động hơn, sôi nổi hơn và học viên dễ tiếp thu hơn. Nhờ sự phối hợp, bổ sung lẫn nhau của các giảng viên mà qua giờ học, học viên vừa được cung cấp kiến thức lý thuyết, vừa được trang bị cả kỹ năng nghề nghiệp. Các học viên không chỉ được chia xẻ kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp mà còn được rèn luyện phương pháp phân tích, áp dụng và cập nhật kiến thức pháp luật mới.

3.4.2.Phương pháp thuyết trình

Đây là phương pháp giảng dạy truyền thống và có nhiều ưu điểm như: đảm bảo tính nhất quán, hệ thống của nội dung bài giảng; truyền đạt được một lượng kiến thức lớn trong một thời gian ngắn, chi phí thấp, v.v… Tuy nhiên, phương pháp thuyết trình cũng có những hạn chế như: đòi hỏi giảng viên phải là người có kiến thức tốt, phong phú; học viên tham gia thụ động vào bài học nên không kích thích được sự ham tìm tòi, hiểu biết, tư duy chủ động, sáng tạo của học viên; do không nhận được sự phản hồi của học viên nên giảng viên thường giảng những gì mình có, mình thích, mà những nội dung đó chưa hẳn đã là những nội dung mà viên thiếu, học viên cần, v.v…

Phương pháp thuyết trình phù hợp với những bài giảng mang tính lý thuyết nên trong đào tạo nghiệp vụ trọng tài cần áp dụng đúng loại hình bài giảng và sử dụng mức độ phù hợp. Để đảm bảo và nâng cao chất lượng giảng dạy, giảng viên không thuần tuý chỉ áp dụng phương pháp thuyết trình mà cần kết hợp với các phương pháp khác như phương pháp giải quyết tình huống, thảo luận nhóm… Các nội dung của bài học phải được minh hoạ bằng các tình huống thực tiễn sinh động. Giáo viên lên lớp cũng phải tăng cường trao đổi với học viên để cải thiện không khí lớp học, tránh tình trạng học viên hoàn toàn thụ động khi lên lớp.

3.4.3. Phương pháp giải quyết tình huống

Phương pháp này sẽ được sử dụng đối với những nội dung lý thuyết và thực hành tình huống trong đào tạo nghiệp vụ trọng tài. Với những nội dung lý thuyết, để triển khai những nội dung của bài học, ngoài việc áp dụng phương pháp thuyết trình, giảng viên cần chuẩn bị các tình huống, các câu hỏi liên quan đến bài học để người học trao đổi, thảo luận, qua đó giúp người học củng cố kiến thức lý thuyết vừa được giảng viên giới thiệu.

Với những bài thực hành tình huống, người học sẽ vận dụng kiến thức lý thuyết đã học ở bài lý thuyết để giải quyết các tình huống. Đây là những tình huống thực tế theo hồ sơ đã được chuyển tới trước cho người học nghiên cứu trước ở nhà. Bằng việc hướng dẫn học viên nghiên cứu, tìm hiểu một hồ sơ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, học viên phải làm rõ tất cả những vấn đề liên quan đến hồ sơ. Giảng viên sẽ đưa ra các kết luận về hồ sơ, đúc kết thành lý thuyết, khái quát hoá thành các kinh nghiệm nghề nghiệp làm cơ sở cho các thao tác nghề nghiệp chuẩn sau này của học viên. Với phương pháp này, ý thức tự tìm hiểu, tự nghiên cứu cũng như khả năng tư duy của học viên được nâng cao rõ rệt; tạo cảm giác hứng thú cho cả người học và người dạy, đồng thời làm phong phú kiến thức cho cả hai phía.

3.4.4. Phương pháp đóng vai

Phương pháp đóng vai đã được sử dụng trong đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giảng viên và học viên. Với nhiều ưu việt, phương pháp này sẽ tiếp tục được sử dụng trong đào tạo nghiệp vụ trọng tài với những yêu cầu mới. Với phương pháp đóng vai, hồ sơ tình huống thực tế sẽ được cung cấp trước cho học viên và giảng viên nghiên cứu và chuẩn bị trước theo hướng dẫn. Lớp học sẽ được chia thành các nhóm nhỏ với số lượng thành viên phù hợp. Các thành viên trong nhóm sẽ tiến hành việc chuẩn bị bài học ở nhà như: nghiên cứu hồ sơ, xây dựng kịch bản, thực hành đóng vai, chuẩn bị các tình huống liên quan đến bài học. Trong giờ học, giảng viên sẽ chỉ định nhóm học viên thực hành việc đóng vai trên cơ sở sử dụng những dữ liệu trong hồ sơ tình huống đã chuẩn bị trước. Học viên sẽ tự đặt mình vào vị trí của trọng tài viên để chủ động đặt ra và chủ động xử lý tình huống, giải quyết vấn đề theo yêu cầu của hồ sơ tình huống. Với việc trực tiếp thực hành các kỹ năng nghề nghiệp thông qua đóng vai, học viên sẽ được củng cố, nắm vững kiến thức pháp luật đã được học và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp thành thục.

3.4.5. Phương pháp kiến tập, thực tập tại các Trung tâm trọng tài

Việc đưa học viên các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài đi kiến tập, thực tập cần được tiến hành sau khi học viên đã học được những nghiệp vụ nhất định tại Học viện Tư pháp. Thông qua việc đi kiến tập, thực tập, học viên có điều kiện để quan sát, nắm được những kiến thức lý thuyết kỹ năng trên thực tế được vận dụng như thế nào, các thao tác nghiệp vụ được tiến hành ra sao, từ đó, học viên có thể làm theo một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Để việc kiến tập, thực tập của học viên các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài đạt hiệu quả, Học viện Tư pháp cần xây dựng các nội dung đào tạo thực tế phong phú, sát với yêu cầu đào tạo. Học viện cũng cần thiết lập cơ chế phối hợp giữa Học viện với các Trung tâm trọng tài nơi tiếp nhận học viên đến kiến tập, thực tập, để học viên có thể được tham gia vào một số hoạt động nghề nghiệp cụ thể. Học viện cũng cần nhanh chóng xây dựng và thiết lập quan hệ mật thiết với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là những trọng tài viên, bởi chính họ cũng sẽ là những người sẽ hướng dẫn thực tập cho học viên; có thể tiến hành tập huấn các vấn đề cần thiết về hướng dẫn thực tập (nếu cần). Mặt khác, Học viện Tư pháp cần bố trí khoản kinh phí thỏa đáng để chi trả cho các cơ sở tiếp nhận học viên đến thực tập, kiến tập cũng như chi trả cho cán bộ hướng dẫn thực tập.

3.4.6. Phương pháp đánh giá kết quả học tập

Trong thực tiễn dạy học hiện nay có hai loại đánh giá thường được áp dụng: đánh giá theo tiến trình/thường xuyên và đánh giá tổng kết/định kỳ. Do đặc thù của chương trình đào tạo và đối tượng học viên các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài, ngoài thời gian trao đổi trên lớp, Học viện Tư pháp cần chú trọng đến hoạt động tự học, tự nghiên cứu của học viên. Học viện Tư pháp cần kết hợp quá trình đào tạo trên lớp với quá trình tự nghiên cứu, học tập ở nhà bằng cách giao các nhiệm vụ cụ thể mà học viên phải giải quyết ngoài giờ lên lớp với cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá hữu hiệu bằng việc giao các bài tập thực hành để củng cố lại các kiến thức học trên lớp.

Mặt khác, kết thúc khóa đào tạo đòi hỏi người học không những phải nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn phải biết ứng xử, diễn thuyết, viết, v.v…, do đó, các hình thức đánh giá kết quả học tập đối với các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài cũng cần hết sức mềm dẻo, linh hoạt và tương ứng với các kỹ năng đào tạo như: viết bài luận, viết báo cáo hồ sơ, diễn án, làm bài kiểm tra, làm bài thi bằng hình thức viết hoặc vấn đáp. Sự đa dạng của các hình thức này giúp cho học viên rèn luyện được các kỹ năng nghề nghiệp trên mọi phương diện.

Với những khóa đào tạo đầu tiên, để đảm bảo và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ trọng tài, theo chúng tôi, Học viện Tư pháp cần tăng cường thực hiện việc giảng dạy theo hình thức song giảng (có thể chiếm 40-70% thời lượng đào tạo) nhằm phát huy những ưu điểm của giảng viên lý thuyết và giảng viên thực tiễn, trang bị cho học viên cả kiến thức lý luận và kỹ năng nghề nghiệp. Việc tăng cường phương pháp song giảng cũng giúp các giảng viên trong quá trình giảng dạy học tập được kinh nghiệm và bổ sung kiến thức cho nhau.

3.5. Công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo

Tại Học viện Tư pháp, học viên các lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử, kiểm sát viên, chấp hành viên, công chứng viên, luật sư, thừa phát lại đều là những người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật. Tuy nhiên, đối với các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài thì đối tượng học viên lại có những đặc thù riêng[42]. Do học viên là những người tốt nghiệp đại học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau nên mặt bằng kiến thức pháp luật về trọng tài thương mại là không đồng đều. Mặt khác, học viên cũng có thể là những người đang làm trọng tài viên, đã từng tham gia giải quyết tranh chấp nhưng cũng có thể chưa từng giải quyết vụ tranh chấp nào. Vì vậy, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của học viên có thể rất khác nhau. Do đó, để đảm bảo chất lượng đào tạo nghiệp vụ trọng tài, Học viện Tư pháp cần kiểm soát chất lượng đầu vào, có thể thực hiện thông qua hình thức kiểm tra đầu vào để xác định mặt bằng chuyên môn của lớp học hoặc phân lớp, từ đó kịp thời có những thời điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo và lựa chọn phương pháp đào tạo phù hợp.

Vì không bắt buộc phải tham gia khóa đào tạo vẫn có thể trở thành trọng tài viên nên Học viện Tư pháp chỉ có thể thu hút người học thông qua chất lượng của các khóa đào tạo. Đối với các trọng tài viên, để được các bên lựa chọn giải quyết vụ việc tranh chấp thì đòi hỏi trọng tài viên phải là những người có uy tín, có trình độ, kỹ năng kinh nghiệm tốt. Do vậy, nếu khóa đào tạo nghiệp vụ trọng tài của Học viện Tư pháp mang lại cho người học những cái mà họ “cần”, mang lại những kiến thức hữu ích thì sẽ thu hút được người học. Ngoài ra, mức học phí và thời gian tổ chức khóa đào tạo phù hợp cũng là yếu tố được người học quan tâm. Do vậy, trong giai đoạn đầu, để người học biết đến khóa đào tạo, Học viện Tư pháp cần phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp và các Trung tâm trọng tài tại Việt Nam để thông tin tuyên truyền, quảng bá về lớp học.

Một điểm cần lưu ý là trọng tài viên phần lớn là những người kiêm nhiệm nên thường rất bận rộn. Do vậy, Học viện Tư pháp cần tổ chức các lớp học theo từng module, từng chủ đề mà người học quan tâm; tổ chức lớp học trong thời gian ngắn mà không tổ chức thành các lớp học dài ngày như đào tạo các chức danh khác tại Học viện Tư pháp hiện nay nhằm tạo điều kiện và có thể thu hút được đông đảo người học tham dự.

Quá trình triển khai đào tạo nghiệp vụ trọng tài, Học viện Tư pháp cần chú trọng đối với việc tự học, tự nghiên cứu của học viên. Giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát quá trình học của học viên. Sử dụng công nghệ thông tin để kết nối giữa cơ sở đào tạo, giảng viên với học viên, giữa các học viên với nhau. Cần sử dụng nhiều công cụ để đánh giá kết quả đào tạo. Mặt khác, Học viện Tư pháp cũng cần tăng cường chuyên nghiệp hóa hoạt động quản lý đào tạo.

3.6. Các giải pháp hỗ trợ khác

Để đảm bảo việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài đạt hiệu quả, ngoài những giải pháp từ phía Học viện Tư pháp thì cần có những giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan, đơn vị hữu quan như:

Thứ nhất, cần có được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Lãnh đạo Bộ Tư pháp; sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp, nhất là Cục Bổ trợ tư pháp;

Thứ hai, cần có được sự hỗ trợ, phối hợp từ các Trung tâm trọng tài nhằm tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác giữa Học viện Tư pháp với các Trung tâm trọng tài, từ đó thu hút nhiều hơn sự tham gia tích cực của các trọng tài viên trong hoạt động nghiên cứu hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy, hoạt động giảng dạy, hướng dẫn nghiệp vụ cho học viên, tạo điều kiện cho học viên đi thực tế.

Thứ ba, cần sớm thành lập Hiệp hội trọng tài nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động hoạt động liên kết, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tố tụng trọng tài cho trọng tài viên cũng như là chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tố tụng trọng tài trong nước và quốc tế.

PHẦN CÁC CHUYÊN ĐỀ

Chuyên đề 1

BỐI CẢNH, ĐIỀU KIỆN VÀ CƠ SỞ CỦA VIỆC ĐÀO TẠO

NGHIỆP VỤ TRỌNG TÀI TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP

ThS.Nguyễn Thị Tú Anh

Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp

  1. Bối cảnh, tính cần thiết của việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trọng tài viên

Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực ngày càng sâu rộng của Việt Nam, rủi ro tranh chấp thương mại có xu hướng ngày càng gia tăng là điều khó tránh khỏi. Trên thế giới, có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp thương mại như thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án, tuy nhiên, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ngày càng được các bên tranh chấp, đặc biệt là các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn, nhất là đối với trạnh chấp có yếu tố nước ngoài, bởi lẽ phương thức này có nhiều ưu điểm.

Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp được hình thành trên cơ sở thỏa thuận của các bên tranh chấp, theo đó, các bên tự nguyện đưa tranh chấp ra một Hội đồng trọng tài có thể gồm một hoặc nhiều trọng tài viên tùy thuộc vào lựa chọn và quyết định của các bên theo một trình tự, thủ tục tố tụng nhất định. Phán quyết của Hội đồng trọng tài là phán quyết cuối cùng và có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên[43]. Phán quyết trọng tài không những được thi hành trong nước mà còn cả ở nước ngoài theo Công ước về Công nhận và Thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài năm 1958 (Công ước New York 1958) đã được 157 quốc gia đã phê chuẩn. Lựa chọn trọng tài, các bên được lựa chọn trọng tài viên, luật áp dụng, thời gian, địa điểm phù hợp để tiến hành phiên họp trọng tài. Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đảm bảo tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, xét xử không công khai, đảm bảo bí mật riêng tư, do vậy không ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh của các bên tranh chấp. Trọng tài viên được coi là “thẩm phán tư” không đại diện cho quyền tư pháp của Nhà nước, vì vậy trọng tài rất phù hợp đối với các tranh chấp mang tính quốc tế giữa các bên mang quốc tịch khác nhau, đặc biệt trong xu thế đầu tư quốc tế và hội nhập toàn cầu như hiện nay. Vì lẽ đó, ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước có nền kinh tế phát triển thì hoạt động trọng tài thương mại được nhà nước đặc biệt quan tâm, hỗ trợ phát triển và trở thành phương thức giải quyết tranh chấp được ưu tiên lựa chọn, ví dụ như như Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, HongKong, Malaysia….

Ở Việt Nam, việc giải quyết tranh chấp thương mại chủ yếu thông qua hệ thống tòa án. Từ nhiều năm nay, tòa án luôn ở trong tình trạng quá tải, thời gian giải quyết tranh chấp tại Tòa án thường kéo dài, gây tốn kém thời gian, chi phí xã hội (Ví dụ: thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng là 400 ngày)[44]. Trong khi đó thời gian giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thường ngắn hơn, phán quyết trọng tài là chung thẩm có hiệu lực thi hành ngay (thời gian trung bình giải quyết án kinh doanh thương mại của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) là dưới 200 ngày; năm 2015 là 154 ngày, năm 2016 là 153,6 ngày, trong đó có vụ giải quyết trong 24 ngày. Hiện nay, thời gian trung bình giải quyết theo thủ tục rút gọn tại VIAC dưới 100 ngày)[45]. Do đó, việc khuyến khích phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án trong đó có phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là hướng đi phù hợp.

* Quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với phát triển trọng tài thương mại

Từ nhiều năm qua, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, trong đó, nhấn mạnh việc chú trọng phát triển phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nhằm rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế, thương mại, cụ thể như:

– Nghị quyết số 48 – NQ/TW ngày 24 tháng 05 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã chỉ đạo: “Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế (trọng tài, hoà giải) phù hợp với tập quán thương mại quốc tế. Tham gia các điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp, nhất là các điều ước liên quan tới việc công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của toà án, quyết định trọng tài thương mại”;

– Nghị quyết 49 -NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”;

– Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng chỉ đạo “khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”;

– Nghị quyết số 10 – NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã chỉ rõ nhiệm vụ trong những năm tới: “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế giải quyết tranh chấp kinh tế, dân sự, trọng tâm là các hoạt động thương lượng, hoà giải, trọng tài thương mại và toà án nhân dân các cấp, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp”;

– Nghị quyết số 19 – 2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, trong đó có đặt mục tiêu “giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 300 ngày”;

– Nghị quyết 98/NQ – CP ngày 3/10/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10 – NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng “Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi hợp đồng và giải quyết tranh chấp” trình Chính phủ vào quý IV năm 2018; đồng thời phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, “đề xuất giải pháp rút ngắn thời gian giải quyết các vụ án dân sự và kinh doanh thương mại”.

– Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng “Đề án nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, các Trung tâm trọng tài và định hướng một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế”.

Như vậy, có thể thấy việc rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế, thương mại nói chung và phát triển phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nói riêng trở nên rất cấp thiết và được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm khuyến khích phát triển nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

* Về thể chế trọng tài thương mại

Nhằm thể chế hóa Nghị quyết 49 – NQ/TW, ngày 17/6/2010, Luật trọng tài thương mại được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2011. Sự ra đời của Luật trọng tài thương mại đã tiếp tục hoàn thiện thêm một bước về thể chế tổ chức và hoạt động trọng tài thương mại ở Việt Nam. Luật trọng tài thương mại được ban hành với nhiều quy định mới phù hợp với Luật mẫu của Liên hợp quốc về trọng tài (UNCITRAL Model Law), thông lệ quốc tế về trọng tài thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại ở Việt Nam. Triển khai thi hành Luật trọng tài thương mại, ngày 28/7/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2011/NĐ – CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật trọng tài thương mại. Ngày 7/11/2012, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 12/2012/TT-BTP ban hành một số biểu mẫu về tổ chức và hoạt động trọng tài thương mại. Ngày 3/5/2014, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành quy định Luật trọng tài thương mại. Liên quan đến việc thi hành phán quyết trọng tài, Luật thi hành án dân sự năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2014 đã thống nhất trình tự, thủ tục thi hành bản án của Tòa án và phán quyết trọng tài, theo đó việc thi hành phán quyết trọng tài sẽ được thực hiện như thi hành bản án của tòa án, không có bất kỳ phân biệt hoặc ưu tiên trong việc thi hành bản án và phán quyết trọng tài. Điều này cũng góp phần nâng cao hiệu quả của phương thức trọng tài, xóa bỏ quan niệm rằng phán quyết trọng tài có hiệu lực thi hành thấp hoặc không có khả năng thi hành như bản án của tòa án. Những văn bản này đã tạo nên hành lang pháp lý khá đồng bộ để thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển, đồng thời cũng nâng cao vị thế của trọng tài viên.

Từ khi Luật trọng tài thương mại và văn bản hướng dẫn có hiệu lực, hoạt động trọng tài tại Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đội ngũ doanh nghiệp đã nhìn nhận và đánh giá tích cực vai trò của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, đội ngũ trọng tài viên trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu đang ngày càng đa dạng và sâu rộng như hiện nay.

* Vị trí, vai trò của trọng tài viên    

Trong thời gian qua, có thể thấy, vị trí của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam ngày càng được chú trọng. Ngoài Luật trọng tài thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày càng có nhiều văn bản pháp luật ở nhiều ngành lĩnh vực khác nhau quy định việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như: Luật đầu tư năm 2014 (Điều 14), Luật doanh nghiệp 2014 (Điều 63, Điều 147), Luật thương mại 2005 (Điều 317), Luật hàng hải 2015 (Điều 5, Điều 131, Điều 141, Điều 287, Điều 338, Điều 339), Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 (Điều 30, Điều 38, Điều 39). Khoản 1 Điều 14 Bộ luật dân sự 2015 đã bổ sung quy định làm rõ vai trò, thẩm quyền của trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp. Do vậy, cần phải đẩy mạnh, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trọng tài nói chung, chất lượng đội ngũ trọng tài viên nói riêng, chất lượng phán quyết trọng tài để trọng tài để có thể đáp ứng được nhu cầu giải quyết tranh chấp trong nước và tranh chấp có yếu tố nước ngoài trong bối cảnh những tranh chấp này ngày càng tăng về số lượng, tính phức tạp và giá trị tranh chấp.

Trong các chức danh tư pháp, trọng tài thương mại thuộc nhóm chức danh bổ trợ tư pháp. Theo quy định tại Nghị định số 96/2017/NĐ – CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp (có hiệu lực từ 16/8/2017) đã quy định các nghề bổ trợ tư pháp bao gồm: luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, thừa phát lại, quản tài viên. Như vậy, hoạt động trọng tài thương mại phát triển sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm tải công tác xét xử của tòa án. Trọng tài thương mại cũng như các nghề bổ trợ tư pháp khác có vị trí quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của hoạt động tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án), là công cụ không thể thiếu để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan tiến hành tố tụng đối với việc bảo đảm công lí, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo tinh thần của Hiến pháp, thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 – NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong một nền tư pháp dân chủ, pháp quyền.

Để nâng cao chất lượng hoạt động trọng tài, Điều 20 Luật trọng tài thương mại quy định điều kiện trở thành trọng tài viên, theo đó trọng tài viên phải là những người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự; có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành học từ 5 năm trở lên. Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu trên cũng có thể trở thành trọng tài viên. Trung tâm trọng tài có thể quy định các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn luật định. Như vậy, Luật trọng tài thương mại đã nâng cao điều kiện trở thành trọng tài viên nhằm tạo điều kiện cho các Trung tâm tuyển chọn được đội ngũ trọng tài viên có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kinh nghiệm, uy tín để giải quyết tranh chấp, qua đó nâng cao chất lượng xét xử của trọng tài viên, đồng thời, đảm bảo phù hợp với đặc thù của hoạt động trọng tài thương mại bao gồm các tranh chấp đa dạng và chuyên sâu như mua bán hàng hóa, xây dựng, sở hữu trí tuệ, lao động, phân phối, đại lý và trung gian, bảo hiểm thương mại, đầu tư nước ngoài, tranh chấp hàng hải, tín dụng và thanh toán quốc tế, bảo vệ người tiêu dùng, v.v…cần có những trọng tài viên là chuyên gia đầu ngành, am hiểu và có kiến thức sâu để giải quyết các tranh chấp.

Vai trò của trọng tài viên còn được nâng lên ở việc quy định về quyền và nghĩa vụ trọng tài viên tại Luật trọng tài thương mại. Điều 21 Luật trọng tài thương mại quy định trọng tài viên có quyền chấp nhận hoặc từ chối giải quyết tranh chấp; từ chối cung cấp các thông tin liên quan đến vụ tranh chấp; được hưởng thù lao; trọng tài viên có nghĩa vụ độc lập trong việc giải quyết tranh chấp; giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo đảm giải quyết tranh chấp vô tư, nhanh chóng, kịp thời; tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Như vậy, trọng tài viên có nhiều quyền và nghĩa vụ quan trọng trong quá trình tố tụng, theo đó, ngoài việc tuân thủ quy định pháp luật về trọng tài thương mại, pháp luật liên quan đến lĩnh vực giải quyết tranh chấp còn phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp đặc biệt phải độc lập và giữ bí mật trong quá trình tiến hành tố tụng trọng tài. Điều này đòi hỏi trọng tài viên phải được đào tạo, am hiểu về quy tắc đạo đức nghề nghiệp trọng tài viên, pháp luật về trọng tài để không vi phạm trong quá trình giải quyết tranh chấp.

* Số lượng, chất lượng trọng tài viên

Về số lượng trọng tài viên, trung tâm trọng tài, theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp tính đến ngày 31/8/2017, cả nước có 480 trọng tài viên và 21 Trung tâm trọng tài thương mại, trong đó, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) có 144 trọng tài viên, chiếm gần 35% tổng số trọng tài viên. So với thời điểm trước khi Luật trọng tài thương mại có hiệu lực, số lượng trọng tài viên và Trung tâm trọng tài đã tăng lên rõ rệt (năm 2009 cả nước có 212 trọng tài viên và 7 Trung tâm trọng tài)[46].

Thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong thời gian qua, theo số liệu thống kê cho thấy, trong 04 năm (từ năm 2011 đến 31/12/2015), các Trung tâm trọng tài đã thụ lý 1.831 vụ việc và đã ban hành 1.549 phán quyết trọng tài [47]. So với thời gian trước khi Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực, từ năm 2004 đến năm 2009, các Trung tâm trọng tài đã giải quyết được 282 vụ việc [48]. Như vậy, số lượng phán quyết trọng tài thời gian gần đây đã tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại của người dân và doanh nghiệp thì còn số này vẫn ở mức khiêm tốn, chưa giảm tải công tác xét xử cho tòa án. Số lượng tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài trong những năm qua chỉ chiếm khoảng 1% số vụ tranh chấp kinh tế mà tòa án hàng năm phải giải quyết[49].

Điều này cho thấy tuy số lượng trọng tài viên đã tăng lên, chất lượng đội ngũ trọng tài viên đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn giải quyết tranh chấp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới và trong khu vực, cạnh tranh gia tăng giữa các trung tâm trọng tài trong nước và khu vực. Có thể thấy, đa số trọng tài viên ở nước ta đang hoạt động kiêm nhiệm, họ thường có một công việc ổn định khác để sinh sống (Trọng tài viên có thể là công chức, viên chức, luật sư, kế toán, kỹ sư,…)[50] nên chưa thực sự chuyên tâm, chưa dành nhiều thời gian cho việc tham gia trọng tài. Trọng tài viên thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau và một số chưa được trang bị kiến thức pháp lý cơ bản, thiếu kiến thức về pháp luật thương mại quốc tế và lúng túng trong quá trình tố tụng trọng tài, yếu về kỹ năng giải quyết tranh chấp, hành nghề nhất là các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế; số trọng tài viên thông thạo ngoại ngữ, kỹ năng tranh tụng để có thể tham gia tranh tụng tại các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế, các tranh chấp có yếu tố nước ngoài còn rất ít. Một số trọng tài viên còn chưa tích cực trong việc tự học tập, cập nhật kiến thức pháp luật để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành nghề.

Trong khi đó, quá trình giải quyết tranh chấp trọng tài khá phức tạp bao gồm giai đoạn tiền xét xử, xét xử và ban hành phán quyết trọng tài. Trọng tài viên phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự tố tụng trọng tài, bởi lẽ nếu vi phạm trình tự tố tụng này thì phán quyết trong tài có nguy cơ bị tòa án tuyên hủy theo Điều 68 Luật trọng tài thương mại.

Để có thể chủ động trong quá trình tố tụng trọng tài, ngoài việc nắm vững kiến thức pháp luật, trọng tài viên cần được trang bị nhiều kỹ năng giải quyết tranh chấp như kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xác minh, thu thập chứng cứ và mời giám định; kỹ năng hòa giải trong tố tụng trọng tài (hướng dẫn các bên tự thương lượng và kỹ năng tiến hành hòa giải khi được các bên yêu cầu); kỹ năng tổ chức phiên họp, giải quyết yêu cầu hoãn, vắng mặt và thẩm vấn của trọng tài; kỹ năng soạn thảo phán quyết trọng tài đảm bảo về pháp lý và dễ thi hành; kỹ năng sửa chữa, giải thích phán quyết trọng tài (trên thực tế có những phán quyết trọng tài ban hành không rõ ràng, dẫn đến rất khó thi hành), v.v… Điều này đặt ra nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên trong suốt quá trình hành nghề nhằm không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giải quyết tranh chấp.

* Đào tạo trọng tài viên trên thế giới và ở Việt Nam

Việc đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng trọng tài viên, chất lượng phán quyết trọng tài trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp. Trên thế giới, để tránh việc hạn chế tự do lựa chọn trọng tài viên của đương sự, rất ít nước quy định về đào tạo, tư cách, trình độ, bằng cấp hoặc các tiêu chuẩn khác của trọng tài viên, bởi lẽ bản chất của trọng tài là sự tự nguyện của các bên, các bên được tự do lựa chọn trọng tài viên, luật áp dụng, địa điểm, thời gian giải quyết tranh chấp, quy tắc tố tụng trọng tài. Luật mẫu UNCITRAL về trọng tài thương mại của Ủy ban pháp luật thương mại không có quy định về điều kiện trở thành trọng tài viên, điều kiện bắt buộc phải trải qua đào tạo để trở thành trọng tài viên. Luật trọng tài của các nước như Anh, Pháp, Nhật Bản[51] cũng không có quy định này. Điều này phản ánh việc pháp luật các nước hoàn toàn để cho các bên đương sự có quyền tự lựa chọn trọng tài viên phù hợp (trình độ chuyên môn, quốc tịch, bằng cấp…) để giải quyết tranh chấp cho các bên.

Tuy nhiên, ở các nước phát triển, để nâng cao chất lượng trọng tài, việc đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên được tổ chức rất đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau: đào tạo ngắn hạn, đào tạo dài hạn do các trường đại học[52], học viện và các tổ chức trọng tài và hòa giải tổ chức (Ví dụ: ở Anh – Tòa án Trọng tài Quốc tế Luân Đôn –LCIA; Pháp – Trung tâm hòa giải và trọng tài Paris – CMAP; Singapore – Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore – SIAC; Hồng Kông – Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kông – HKIAC; Malaysia – Trung tâm trọng tài khu vực Kuala Lumpur -KLRCA) [53] nhằm đào tạo đội ngũ trọng tài viên có chất lượng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trọng tài viên.

Ở Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ trọng tài viên, điểm d khoản 1 Điều 15 Luật trọng tài thương mại quy định quy định Bộ Tư pháp có thẩm quyền “hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên. Khoản 9 Điều 28 Luật trọng tài thương mại quy định Trung tâm trọng tài tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng giải quyết tranh chấp cho trọng tài viên. Đây là không phải là hình thức đào tạo bắt buộc mà là hình thức đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, hội thảo, tọa đàm. Bởi lẽ, cũng như luật trọng tài thương mại của các nước trên thế giới, Luật trọng tài thương mại 2010 không có quy định đào tạo là một trong những điều kiện bắt buộc để trở thành trọng tài viên. Điều 20 của Luật trọng tài thương mại quy định về tiêu chuẩn trọng tài viên không quy định trọng tài viên phải bắt buộc qua đào tạo như các chức danh tư pháp khác (ví dụ như: Luật sư, công chứng viên phải qua thời gian đào tạo nghề 12 tháng, tập sự 12 tháng, đấu giá viên phải tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá 6 tháng, tập sự 6 tháng). Do vậy, để trọng tài viên nắm vững kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, tuân thủ quy tắc đạo đức thì trọng tài viên phải được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục sau khi được công nhận là trọng tài viên và trong suốt quá trình tham gia trọng tài thương mại.

Trên thực tế, trong những năm qua, hoạt động bồi dưỡng trọng tài viên chủ yếu do Bộ Tư pháp và một số Trung tâm trọng tài thực hiện. Được sự hỗ trợ của một số tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Tư pháp đã tổ chức các khóa tập huấn, các cuộc hội thảo, tọa đàm về kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp cho các trọng tài viên và đã nhận được phản hồi tích cực từ phía các trọng tài viên. Về phía các Trung tâm trọng tài cũng đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tư vấn, kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại… cho các trọng tài viên, cụ thể như Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm trọng tài luật gia Việt Nam…. đã tổ chức dưới hình thức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn hoặc thông qua tọa đàm, hội thảo. Tuy nhiên, các khóa đào tạo vẫn chưa được tổ chức thường xuyên, đồng bộ, chuyên nghiệp.

Như vậy, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào sân chơi toàn cầu của nền kinh tế thế giới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh thì việc rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp kinh tế, thương mại nói chung và thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng nói riêng được đặt ra hết sức cấp bách nhằm nâng cao thứ bậc của Việt Nam về cải thiện môi trường kinh doanh trong khu vực và quốc tế. Điều này đặt ra nhiệm vụ tăng cường đào tạo đội ngũ trọng tài viên có chất lượng, có đủ khả năng cạnh tranh quốc tế, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới để họ thực sự là những “thẩm phán tư” giải quyết nhanh chóng các tranh chấp kinh tế, thương mại, đầu tư, cho người dân, doanh nghiệp.

Để thực hiện nhiệm vụ nêu trên, cần có một cơ sở đào tạo có chức năng đào tạo các chức danh tư pháp trực thuộc Bộ Tư pháp định hướng và thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn, dài hạn về trọng tài để trọng tài viên có thể thường xuyên học hỏi, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng của mình.

  1. Cơ sở của việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp

2.1 Chức năng đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên của Học viện Tư pháp

Theo Quyết định số 23/2004/QĐ – TTg ngày 25/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Học viện Tư pháp thì Học viện Tư pháp là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu hình quốc huy, có tài khoản riêng, có trụ sở tại thành phố Hà Nội và Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Điều 3 Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg, Học viện Tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn:

– Đào tạo nghiệp vụ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên và các chức danh tư pháp khác;

– Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho chấp hành viên, công chứng viên, luật sư và cán bộ có chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp;

– Nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp;

– Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong việc đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học;

– Tùy theo yêu cầu và đòi hỏi của thực tế, Học viện Tư pháp có thể được cơ quan có thẩm quyền giao thêm nhiệm vụ mới.

Như vậy, ngoài các chức danh tư pháp được liêt kê, Học viện tư pháp còn có thẩm quyền đào tạo, bồi dưỡng một số chức danh khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp và tùy thuộc vào nhu cầu thực tiễn, Học viện Tư pháp có thể được cơ quan có thẩm quyền giao thêm nhiệm vụ mới. Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2017/NĐ – CP ngày 16/8/2017 có hiệu lực từ 16/8/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ – CP ngày 13/3/2013 của Chính phủ, theo đó các nghề bổ trợ tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp bao gồm: luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, thừa phát lại, quản tài viên. Trọng tài thương mại thuộc nhóm nghề bổ trợ tư pháp nên việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trọng tài viên được giao cho Học viện Tư pháp nghiên cứu, tổ chức thực hiện là hoàn toàn có cơ sở.

Bên cạnh đó, Học viện Tư pháp đang triển khai Quyết định số 2083/QĐ – TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp. Theo đó, mục tiêu của giai đoạn 2016 – 2020, Học viện Tư pháp có nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, trong đó có trọng tài viên. Vì vậy, đây là cơ sở và thời điểm thuận lợi để Học viện Tư pháp xây dựng và triển khai chương trình đào tạonghiệp vụ cho đội ngũ trọng tài viên.

2.2. Nguồn nhân lực đào đạo/Đội ngũ giảng viên của Học viện chuẩn bị thực hiện đào tạo nghiệp vụ trọng tài

Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Học viện Tư pháp gồm có: Hội đồng Khoa học và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021 với 19 thành viên, Giám đốc Học viện Tư pháp làm chủ tịch Hội đồng; có 16 đơn vị cấp phòng gồm 04 Khoa, 06 Phòng, 05 Trung tâm và Cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh; 21 bộ môn thuộc khoa.

Nguồn nhân lực cơ hữu của Học viện Tư pháp: đội ngũ giảng viên có trình độ cao, kiến thức sâu rộng, có 47 giảng viên với 14 nam và 33 nữ, trong đó: 02 Giảng viên cao cấp, 11 Giảng viên chính, 34 Giảng viên. Về trình độ đào tạo, Học viện tư pháp có 01 Phó Giáo sư – Tiến sĩ, 08 Tiến sĩ, 29 Thạc sĩ, 08 cử nhân. Ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu của Học viện, Học viện Tư pháp có đội ngũ khoảng hơn 600 giảng viên thỉnh giảng chủ yếu đến từ Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Toà án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, các luật sư; các cơ quan Thi hành án, các tổ chức hành nghề công chứng, đấu giá và các cơ quan, đơn vị khác. Phần lớn giảng viên tham gia giảng dạy có năng lực chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn và có phương pháp giảng dạy khoa học. Nhiều người có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, là những chuyên gia đầu ngành trong hoạt động nghề.

Học viện Tư pháp đã xây dựng được những nguyên lý đào tạo rất hiệu quả trong công tác đào tạo và bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, đó là giảng lý thuyết kết hợp với thực tiễn thông qua thực hành hồ sơ tình huống, diễn án, đóng vai, quan sát thực tiễn, tập trung vào kỹ năng hành nghề đối với từng chức danh đào tạo; kỹ năng hùng biện, kỹ năng soạn thảo hồ sơ, kỹ năng xử án… Nguyên lý đào tạo này đã được triển khai thực hiện tại Học viện Tư pháp trong nhiều năm qua và đã được các khóa học viên đánh giá cao. Tương tự như các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp khác, việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trọng tài viên cũng đặt ra yêu cầu học lý thuyết và kết hợp với thực tiễn, bởi lẽ trọng tài viên vừa phải hiểu biết chuyên sâu về pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng đồng thời phải có kỹ năng giải quyết tranh chấp thực tiễn rất đa dạng nên nguyên lý đào tạo của Học viện Tư pháp rất phù hợp với việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài.

Việc Học viện Tư pháp xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng trọng tài viên có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, góp phần vào việc thực hiện các Nghị quyết số [54] của Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng, Chính phủ trong công cuộc cải cách tư pháp, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chuyên đề 2

KINH NGHIỆM ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ TRỌNG TÀI TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI – BÀI HỌC VẬN DỤNG CHO HỌC VIỆN TƯ PHÁP

Đồng Thị Kim Thoa

Phó giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư Thương mại quốc tế

1. Một số kết quả nghiên cứu bước đầu về kinh nghiệm nội dung đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Việt Nam và một số nước trên thế giới

1.1. Tình hình hoạt động đào tạo trọng tài ở Việt Nam

Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ngày càng được chú trọng ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp tính đến ngày 31/8/2017, cả nước có 480 trọng tài viên và 20 Trung tâm trọng tài thương mại, trong đó, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) có 144 trọng tài viên, chiếm gần 35% tổng số trọng tài viên. Thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong thời gian qua cho thấy vai trò tích cực và cả những điểm còn hạn chế của đội ngũ trọng tài (trong đó nổi bật là vấn đề tiêu chuẩn, đào tạo về nghiệp vụ để được công nhận là trọng tài viên).

Từ sau khi có Luật trọng tài thương mại (với quy định về việc đào tạo trọng tài viên tại Điểm d khoản 1 Điều 15 về thẩm quyền của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên, quy định tại khoản 9 Điều 28 Luật trọng tài thương mại về hoạt động bồi dưỡng của Trung tâm trọng tài cho trọng tài viên), hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên đã bước đầu được chú trọng hơn so với trước đây. Tuy vậy, cho đến nay, cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp là Học viện Tư pháp chưa được chính thức giao nhiệm vụ đào tạo trọng tài. Hoạt động bồi dưỡng của các Trung tâm trọng tài cho các trọng tài viên chỉ là bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ thông qua các khóa tập huấn ngắn hạn, hội thảo, tọa đàm mỗi năm một số lần về những vấn đề mới trong quy định pháp luật hoặc về kinh nghiệm hoạt động trọng tài từ một số tổ chức trọng tài quốc tế, nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định nào đó của việc giải quyết tranh chấp thương mại cho các trọng tài viên.

Như vậy, ở Việt Nam cho đến nay chưa có hoạt động đào tạo nghiệp vụ trọng tài một cách bài bản, thường xuyên, theo nghĩa trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng tương đối toàn diện cho học viên để có thể hành nghề chất lượng cao. Trong bối cảnh đó, Học viện Tư pháp cần nghiên cứu tham khảo thực tiễn nội dung, tài liệu của các khóa tập huấn, hội thảo trong nước và quốc tế về trọng tài ở Việt Nam để rút kinh nghiệm khi xây dựng, thực hiện chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài cho người muốn trở thành trọng tài viên hoặc chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài dành cho các trọng tài viên mời vào nghề, trọng tài viên đã có thâm niên hành nghề nhưng có nhu cầu được đào tạo để nâng cao trình độ, nghiệp vụ.

1.2. Một số kết quả nghiên cứu bước đầu về đào tạo nghiệp vụ trọng tài ở nước ngoài

Những nguyên tắc cơ bản nhất về việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trên thế giới được ghi nhận trong Luật Mẫu UNCITRAL7 như nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của các bên ( party autonomy), tính độc lập của thỏa thuận trọng tài (separability) và quyền được tự xem xét vấn đề thẩm quyền của Hội đồng trọng tài (competence-competence), tính chung thẩm của phán quyết trọng tài (finality), nguyên tắc tố tụng công bằng (due process), và nguyên tắc bảo mật (confidentiality). Về lý thuyết, những nguyên tắc cơ bản nhất này phù hợp với thực tiễn trọng tài thế giới và quan trọng hơn là thực sự đưa trọng tài trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, công bằng cho các bên.[55]

Trên cơ sở đó, các tổ chức trọng tài ở nhiều nước cũng đã xây dựng các nguyên tắc, quy tắc cụ thể cho hoạt động trọng tài. Ví dụ: Viện trọng tài Luân đôn – Anh (CIArb) đưa ra các nguyên tắc, quy tắc cụ thể bao gồm: (1) pháp luật; (2) bộ máy tư pháp, (3) chuyên gia trong lĩnh vực trọng tài quốc tế, (4) chất lượng giáo dục về trọng tài, (5) quyền có người bảo vệ trong tố tụng của các bên tranh chấp, (6) khả năng tiếp cận và môi trường an toàn, (7) cơ sở vật chất, (8) quy tắc đạo đưc, (9) khả năng thi hành thỏa thuận trọng tài, quyết định và phán quyết trọng tài nước ngoài, (10) miễn trừ trách nhiệm đối với trọng tài viên. [56]

Thực tế hoạt động trọng tài cho thấy trọng tài viên thường là các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên để có một quá trình tố tụng trọng tài thật sự hiệu quả, nhanh chóng, họ còn cần nắm vững trình tự tố tụng trọng tài và kinh nghiệm điều hành tiến trình trọng tài. Hơn nữa, việc tố tụng trọng tài phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc bảo mật khiến cho các trọng tài viên không thể tìm hiểu kinh nghiệm qua các vụ kiện trọng tài khác mà mình không được tham gia, trong khi hiện nay không có nhiều những diễn đàn trong nước cũng như quốc tế để các Trọng tài viên trao đổi những đúc kết thực tiễn của mình với nhau và tìm tòi thêm về cách xử lý của trọng tài viên, chuyên gia quốc tế.[57] Do đó, theo quan điểm của nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực trọng tài, việc đào tạo kỹ năng nghiệp vụ trọng tài là rất cần thiết. Đây chính là lý do các tổ chức trọng tài uy tín ở các nước tổ chức đào tạo (training) nghiệp vụ trọng tài.

Trong khuôn khổ nghiên cứu và điều kiện còn khá hạn chế của người thực hiện chuyên đề này, tác giả bước đầu khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu tham khảo về hoạt động đào tạo trọng tài ở một số nước ngoài như: Anh, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước khác.

Ở góc độ chung nhất, người nghiên cứu nhận thấy: Ở các nước đều không có một cơ sở đào tạo nghiệp vụ trọng tài chuyên nghiệp. Hoạt động đào tạo ngắn hạn kỹ năng và kiến thức cần thiết cho các trọng tài viên, luật sư và chuyên gia về trọng tài thường do các tổ chức trọng tài tiến hành theo hình thức các khóa đào tạo ngắn hạn và theo nhu cầu đăng ký tham gia của ứng viên – người muốn hành nghề trọng tài trong thực tế. Hiện có khá nhiều khóa học đào tạo ngắn hạn kỹ năng và kiến thức cần thiết cho các trọng tài viên, luật sư và chuyên gia về trọng tài của các tổ chức trọng tài quốc tế hàng đầu như các khóa học của Viện trọng tài London (CIarb)[58], Viện trọng tài Paris (Arbitration Academy)[59], Phòng thương mại quốc tế (ICC)[60], Hội đồng quốc tế về trọng tài thương mại (Young ICCA)[61].

Nhìn chung, các chương trình đào tạo trọng tài thường bao gồm: (1) chương trình đào tạo trọng tài cơ bản (The Basic Arbitrator Training Program) và (2) chương trình đào tạo trọng tài nâng cao (Advanced training) hoặc chuyên sâu nghiệp vụ trọng tài quốc tế hoặc trọng tài thương mại quốc tế.

Dưới đây là phần trình bày khái quát về một vài chương trình đào tạo nêu trên:

1.2.1. Đào tạo trọng tài ở Hoa Kỳ

(1) Chương trình đào tạo trọng tài cơ bản (The Basic Arbitrator Training Program)

Chương trình đào tạo trọng tài cơ bản (The Basic Arbitrator Training Program) tập trung đào tạo các kỹ năng của trọng tài viên theo các giai đoạn của tiến trình trọng tài và các thủ tục trong đó trọng tài viên phải tuân thủ để hoàn thành vụ việc trọng tài.

Nội dung đào tạo trong Chương trình đào tạo trọng tài cấp độ cơ bản (The Basic Arbitrator Training Program) của Cơ quan quản lý tài chính công nghiệp: FINRA- Financial Industry Regulatory Authority (Hoa Kỳ)[62] bao gồm mỗi giai đoạn của tiến trình trọng tài và việc kiểm tra các thủ tục trong đó trọng tài viên phải tuân thủ để hoàn thành vụ việc trọng tài. Chương trình gồm 03 phần và ứng viên phải hoàn thành trong 120 ngày:

Phần I – Đào tạo trọng tài cơ bản (08 giờ)

Khóa đào tạo các kỹ năng bao gồm mỗi giai đoạn của tiến trình trọng tài và và việc kiểm tra các thủ tục trong đó trọng tài viên phải tuân thủ để hoàn thành vụ việc trọng tài. Khóa đào tạo này yêu cầu 1 bài kiểm tra các tài liệu tự học qua mạng (online) và hoàn thành kỳ thi. Kỳ thi gồm 25 câu hỏi lựa chọn và yêu cầu điểm tối thiểu đạt yêu cầu 80% (20 câu trả lời đúng). Khóa Đào tạo trọng tài cơ bản và kỳ thi có thời gian khoảng 08 giờ.

Sau khi học viên hoàn thành khóa học online, học viên sẽ sẵn sàng tham gia đào tạo Expungement bắt buộc.

Đào tạo Expungement (Phần II – 1,5 giờ)

Khóa học online cung cấp hướng dẫn về các thủ tục expungement được quy định trong Luật về Các quy tắc Thủ tục trọng tài 12805 và 13805 cũng như Quy tắc FINRA 2080.

Đào tạo này giải thích vai trò của CRD, cung cấp một cách tổng quan về quy trình, nghiên cứu sâu về Quy tắc FINRA 2080 và Luật về Quy tắc thủ tục trọng tài 12805 và 13805 để đảm bảo rằng các trọng tài viên tuân theo tất cả các yêu cầu thủ tục trọng tài.

Các trọng tài viên phải hoàn thành khóa học và kỳ thi. Kỳ thi gồm 10 câu hỏi đúng/sai và mức hoàn thành là 80% (8 câu trả lời đúng) để đỗ kỳ thi. Khóa học chiếm khoảng 1,5 giờ.

Phần III- Các bài học trên lớp (Live Video OR Onsite Classroom Training Session, Part III – 4 hours) : 04 giờ

Sau khi hoàn thành các khóa online cơ bản và khóa expungement, ứng viên sẵn sàng tham gia khóa đào tạo 04 giờ dùng video hoặc học trên lớp. Đào tạo cũng cung cấp cơ hội cho các giảng viên của FINRA gặp gỡ và đánh giá các ứng viên.

Đào tạo trên lớp được tiến hành tại một trong 4 văn phòng khu vực trong năm: Boca Raton, Chicago, Los Angeles and New York City. Các ứng viên có thể tham gia chương trình để đáp dứng yêu cầu đào tạo trên lớp. Ứng viên phải xác nhận với người đào tạo và họ sẽ hoàn thành khóa đào tạo cơ bản online.

Ứng viên trọng tài đã hoàn thành chương trình đào tạo trọng tài cơ bản sẽ được công nhận có khả năng giải quyết vụ việc. Ở một số bang, Giáo dục pháp lý tiếp tục – Continuing Legal Education (CLE) có thể được tiến hành đối với khóa đào tạo Trọng tài cơ bản.

(2) Đào tạo trọng tài nâng cao

Mô hình đào tạo online về chủ đề chuyên sâu sẽ giúp ứng viên củng cố kỹ năng và duy trì sự phát triển chương trình giải quyết tranh chấp của FINRA. Đây là chương trình bổ sung cho chương trình đào tạo trọng tài bắt buộc, có nội dung là khóa đào tạo về giải quyết tranh chấp của FINRA. Cách thức tiến hành là các khóa đào tạo ngắn hạn gồm:

– Khóa học video miễn phí có thể được tiếp cận ngay lập tức và không yêu cầu đăng ký, gồm các nội dung về: Các yêu cầu chuyển tiền và báo cáo hoạt động; Hoàn thành Báo cáo chi phí trọng tài; Báo cáo hoạt động; Giải thích các quyết định.

– Khóa học online FINRA – yêu cầu đăng ký đối với các khóa đào tạo nâng cao qua hệ thống quản lý học tập, bao gồm:

+ Đào tạo vị trí chủ tịch hội đồng trọng tài

+ Quy tắc giao tiếp trực tiếp

+ Phát hiện và xử lý các vấn đề pháp lý

+ Đào tạo Expungement

+ Hiểu biết về giai đoạn tiền tố tụng

1.2.2. Đào tạo trọng tài nâng cao/chuyên sâu về trọng tài quốc tế, thương mại quốc tế ở Vương quốc Anh

Ở Anh, bước đầu tiên để trở thành trọng tài là tham gia khóa đào tạo. Viện Trọng tài London (The Chartered Institute of Arbitrators – CIArb)[63] có Chương trình đào tạo Pathways về Trọng tài quốc tế có nội dung bao gồm luật về trách nhiệm, luật về trọng tài, thực tiễn và thủ tục trọng tài, các thủ tục viết và phán quyết trọng tài.

Khóa đào tạo này cung cấp cách hiểu về những nguyên tắc chung về trọng tài quốc tế và mối liên hệ của nó với các tiến trình giải quyết tranh chấp khác. Khóa học sẽ cung cấp cho các ứng viên kiến thức tổng quan về khuôn khổ pháp lý, kinh nghiệm thực tiễn tốt về thủ tục trọng tài quốc tế, thẩm quyền của trọng tài quốc tế.

Tương tự chương trình đào tạo trọng tài của Viện Trọng tài London – CIArb là Chương trình khung cấp chứng chỉ Diploma về trọng tài thương mại quốc tế của Oxford (UK) tại Anh với thời lượng 09 ngày. Các nội dung bắt buộc hoặc lựa chọn khi đào tạo cho các nơi trên thế giới là 09 ngày, trong đó 58 giờ bắt buộc và 10 giờ lựa chọn.

Chương trình khung cấp chứng chỉ Diploma về trọng tài thương mại quốc tế của Oxford (UK) tại Anh Yếu tố bắt buộc hoặc lựa chọn Thời gian gợi ý

(Giờ)

Các hệ thống pháp luật và quy tắc

·      Công ước New Yorrk

·      Công ước Washington (ICISD)

·      Thể chế UNCITRAL

·      Quy tắc Trọng tài của UNCITRAL

·      Luật mẫu UNCITRAL

·      Luật trọng tài 1996

Bắt buộc 3.5 giờ
·      Phân biệt Trọng tài thương mại quốc tế với các hình thức khác của ADR (phương thức giải quyết tranh chấp thay thế Tòa án)

·      Trọng tài nội địa

·      Tranh tụng (Tòa án)

Bắt buộc 3 giờ
Luật áp dụng trong trọng tài thương mại quốc tế Bắt buộc 2 giờ
Sự thiết lập hỗ trợ của tòa án: Luật quốc gia

·      Luật mẫu UNCITRAL (Úc, Canada – Quebec, Đức…

·      Luật trọng tài 1996 (Anh)

·      Luật trọng tài liên bang (Hoa Kỳ)

·      Các luật quốc gia khác

Bắt buộc 3. giờ
Quản lý trọng tài: Trọng tài quy chế và Trọng tài vụ việc

·      Tổng quan các quy tắc:

·      Quy tắc UNCITRAL

·      ICC, LCIA, AAA

·      SIAC, HKIAC, ICDR, SCC, ACICA, KLRCA, CIETAC

·      WIPO, CAS, PCA, ICSID

Bắt buộc 2 giờ
Các bối cảnh hệ thống luật common law và luật thành văn (civil law) Bắt buộc 1.5 giờ
Thỏa thuận trọng tài I

·      Bản chất của thỏa thuận trọng tài

·      Hình thức của thỏa thuận trọng tài

·      Các dạng thỏa thuận, tiền và hậu tranh chấp

·      Các điều khoản Tiered/Stepped và điều kiện án lệ

·      Chính sách công trong trọng tài

·      Luật áp dụng trong thỏa thuận trọng tài

·      Năng lực tham gia thỏa thuận trọng tài

·      Các bên, phạm vi và formulation

·      Các điều khoản khác theo mục tiêu

·      Xác định (các) trọng tài viên

·      Trọng tài quy chế hay trọng tài vụ việc

Bắt buộc 1.5 giờ
Thỏa thuận trọng tài II

·      Số lượng các trọng tài viên

·      Tiêu chuẩn (chất lượng) của trọng tài viên

·      Địa điểm trọng tài

·      Luật nội dung

·      Luật thủ tục

·      Ngôn ngữ

·      Quy định đối với trọng tài nhiều bên (multi-party)

Bắt buộc 2 giờ
Bình luận về tiến trình trọng tài

·      Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài

·      Tranh chấp cần giải quyết

·      Phạm vi của thỏa thuận

·      Trọng tài vụ việc liên quan đến chính sách công

·      Điều kiện sử dụng án lệ

·      Thẩm quyền

·      Vai trò của Tòa án trong thực thi thỏa thuận

·      Các yêu cầu về bình luận, thảo luận trong Quy tắc Trọng tài

Bắt buộc 1.5 giờ
Chỉ định trọng tài viên

·      Tiến trình trọng tài quy chế hoặc trọng tài vụ việc

·      Thủ tục chuẩn

·      Xác định tòa án

·      Điều khoản về chỉ định

·      Phỏng vấn các trọng tài viên, Hướng dẫn thực tế số 16 của CIArb

·      Đàm phán phí trọng tài và các điều khoản về thỏa thuận, Hướng dẫn thực tế số 3 của CIArb

·      Hợp đồng với các bên

·      Các cơ sở (nguồn) về quyền và nghĩa vụ của trọng tài viên

·      Giới hạn thẩm quyền của trọng tài

Bắt buộc 2 giờ
Sự độc lập, khách quan, trung thực của trọng tài và các yêu cầu/thách thức khác

·      Yêu cầu về tính khách quan, trung thực (ví dụ: Hướng dẫn của IBA về xung đột lợi ích

·      Các trọng tài viên, luật sư tranh tụng, luật sư tư vấn từ cùng một hãng luật tham gia vụ việc

·      Các phương tiện trong tiến trình trọng tài, ngoài thủ tục tư pháp

·      Xử lý trường hợp thay đổi thẩm quyền trọng tài (Hướng dẫn thực tế số 06 và 11 của CIArb)

·      Xử lý trường hợp có khởi kiện tại tòa án (Hướng dẫn thực tế số 08 của CIArb)

·      Vai trò của bên đề cử trọng tài viên; vai trò của thành viên chủ tịch

·      Trọng tài có thể sử dụng các tiến trình ADR khác không (Hướng dẫn thực tế số 07 của CIArb)

·      Vấn đề đòi bồi thường đối với sự không tham gia của một bên

·      Đặc miễn trọng tài viên

·      Trách nhiệm trọng tài viên

Bắt buộc 2 giờ
Bảo mật

·      Bảo mật trong tiếp cận vấn đề

·      Giữa các bên

·      Bên thứ ba

·      Hòa giải

·      Các nhân chứng

·      Phát hành các tài liệu

·      Bảo mật đối với các nhận định

·      Bảo mật đói với phán quyết

·      Ngoại lệ của yêu cầu bảo mật

·      Các biện pháp thực hiện sự bảo mật

·      Trách nhiệm khác của các bên, các nhân chứng và trọng tài viên

·      Xử lý trường hợp trọng tài viên bị buộc tội về hành vi tội phạm (Hướng dẫn thực tế số 12 của CIArb)

Bắt buộc 1.5 giờ
Đối thoại với đại diện lãnh đạo Viện Trọng tài Tự chọn 1.5 giờ
Thủ tục trọng tài

·      Các giai đoạn trọng tài

·      Các phân chia quan trọng của thủ tục trọng tài

·      Yêu cầu mới và yêu cầu phản tố

·      Sự lựa chọn thủ tục

·      Thủ tục trình văn bản viết

·      Chứng cứ

·      Tài liệu

·      Các chuyên gia

Bắt buộc 1.5 giờ
Biện pháp hỗ trợ tạm thời

·      Thời điểm áp dụng

·      Hình thức

·      Đối tượng áp dụng

·      Sau khi thành lập hội đồng trọng tài

·      Do Hội đồng trọng tài tiến hành

(Hướng dẫn thực tế số 1 và 2 của CIArb)

·      Bảo đảm chi phí

·      Hỗ trợ của tòa án đối với biện pháp tạm thời

·      Theo Luật mẫu, bản gốc và bản thay đổi 2006

·      Thẩm uyền   và thực tiễn theo Quy tắc Tố tụng của ICC, SIAC, ACICA, UNCITRAL và CIETAC

·      Các quy định về trọng tài khẩn cấp                               (emergency arbitrator): ICC, SIAC, ACICA

Bắt buộc 1.5 giờ
Phiên xử trọng tài

·      Địa điểm

·      Các sắp xếp cần thiết ( Hướng dẫn UNCITRAL về tổ chức thủ tục trọng tài)

·      Sự tham gia

·      Đại diện các bên

·      Đại diện pháp lý/các yêu cầu thực tiễn tại địa phương

·      Sai sót của một bên tham gia

·      Đề nghị đối với các thủ tục

·      Quy tắc tiến hành thủ tục

·      Các nhân chứng

·      Tài liệu và chứng cứ bắt buộc của bên thứ ba

·      Chứng cứ (ví dụ: Quy tắc IBA về đưa ra chứng cứ tại trọng tài thương mại quốc tế

·      Vai trò của chuyên gia, (Hướng dẫn thực tế số 10 của CIArb)

·      Các quy tắc tố tụng

·      Các phiên xử riêng/ đề xuất chi phí

·      Việc không có mặt một bên (Hướng dẫn thực tế số 4 của CIArb)

·      Các tài liệu chi do trọng tài đưa ra (Hướng dẫn thực tế số 5 của CIArb)

Bắt buộc 2 giờ
Phán quyết: vân đề yêu cầu bồi thường, vấn đề tranh chấp, lợi ích, tiền tệ và chi phí

·      Điều 5 Công ước NewYork

·      Vấn đề tranh chấp

·      Vấn đề bồi thường , tiền tệ , lợi ích, chi phí

·      Các quy định về nội dung và thủ tục

·      Các yếu tố thương mại, tỷ giá hối đoái, thuế, VAT, GST (Hướng dẫn thực tế số 13 của CIArb)

·      Các loại chi phí đối với từng chủ thể tham gia thủ tục trọng tài(Hướng dẫn thực tế số 09 của CIArb)

Bắt buộc 2-3 giờ
Thi hành phán quyết trọng tài Bắt buộc 3 giờ
Vai trò của Tòa án trong hỗ trợ tiến trình trọng tài Bắt buộc 1.5 giờ
Hội thảo nhóm (10 lần) Bắt buộc 2.75 giờ x 10
Quỹ tài chính Bên thứ ba Tự chọn 0.5 giờ
Các lĩnh vực khác của hoạt động trọng tài: Trọng tài lĩnh vực đầu tư nhà nước; lĩnh vực xây dựng; trọng tài hàng hải; trọng tài thể thao Tự chọn (tổng khoảng 10 giờ) 2.5 giờ cho mỗi lĩnh vực
Chuẩn bị cho bài thuyết trình ngày cuối cùng Tự chọn
Phiên thuyết trình ngày cuối cùng – yêu cầu về thẩm quyền Tự chọn
Phiên thuyết trình ngày cuối cùng – Yêu cầu biện pháp tạm thời Tự chọn
Phiên thuyết trình ngày cuối cùng – Yêu cầu sự xuất hiện nhân chứng Tự chọn
Phiên thuyết trình ngày cuối cùng – Yêu cầu đối với phán quyết Tự chọn

Chương trình đào tạo trọng tài của các tổ chức trọng tài quốc tế khác ở một số nước như Ấn Độ, Hàn Quốc… cũng bao gồm các nội dung tương tự như nêu trên.

2. Một số khuyến nghị, đề xuất bước đầu về định hướng đào tạo nghiệp vụ trọng tài ở Việt Nam từ kinh nghiệm trong nước, nước ngoài

Trọng tài viên là người tham gia hội đồng trọng tài để thực hiện việc phân xử vụ việc tranh chấp. Về nguyên tắc, trọng tài viên do các bên đương sự tự lựa chọn căn cứ niềm tin của họ vào tính chuyên nghiệp, kiến thức chuyên môn, uy tín của trọng tài viên. Các tổ chức trọng tài khi bổ nhiệm các cá nhân vào danh sách trọng tài viên cũng tự xác định các tiêu chuẩn để có được các trọng tài viên có chất lượng cao. Vì vậy, trên thực tế trọng tài viên chủ yếu được chọn qua quá trình sàng lọc mang tính xã hội. Ở một số nước có nền kinh tế chuyển đổi như Trung Quốc, Việt Nam và một số ít nước khác có các quy định pháp luật về tiêu chuẩn trọng tài viên. Tuy vậy, các quy định này cũng chỉ là cơ sở pháp lý của việc cấp chứng chỉ hành nghề cho trọng tài viên, còn việc họ có được lựa chọn bởi các bên tranh chấp để tham gia hoạt động trọng tài hay không thì phụ thuộc vào quá trình chọn lọc của xã hội.

Theo nhận định của các chuyên gia uy tín trên thế giới, “chất lượng của trọng tài viên tương đương với chất lượng của tố tụng trọng tài”[64]. Tại hội thảo “Trọng tài quốc tế: Thương mại và Đầu tư” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức ngày 20/7/2016 tại Hà Nội, ông Kay Jannes Wegner – Luật sư Công ty KIM & CHANG phát biểu: Ở khu vực Đông Nam Á, trong vòng gần 10 năm qua, mọi điều về trọng tài quốc tế đã tốt hơn, các bên đã tự tin hơn khi đưa ra các vụ việc để điều trần và giải quyết tranh chấp tại khu vực. Tôi tin tưởng luật sư và những người tham gia vào hệ thống này sẽ có nhiều điều kiện và kinh nghiệm giải quyết các vụ tranh chấp trọng tài trong thời gian tới.

Từ kinh nghiệm nước ngoài về đào tạo trọng tài như nêu trên, để hình thành một đội ngũ trọng tài viên có năng lực, có tính chuyên nghiệp, có chuyên môn và uy tín xã hội cao ở Việt Nam, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cần được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định cụ thể về đào tạo nghiệp vụ trọng tài nhằm góp phần đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ Trọng tài viên giỏi về trình độ chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp, giàu kinh nghiệm thực tiễn.

Trong thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực trọng tài, hoạt động của các tổ chức trọng tài, việc đẩy mạnh đào tạo nghiệp vụ trọng tài ở Việt Nam là rất cần thiết. Căn cứ quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước đối với trọng tài thương mại, Học viện Tư pháp cần được chính thức giao nhiệm vụ là đơn vị chủ trì, phối hợp với các trung tâm trọng tài xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài cơ bản, nghiệp vụ trọng tài nâng cao/chuyên sâu lĩnh vực quốc tế, thương mại quốc tế của Việt Nam trên cơ sở tham khảo thực tiễn hoạt động đào tạo trọng tài của các tổ chức trọng tài quốc tế có uy tín trên thế giới. Định hướng chung trong vấn đề này là tiến hành song song các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài (tương tự như bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc đối với luật sư, công chứng viên…) cho các trọng tài viên hoặc luật sư mới vào nghề, các chương trình đào tạo ngắn hạn cho các đối tượng khác có nhu cầu trở thành trọng tài viên nhưng chưa có đủ trình độ, kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ trọng tài. Các chương trình đào tạo nên được tổ chức theo hình thức tín chỉ, với phần bắt buộc và phần tự chọn (nâng cao, chuyên sâu) để phù hợp với nhu cầu của người học có trình độ và mục tiêu khác nhau.

Trên cơ sở những yêu cầu nêu trên, chúng tôi đề xuất định hướng xây dựng chương trình đào tạo,bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp trong thời gian tới khi được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chức danh này theo nhu cầu của các cá nhân hoặc của tổ chức trọng tài gồm:

  • Chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài cơ bản: dành cho những người chưa hành nghề trọng tài nhưng có trình độ từ cử nhân luật trở lên và có nguyện vọng trở thành trọng tài viên trong tương lai.
  • Chương trình đào tạo trọng tài chuyên sâu trong lĩnh vực trọng tài thương mại quốc tế: dành cho những người đã là trọng tài viên hoặc có đủ các điều kiện cần thiết về trình độ, kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực pháp luật. Chương trình đào tạo này có đặc điểm gần giống như Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế được thực hiện tại Học viện Tư pháp năm 2017-2018.
  • Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài, nghiệp vụ trọng tài thương mại quốc tế: dành cho những người đã là trọng tài viên mới vào nghề hoặc đã có thâm niên làm trọng tài nhiều năm nhưng có nhu cầu được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ trọng tài. Các lĩnh vực trọng tâm cần ưu tiên là giải quyết tranh chấp đầu tư, thương mại, tài chính, ngân hàng, xây dựng có và không có yếu tố nước ngoài.

Trong thời gian tới, khi Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018 – 2023” do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng và theo xu thế hoàn thiện Luật Trọng tài thương mại năm 2010, việc xây dựng chương trình đào tạo về pháp luật trọng tài thương mại, kỹ năng cho trọng tài viên sẽ có cơ sở pháp lý vững chắc hơn để thực hiện; các cơ sở đào tạo pháp luật và chức danh tư pháp sẽ nghiên cứu, bổ sung giáo trình và môn học riêng về các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế ngoài tòa án (Alternative dispute resolution) trong đó có trọng tài thương mại trong hệ thống các môn học tự chọn của sinh viên (ngành luật, kinh tế, quản trị kinh doanh, thương mại của các trường đại học và các cơ sở đào tạo nghề luật sư, thẩm phán, doanh nhân…), Tòa án nhân dân tối cao, các Trung tâm trọng tài xây dựng chương trình giảng dạy về kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại cho trọng tài viên, Tổ chức tập huấn chuyên sâu về kỹ năng của trọng tài viên (Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ kiện, kỹ năng áp dụng pháp luật nước ngoài, rà soát điều khoản trọng tài, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, kỹ năng thu thập chứng cứ, mời giám định viên; kỹ năng hòa giải trong tố tụng trọng tài, kỹ năng tổ chức các phiên họp, kỹ năng hỏi của trọng tài viên, kỹ năng soạn thảo phán quyết trọng tài, quy tắc đạo đức của trọng tài viên…) và kinh nghiệm trong giải quyết các tranh chấp thương mại nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực đội ngũ trọng tài viên trong giải quyết tranh chấp thương mại trong nước và tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, hoàn thiện kỹ năng cho trọng tài viên, xây dựng quy tắc đạo đức trọng tài viên, từ đó nâng cao năng lực của các trung tâm trọng tài.

Chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài thương mại ở cấp độ chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, thương mại quốc tế sẽ bao gồm những nội dung như trong chương trình cơ bản nêu trên nhưng tập trung kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại, thương mại quốc tế, trong đó chú trọng các Module sau đây:

  • Đặc thù và yêu cầu nghề nghiệp đối với trọng tài thương mại quốc tế
  • Kỹ năng tham gia giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế liên quan đến các cam kết quốc tế của Nhà nước Việt Nam
  • Phân định thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam giữa Trọng tài và Tòa án
  • Kỹ năng tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài bằng trọng tài tại Việt Nam
  • Kỹ năng tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài bằng trọng tài tại nước ngoài
  • Nghiên cứu, vận dụng kỹ năng, thực tiễn hoạt động giải quyết tranh chấp của các tổ chức trọng tài quốc tế uy tín trên thế giới…

Học viện Tư pháp – cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp có đủ các điều kiện cần thiết để đảm nhiệm vai trò là đầu mối chủ trì, phối hợp với Hiệp hội trọng tài viên Việt Nam (nếu được thành lập trong tương lai), các đơn vị chức năng quản lý nhà nước hoạt động trọng tài, các tổ chức trọng tài thương mại quốc tế, tổ chức trọng tài của Việt Nam tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nêu trên theo nhu cầu của các đối tượng cá nhân, tổ chức khác nhau, góp phần thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018 – 2023” như đã nêu trên.

Chuyên đề 3: ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ TRỌNG TÀI TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP

ThS. Trần Minh Tiến

Trưởng phòng Đào tạo và Công tác học viên

1.Sự cần thiết phải đào tạo nghiệp vụ trọng tài thương mại ở Việt Nam

Trong giao dịch dân sự thường ngày, nhất là giao dịch kinh tế thương mại, việc phát sinh tranh chấp là không thể tránh khỏi. Nền kinh tế càng phát triển, sôi động thì tranh chấp phát sinh càng nhiều, đòi hỏi việc giải quyết tranh chấp phải nhanh chóng, hiệu quả, công bằng tạo sự yên tâm cho các bên ngay từ khi mới hình thành quan hệ dân sự và cả khi có phát sinh tranh chấp. Do đó, cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án thuận lợi cho các bên, đồng thời thông qua đó giảm tải công việc cho hệ thống toà án.

Trong cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các bên có toàn quyền thỏa thuận thành lập một hội đồng trọng tài để giải quyết tranh chấp, trong đó thành phần hội đồng trọng tài, tiêu chuẩn trọng tài viên, cách thức chỉ định trọng tài viên, quốc tịch trọng tài viên hoàn toàn do các bên quyết định Việc này sẽ đảm bảo tính trung lập, công bằng cao hơn, tạo sự an tâm cho các bên tranh chấp. Như vậy,

– Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính chuyên môn cao.

– Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp mềm dẻo, nhanh chóng, thuận lợi cho các bên;

– Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp bí mật, uy tín kinh doanh;

– Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp dứt điểm nhanh chóng, chính xác, chi phí thấp hơn Tòa án và không đại diện cho quyền lực tư pháp nên rất thích hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Vì thế, trong nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về nâng cao năng lực xây dựng và thực hiện thể chế của Nhà nước, Nghị quyết số 11 – NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đã xác định phải “nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế giải quyết tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, trọng tâm là các hoạt động hòa giải, trọng tài thương mại

Theo chúng tôi được biết, Việt Nam hiện nay có 21 Trung tâm Trọng tài thương mại và 480 Trọng tài viên[65]. Tuy nhiên, thực tế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại vẫn còn nhiều hạn chế.

– Số lượng các vụ việc do các tổ chức trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết cho đến thời điểm hiện này còn rất han chế so với số lượng vụ việc mà Tòa án phải giải quyết.

– Mức độ lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài của các tổ chức, cá nhân kinh doanh còn thấp;

– Số lượng các trọng tài viên thường xuyên được lựa chọn để giải quyết tranh chấp không nhiều.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nói trên nhưng bên cạnh những hạn chế về tính pháp lý của luật trọng tài thì còn có hạn chế, nguyên nhân xuất phát từ đội ngũ trọng tài viên. Số lượng trọng tài viên hiện nay của Việt Nam không nhiều. Nhiều trung tâm trọng tài chỉ có số ít trọng tài viên. Một bộ phận trọng tài viên còn thiếu kỹ năng nghề nghiệp, lúng túng trong quá trình tham gia tố tụng trọng tài. Số lượng trọng tài viên hội đủ yêu cầu và các kỹ năng trọng tài, trình độ ngoại ngữ, khả năng giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay chưa nhiều[66]. Vì thế, cùng với những vấn đề pháp lý liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì sự thiếu tin tưởng vào đội ngũ trọng tài viên cũng là nguyên nhân quan trọng. Do đó, trọng tài viên rất ít có cơ hội được cọ sát với thực tiễn nghề nghiệp để tích luỹ kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng hành nghề.

Do đó, để thực hiện được nhiệm vụ chủ yếu mà Đảng và Nhà nước xác định trong Nghị quyết số 11 nêu trên, cần thiết trong thời gian tới cần phải bổ sung được đội ngũ trọng tài viên thương mại có đủ uy tín, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp.

2.Định hướng xây dựng nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài

2.1 Về đối tượng đào tạo

Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp quốc tế và trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp thương mại nội địa. Các loại tranh chấp khác nhau đòi hỏi trọng tài giải quyết phải đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn và điều kiện khác nhau. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của Học viện Tư pháp hiện nay, chúng tôi cho rằng chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài viên ban đầu mới chỉ nên dừng lại là đào tạo nghiệp vụ trọng tài viên giải quyết các tranh chấp nội địa. Khi đó, chương trình đào tạo mới mangtính khả thi.

2.2. Về chuẩn đầu ra

Chuẩn đầu ra là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, được cơ sở đào tạo cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện. Tuỳ thuộc vào mục tiêu đào tạo mà chương trình sẽ xác định các yêu cầu về chuẩn đầu ra.

Từ trước đến nay, các chương trình đào tạo chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp đều chỉ xác định mục tiêu là đào tạo nguồn chức danh tư pháp để bổ nhiệm. Để được bổ nhiệm làm chức danh tư pháp, có thể hành nghề trên thực tế thì người học sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo phải trải qua giai đoạn tập sự hành nghề trong một thời gian khá dài. Chính vì vậy, yêu cầu đối với chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp hiện nay đều ở mức hạn chế.

Chúng tôi cho rằng mục tiêu đào tạo đối với chương trình đào tạo trọng tài viên cần phải khác với mục tiêu đào tạo các chương trình của Học viện Tư pháp hiện nay. Chương trình đào tạo trọng tài viên không thể xác định mục tiêu đào tạo là đào tạo nguồn mà sau khi kết thúc chương trình đào tạo trọng tài viên, người học có thể hành nghề được ngay. Cùng có chức năng giải quyết vụ việc nhưng Trọng tài viên khác Thẩm phán ở chỗ trọng tài viên thực hiện chức trách trên cơ sở đề nghị, yêu cầu lựa chọn của đương sự hoặc phân công của Trung tâm trọng tài. Thẩm phán thực hiện chức trách trên cơ sở phân công công việc của Chánh án. Do đó, nếu trọng tài viên không có đủ uy tín, kỹ năng kinh nghiệm cần thiết thì sẽ không có khả năng được lựa chọn giải quyết vụ việc.

Nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài, chúng ta nhận thấy các nước đều tiếp cận theo hướng kết thúc khoá đào tạo là người học có thể thực hiện được ngay nghề nghiệp của mình, trong khi các chương trình đào tạo chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp tại Học viện Tư pháp hiện nay đều tiếp cận đến mục tiêu là đào tạo nguồn. Như vậy, rõ ràng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo trọng tài viên phải cao hơn rất nhiều so với chương trình đào tạo chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp hiện nay.

2.3. Về cấu trúc chương trình đào tạo

Nhìn lại chặng đường lịch sử thời gian 20 năm qua, các chương trình đào tạo chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp tại Học viện Tư pháp được xây dựng theo 02 hình thức niên chế và tín chỉ. Hiện nay, cơ bản các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp đều được xây dựng theo hình thức tín chỉ.

Các bài học đều được thiết kế theo module thống nhất:

Cách thiết kế và xây dựng chương trình như trên phù hợp với hoạt động đào tạo nguồn, có ấn định cụ thể thời gian đào tạo. Tuy nhiên, đối với chương trình đào tạo trọng tài viên, khi mục tiêu đào tạo không phải là đào tạo nguồn mà là đào tạo nghề, không bị hạn chế về thời lượng thì chương trình nên định hướng xây dựng nên theo các module kỹ năng. Đây cũng là cách thiết kế mới mà qua tham khảo kinh nghiệm của nhiều chương trình đào tạo trọng tài viên của ICC, Pháp, CIArb đều xây dựng theo module.

Phát triển chương trình theo mô đun là một phương thức tiên tiến. Theo phương thức này, nội dung của chương trình đào tạo trở lên uyển chuyển hơn, không gò bó, cứng nhắc, luôn cập nhật được những biến động, gắn đào tạo với thực tiễn, phù hợp với người học và nhu cầu của thị trường lao động.

Hiểu một cách chung nhất, “Mô-đun là đơn vị học tập được tích hợp giữa kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp một cách hoàn chỉnh nhằm giúp cho người học có năng lực thực hiện trọn vẹn một hoặc một số công việc của một nghề”[67] để tạo ra một năng lực chuyên môn. Điều đó có nghĩa là kết thúc thành công việc học một mô đun sẽ tạo ra những kỹ năng tối thiểu cần thiết cho việc tìm việc làm. Đồng thời, mỗi mô đun có thể hình thành một phần nhỏ chuyên môn của một người thợ lành nghề. Trong chương trình đào tạo theo mô đun kỹ năng hành nghề (MKH), khái niệm môn học bị phá vỡ. Toàn bộ nội dung kiến thức khoa học đã tích hợp lý thuyết và thực hành, giúp người học nhanh chóng hình thành được các năng lực hoạt động nghề nghiệp. Các “lát cắt dọc” thay thế cho “lát cắt ngang”. Chương trình được xây dựng trên các vấn đề trọn vẹn của các mô đun. Trong trường hợp này, ranh giới giữa các lĩnh vực kiến thức và kỹ năng không còn nữa. Ưu điểm của chương trình này là:

– Mục tiêu đào tạo và cấu trúc nội dung đa dạng, thời gian đào tạo ngắn, phù hợp với nhu cầu của người học cũng như người sử dụng lao động;

– Đào tạo ban đầu và nâng cao trình độ là một quy trình được thực hiện thường xuyên, tạo điều kiện cho người học có thể nhanh chóng đi vào nghề nghiệp cũng như có thể nâng cao trình độ nghề nghiệp tới đỉnh cao khi có điều kiện;

– Nội dung đào tạo được tích hợp giữa lý thuyết và thực hành nghề;

– Nhanh chóng và kịp thời bổ sung những kiến thức và kỹ năng nghề phù hợp với sự biến đổi nhanh chóng của pháp luật, nền kinh tế. Vì đây là hệ thống mở, có thể bổ xung hoặc thay đổi các đơn nguyên học tập một cách dễ dàng;

– Nâng cao tính mềm dẻo, linh hoạt của quá trình đào tạo nghề, tạo điều kiện liên thông giữa một nghề, đặc biệt đối với những nghề cùng một lĩnh vực kỹ thuật nhờ vào việc sử dụng chung một số mô đun đơn vị;

– Hiệu quả kinh tế và đào tạo cao, vì hầu hết các kiến thức và kỹ năng đều có thể được sử dụng ngay để hành nghề sau khi học xong mỗi MKH;

– Người học có thể tự học, tự đánh giá nhờ vào các hướng dẫn, các bài tập kiểm tra, trắc nghiệm sau khi học xong mỗi đơn nguyên, mỗi mô đun;

– Tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong quá trình dạy học nhờ vào những quy định và hướng dẫn cụ thể;

– Có điều kiện thực hiện “cá nhân hóa cao” trong đào tạo, nhờ việc đánh giá khả năng, trình độ của từng học viên trước khi học và việc hướng dẫn lựa chọn các mô đun thích hợp để đạt yêu cầu học tập của họ cũng như mục tiêu đào tạo của nhà trường.

Tuy nhiên, cách xây dựng chương trình theo module cũng có những hạn chế nhất định như:

– Thiếu tính hệ thống chặt chẽ của từng bộ môn;

– Cấu trúc nội dung đào tạo hoàn chỉnh cho toàn khóa của một nghề kém phần logic;

– Việc trang bị những kiến thức kỹ thuật cơ bản cho một nghề diện rộng bị hạn chế bởi thời gian đào tạo và cấu trúc logic của quá trình đào tạo. Mặt khác, kiến thức lý thuyết chỉ dừng ở mức thấp, người học khó có thể đạt được trình độ phân tích, đánh giá vấn đề;

– Đào tạo theo MKH có thể kém hiệu quả đối với những MKH mà phần thực hành chiếm quá ít, hoặc khi các chuẩn đánh giá không được quy định rõ ràng;

– Đào tạo theo MKH tốn kém hơn phưong thức đào tạo truyền thống vì biên soạn tài liệu giảng dạy phức tạp, phưong tiện, thiết bị giảng dạy cần hoàn chỉnh theo quy định;

– Giáo viên cần có trình độ cao và phải được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy theo MKH. Đào tạo nghề theo MKH sẽ rất thuận lợi cho các loại hình đào tạo ngắn hạn.

2.4. Về nội dung chương trình đào ạo

Chúng tôi cho rằng nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài thương mại phải:

a) Xuất phát từ thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài ở Việt Nam

Điều 2 Luật Trọng tài thương mại quy định trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại. Về lý thuyết, các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại là rất rộng. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ở Việt Nam chỉ phát sinh tập trung trên một số lĩnh vực.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều trung tâm trọng tài thương mại nhất với 11/14 tổ chức trọng tài thương mại (gồm 9 Trung tâm trọng tài thương mại và 02 Chi nhánh) thì các trọng tài viên chủ yếu giải quyết các tranh chấp liên quan đến các lĩnh vực như mua bán hàng hóa, xây dựng, sở hữu trí tuệ, lao động, phân phối, đại lý và trung gian, bảo hiểm thương mại, đầu tư nước ngoài, tranh chấp hàng hải, tín dụng và thanh toán quốc tế.

VIAC, với tính chất là trung tâm trọng tài thương mại quốc tế hàng đầu ở Việt Nam thì trong nhưng trong những năm qua, số lượng các vụ tranh chấp được đưa ra giải quyết tại VIAC không ngừng tăng lên thì các vụ việc giải quyết tranh chấp chủ yếu tập trung trong lĩnh vực mua bán, xây dựng, dịch vụ, hợp tác kinh doanh và gia công[68]

Năm 2016, trong số 155 vụ tranh chấp mà VIAC giải quyết thì có 34% là tranh chấp trong lĩnh vực mua bán, xuất nhập khẩu, 15% tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng, 11% tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và các tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm, thuế. Trong số đó, có 50% là các tranh chấp nội địa, đặc biệt là từ khối doanh nghiệp FDI. Các tranh chấp có yếu tố nước ngoài tiếp tục tăng trưởng với số lượng tham gia nhiều nhất từ Trung Quốc, (bao gồm cả Hồng Kong).

Xuất phát từ đặc điểm đó, nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài viên nên đề cập đến những lĩnh vực chủ yếu phát sinh tranh chấp tại Việt Nam như mua bán hàng hoá, đầu tư, xây dựng, ngân hàng.

  1. b) Phải xuất phát từ đặc điểm, vị trí và vai trò của trọng tài

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, trọng tài viên đóng vai trò như một Thẩm phán, mỗi phán quyết của trọng tài có tác động rất lớn đến quyền và lợi ích của các bên trong tranh chấp. Do đó, để quyền và lợi ích của các bên được đảm bảo, cũng như giữ gìn và nâng cao uy tín của mình, trọng tài viên bên cạnh trình độ chuyên môn cao, cần có những kỹ năng đặc thù để có thể giải quyết tranh chấp và đưa ra phán quyết trên cơ sở công tâm, khách quan và toàn diện. Vì thế, nội dung chương trình đào tạo cần đề cập đến đạo đức nghề nghiệp trọng tài viên, các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết của trọng tài viên khi giải quyết vụ việc.

Trên cơ sở những yêu cầu nêu trên, chúng tôi đề xuất một số nội dung đào tạo trong chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài thương mại như sau:

Module 1: Trọng tài thương mại

Trong module này sẽ đề cập đến những vấn đề như:

– Lợi ích của việc lựa chọn trọng tài

– Tiêu chuẩn, điều kiện trở thành trọng tài viên

– Tính độc lập của trọng tài và chế tài kỷ luật

– Quyền và nghĩa vụ của trọng tài

– Trọng tài thương mại quốc tế và trọng tài thương mại Việt Nam

– Phí trọng tài

– Thách thức đặt ra cho hoạt động của trọng tài thương mại

– Trọng tài thương mại của thế kỷ 21

Module 2: Thoả thuận trọng tài

Thẩm quyền của trọng tài phụ thuộc vào hiệu lực của thoả thuận trọng tài được thiết lập giữa các bên trước hoặc sau khi xả ra tranh chấp. Vì vậy, khi xem xét thẩm quyền của trọng tài cần đánh giá giá trị của thoả thuận trọng tài theo quy định của pháp luật có liên quan. Trọng tài chỉ có thẩm quyền khi thoả thuận trọng tài có tồn tại, có hiệu lực và có thể thực hiện được. Ngoài ra, trong các hợp đồng hoặc các hiệp định về đầu tư giữa các chính phủ thường có quy định trước khi đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài, các bên cần thực hiện các bước đàm phán, thương lượng và hoà giải. Do đó, khi xem xét thẩm quyền của trọng tài cần lưu ý xác định các bước đàm phán, thương lượng đã được thực hiện chưa.

Trong module này sẽ đề cập đến những vấn đề như:

– Đặc điểm cơ bản của thoả thuận trọng tài

– Thoả thuận trọng tài vô hiệu/thoả thuận trọng tài hợp pháp

– Đề nghị lựa chọn trọng tài viên

– Soạn thảo điều khoản thoả thuận trọng tài

– Địa điểm và ngôn ngữ trọng tài

– Chọn lựa trọng tài viên và chỉ định trọng tài

– Từ chối trọng tài

Trong module này cần làm rõ tính độc lập của bản thân trọng tài viên đối với các bên trong tranh chấp và các trọng tài viên khác. Để tránh đưa ra phán quyết theo cảm tính và thiên vị một trong các bên tranh chấp, trọng tài viên cần xem xét hiện nay mình đang tham gia giải quyết những vụ việc nào? Liệu có bất cứ bên nào hay luật sư của bên nào có sự liên hệ với lợi ích của bản thân mình hay không. Đồng thời, để tránh bị ảnh hưởng bởi phán quyết của một trọng tài viên khác cùng tham gia vụ việc, trọng tài viên cũng cần xem xét liệu mình có thể bị ảnh hưởng bởi phán quyết của các trọng tài viên khác hay không ? Bên cạnh đó, để có đủ khả năng giải quyết tranh chấp, trọng tài viên phải có năng lực chuyên môn nhất định, có thể là luật sư, giáo sư hoặc tư vấn viên chuyên nghiệp, những người có đủ cả trình độ, kinh nghiệm và nhiệt huyết.

Module 3: Nghiên cứu hồ sơ và áp dụng pháp luật/án lệ

Trong module này sẽ đề cập đến những vấn đề như:

– Khiếu nại của các bên về thẩm quyền trọng tài;

– Nguyên tắc và lựa chọn quy tắc tố tụng trọng tài;

– Đơn yêu cầu và Đơn kiện lại;

– Xem xét giá trị của chứng cứ cũng đóng vai trò quan trọng, trong trường hợp cần thiết, có thể cân nhắc việc yêu cầu các bên bổ sung thêm bằng chứng hoặc tìm kiếm chuyên gia có trình độ trong lĩnh vực tương ứng để xem xét giá trị bằng chứng và trợ giúp trọng tài viên trong việc ra phán quyết;

– Nghiên cứu và áp dụng pháp luật trong nước;

– Nghiên cứu và áp dụng luật nước ngoài;

– Nghiên cứu và áp dụng án lệ quốc tế/Việt nam.

Module 4: Chứng cứ trong tố tụng trọng tài

Trong module này, cần đề cập đến những nội dung sau đây:

– Xây dựng chứng cứ vụ việc: người làm chứng, nhân chứng, giám định

– Lời khai của người làm chứng và những chứng cứ khác

– Các biện pháp khẩn cấp tạm thời;

Module 5: Hoà giải

Hoà giải giữa các bên trong tranh chấp luôn luôn là một việc khó khăn, đòi hỏi trọng tài viên phải thực sự công tâm và khéo léo. Công tâm trong việc xem xét các tình tiết của vụ việc và đưa ra phương án hoà giải một cách công bằng, luôn luôn giữ vị trí trung lập, không thiên về lợi ích của bất cứ bên nào. Khéo léo trong việc phân tích lợi và hại cho các bên, thuyết phục các bên hoà giải một cách công bằng và thiện chí.

– Xây dựng phương án hoà giải

– Phương pháp hoà giải

Module 6: Phiên họp trọng tài/ hội đồng trọng tài

Việc chuẩn bị cho phiên họp trọng tài cũng như điều hành phiên họp hội đồng trọng tài. Trong module này, đòi hỏi phải trang bị những nội dung:

– Chuẩn bị phiên họp như: Kiểm tra lại các vấn đề mang tính tố tụng (thẩm quyền, thời hiệu, tư các đương sự và người đại diện cho đương sự, ngôn ngữ trọng tài, địa điểm trọng tài, các điều kiện khởi kiện theo thỏa thuận của các bên) và xử lý các sai sót (nếu có); Xác định các vấn đề cần làm rõ, các tài liệu, chứng cứ cần yêu cầu đương sự bổ sung; Xác định luật áp dụng (luật nội dung);

– Kỹ năng tổ chức, điều hành phiên họp;

– Kỹ năng đặt câu hỏi.

Module 7: Phán quyết trọng tài

Mỗi phán quyết của trọng tài viên sau quá trình giải quyết tranh chấp có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín cá nhân của trọng tài viên. Do đó, khi đưa ra phán quyết, trọng tài viên cần đảm bảo phán quyết đó là công bằng và có căn cứ, trên cơ sở xem xét một cách khách quan và đầy đủ các tình tiết và bằng chứng trong vụ việc. Trong module này, sẽ đề cập đến các nội dung:

– Phân loại phán quyết trọng tài

– Quyền về nội dung đối với phán quyết

– Thông báo phán quyết

– Giải thích và đính chính phán quyết

– Bình luận một số phán quyết

– Soạn thảo phán quyết trọng tài

– Khiếu kiện phán quyết

Module 8: Huỷ bỏ và thi hành phán quyết trọng tài thương mại

– Huỷ phán quyết trọng tài

– Thi hành phán quyết trọng tài./.

Chuyên đề 4: PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ TRỌNG TÀI TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP

ThS. Lại Thị Bích Ngà

ThS. Phạm Thị Thúy Hồng

Khoa ĐT Công chứng viên và CCDK, Học viện Tư pháp

 1.Yêu cầu đối với phương pháp đào tạo nghiệp vụ trọng tài

Theo Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng thì phương pháp“hệ thống các cách sử dụng để tiến hành một hoạt động nào đó”[69], còn đào tạo được hiểu là “làm cho trở thành người có năng lực theo những tiêu chuẩn nhất định”[70]. Như vậy, nếu hiểu ghép từ thì phương đào tạo được hiểu là hệ thống các cách sử dụng để làm cho trở thành người có năng lực theo những tiêu chuẩn nhất định. Theo chúng tôi, phương pháp đào tạo nghiệp vụ trọng tài bao gồm phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập và phương pháp đánh giá kết quả học tập.

Phương pháp đào tạo nghiệp vụ trọng tài cần đáp ứng được các yêu cầu sau:

– Phương pháp đào tạo phải phù hợp với đối tượng học viên

Tại khoản 5 Điều 3 của Luật Trong tài quy định: “Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này”, bên cạnh đó theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Luật Trọng tài quy định về tiêu chuẩn Trọng tài viên gồm: “Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự; Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên; Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên” Bên cạnh các tiêu chuẩn này Luật cho phép Trung tâm trọng tài có thể quy định thêm các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 20 đối với Trọng tài viên của tổ chức mình.

Dựa trên quy định này của Luật trọng tài thương mại mà theo theo điều lệ của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), điều kiện trở thành trọng tài viên VIAC gồm:

“1. Điều kiện chung

a) Tuổi từ 30 đến 70;

b) Tốt nghiệp đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ tám năm trở lên, trừ trường hợp chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm;

c) Cam kết giải quyết vụ kiện một cách độc lập, khách quan, công bằng và nhanh chóng;

d) Sẵn sàng tham gia vào các hoạt động của Trung tâm; nỗ lực cống hiến vì sự phát triển của Trung tâm.

  1. Điều kiện bổ sung

Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 trên đây, cá nhân nộp đơn đề nghị xét kết nạp làm Trọng tài viên phải đáp ứng thêm một trong các điều kiện sau đây:

a) Đã là Trọng tài viên trong ba vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài trước đó, hoặc

b) Có tên trong danh sách Trọng tài viên của một tổ chức trọng tài được công nhận trên thế giới và đã tham gia giải quyết ít nhất là một tranh chấp tại tổ chức này, hoặc

c) Có giới thiệu của hiệp hội nghề nghiệp trong phạm vi toàn quốc, hoặc trường đại học hoặc viện nghiên cứu, hoặc

d) Được ít nhất một thành viên trong Ban điều hành Trung tâm giới thiệu”

Dựa trên các quy định của pháp luật và tham khảo điều kiện bổ nhiệm Trọng tài viên của một số tổ chức trọng tài thì yêu cầu đối với đào tạo trọng tài viên tại Học viện Tư pháp phải đáp ứng mục tiêu khi hoàn thành khóa đào tạo, người học có thể hành nghề được ngay. Đây là điểm rất khác biệt với chương trình đào tạo cho các chức danh khác đang áp dụng tại Học viện Tư pháp. Bởi phần lớn các chức danh đang được đào tạo tại Học viện, sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ phải có thời gian tập sự hành nghề và thi sát hạch bổ nhiệm. Còn đối với Trọng tài viên không có thời gian này. Do vậy, đòi hỏi phương pháp đào tạo đối với chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài phải đáp ứng được yêu cầu là ngay sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài, người học có thể hành nghề ngay mà không cần phải trải qua thời gian tập sự hành nghề. Điều này đòi hỏi trong phương pháp đào tạo phải đáp ứng được kỹ năng hành nghề rất cao hơn hẳn các chương trình đào tạo đang được áp dụng tại Học viện Tư pháp.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 20 của Luật Trọng tài thương mại thì tốt nghiệp lớp đào tạo nghề không phải là một trong các điều kiện bắt buộc mà người được bổ nhiệm trọng tài viên cần có. Bởi vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người học khi tham gia vào chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài thì chương trình đào tạo dự kiến được thiết kế theo các Module. Chính bởi điều này mà phương pháp đào tạo cũng phải được áp dụng phù hợp với việc thiết kế của chương trình đào tạo. Điều này có nghĩa rằng phương pháp đào tạo phải phù hợp với chương trình đào tạo được thiết kế. Phương pháp đào tạo phải thể hiện được tất cả các ưu điểm các ưu điểm của chương trình đào tạo được thiết kế theo các Module là:

– Mục tiêu đào tạo và cấu trúc nội dung đa dạng, thời gian đào tạo ngắn, phù hợp với nhu cầu của người học cũng như người sử dụng lao động;

– Đào tạo ban đầu và nâng cao trình độ là một quy trình được thực hiện thường xuyên, tạo điều kiện cho người học có thể nhanh chóng đi vào nghề nghiệp cũng như có thể nâng cao trình độ nghề nghiệp tới đỉnh cao khi có điều kiện;

– Nội dung đào tạo được tích hợp giữa lý thuyết và thực hành nghề;

– Nhanh chóng và kịp thời bổ sung những kiến thức và kỹ năng nghề phù hợp với sự biến đổi nhanh chóng của pháp luật, nền kinh tế. Vì đây là hệ thống mở, có thể bổ xung hoặc thay đổi các đơn nguyên học tập một cách dễ dàng;

– Nâng cao tính mềm dẻo, linh hoạt của quá trình đào tạo nghề, tạo điều kiện liên thông giữa một nghề, đặc biệt đối với những nghề cùng một lĩnh vực kỹ thuật nhờ vào việc sử dụng chung một số mô đun đơn vị;

– Hiệu quả kinh tế và đào tạo cao, vì hầu hết các kiến thức và kỹ năng đều có thể được sử dụng ngay để hành nghề sau khi học xong mỗi Module kỹ năng hành nghề;

– Người học có thể tự học, tự đánh giá nhờ vào các hướng dẫn, các bài tập kiểm tra, trắc nghiệm sau khi học xong mỗi đơn nguyên, mỗi Module;

– Tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong quá trình dạy học nhờ vào những quy định và hướng dẫn cụ thể;

– Có điều kiện thực hiện “cá nhân hóa cao” trong đào tạo, nhờ việc đánh giá khả năng, trình độ của từng học viên trước khi học và việc hướng dẫn lựa chọn các mô đun thích hợp để đạt yêu cầu học tập của họ cũng như mục tiêu đào tạo của nhà trường.

Song đồng thời phương pháp đào tạo nghiệp vụ trong tài cũng phải khắc phục được các hạn chế của chương trình đào tạo được thiết kế theo các hình thức Module như:

– Thiếu tính hệ thống chặt chẽ của từng bộ môn;

– Cấu trúc nội dung đào tạo hoàn chỉnh cho toàn khóa của một nghề kém phần logic;

– Việc trang bị những kiến thức kỹ thuật cơ bản cho một nghề diện rộng bị hạn chế bởi thời gian đào tạo và cấu trúc logic của quá trình đào tạo. Mặt khác, kiến thức lý thuyết chỉ dừng ở mức thấp, người học khó có thể đạt được trình độ phân tích, đánh giá vấn đề;

– Đào tạo theo Module kỹ năng hành nghề có thể kém hiệu quả đối với những Module kỹ năng hành nghề mà phần thực hành chiếm quá ít, hoặc khi các chuẩn đánh giá không được quy định rõ ràng;

– Đào tạo theo Module kỹ năng hành nghề tốn kém hơn phương thức đào tạo truyền thống vì biên soạn tài liệu giảng dạy phức tạp, phương tiện, thiết bị giảng dạy cần hoàn chỉnh theo quy định;

– Giáo viên cần có trình độ cao và phải được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy theo Module kỹ năng hành nghề. Đào tạo nghề theo Module kỹ năng hành nghề sẽ rất thuận lợi cho các loại hình đào tạo ngắn hạn.

  1. Các phương pháp đào tạo được áp dụng đối với đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp

Xuất phát từ đặc thù của đào tạo nghiệp vụ trọng tài, với đối tượng đào tạo và mục đích đào tạo, chuẩn đầu ra khác biệt hẳn so với các trường đại học, các trường nghề kỹ thuật cũng như với các chức danh tư pháp đã và đang được đào tạo tại Học viện Tư pháp, theo chúng tôi, Học viện Tư pháp cần sử dụng các phương pháp đào tạo dành cho người lớn với những phương pháp đào tạo tích cực để người học luôn phát huy được tính tích cực, chủ động. Việc sử dụng phương pháp đào tạo phải hết sức linh hoạt, phù hợp với tính chất của từng nội dung trong chương trình đào tạo. Xuất phát từ đối tượng học viên đã và đang là những trọng tài viên/hoặc có thể chưa là trọng tài viên nên khi sử dụng các phương pháp đào tạo nghiệp vụ trọng tài cần lưu ý đến những nguyên tắc sử dụng phương pháp dạy học tích cực như[71]:

– Học viên vốn đã có một số kiến thức đáp ứng với mục tiêu của chương trình đào tạo, giảng viên cần có khả năng khai thác những kiến thức đó.

– Học viên chủ yếu học bằng thực hành hơn là chỉ nghe giảng đơn thuần

– Nội dung truyền đạt cần có tính hiện thực cao, sinh động thì sẽ dễ tiếp thu và nhớ lâu hơn là một bài lý thuyết.

– Việc học không chỉ là một quá trình suy nghĩ thuần tuý mà cần bao gồm cả lý tính và cảm tính.

– Kinh nghiệm cá nhân của học viên là một nguồn tài liệu quan trọng và là “nội dung” của khoá đào tạo. Kiến thức có thể khai thác và phát triển từ nguồn kinh nghiệm dự trữ của học viên.

– Học viên học tốt nhất khi họ có thể liên hệ nội dung học với kinh nghiệm sống của mình.

– Học viên có thể học từ bạn học cũng như từ giảng viên.

– Học viên tham gia tích cực vào quá trình học tập và cần được sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau giữa các học viên, cũng như giữa học viên và giảng viên.

– Sự bố trí phòng học và các phương tiện giảng dạy đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra một không khí cởi mở và tiếp thu kiến thức.

Với mô hình “lấy người học làm trung tâm”, Học viện Tư pháp cần áp dụng phối kết hợp các phương pháp cơ bản sau trong hoạt động đào tạo nghiệp vụ trọng tài như: phương pháp song giảng, phương pháp thuyết trình, phương pháp giải quyết tình huống, phương pháp đóng vai, phương pháp quan sát, v.v…

2.1. Phương pháp song giảng

Việc áp dụng phương pháp song giảng đã khẳng định tính ưu việt, riêng có trong hoạt động đào tạo của Học viện Tư pháp nói chung từ trước đến nay. Đào tạo nghiệp vụ trọng tài cũng cần áp dụng để khai thác triệt để những ưu điểm của phương pháp đào tạo này.

Hình thức thực hiện phương pháp song giảng là có sự phối hợp giữa hai giảng viên trong một buổi giảng, trong đó có một giảng viên lý thuyết (thường là giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp) và một giảng viên thực hành (là các trọng tài viên đã và đang trực tiếp hành nghề /hoặc chuyên gia, cán bộ quản lý nhà nước, v.v… có chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu về trọng tài). Sự phối hợp giữa hai giảng viên sẽ đem lại tính toàn diện trong việc giải quyết các nội dung giảng dạy và đặc biệt là tạo dựng và rèn luyện kỹ năng cho học viên. Nếu chỉ tiến hành đơn giảng, với một giảng viên lý thuyết, học viên sẽ không có được những hình dung cụ thể về thực tế thực hành các kỹ năng nghiệp vụ cụ thể và các kinh nghiệm giải quyết, ngược lại, nếu chỉ có một giảng viên thực hành tiến hành giảng dạy thì khả năng học viên không được trang bị một cách bài bản kiến thức lý thuyết kỹ năng là không thể tránh khỏi. Sự có mặt của hai giảng viên cùng tham gia giảng dạy cũng sẽ làm cho buổi học trở nên sinh động hơn, sôi nổi hơn và học viên dễ tiếp thu hơn. Nhờ sự phối hợp, bổ sung lẫn nhau của các giảng viên mà qua giờ học, học viên vừa được cung cấp kiến thức lý thuyết, vừa được trang bị cả kỹ năng nghề nghiệp. Các học viên không chỉ được chia xẻ kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp mà còn được rèn luyện phương pháp phân tích, áp dụng và cập nhật kiến thức pháp luật mới.

Tuy nhiên, để việc song giảng có hiệu quả đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức lớp học. Về phía Khoa chuyên môn, bên cạnh việc tiến hành các buổi họp chuyên môn định kỳ để thống nhất cả về chuyên môn cũng như trau dồi hơn cho các giảng viên về phương pháp giảng, đặc biệt là đối với những giảng viên kiêm nhiệm, Khoa cũng cần sẵn sàng hỗ trợ các giảng viên về mọi mặt để hoạt động giảng dạy đạt kết quả cao hơn. Về phía các giảng viên cũng cần nỗ lực để việc giảng dạy ngày một tốt hơn. Các giảng viên lý thuyết (đặc biệt là các giảng viên thuộc Học viện Tư pháp) cần nỗ lực thâm nhập thực tế để nâng cao hơn kiến thức về kỹ năng nghề nghiệp; còn các giảng viên thỉnh giảng cũng có nhiều cố gắng trong việc hoàn thiện phương pháp sư phạm để có thể truyền đạt tốt hơn những kiến thức, kinh nghiệm của mình tới học viên. Mặt khác, trước khi lên lớp, các giảng viên song giảng cần thống nhất trước với nhau về nội dung bài giảng, phương pháp dạy và học, phân công nội dung trao đổi cho từng giảng viên để đảm bảo sự ăn khớp, nhuần nhuyễn giữa các giảng viên quá trình giảng dạy.

2.2. Phương pháp thuyết trình

Đây là phương pháp giảng dạy truyền thống, được áp dụng ở hầu hết các cơ sở đào tạo. Phương pháp thuyết trình có những ưu điểm như: đảm bảo tính nhất quán, hệ thống của nội dung bài giảng; truyền đạt được một lượng kiến thức lớn trong một thời gian ngắn, chi phí thấp, v.v… Bên cạnh đó, phương pháp thuyết trình có những hạn chế như: đòi hỏi giảng viên phải là người có kiến thức tốt, phong phú mới (chất lượng của bài giảng phụ thuộc vào trình độ, vào sự đánh giá chủ quan của giảng viên về nội dung cơ bản của bài cũng như những vấn đề khác liên quan); học viên tham gia thụ động vào bài học nên không kích thích được sự ham tìm tòi, hiểu biết, tư duy chủ động, sáng tạo của học viên; do không nhận được sự phản hồi của học viên nên giảng viên thường giảng những gì mình có, mình thích, mà những nội dung đó chưa hẳn đã là những nội dung mà viên thiếu, học viên cần, v.v…

Phương pháp thuyết trình phù hợp với những bài giảng mang tính lý thuyết nên trong đào tạo nghiệp vụ trọng tài cần áp dụng đúng loại hình bài giảng và mức độ sử dụng cho phù hợp. Để đảm bảo và nâng cao chất lượng giảng dạy, giảng viên không thuần tuý chỉ áp dụng phương pháp thuyết trình mà cần kết hợp với các phương pháp khác như phương pháp giải quyết tình huống, thảo luận nhóm… Các nội dung của bài học phải được minh hoạ bằng các tình huống thực tiễn sinh động. Giáo viên lên lớp cũng phải tăng cường trao đổi với học viên để cải thiện không khí lớp học, tránh tình trạng học viên hoàn toàn thụ động khi lên lớp. Cũng cần lưu ý là giảng viên đảm nhiệm những giờ giảng này phải là người có trình độ chuyên môn cao cũng như khả năng truyền đạt tốt mới đảm bảo chất lượng cho giờ giảng.

Xem thêm: Luật sư tại trọng tài thương mại

Xem thêm: Luật sư tại trọng tài quốc tế

2.3. Phương pháp giải quyết tình huống

Đây là phương pháp giảng dạy tích cực đã được áp dụng trong đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp. Phương pháp này cũng sẽ được sử dụng để giảng dạy đối với những nội dung lý thuyết và nội dung thực hành tình huống trong đào tạo nghiệp vụ trọng tài.

Với những nội dung lý thuyết, để triển khai những nội dung của bài học, ngoài việc áp dụng phương pháp thuyết trình, giảng viên cần chuẩn bị các tình huống, các câu hỏi liên quan đến bài học để người học trao đổi, thảo luận, qua đó giúp người học củng cố kiến thức lý thuyết vừa được giảng viên giới thiệu.

Với những bài thực hành tình huống, trong giờ học, người học sẽ vận dụng kiến thức lý thuyết đã học ở bài lý thuyết kỹ năng để giải quyết các tình huống phát sinh. Đây là những tình huống thực tế theo hồ sơ tình huống đã được chuyển tới trước cho người học nghiên cứu trong một thời gian hợp lý trước mỗi buổi học tình huống. Bằng việc hướng dẫn học viên nghiên cứu, tìm hiểu một hồ sơ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, học viên phải làm rõ tất cả những vấn đề liên quan đến hồ sơ. Giảng viên sẽ đưa ra các kết luận về hồ sơ, đúc kết thành lý thuyết khái quát hoá thành các kinh nghiệm nghề nghiệp, làm cơ sở cho các thao tác nghề nghiệp chuẩn sau này của học viên vào cuối mỗi buổi học. Với phương pháp này, ý thức tự tìm hiểu, tự nghiên cứu cũng như khả năng tư duy của học viên được nâng cao rõ rệt; tạo cảm giác hứng thú cho cả người học và người dạy, đồng thời làm phong phú kiến thức cho cả hai phía. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của phương pháp này, Học viện Tư pháp cần xây dựng các hồ sơ tình huống sao cho các tình huống thực sự mang tính chất thời sự và phát huy được tư duy phân tích, lập luận của các học viên.

2.4. Phương pháp đóng vai

Phương pháp đóng vai đã được sử dụng trong đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giảng viên và học viên. Với nhiều ưu việt, phương pháp này sẽ tiếp tục được sử dụng trong đào tạo nghiệp vụ trọng tài với những yêu cầu mới. Học viên sẽ được thực hành các kỹ năng nghề nghiệp ngay tại lớp học.

Với phương pháp đóng vai, hồ sơ tình huống thực tế sẽ được cung cấp trước cho học viên và giảng viên nghiên cứu và chuẩn bị trước theo hướng dẫn. Lớp học sẽ được chia thành các nhóm nhỏ với số lượng thành viên phù hợp. Các thành viên trong nhóm sẽ tiến hành việc chuẩn bị bài học ở nhà như: nghiên cứu hồ sơ, xây dựng kịch bản, thực hành đóng vai, chuẩn bị các tình huống liên quan đến bài học. Trong giờ học, giảng viên sẽ chỉ định nhóm học viên thực hành việc đóng vai trên cơ sở sử dụng những dữ liệu trong hồ sơ tình huống đã chuẩn bị trước. Học viên sẽ tự đặt mình vào vị trí của trọng tài viên để chủ động đặt ra và chủ động xử lý tình huống, giải quyết vấn đề theo yêu cầu của hồ sơ tình huống. Với việc trực tiếp thực hành các kỹ năng nghề nghiệp thông qua đóng vai, học viên sẽ được củng cố, nắm vững kiến thức pháp luật đã được học và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp thành thục.

Tuy nhiên, thực tế triển khai phương pháp đóng vai tại Học viện Tư pháp thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như:

– Học viên có thể đưa ra các tình huống không phù hợp với thực tế;

– Nếu học viên không tích cực nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị trước ở nhà, buổi học đóng vai tình huống sẽ diễn ra tẻ nhạt vì học viên diễn rất xuôi chiều, đơn điệu;

– Giảng viên có đôi khi chưa đưa ra được kết luận thống nhất về cách thức, quy trình tiến hành công việc vừa chưa đưa ra được nhận xét xác đáng về cách đóng vai của học viên.

Vì vậy, để phương pháp này được triển khai một cách có hiệu quả trong đào tạo nghiệp vụ trọng tài thì phải triển khai một cách đồng bộ từ khâu biên tập hồ sơ tình huống đến khâu xây dựng kịch bản và tổ chức buổi đóng vai trên lớp.

2.5. Phương pháp kiến tập, thực tập tại các Trung tâm trọng tài

Việc đưa học viên các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài đi kiến tập, thực tập cần được tiến hành sau khi học viên đã học được những nghiệp vụ nhất định tại Học viện Tư pháp. Thông qua việc đi kiến tập, thực tập, học viên có điều kiện để quan sát, nắm được những kiến thức lý thuyết kỹ năng trên thực tế được vận dụng như thế nào, các thao tác nghiệp vụ được tiến hành ra sao, từ đó, học viên có thể làm theo một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Để việc kiến tập, thực tập của học viên các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài đạt hiệu quả, Học viện Tư pháp cần xây dựng các nội dung đào tạo thực tế phong phú, sát với yêu cầu đào tạo. Học viện cũng cần thiết lập cơ chế phối hợp giữa Học viện với các trung tâm trọng tài nơi tiếp nhận học viên đến kiến tập, thực tập, để học viên có thể được tham gia vào một số hoạt động nghề nghiệp cụ thể. Học viện cũng cần nhanh chóng xây dựng và thiết lập quan hệ mật thiết với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là những trọng tài viên, bởi chính họ cũng sẽ là đội ngũ hướng dẫn thực tập cho học viên; có thể tiến hành tập huấn các vấn đề cần thiết về hướng dẫn thực tập (nếu cần). Mặt khác, Học viện Tư pháp cần bố trí khoản kinh phí thỏa đáng để chi trả cho các cơ sở tiếp nhận học viên đến thực tập, kiến tập cũng như chi trả cho cán bộ hướng dẫn thực tập.

3.6. Phương pháp đánh giá kết quả học tập

Trong thực tiễn dạy học hiện nay có hai loại đánh giá thường được áp dụng: đánh giá theo tiến trình/thường xuyên và đánh giá tổng kết/định kỳ. Dù được thực hiện dưới hình thức nào thì việc đánh giá chất lượng đào tạo nghiệp vụ trọng tài cũng cần đảm bảo nguyên tắc chính xác, khách quan, có sự phân hóa, thường xuyên, liên tục và định kỳ.

Do đặc thù của chương trình đào tạo và đối tượng học viên các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài, ngoài thời gian trao đổi trên lớp, Học viện Tư pháp cần chú trọng đến hoạt động tự học, tự nghiên cứu của học viên. Học viện Tư pháp cần kết hợp quá trình đào tạo trên lớp với quá trình tự nghiên cứu, học tập ở nhà bằng cách giao các nhiệm vụ cụ thể mà học viên phải giải quyết ngoài giờ lên lớp với cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá hữu hiệu bằng việc giao các bài tập thực hành để củng cố lại các kiến thức học trên lớp.

Mặt khác, kết thúc khóa đào tạo đòi hỏi người học không những phải nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn phải biết ứng xử, diễn thuyết, viết, v.v…, do đó, các hình thức đánh giá kết quả học tập đối với các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài cũng cần hết sức mềm dẻo, linh hoạt và tương ứng với các kỹ năng đào tạo như: viết bài luận, viết báo cáo hồ sơ, diễn án, làm bài kiểm tra, làm bài thi bằng hình thức viết hoặc vấn đáp. Sự đa dạng của các hình thức này giúp cho học viên rèn luyện được các kỹ năng nghề nghiệp trên mọi phương diện.

– Đánh giá kết quả học tập thông qua làm bài kiểm tra: có thể thực hiện thông qua kiểm tra nhanh trên lớp bằng hình thức viết (bài kiểm tra thường được thực hiện trong khoảng 15 – 30 phút), có thể bằng bài báo cáo nghiên cứu hồ sơ hoặc thực hành đóng vai trên lớp.

– Đánh giá kết quả học tập thông qua thi hết môn: Hình thức đánh giá kết quả học tập này được thực hiện sau khi kết thúc môn học. Điểm thi học phần chiếm trọng số 85% (sẽ được cộng với điểm kiểm tra thường xuyên chiếm trọng số 15%). Có thể thi theo hình thức thi viết/hoặc vấn đáp.

Đối với việc thi theo hình thức thi viết: Các đề thi sẽ không được ra dưới dạng các câu hỏi lý thuyết yêu cầu học viên phải học thuộc và trình bày lại mà thường được thiết kế dưới dạng các câu hỏi tình huống, đòi hỏi học viên phải nắm được quy định của pháp luật, hiểu và vận dụng các quy định đó để giải quyết các tình huống trong đề thi. Trong quá trình làm bài thi, học viên được sử dụng toàn bộ văn bản pháp pháp luật có liên quan và Giáo trình do Học viện Tư pháp phát hành. Nhìn chung, các đề thi đều có tính phân hóa rõ rệt, giúp phân loại được trình độ của các học viên. Với cách thức ra đề thi trước đó thì cơ cấu đề thường bao gồm phần dữ liệu chung, sau đó có các tình tiết bổ sung cho phần dự liệu chung và các câu hỏi tương ứng. Đề thi cũng có thể bao gồm phần trắc nghiệm, phần lý thuyết và phần tình huống. Phần trắc nghiệm gồm nhiều câu hỏi nhỏ, có thể kiểm tra kiến thức của học viên trên phạm vi rộng. Phần lý thuyết không đơn thuần là việc trình bày lại, nêu lại những nội dung đã học mà thường là những vấn đề vường mắc; và học viên trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành phải phân tích và nêu được ý kiến của mình. Do vậy đây thường là các câu hỏi mở.

Đối với việc thi theo hình thức thi vấn đáp: Có thể yêu cầu học viên giải quyết các tình huống dựa trên những hồ sơ vụ việc thực tế được đơn vị chuyên môn biên tập lại.

– Đánh giá kết quả học tập thông qua việc viết tiểu luận. Hình thức đánh giá kết quả học tập này sẽ giúp cho học viên cách phân tích, tổng hợp và đánh giá các quy định của pháp luật; rèn luyện khả năng phát hiện các vấn đề vướng mắc của pháp luật và tìm ra, đề xuất các giải pháp phù hợp để giải quyết những vướng mắc đó.

Chuyên đề 5: TỔ CHỨC ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ TRỌNG TÀI TẠI HỌC VIỆN TƯ PHÁP – CƠ HỘI, THÁCH THỨC VÀ ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO THỰC HIỆN

ThS.Nguyễn Thị Thu Hồng

Khoa ĐT Công chứng viên và CCDK, Học viện Tư pháp

ThS. Cao Thị Kim Trinh

Khoa ĐT Các chức danh thi hành án dân sự, Học viện Tư pháp

 

  1. Cơ hội, thách thức đối với Học viện Tư pháp trong việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài

1.1. Cơ hội đối với Học viện Tư pháp trong việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là một trong những phương thức được Đảng và Nhà nước ta khuyến khích phát triển từ nhiều năm qua. Trọng tài thương mại phát triển, một mặt sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, đáp ứng tối đa quyền định đoạt, bảo đảm uy tín, bí mật của các bên tranh chấp, mặt khác, giúp giảm tải khối lượng công việc của Tòa án, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, từ đó góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc cũng “khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ rõ nhiệm vụ trong những năm tới là: “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế giải quyết tranh chấp kinh tế, dân sự, trọng tâm là các hoạt động thương lượng, hoà giải, trọng tài thương mại và toà án nhân dân các cấp, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp”.

Để phát triển trọng tài thương mại, Nhà nước ta cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế về trọng tài thương mại, triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật hiện hành về trọng tài thương mại, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức về vai trò, tính hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, nâng cao chất lượng hoạt động trọng tài nhằm thu hút cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc sử dụng trọng tài, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trọng tài thương mại v.v…. thì một trong những giải pháp cũng cần được chú trọng là tăng cường năng lực đội ngũ trọng tài viên thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng giải quyết tranh chấp, đạo đức nghề nghiệp. Yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp nói chung, trọng tài viên nói riêng đã được định hướng từ Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 với việc “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cử nhân luật, đào tạo cán bộ nguồn của các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp; bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/8/2017, cả nước có 21 Trung tâm trọng tài thương mại với 480 trọng tài viên[72]. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tư pháp thì chất lượng đội ngũ trọng tài viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập. Một số trọng tài viên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức thương mại quốc tế; yếu về kỹ năng nghề nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp[73].

Theo đánh giá của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội thì Một số Trọng tài viên chưa thực sự giỏi về trình độ chuyên môn, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, phần lớn các Trọng tài viên ở nước ta đang hoạt động kiêm nhiệm, họ thường có một công việc ổn định khác để sinh sống, nên chưa thực sự chuyên tâm, chưa dành nhiều thời gian cho việc tham gia hoạt động trọng tài. Trọng tài viên thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau và một số Trọng tài viên chưa được trang bị kiến thức pháp lý cơ bản, thiếu kiến thức về thương mại quốc tế và lúng túng trong quá trình tố tụng trọng tài... Các Luật sư hành nghề coi Trung tâm trọng tài như một hình thức bổ sung cho hoạt động luật sư, còn các Luật gia, chuyên viên đang công tác ở các cơ quan Nhà nước thì coi việc trở thành Trọng tài viên như một công việc làm thêm của mình. Điều này ảnh hưởng tới tính chuyên nghiệp của hoạt động trọng tài, dẫn đến trình trạng hoạt động trọng tài thương mại thua ngay trên sân nhà, một số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh có yếu tố nước ngoài thì không lựa chọn trọng tài Việt Nam mà thường lựa chọn trọng tài nước ngoài để giải quyết tranh chấp thương mại (Ví dụ: trọng tài quốc tế Singgapore, Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kông…)[74]

Theo đánh giá từ phía Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thì “do không tham gia thường xuyên các vụ việc nên ở một số Hội đồng trọng tài kĩ năng thực hành tố tụng chưa thực sự có tính chuyên nghiệp, cần nâng cao hơn. Vấn đề này, yêu cầu Bộ Tư pháp – cơ quan quản lí Nhà nước về Trọng tài nên nghiên cứu, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo và cấp chứng chỉ cho các trọng tài viên về kiến thức pháp luật Tố tụng trọng tài [75]. Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng và Nguyễn Thị Thu Trang[76] thì “để có một quá trình tố tụng trọng tài thật sự hiệu quả, nhanh chóng, các trọng tài viên còn cần kinh nghiệm điều hành quá trình tố tụng cũng như nắm vững trình tự tố tụng trọng tài. Việc tố tụng trọng tài phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc bảo mật khiến cho các trọng tài viên không thể tìm hiểu kinh nghiệm qua các vụ kiện trọng tài khác mà mình không được tham gia, trong khi hiện nay không có nhiều những diễn đàn trong nước cũng như quốc tế để các Trọng tài viên trao đổi những đúc kết thực tiễn của mình với nhau và tìm tòi thêm về cách xử lý của trọng tài viên, chuyên gia quốc tế [77]                                                                            

Do đó, tại Báo cáo sơ kết 4 năm thi hành Luật trọng tài thương mại số 74/BC-BTP ngày 08 tháng 4 năm 2016 của Bộ Tư pháp đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trọng tài thương mại, trong đó chú trọng giải pháp tăng cường năng lực đội ngũ trọng tài viên và nâng cao tính chuyên nghiệp của các Trung tâm trọng tài, “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng giải quyết tranh chấp, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ trọng tài viên”.

Xuất phát từ đường lối, chủ trương chính sách của Đảng về định hướng phát triển trọng tài thương mại, về yêu cầu đối với công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp nói chung và đào tạo nghiệp vụ trọng tài nói riêng; từ thực trạng hoạt động trọng tài và chất lượng đội ngũ trọng tài viên, ngày 08/11/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, trong đó xác định nhiệm vụ của Học viện Tư pháp trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 là phải: “…Tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo Luật sư, Chấp hành viên, Công chứng viên, Đấu giá viên, Trọng tài viên, Trợ giúp viên pháp lý, Thẩm tra viên thi hành án dân sự, Thư ký thi hành án dân sự và các chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp[78].

Năm 2017, Thủ tướng Chính đã phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, các Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023”. Theo kế hoạch, Đề án sẽ được trình Chính phủ trước tháng 12/2017 để phê duyệt. Mặc dù còn nhiều ý kiến, quan điểm của các chuyên gia tham gia xây dựng Đề án về vấn đề đào tạo trọng tài viên (đào tạo theo nhu cầu) tại Việt Nam nhưng theo Dự thảo Đề án, việc đào tạo kỹ năng nghiệp vụ cho trọng tài viên là một trong những giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ trọng tài viên (Mục III.2). Tại cuộc họp rà soát Dự thảo Đề án lần cuối ngày 15/11/2107, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã kết luận chính thức về việc cần thiết phải đào tạo kỹ năng hành nghề cho trọng tài viên.

Theo chúng tôi, xuất phát từ định hướng của Đảng và Nhà nước ta, từ thực tiễn hoạt động trọng tài tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm của một số nước trên thế giới[79] thì việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, bởi “chất lượng của trọng tài viên tương đương với chất lượng của tố tụng trọng tài” [80]. Do vậy, để góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ trọng tài viên, từ những cơ sở trên cho thấy, đây là thời điểm thuận lợi để Học viện Tư pháp xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài cho đội ngũ trọng tài viên tai Việt Nam, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

1.2. Khó khăn, thách thức đối với Học viện Tư pháp trong việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài

Bên cạnh những mặt thuận lợi thì việc xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp cũng sẽ gặp không ít những khó khăn, thách thức. Theo chúng tôi, những khó khăn, thách thức cơ bản mà Học viện Tư pháp cần phải nghiên cứu, xem xét là:

Một là, số lượng học viên hạn chế

Cùng nằm trong nhóm chức danh bổ trợ tư pháp, nhưng đào tạo nghiệp vụ trọng tài sẽ có nhiều điểm khác biệt so với với đào tạo nghiệp vụ Luật sư, Công chứng viên, Đấu giá viên… Theo quy định của pháp luật hiện hành, một người, để có thể trở thành Luật sư/Công chứng viên/Đấu giá viên…, ngoài những tiêu chuẩn chung thì đều phải hoàn thành một khóa đào tạo nghiệp vụ hoặc là một năm (Luật sư, Công chứng viên), hoặc là 06 tháng (Đấu giá viên); sau đó họ phải trải qua một quá trình tập sự (một năm tập sự đối với Luật sư và Công chứng viên, 06 tháng tập sự đối với Đấu giá viên); đồng thời họ phải đỗ trong kỳ kiểm tra hết tập sự thì mới đủ điều kiện để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp. Như vậy, đào tạo nghiệp vụ là một trong những điều kiện và là tiêu chuẩn bắt buộc để được cấp chứng chỉ hành nghề đối với các chức danh Luật sư, Công chứng viên, Đấu giá viên, v.v… Do đó, người muốn được hành nghề Luật sư, Công chứng, Đấu giá… thì buộc phải tham gia và hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ.

Khác với Luật sư, Công chứng viên, Đấu giá viên, người được công nhận là Trọng tài viên không bắt buộc phải qua đào tạo và tập sự nghề. Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật trọng tài thương mại thì “Những người có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể làm Trọng tài viên:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự;

b) Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên;

c) Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên”.

Khoản 3 Điều 20 Luật trọng tài thương mại cũng quy định: “Trung tâm trọng tài có thể quy định thêm các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này đối với Trọng tài viên của tổ chức mình”.

Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định việc bắt buộc phải đào tạo nghiệp vụ để bổ nhiệm Trọng tài viên như đối với các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp khác tại Việt Nam. Việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài (nếu có) sẽ hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu xã hội, từ sự tự nguyện của các trọng tài viên. Do vậy, thách thức đầu tiên đối với Học viện Tư pháp, theo chúng tôi là số lượng học viên tham gia các lớp đào tạo nghiệp trọng tài sẽ rất hạn chế. Theo chia sẻ của ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)[81] tại buổi Tọa đàm lấy ý kiến xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, các Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023” do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 24/10/2017 tại Hà Nội thì trong năm qua, khi Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam tổ chức tập huấn cho đội ngũ trọng tài viên của Trung tâm, mặc dù phải tổ chức tới 3 đợt tại cả hai miền Nam – Bắc, dùng cả mệnh lệnh hành chính bắt buộc nhưng cũng chỉ thu hút được khoảng ¾ số lượng trọng tài viên của Trung tâm tham dự. Trong khi đó, để thực hiện được việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài một cách bài bản, chuyên nghiệp, đạt chất lượng, Học viện Tư pháp cần đầu tư nhiều về cả nhân lực và kinh phí mới có thể chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lớp học. Và nếu không thể thường xuyên tổ chức được các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài do số lượng học viên ít thì Học viện Tư pháp cũng sẽ khó khăn trong việc xây dựng, duy trì đội ngũ giảng viên chuyên sâu cũng như đầu tư cơ bản, thường xuyên cho hoạt động đào tạo này.

Hai là, học viên tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài là những người có kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực nhưng không đồng đều về kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Luật trọng tài thương mại, để có thể trở thành trọng tài viên thì một trong các tiêu chuẩn cần đạt được là “Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên”. Từ quy định đó cho thấy, trọng tài viên là những người có trình độ cao, thậm chí họ đã là các chuyên gia trong các lĩnh vực được đào tạo và hành nghề. Mặt khác, đối tượng có thể trở thành trọng tài viên là rất rộng. Về mặt chuyên môn nghiệp vụ, họ có thể là những người đã tốt nghiệp trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên (trừ trường hợp Trung tâm trọng tài có yêu cầu cao hơn theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật trọng tài thương mại), thậm chí trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn mà không đáp ứng được yêu cầu trên cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên. Do vậy, học viên các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài không chỉ bao gồm những người đã tốt nghiệp đại học mà có thể còn có một số người chưa tốt nghiệp đại học, một số người đã tốt nghiệp chuyên ngành luật hoặc có thể tốt nghiệp đại ở tất cả các chuyên ngành đào tạo khác. Do đó, tư duy, kiến thức pháp luật về trọng tài của học viên là không đồng đều. Đây cũng là một khó khăn không nhỏ đối với quá trình tổ chức đào tạo và tổ chức giảng dạy của giảng viên đứng lớp.

Ba là, chuẩn đầu ra phải đạt được ở mức độ cao

Khó khăn, thách thức tiếp theo đối với Học viện Tư pháp là các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp từ trước đến nay đều được thực hiện theo cách thức “truyền thống” với việc xác định mục tiêu là đào tạo nguồn để bổ nhiệm, do đó chuẩn đầu ra yêu cầu đạt ở mức trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp một cách cơ bản, có hệ thống. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ, học viên còn phải tập sự nghề trong một thời gian nhất định để tiếp tục thực hiện việc “học nghề” trên thực tiễn. Đây là giai đoạn học viên ứng dụng những kiến thức lý thuyết đã được trang bị tại Học viện Tư pháp vào thực tiễn hoạt động nghề nghiệp. Ở giai đoạn này, học viên được tham gia vào các công việc cụ thể tương tự như vai trò luật sư/công chứng viên/đấu giá viên, v.v… dưới sự hướng dẫn và giám sát của các luật sư/công chứng viên/đấu giá viên… đang hành nghề; là giai đoạn họ được trải nghiệm và tiếp tục rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, chuẩn bị cho quá trình hành nghề sau này. Do vậy, mục tiêu đối với các khóa đào tạo Luật sư, Công chứng viên, Đấu giá viên,v.v… tại Học viện Tư pháp chủ yếu nhằm trang bị cho học viên đạo đức nghề nghiệp, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản và một phần kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu.

Tuy nhiên, đối với đào tạo nghiệp vụ trọng tài, xuất phát từ đối tượng đào tạo đòi hỏi sau khi kết thúc chương trình đào tạo, người học phải hành nghề được, phải thực hiện được các công việc đã được học. Do đó, yêu cầu về chuẩn đầu ra đối với đào tạo nghiệp vụ trọng tài không chỉ dừng lại ở đào tạo nguồn để bổ nhiệm mà sẽ cao hơn rất nhiều so với chương trình đào tạo chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp khác tại Học viện Tư pháp hiện nay. Vì vậy, từ khâu xây dựng chương trình đào tạo, lựa chọn đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, tổ chức biên soạn giáo trình, hồ sơ tình huống, tài liệu tham khảo khác, sử dụng phương pháp đào tạo và tổ chức đào tạo đòi hỏi đều phải đạt ở mức độ cao. Và chỉ khi có những khóa đào tạo nghiệp vụ trọng tài đạt chất lượng cao mới có thể thu hút được sự quan tâm, tham gia của đội ngũ trọng tài viên.

Mặc dù còn có rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, nhưng với kinh nghiệm 20 năm đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, với lực lượng đội ngũ giảng viên có trình độ lý luận, thực tiễn, chuyên nghiệp, với sự ủng hộ, hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp và các Trung tâm trọng tài tại Việt Nam, chúng tôi tin tưởng rằng Học viện Tư pháp có thể tổ chức thành công các khóa đào tạo nghiệp vụ trọng tài, phục vụ cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

  1. Điều kiện đảm bảo cho việc tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp

Để bắt đầu tổ chức bất kỳ một khóa đào tạo nào, mỗi cơ sở đào tạo đều phải chuẩn bị các điều kiện cơ bản như: chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên, phương pháp đào tạo, hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ giảng dạy và học tập. Mỗi nội dung đều có vị trí, vai trò riêng, tuy nhiên, xét về tổng thể các nội dung này có mối liên hệ mật thiết với nhau và cùng tạo nên sự thành công chung của khóa đào tạo.

Đào tạo nghiệp vụ trọng tài cũng không nằm ngoài thông lệ này. Để chuẩn bị cho khóa đào tạo nghiệp vụ trọng tài, Học viện Tư pháp phải thực hiện tốt công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đảm bảo cho việc tổ chức khóa đào tạo.

2.1. Xây dựng chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo là yếu tố đặc biệt quan trọng, đóng vai trò then chốt tạo nên sự thành công của khóa đào tạo. Một chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu công việc sẽ giúp người học xử lý được công việc về sau. Khóa đào tạo được coi là chất lượng, là thành công khi tốt nghiệp, học viên có thể thực hiện được công việc của mình. Việc thiết kế chương trình đào tạo hợp lý sẽ góp phần rất lớn tạo nên sự thành công đó.

Cho đến nay, đã có nhiều phương pháp tiếp cận và mô hình xây dựng chương trình đào tạo. Phương pháp tiếp cận và mô hình xây dựng chương trình đào tạo truyền thống là tiếp tiếp cận đào tạo theo nội dung, đào tạo theo diện rộng, chuyên sâu, chương trình đào tạo được cấu trúc thành các môn học/học phần, kế hoạch giảng dạy – học tập cứng, được bố trí cuốn chiếu trong thời gian kéo dài/theo học kỳ/năm học, sử dụng phương pháp đánh giá theo môn học và tổ chức đào tạo theo niên chế.

Cách thức tiếp cận truyền thống sẽ không phù hợp với đào tạo nghiệp vụ trọng tài. Chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài cần xây dựng theo định hướng Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 Hội nghị trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, theo đó cần“chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp … Nội dung giáo dục nghề nghiệp được xây dựng theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp để hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học”.

Xuất phát từ đối tượng học viên và yêu cầu đối với việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài, Học viện Tư pháp cần sử dụng phương pháp tiếp cận và mô hình xây dựng chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài theo nhu cầu thị trường, tiếp cận đào tạo theo mục tiêu, lấy năng lực thực hiện (chuẩn đầu ra) làm mục tiêu đào tạo. Chương trình đào tạo được cấu trúc theo module (là một đơn vị học tập có tính trọn vẹn, tích hợp giữa lý thuyết và thực hành để người học sau khi học xong có năng lực thực hiện được công việc cụ thể của nghề nghiệp), kế hoạch dạy học linh hoạt, việc dạy – học và đánh giá theo năng lực thực hiện, có thể cần gì học nấy.

Đào tạo theo module là vấn đề đã được Học viện Tư pháp đặt ra từ nhiều năm trước đây. Trong bài viết “Giới thiệu chung về hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp tại Học viện Tư pháp” (Tập tài liệu Hướng dẫn thực hiện chương trình đào tạo thẩm phán), PGS-TS Phan Hữu Thư – Nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp đã khẳng định việc đào tạo theo module bài học có những điểm ưu việt cơ bản sau:

Thứ nhất, khắc phục tình trạng chỉ chú trọng lý thuyết mà không chú trọng thực hành. Tình trạng trên diễn ra tương đối phổ biến ở nhiều cơ sở đào tạo. Điều này có thể do các nguyên nhân: tư duy nặng về lý thuyết của người xây dựng chương trình, không có nhiều giáo viên thực hành, thiếu hồ sơ, tài liệu hỗ trợ giảng dạy… dẫn đến việc học viên khi ra trường không biết áp dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn, không được chuẩn bị tốt những thao tác giải quyết công việc cụ thể, và hậu quả là, cơ quan sử dụng cán bộ phải tự đào tạo lại.

Thứ hai, khắc phục tư duy đào tạo kiểu “truyền nghề” thủ công: người học chỉ được học bằng cách quan sát người đi trước làm như thế nào rồi làm theo mà không hiểu tại sao lại làm như vậy. Việc đào tạo kỹ năng ở nhiều nơi chưa được khái quát thành các nguyên tắc, phương pháp xử lý công việc, từ đó dẫn tới hậu quả học viên không có được cách tiếp cận mang tính hệ thống, không có khả năng tổ chức và phân bố công việc mang tính khoa học.

Thứ ba, khắc phục tình trạng thụ động, tư duy đơn chiều của người học. Việc đưa học viên vào những tình huống cụ thể để buộc học viên phải chủ động suy nghĩ, đưa ra và bảo vệ các quan điểm, ý tưởng của mình. Nhờ đó, học viên sẽ hiểu sâu hơn, nhớ lâu hơn kiến thức, đồng thời, tính chủ động sáng tạo của chính bản thân mỗi học viên cũng được phát huy”.

Cách xây dựng module bài học như trên đã mang đến sự khác biệt trong công tác đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp tại Học viện Tư pháp trong những năm qua. Và những ưu việt đã được PGS-TS Phan Hữu Thư khẳng định trong bài viết nêu trên cũng đã được thể hiện trên thực tế đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp Học viện Tư pháp. Do vậy, Học viện Tư pháp cần tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong quá trình xây dựng chương trình và đào tạo các chức danh tư pháp trong việc xây dựng chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài theo các module kỹ năng.

Mặt khác, thực hiện theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp về việc chuyển dần các chương trình đào tạo từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ, đến nay, Học viện Tư pháp đã thực hiện xong việc xây dựng các chương trình đào tạo theo tín chỉ như: Chương trình đạo tạo Thừa phát lại, Chương trình đào tạo chấp hành viên, Chương trình đào tạo Luật sư, Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội quốc tế, Chương trình đào tạo nghề đấu giá. Do vậy, Chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài cũng sẽ được xây dựng theo hình thức tín chỉ cho phù hợp với bối cảnh hiện nay tại Học viện Tư pháp.

Đối với chương trình đào tạo áp dụng theo tín chỉ thì mỗi giờ tín chỉ được tính bằng 50 phút học tập. Một tín chỉ được quy định tối thiểu:

– Bằng 15 giờ học lý thuyết và 30 giờ tự học, chuẩn bị cá nhân có hướng dẫn.

– Bằng 30 giờ thực hành, thảo luận và 15 giờ tự học, chuẩn bị bài học theo hướng dẫn của giảng viên.

– Bằng 45 giờ thực tập tại cơ sở, làm tiểu luận, khoá luận tốt nghiệp.

Hiện nay, trong Chương trình đào tạo luật sư và Chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội quốc tế của Học viện Tư pháp đã có những môn học có nội dung về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại (như môn “Kỹ năng tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án” trong chương trình đào tạo Luật sư; môn học “Kỹ năng của Luật sư trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế” trong Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế…). Do vậy, trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài, những nội dung phù hợp trong các chương trình đào tạo luật sư cần được Học viện Tư pháp nghiên cứu và thể hiện ở mức độ tương ứng với mục tiêu đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp.

Những yêu cầu, những đặc thù đối với đào tạo nghiệp vụ trọng tài (không đào tạo nguồn để bổ nhiệm, chuẩn đầu ra cao, người học sau khi tốt nghiệp phải thực hiện được công việc, phải hành nghề, đối tượng học viên đa dạng, v.v…) cũng được Học viện Tư pháp nghiên cứu và có phương án xây dựng phù hợp trong chương trình đào tạo đối với chức danh này[82].

Ngoài ra, để đảm bảo tính hiệu quả, đảm bảo chất lượng đào tạo, theo chúng tôi, việc xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp cần thực hiện theo lộ trình phù hợp theo hai giai đoạn:

– Giai đoạn 1: Xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại trong nước;

– Giai đoạn 2: Xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại trong nước và quốc tế.

Mặt khác, để chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài sát với thực tiễn hành nghề, Học viện Tư pháp cần thực hiện song song nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ giảng viên, nhất là đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và tạo cơ hội tối đa cho giảng viên thỉnh giảng, đặc biệt là các trọng tài viên tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo.

2.2. Xây dựng đội ngũ giảng viên

Điểm đặc trưng trong đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp tại Học viện Tư pháp từ trước đến nay là đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ. Đào tạo trọng tài viên, với tính chất đào tạo chuyên sâu đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải là những người giỏi về lý thuyết và thành thạo trong hành nghề, nhiệt tình, tâm huyết trong công tác đào tạo.

Việc xây dựng đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy cho các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp hiện có nhiều thuận lợi. Học viện Tư pháp đã có nhiều năm đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Luật sư, v.v… nên đã xây dựng được một đội ngũ giảng viên đông đảo tham gia hoạt động đào tạo đối với các chức danh này. Trong các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp, đã có một số các môn học/học phần/nội dung rất gần/tương tự với một số nội dung dự kiến trong đào tạo nghiệp vụ trọng tài, đặc biệt trong Chương trình đào tạo Luật sư và Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Trong Chương trình đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp đã xây dựng một môn học Kỹ năng tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, trong đó có trọng tài thương mại. Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế có nhiều các môn học liên quan đến nghiệp vụ trọng tài như các môn: Kỹ năng của Luật sư trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, Kỹ năng giải quyết tranh chấp quốc tế theo cơ chế giải quyết của EVFTA, Kỹ năng giải quyết tranh chấp quốc tế về bán phá giá, trợ cấp xuất khẩu và tự vệ thwong mại WTO, v.v… Do vậy, khi tổ chức đào tạo nghiệp vụ trọng tài, Học viện Tư pháp sẽ lựa chọn những giảng viên giỏi về lý thuyết, thành thạo về kỹ năng nghề nghiệp tố tụng trọng tài để tham gia giảng dạy cho các lớp học này.

Tương tự như đối với các chức danh khác, đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy nghiệp vụ trọng tài sẽ được cấu thành từ lực lượng giảng viên cơ hữu thuộc biên chế của Học viện Tư pháp và giảng viên thỉnh giảng.

* Đội ngũ giảng viên cơ hữu:

Giảng viên cơ hữu thường là những người có trình độ lý luận, kiến thức lý thuyết tốt, tuy nhiên kinh nghiệm thực tiễn nghề nghiệp không được dày dạn, phong phú như những người đang hành nghề thực tế. Với mục tiêu kết thúc khóa đào tạo, học viên có thể hành nghề được ngay nên yêu cầu đặt ra đối với giảng viên cơ hữu sẽ cao hơn so với các chức danh khác đang đào tạo tại Học viện Tư pháp. Hiện nay, mặc dù Học viện Tư pháp chưa chính thức tổ chức đào tạo trọng tài viên nhưng công tác chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho việc tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài trong những năm tới (như xây dựng Chương trình đào tạo, biên soạn Giáo trình, hồ sơ tình huống và các tài liệu tham khảo khác, v.v.) đòi hỏi phải có lực lượng giảng viên cơ hữu chuyên sâu về lĩnh vực này.

Theo chúng tôi, để xây dựng lực cho giảng viên cơ hữu tham gia đào tạo nghiệp vụ trọng tài thực sự chuyên nghiệp, có kiến thức lý thuyết căn bản, kinh nghiệm thực tiễn và phương pháp sư phạm tốt, từ thực tế và yêu cầu của công tác đào tạo nghiệp vụ trọng tài, Học viện Tư pháp cần thực hiện các biện pháp cụ thể sau:

– Giao nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ trọng tài cho một đơn vị phù hợp của Học viện làm đầu mối;

– Bổ sung ít nhất 02 biên chế giảng viên cho đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ trọng tài; nghiên cứu thành lập Bộ môn đào tạo nghiệp vụ trong tài và kiện toàn Lãnh đạo Bộ môn;

– Học viện Tư pháp có văn bản gửi Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, một số Trung tâm trọng tài có phát sinh thường xuyên việc giải quyết tranh chấp để đề nghị các cơ quan, tổ chức này tạo điều kiện cho giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp được tham gia hoạt động nghề nghiệp tại các cơ quan, tổ chức đó để có thêm kinh nghiệm thực tiễn phục vụ giảng dạy tại Học viện Tư pháp.

– Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên cơ hữu được thường xuyên tiếp cận và rèn luyện các kỹ năng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thông qua việc tăng cường đi thực tế tại các Trung tâm trọng tài; nếu có điều kiện có thể cử giảng viên đi thực tế ở nước ngoài để tham khảo nghiệp vụ chuyên sâu về trọng tài thương mại. Hiện nay, các tổ chức trọng tài quốc tế hàng đầu có nhiều khóa học đào tạo ngắn hạn về kĩ năng và kiến thức cần thiết cho các trọng tài viên, luật sư và chuyên gia về trọng tài như các khóa học của Viện trọng tài London (CIarb) [83], Học viện trọng tài Paris (Arbitration Academy) [84], Phòng thương mại quốc tế (ICC) [85], Hội đồng quốc tế về trọng tài thương mại (Young ICCA)[86]. Học viện Tư pháp có thể cử giảng viên tham gia các khóa học này để nắm được nội dung chương trình, phương pháp đào tạo và cách thức tiến hành các khoá đào tạo nghiệp vụ trọng tài của các nước tiên tiến trên thế giới cũng như kinh nghiệm đào tạo, quản lý chuyên môn…

– Tăng cường chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên cơ hữu.

* Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng:

Với phương thức đào tạo “cầm tay chỉ việc” thì quá trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài cần sự tham gia của đông đảo lực lượng giảng viên thỉnh giảng đang hành nghề thực tế. Đây là chính là lực lượng chiếm số đông và sẽ là lực lượng chủ chốt trong đội ngũ giảng viên thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ trọng tài. Họ là các trọng tài viên đến từ các Trung tâm trọng tài, một số là Lãnh đạo, chuyên viên của Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, cũng tương tự như yêu cầu đặt ra đối với giảng viên cơ hữu, với mục tiêu kết thúc khóa đào tạo, học viên có thể hành nghề được ngay nên yêu cầu đặt ra đối với giảng viên thỉnh giảng cũng phải đặt ở mức độ cao.

Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng tại Học viện Tư pháp nói chung có ưu điểm nổi bật là có kiến thức thực tế phong phú, có trình độ chuyên môn, nhiệt tình tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, họ cũng bị hạn chế về phương pháp sư phạm. Mặt khác, giảng viên thỉnh giảng thường đến từ nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, công việc chuyên môn của họ thường xuyên bận rộn, việc giảng dạy cho Học viện Tư pháp thường là công việc kiêm nhiệm nên thời gian đầu tư cho hoạt động này là không nhiều.

Để xây dựng lực giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng giảng dạy, theo chúng tôi, Học viện Tư pháp cần thực hiện các biện pháp cụ thể sau:

– Về việc lựa chọn giảng viên thỉnh giảng: Học viện Tư pháp cần đề nghị Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp hỗ trợ giới thiệu các trọng tài viên, các chuyên gia giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, giàu kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết với nghề nghiệp để lựa chọn làm giảng viên thỉnh giảng. Mặt khác, Học viện Tư pháp cần xem xét lựa chọn từ các giảng viên thỉnh giảng có uy tín, giảng dạy đạt chất lượng cao đã/đang tham gia giảng dạy các kỹ năng/nội dung tượng tự hoặc có liên quan đến kỹ năng/nội dung đào tạo nghiệp vụ trọng tài trong các chương trình đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, luật sư tại Học viện Tư pháp. Học viện Tư pháp cũng cần phải có quy trình lựa chọn giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy cho cac lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài một cách công phu, cẩn thận để đảm bảo việc xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đạt chất lượng cao;

– Cần có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với giảng viên thỉnh giảng, kịp thời khen thưởng, động viên khuyến khích những giảng viên tích cực tham gia giảng dạy đạt chất lượng cao;

– Ký Hợp đồng giảng dạy có thời hạn với một số trọng tài viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có sức khoẻ, có đạo đức và tâm huyết với công tác đào tạo của Học viện Tư pháp;

– Cần thường xuyên tập huấn về phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Do các giảng viên thỉnh giảng là những người bận rộn trong công tác chuyên môn nên các lớp tập huấn nên bố trí ngắn ngày, cần chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ để đảm bảo cao nhất số lượng các giảng viên thỉnh giảng có thể tham dự. Trong những khóa học đầu, Học viện Tư pháp cần áp dụng triệt để phương pháp song giảng với sự kết hợp giữa giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng, một mặt nhằm nâng cao chất lượng bài giảng thông qua sự phát huy tối đa lợi thế của nhóm giáo viên lý thuyết và thực hành; mặt khác gián tiếp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, cách thức tổ chức lớp học cho giảng viên thỉnh giảng;

– Hỗ trợ cho giảng viên thỉnh giảng trong việc xây dựng giáo án điện tử;

– Tạo điều kiện để giảng viên thỉnh giảng sinh hoạt chuyên môn định kỳ, tham gia các đợt tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn, các hội thảo tọa đàm chuyên đề có liên quan đến hoạt động giảng dạy chính khóa;

– Khuyến khích, có biện pháp thu hút giảng viên thỉnh giảng tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, viết giáo trình, tài liệu, biên tập hồ sơ tình huống, viết bài cho Tạp chí Nghề luật, tham gia các hội thảo khoa học trong và ngoài nước.

2.3. Xây dựng giáo trình, tài liệu, hồ sơ tình huống; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học

2.3.1. Xây dựng giáo trình, hồ sơ tình huống, tài liệu tham khảo

Bên cạnh việc xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên, lựa chọn phương pháp đào tạo thích hợp thì việc xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu, hồ sơ tình huống phù hợp cũng là một điều kiện không thể thiếu để đạt được mục tiêu đào tạo nghiệp vụ trọng tài. Giáo trình là bộ phận thiết yếu quan trọng nhất, là cơ sở để giảng viên và học viên chủ động xác định phạm vi bài giảng, các kiến thức kỹ năng chuẩn mực, trọng tâm bắt buộc phải trang bị với mỗi buổi lên lớp, mỗi đơn vị học trình. Việc xây dựng giáo trình cho các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với Chương trình đào tạo và pháp luật hiện hành, sát với thực tiễn hành nghề. Giáo trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài của Học viện Tư pháp vừa phải bảo đảm tính chất lý luận vừa bảo đảm được tính chất dạy nghề theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Giáo trình sẽ không mang tính lý thuyết như của các cơ sở đào tạo cử nhân hay tài liệu của các lớp bồi dưỡng kiến thức trong ngành tư pháp mà cần được xây dựng theo hướng đi sâu vào việc hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng hành nghề của trọng tài viên. Mặt khác, giáo trình cũng còn là những kinh nghiệm hành nghề quý báu, cách thức giải quyết các tình huống thường gặp trong quá trình hành nghề, cách ứng xử đúng đắn, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp trọng tài viên. Quá trình biên soạn giáo trình cần huy động tối đa sự tham gia của các giảng viên thỉnh giảng là các trọng tài viên và chuyên gia quản lý của Cục Bổ trợ tư pháp có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động trọng tài và quản lý nhà nước trong hoạt động trọng tài.

Tương tự như xây dựng giáo trình, việc xây dựng hồ sơ tình huống phục vụ cho các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài cũng phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với Chương trình đào tạo, sát với thực tiễn hành nghề. Do vậy, Học viện Tư pháp cần liên hệ, phối hợp với các Trung tâm trọng tài để được sưu tầm hồ sơ từ một số vụ việc thực tế đã được giải quyết. Học viện cần thu thập nhiều hồ sơ thực tế để có điều kiện chọn lọc được các hồ sơ hay về nội dung và có nhiều vướng mắc về cách thức xử lý để tạo tình huống cho học viên phải tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, việc sử dụng hồ sơ tình huống cần đảm bảo nguyên tắc các hồ sơ được sử dụng phải phù hợp với các bài học theo chương trình đào tạo đã được phê duyệt. Bên cạnh việc sưu tầm hồ sơ vụ việc thực tế để biên tập thành hồ sơ tình huống phục vụ công tác đào tạo, Học viện Tư pháp cũng cần có phương án xây dựng hồ sơ tình huống giả định đối với những bài/nội dung không sưu tầm được hồ sơ hoặc chưa có hồ sơ thực tế đã được giải quyết.

Học viện Tư pháp cần hết sức chú trọng công tác biên tập hồ sơ tình huống, để vừa bảo đảm đúng mục tiêu của công tác đào tạo nghiệp vụ trọng tài, đồng thời phải đảm bảo tính bí mật đối với các phán quyết trọng tài. Việc biên tập hồ sơ tình huống vừa phải đảm bảo tính thực tiễn của hồ sơ, vừa phải phù hợp với mục tiêu của từng bài học, với mục tiêu rèn luyện từng kỹ năng. Mặt khác, trong bối cảnh các tranh chấp thương mại ngày càng phức tạp, tình trạng phán quyết trọng tài bị tòa án tuyên hủy vẫn còn tương đối nhiều, Học viện Tư pháp cũng cần nghiên cứu xây dựng, bình luận một số hồ sơ vụ việc điển hình để các trọng tài viên có cơ hội cọ sát, nghiên cứu học hỏi.

Do đào tạo nghiệp vụ trọng tài chưa từng được đơn vị nào thực hiện nên để việc triển khai thực hiện chương trình đào tạo đạt hiệu quả, bên cạnh việc xây dựng giáo trình, hồ sơ tình huống, Học viện Tư pháp cũng cần biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình đào tạo dành cho giảng viên và học viên. Học viện Tư pháp cũng cần đầu tư xây dựng giáo án điện tử, trong đó có xây dựng các video clips về các hoạt động xử lý vụ việc và điều hành phiên họp giải quyết tranh chấp của trọng tài viên để hỗ trợ cho việc giảng dạy và học tập.

2.3.2. Chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học

Để việc đào tạo nghề đấu giá được tiến hành thuận lợi, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học cũng là vấn đề cần được quan tâm. Từ năm 2013, Học viện Tư pháp đã hoàn thành xong việc xây dựng trụ sở và đưa vào sử dụng trên diện tích đất gần 1,7 héc ta, với diện tích sàn xây dựng 28.370 m2 gồm 3 toà nhà: toà nhà hành chính, toà nhà giảng đường và toà nhà ký túc xá. Toà nhà giảng đường cao 12 tầng và 01 tầng hầm với tổng diện tích sàn 11.531m2, có 41 giảng đường từ 20 đến 150 chỗ ngồi và 1 hội trường lớn 378 chỗ ngồi. Trên các giảng đường ngoài bàn, ghế đều được trang bị hệ thống âm thanh để giảng bài, phần lớn giảng đường có điều hoà nhiệt độ. Hệ thống máy tính, máy chiếu cũng được tăng cường đảm bảo đủ phục vụ cho việc dạy và học. Tại cơ sở thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Tư pháp cũng vừa khánh thành và đưa vào sử dụng trụ sở tại 180 Bis Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, quận Thủ Đức với diện tích sàn xây dựng khoảng 13.000 m2. Với cơ sở vật chất như trên, Học viện Tư pháp hoàn toàn có đủ điều kiện đảm bảo cho việc triển khai chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài.

2.4. Phương pháp đào tạo

Phương pháp đào tạo có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo. Do chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài có những đặc thù riêng nên việc lựa chọn phương pháp đào tạo phù hợp là hết sức cần thiết và quan trọng.

Cho đến nay đã có nhiều mô hình giảng dạy và học tập với các phương pháp giảng dạy khác nhau, có thể kể đến các mô hình như:

– Mô hình hướng dẫn trực tiếp (mô hình giảng viên là trung tâm): Trong mô hình này, học tập là một quá trình chuyển giao kiến thức từ giảng viên sang học viên. Đây là quá trình một chiều, các học viên bị động, thu nhận thụ động những kiến thức từ giảng viên và các học viên học một cách riêng lẻ. Phương pháp giảng dạy ở mô hình này là phương pháp thuyết trình truyền thống “thầy nói trò nghe”.

– Mô hình học viên là trung tâm: Trong mô hình này, phương pháp luận đào tạo là lấy học viên làm trung tâm thay cho giảng viên. Quá trình học tập được học viên thực hiện một cách chủ động, sáng tạo; học viên tiếp cận những tri thức cần thiết thông qua việc giải quyết những tình huống cụ thể hay hoàn cảnh thực tế. Trong mô hình này, người giảng viên đóng vai trò là người hỗ trợ, hướng dẫn quá trình học tập và cung cấp các cơ hội để học viên thực tập và chia sẻ việc học tập của họ. Hiện nay, phần lớn các phương pháp dạy học tích cực thường bắt nguồn từ mô hình này.

Học viên lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài nói riêng và các lớp đào tạo nghiệp vụ các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp khác tại Học viện Tư pháp (Chấp hành viên, Luật sư, Công chứng viên, Đấu giá viên, v.v…) là những người ít nhiều đã có những kiến thức, kinh nghiệm nhất định. Do vậy, đối với lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài, Học viện Tư pháp cần sử dụng các phương pháp đào tạo phù hợp môi trường sư phạm hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với đặc thù trong công tác đào tạo kỹ năng hành nghề cho trọng tài viên theo mô hình “lấy người học làm trung tâm” như các phương pháp: thuyết trình tích cực; giải quyết tình huống; hỏi – đáp; song giảng; đóng vai; làm việc nhóm; thực hành nghề; tọa đàm; sản phẩm viết (báo cáo, bản phân tích, tiểu luận)…[87]

Những khóa đào tạo đầu tiên, để đảm bảo và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ trọng tài, Học viện Tư pháp cần tăng cường thực hiện việc giảng dạy theo hình thức song giảng (có thể chiếm 40-70% thời lượng đào tạo) nhằm phát huy những ưu điểm của giảng viên lý thuyết và giảng viên thực tiễn, trang bị cho học viên cả kiến thức lý luận và kỹ năng nghề nghiệp. Việc tăng cường phương pháp song giảng cũng giúp các giảng viên trong quá trình giảng dạy học tập được kinh nghiệm và bổ sung kiến thức cho nhau.

2.5. Công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo

Tại Học viện Tư pháp, học viên các lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử, kiểm sát viên, chấp hành viên, công chứng viên, luật sư, thừa phát lại đều là những người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật. Tuy nhiên, đối với các lớp đào tạo nghiệp vụ trọng tài thì đối tượng học viên lại có những đặc thù riêng. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Luật trọng tài thương mại thì một trong những tiêu chuẩn để trở thành trọng tài viên là “Có bằng tốt nghiệp đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên”. Như vậy, phạm vi những người có thể trở thành trọng tài viên là tương đối rộng, không chỉ bao gồm những người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật mà bao gồm tất cả các chuyên ngành khác. Mặt khác, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Luật trọng tài thương mại thì đối tượng được làm trọng tài viên còn được mở rộng hơn nữa: “Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên”.

Do học viên là những người tốt nghiệp đại học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau nên mặt bằng kiến thức pháp luật về trọng tài thương mại là không đồng đều. Mặt khác, học viên cũng có thể là những người đang làm trọng tài viên, đã từng tham gia giải quyết tranh chấp nhưng cũng có thể chưa từng giải quyết vụ tranh chấp nào. Vì vậy, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của học viên có thể rất khác nhau. Do đó, để đảm bảo chất lượng đào tạo nghiệp vụ trọng tài, Học viện Tư pháp cần kiểm soát chất lượng đầu vào, có thể thực hiện thông qua hình thức kiểm tra đầu vào để xác định mặt bằng chuyên môn của lớp học hoặc phân lớp, từ đó kịp thời có những thời điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo và lựa chọn phương pháp đào tạo phù hợp.

Vì không bắt buộc phải tham gia khóa đào tạo vẫn có thể trở thành trọng tài viên nên Học viện Tư pháp chỉ có thể thu hút người học thông qua chất lượng của các khóa đào tạo. Đối với các trọng tài viên, để được các bên lựa chọn giải quyết vụ việc tranh chấp thì đòi hỏi trọng tài viên phải là những người có uy tín, có trình độ, kỹ năng kinh nghiệm tốt. Do vậy, nếu khóa đào tạo nghiệp vụ trọng tài của Học viện Tư pháp mang lại cho người học những cái mà họ “cần”, mang lại những kiến thức hữu ích thì sẽ thu hút được người học. Ngoài ra, mức học phí và thời gian tổ chức khóa đào tạo phù hợp cũng là yếu tố được người học quan tâm. Do vậy, trong giai đoạn đầu, để có thể người học biết đến khóa đào tạo, Học viện Tư pháp cần phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp và các Trung tâm trọng tài tại Việt Nam để thông tin tuyên truyền, quảng bá về lớp học.

Một điểm cần lưu ý là trọng tài viên phần lớn là những người kiêm nhiệm nên thường rất bận rộn. Do vậy, Học viện Tư pháp cần tổ chức các lớp học theo từng module, từng chủ đề mà người học quan tâm; tổ chức lớp học trong thời gian ngắn mà không tổ chức thành các lớp học dài ngày như đào tạo các chức danh khác tại Học viện Tư pháp hiện nay nhằm tạo điều kiện và có thể thu hút được đông đảo người học tham dự.

Quá trình triển khai đào tạo nghiệp vụ trọng tài, Học viện Tư pháp cần chú trọng đối với việc tự học, tự nghiên cứu của học viên. Giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát quá trình học của học viên. Sử dụng công nghệ thông tin để kết nối giữa cơ sở đào tạo, giảng viên với học viên, giữa các học viên với nhau. Cần sử dụng nhiều công cụ để đánh giá kết quả đào tạo. Mặt khác, Học viện Tư pháp cần tăng cường chuyên nghiệp hóa hoạt động quản lý đào tạo.

2.6. Các giải pháp hỗ trợ khác

Để đảm bảo việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài đạt hiệu quả, ngoài những giải pháp từ phía bản thân Học viện Tư pháp thì cần có những giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan, đơn vị hữu quan như:

Thứ nhất, cần có được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Lãnh đạo Bộ Tư pháp; sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp, nhất là Cục Bổ trợ tư pháp;

Thứ hai, cần có được sự hỗ trợ, phối hợp từ các Trung tâm trọng tài nhằm tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác giữa Học viện Tư pháp với các Trung tâm trọng tài, từ đó thu hút nhiều hơn sự tham gia tích cực của các trọng tài viên trong hoạt động nghiên cứu hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy, hoạt động giảng dạy, hướng dẫn nghiệp vụ cho học viên, tạo điều kiện cho học viên đi thực tế.

Thứ ba, cần sớm thành lập Hiệp hội trọng tài nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tố tụng trọng tài cho trọng tài viên cũng như là chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tố tụng trọng tài trong nước và quốc tế.

CÁC PHỤ LỤC CỦA BÁO CÁO TỔNG THUẬT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

 PHỤ LỤC 1

DỰ THẢO ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ TRỌNG TÀI VIÊN, TRUNG TÂM TRỌNG TÀI VÀ ĐỊNH HƯỚNG MỘT HOẶC MỘT SỐ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI ĐIỂM CÓ KHẢ NĂNG CẠNH TRANH QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 2018-2023

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số:     /QĐ-TTg              Hà Nội, ngày     tháng     năm 2017
DỰ THẢO

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ TRỌNG TÀI VIÊN, TRUNG TÂM TRỌNG TÀI VÀ ĐỊNH HƯỚNG MỘT HOẶC MỘT SỐ TRUNG TÂM TRỌNG TÀI ĐIỂM CÓ KHẢ NĂNG CẠNH TRANH QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 2018-2023

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật trọng tài thương mại ngày 7 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7 tháng 1 năm 2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013;

Căn cứ Quyết định số 680/QĐ-TTg ngày 5/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018 – 2023” với những nội dung sau đây:

  1. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

Việc xây dựng Đề án dựa trên các quan điểm chỉ đạo sau đây:

  1. 1. Thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó.
  2. Đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp, các luật, bộ luật có liên quan; thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật.
  3. Nâng cao chất lượng và hỗ trợ phát triên phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại nhằm giảm tải công tác xét xử của Tòa án qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hội nhập quốc tế.
  4. Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về trọng tài thương mại, áp dụng phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.
  5. MỤC TIÊU
  6. Mục tiêu tổng quát

Đưa ra những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ trọng tài viên, Trung tâm trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp thương mại đặc biệt là các tranh chấp có yếu tố nước ngoài phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế về trọng tài thương mại; nâng cao chất lượng hoạt động trọng tài, hỗ trợ phát triển một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh với các Trung tâm trọng tài quốc tế và khu vực; nâng cao nhu cầu sử dụng dịch vụ trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại góp phần giảm tải công tác xét xử của Tòa án, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp thương mại, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

  1. Mục tiêu cụ thể
  2. a) Về thể chế

Hoàn thiện thể chế về pháp luật thương mại, trọng tài thương mại và hệ thống pháp luật hỗ trợ hoạt động của trọng tài thương mại, nhằm đảm bảo cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có hiệu quả, đảm bảo các phán quyết trọng tài đã có hiệu lực pháp lý được thi hành trên thực tế, hạn chế việc hủy phán quyết trọng tài thiếu cơ sở pháp lý; xây dựng, ban hành cơ chế tăng cường sự kiểm tra, giám sát việc triển khai thi hành quy định pháp luật trọng tài thương mại, đặc biệt là giám sát việc hủy phán quyết trọng tài; giám sát việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

  1. b) Về trọng tài viên

– Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giải quyết tranh chấp, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ trọng tài viên, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên sâu như đầu tư, thương mại quốc tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

– Nghiên cứu, triển khai việc thành lập Hiệp hội trọng tài thương mại toàn quốc nhằm hỗ trợ việc phát triển hoạt động trọng tài nói chung và phát triển đội ngũ trọng tài viên nói riêng.

– Nghiên cứu xây dựng, ban hành và triển khai Bộ quy tắc đạo đức mẫu về nghề nghiệp trọng tài viên.

  1. c) Về Trung tâm trọng tài

– Nâng cao tính chuyên nghiệp, hội nhập quốc tế của Trung tâm trọng tài, các Trung tâm trọng tài chú trọng xây dựng đội ngũ trọng tài viên có chất lượng, chuyên nghiệp, có trình độ ngoại ngữ phù hợp đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp trong bối cảnh phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế.

– Các trung tâm trọng tài thương mại xây dựng quy tắc tố tụng phù hợp với Luật Trọng tài thương mại, Quy tắc trọng tài UNCITRAL và thực tiễn của Việt Nam trong hoạt động trọng tài thương mại.

– Tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động trọng tài thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp ngày càng tăng và yêu cầu hội nhập quốc tế.

– Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ trọng tài viên quốc tế, luật sư nước ngoài, chuyên gia, luật sư trong nước giỏi về chuyên môn, thành thạo ngoại ngữ tham gia giải quyết tranh chấp trọng tài nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, nâng cao tính cạnh tranh của Trung tâm trọng tài trong nước với các Trung tâm trọng tài quốc tế và khu vực.

– Tăng cường cơ chế hợp tác giữa các Trung tâm trọng tài thương mại với các tổ chức trọng tài quốc tế và khu vực nhằm học hỏi kinh nghiệm cũng như nhận được sự hỗ trợ cần thiết để tăng cường năng lực cho tổ chức và hoạt động của mình.

– Tăng cường quảng bá hình ảnh và hoạt động của trọng tài Việt Nam trên các diễn đàn trong nước và quốc tế, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sử dụng các Trung tâm trọng tài trong nước để giải quyết các tranh chấp của mình.

– Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, quản trị doanh nghiệp của các Trung tâm trọng tài, đảm bảo tính hiệu quả, chuyên nghiệp hóa trong hoạt động của Trung tâm trọng tài.

– Lựa chọn, hỗ trợ từ 1 đến 2 Trung tâm trọng tài giải quyết nhiều vụ việc thương mại, có đội ngũ trọng tài viên chuyên nghiệp, có uy tín, kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, thông thạo ngoại ngữ để làm Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.

  1. d) Về hoạt động trọng tài thương mại

– Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm khuyến khích nhu cầu sử dụng dịch vụ trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến Luật trọng tài thương mại bằng các hình thức nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đặc biệt là tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án các cấp và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư tại Việt Nam về vai trò, tính hiệu quả của trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trong việc tiếp cận dịch vụ trọng tài thông qua các diễn đàn như hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền, phổ biến, quảng bá hoạt động trọng tài trên các báo, đài, website của các cơ quan, tổ chức liên quan.

– Xây dựng giáo trình, bộ môn riêng về giải quyết tranh chấp thay thế ngoài Tòa án trong đó có giải quyết trạnh chấp bằng trọng tài thương mại tại các trường đại học giảng dạy về ngành luật và kinh tế, quản trị kinh doanh, thương mại, các trường đào tạo nghề luật sư, thẩm phán, …nhằm cung cấp kiến thức về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại cho sinh viên và các đối tượng có liên quan.

Nâng cao chất lượng hoạt động trọng tài thương mại nhằm tạo lòng tin cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; nâng cao chất lượng hỗ trợ của Tòa án đối với trọng tài theo quy định của Luật trọng tài thương mại; nâng cao chất lượng phán quyết trọng tài, đảm bảo thi hành phán quyết trọng tài trên thực tế, hạn chế lạm dụng hủy phán quyết trọng tài thiếu cơ sở pháp lý.

– Khuyến khích Trung tâm trọng tài công bố một phần hoặc đầy đủ phán quyết trọng tài, xây dựng phán quyết trọng tài mẫu; công bố quyết định của Tòa án về hủy hay không hủy phán quyết trọng tài để tạo điều kiện cho các trọng tài viên có cơ hội nghiên cứu, tham khảo và vận dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp.

đ) Quản lý nhà nước về trọng tài thương mại

– Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trọng tài thương mại, có cơ chế ưu đãi về thuế đối với các Trung tâm trọng tài; củng cố cơ sở vật chất, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp ở Trung ương và địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về trọng tài thương mại; tăng cường áp dụng tin học hóa trong công tác quản lý tổ chức và hoạt động trọng tài thương mại; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trọng tài của các Trung tâm trọng tài; vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của các trọng tài viên.

III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

  1. Hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động trọng tài thương mại
  2. a) Hoàn thiện pháp luật về thương mại theo hướng mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại: mở rộng khái niệm hoạt động thương mại trong Luật thương mại, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động thương mại tại Việt Nam

Cơ quan chủ trì: Bộ Công thương

Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, các cơ quan, tổ chức liên quan.

Thời gian hoàn thành: Năm 2022

  1. b) Nghiên cứu sửa đổi pháp luật về đất đai và pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản theo hướng mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại đối với các tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh bất động sản

Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam các cơ quan, tổ chức liên quan

Thời gian hoàn thành: Năm 2022

  1. c) Hoàn thiện văn bản về thuế, theo hướng miễn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các Trung tâm trọng tài, miễn thuế thu nhập cá nhân cho trọng tài viên Việt Nam và trọng tài viên nước ngoài đối với khoản thù lao trọng tài viên nhận được khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Cơ quan chủ trì: Bộ Tài chính

Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, các Trung tâm trọng tài, các cơ quan, tổ chức liên quan

Thời gian hoàn thành: Năm 2022

  1. d) Xây dựng văn bản hướng dẫn tòa án nhân dân các cấp về việc tòa án thực hiện các biện pháp hỗ trợ trọng tài theo quy định của Luật trọng tài thương mại (ví dụ: chỉ định, thay đổi trọng tài viên đối với trọng tài vụ việc; xem xét thỏa thuận trọng tài, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài; triệu tập người làm chứng, thu thập chứng cứ; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; giải quyết yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài, đăng ký trọng tài vụ việc); tiếp nhận, giải quyết các vụ việc về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam phù hợp với Công ước New York 1958 và Bộ luật tố tụng dân sự 2015, đảm bảo khả năng thi hành của phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

Chủ trì: Tòa án nhân dân tối cao

Phối hợp: Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Thời gian hoàn thành: Năm 2022

  1. e) Sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp theo hướng mở rộng phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại để công tác ủy thác tư pháp về thi hành phán quyết trọng tài có yếu tố nước ngoài được thực hiện thuận lợi qua đó nâng cao chất lượng thi hành phán quyết trọng tài.

Chủ trì: Bộ Tư pháp

Phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Thời gian hoàn thành: Năm 2022

  1. 2. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trọng tài thương mại nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, hiệu quả của trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại; xây dựng chương trình đào tạo về pháp luật trọng tài thương mại, kỹ năng cho trọng tài viên
  2. a) Xây dựng chương trình tuyên truyền trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng về trọng tài thương mại, hòa giải thương mại dưới các hình thức: phổ biến kiến thức, giải đáp pháp luật, đưa tin, phân tích, bình luận chuyên sâu cho doanh nghiệp và các cá nhân

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam

Thời gian hoàn thành: Hàng năm

  1. b) Biên soạn, phát hành tài liệu (cẩm nang pháp luật, sách hỏi đáp…) để phục vụ các hoạt động tuyên truyền về trọng tài thương mại

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao và cơ quan, tổ chức liên quan

Thời gian hoàn thành: Năm 2020

  1. c) Khuyến nghị các cơ sở đào tạo nghiên cứu, bổ sung giáo trình và môn học riêng về các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế ngoài tòa án (Alternative dispute resolution) trong đó có trọng tài thương mại trong hệ thống các môn học tự chọn của sinh viên (ngành luật, kinh tế, quản trị kinh doanh, thương mại của các trường đại học và các cơ sở đào tạo nghề luật sư, thẩm phán, doanh nhân…)

Cơ quan chủ trì: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam

Thời gian hoàn thành: Năm 2020

  1. d) Xây dựng chương trình giảng dạy về kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại cho trọng tài viên

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, các Trung tâm trọng tài

Thời gian hoàn thành: Năm 2020

  1. 3. Nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực đội ngũ trọng tài viên trong giải quyết tranh chấp thương mại trong nước và tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, hoàn thiện kỹ năng cho trọng tài viên, xây dựng quy tắc đạo đức trọng tài viên, nâng cao năng lực của các trung tâm trọng tài
  2. a) Tổ chức tập huấn chuyên sâu về kỹ năng của trọng tài viên (Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ kiện, kỹ năng áp dụng pháp luật nước ngoài, rà soát điều khoản trọng tài, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, kỹ năng thu thập chứng cứ, mời giám định viên; kỹ năng hòa giải trong tố tụng trọng tài, kỹ năng tổ chức các phiên họp, kỹ năng hỏi của trọng tài viên, kỹ năng soạn thảo phán quyết trọng tài, quy tắc đạo đức của trọng tài viên…) và kinh nghiệm trong giải quyết các tranh chấp thương mại

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Cơ quan phối hợp: Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam

Thời gian hoàn thành: Hàng năm

  1. b) Nghiên cứu các chương trình hợp tác quốc tế để tổ chức cho trọng tài viên học hỏi kinh nghiệm nước ngoài; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của trung tâm trọng tài và trọng tài viên; khuyến khích các trọng tài viên Việt Nam tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp của Trọng tài viên quốc tế, tham gia diễn đàn quốc tế về trọng tài (tập huấn, hội nghị, hôi thảo quốc tế và khu vực…)

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, các cơ quan, tổ chức có liên quan, các tổ chức trọng tài thương mại

Thời gian hoàn thành: Hàng năm

  1. c) Xây dựng tổ chức trọng tài thương mại chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả thông qua việc nâng cao năng lực quản trị, điều hành tổ chức trọng tài thương mại, đào tạo bồi dưỡng và phát triển đội ngũ trọng tài viên, đầu tư trang bị cơ sở vật chất, quảng bá hoạt động của tổ chức.

Cơ chủ trì: Trung tâm trọng tài

Thời gian hoàn thành: Hàng năm

đ) Lựa chọn từ 1 dến 2 Trung tâm trọng tài giải quyết nhiều tranh chấp thương mại trong nước và có yếu tố nước ngoài, ban hành nhiều phán quyết trọng tài và có đội ngũ trọng tài trong nước và nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, thông thạo ngoại ngữ, có uy tín với doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ; nghiên cứu chính sách hỗ trợ chi phí thuê, miễn, giảm tiền thuê đất xây dựng trụ sở Trung tâm trọng tài, quảng bá hoạt động trọng tài, khuyến khích cơ quan, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư (tranh chấp giữa các cơ quan của Chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài…) tại địa phương

Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có trụ sở của các Trung tâm trọng tài

Cơ quan phối hợp: Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Thời gian hoàn thành: Năm 2022

  1. e) Nghiên cứu miễn thị thực cho trọng tài viên nước ngoài tham gia giải quyết tranh chấp thương mại tại Trung tâm trọng tài tại Việt Nam

Cơ quan chủ trì: Bộ Công an

Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Trung tâm trọng tài

Thời gian hoàn thành: Năm 2020

  1. 4. Nâng cao chất lượng xét xử trọng tài, thi hành phán quyết trọng tài, công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
  2. a) Nâng cao chất lượng phán quyết trọng tài đảm bảo phán quyết được tuyên cụ thể, chính xác, rõ ràng, dễ thi hành.

Cơ quan chủ trì: Trung tâm trọng tài

Thời gian hoàn thành: Hàng năm

  1. b) Công bố một phần phán quyết trọng tài, xây dựng điều khoản trọng tài mẫu, các phán quyết trọng tài mẫu

Cơ quan chủ trì: Trung tâm trọng tài

Cơ quan phối hợp: cá nhân, tổ chức liên quan

Thời gian hoàn thành: Hàng năm

  1. c) Có chính sách thu hút, khuyến khích luật sư nước ngoài tham gia tranh tụng trọng tài

Cơ quan chủ trì: Trung tâm trọng tài

Cơ quan phối hợp: cá nhân, tổ chức liên quan.

Thời gian hoàn thành: Hàng năm

  1. Tăng cường chất lượng hoạt động hỗ trợ của Tòa án, cơ quan thi hành án đối với hoạt động tố tụng trọng tài theo quy định của Luật trọng tài thương mại và Luật thi hành án dân sự
  2. a) Tăng cường hiệu quả các biện pháp hỗ trợ của Tòa án đối với trọng tài theo Luật trọng tài thương mại như: chỉ định, thay đổi trọng tài viên đối với trọng tài vụ việc; xem xét thỏa thuận trọng tài, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài; triệu tập người làm chứng, thu thập chứng cứ; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; giải quyết yêu cầu hủy phán quyết của trọng tài, đăng ký trọng tài vụ việc

Cơ quan chủ trì: Tòa án nhân dân tối cao

Cơ quan phối hợp: Trung tâm trọng tài

Thời gian hoàn thành: Năm 2022

  1. b) Xây dựng quy chế phối hợp giữa Tòa án và cơ quan thi hành án về hỗ trợ hoạt động trọng tài thương mại, công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao

Thời gian hoàn thành: Năm 2022

  1. c) Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động thi hành phán quyết trọng tài, đảm bảo các phán quyết trọng tài đã có hiệu lực pháp lý được thi hành trên thực tế, công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao

Thời gian hoàn thành: Hàng năm

  1. d) Tăng cường cơ chế thông tin, trao đổi, quản lý và giám sát đối với vụ việc liên quan đến trọng tài thương mại tại các Tòa án thông qua báo cáo thường xuyên

Cơ quan chủ trì: Tòa án nhân dân tối cao

Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, các Trung tâm trọng tài

Thời gian hoàn thành: Hàng năm

  1. Phân công, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán chuyên sâu về lĩnh vực trọng tài để giải quyết các vụ việc trong lĩnh vực trọng tài thương mại (trọng tài trong nước, công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài); xây dựng án lệ liên quan đến hủy phán quyết trọng tài, công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài
  2. a) Phân công cho đội ngũ thẩm phán chuyên sâu về lĩnh vực trọng tài tại các Tòa kinh tế giải quyết các vụ việc trong lĩnh vực trọng tài thương mại (trọng tài trong nước, công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam)

Cơ quan chủ trì: Tòa án nhân dân tối cao

Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, các cơ quan tổ chức liên quan

Thời gian hoàn thành: Năm 2022

  1. b) Tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán có trình độ chuyên sâu về hoạt động trọng tài thương mại

Cơ quan chủ trì: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa kinh tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, các cơ quan tổ chức liên quan

Thời gian hoàn thành: Hàng năm

  1. c) Xây dựng án lệ liên quan đến hủy phán quyết trọng tài, công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài

Cơ quan chủ trì: Tòa án nhân dân tối cao

Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, các cơ quan tổ chức liên quan

Thời gian hoàn thành: Năm 2022

  1. 7. Phân công, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ kiểm sát viên chuyên sâu về lĩnh vực trọng tài (trọng tài trong nước, công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài)
  2. a) Phân công đội ngũ kiểm sát viên chuyên sâu về lĩnh vực trọng tài

Cơ quan chủ trì: Việt Kiểm sát nhân dân tối cao

Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, các cơ quan tổ chức liên quan

Thời gian hoàn thành: Năm 2022

  1. b) Tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ kiểm sát viên có trình độ chuyên sâu về hoạt động trọng tài thương mại

Cơ quan chủ trì: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, các cơ quan tổ chức liên quan

Thời gian hoàn thành: Hàng năm

  1. 8. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trọng tài thương mại
  2. a) Tổ chức hội nghị, tọa đàm với các tổ chức trọng tài thương mại để nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động nhằm có giải pháp tháo gỡ hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công thương, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam và các Trung tâm trọng tài

Thời gian hoàn thành: Hàng năm

  1. b) Nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Hiệp hội trọng tài  Việt Nam; xây dựng và ban hành quy tắc đạo đức trọng tài viên

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Cơ quan phối hợp: các Trung tâm trọng tài, cơ quan Bộ, ngành, tổ chức liên quan.

Thời gian hoàn thành: Năm 2022

  1. c) Tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về tổ chức và hoạt động trọng tài thương mại

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tối cao

Thời gian hoàn thành: Hàng năm

  1. d) Tăng cường hợp tác quốc tế về trọng tài thương mại

Nghiên cứu các chương trình hợp tác với một số tổ chức trọng tài lớn trong khu vực và quốc tế để tổ chức cho trọng tài viên học hỏi kinh nghiệm nước ngoài.

đ) Đánh giá, xếp hạng Trung tâm trọng tài, trọng tài viên nhằm khuyến khích hoạt động trọng tài phát triển

Đến năm 2023, thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án và tuyên dương, khen thưởng trọng tài viên, tổ chức trọng tài thương mại và cá nhân, tổ chức liên quan có thành tích đóng góp vào sự phát triển hoạt động trọng tài thương mại.

  1. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
  2. Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và đào tạo, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao chủ trì theo đúng thời gian quy định và thông báo kết quả cho Bộ Tư pháp khi kết thúc hoạt động.

Các bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm phối hợp theo đề nghị của các cơ quan chủ trì các hoạt động nêu tại Đề án.

  1. Bộ Tư pháp hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án; định kỳ sơ kết và tổng kết báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Đề án.
  2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai, thực hiện Đề án.
  3. KINH PHÍ THỰC HIỆN
  4. Kinh phí tập huấn, bồi dưỡng theo Quyết định này được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, kết hợp với các nguồn huy động khác (nếu có).

Kinh phí cho các hoạt động khác theo Quyết định này được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các bộ, ngành, địa phương.

Hàng năm, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm lập dự toán kinh phí cho các hoạt động được giao theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

  1. Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động của Đề án được phê duyệt theo pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:

– Như Điều 3;

– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

– Văn phòng Tổng Bí thư;

– Văn phòng Chủ tịch nước;

– Văn phòng Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội;

– Tòa án nhân dân tối cao;

– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

– Kiểm toán nhà nước;

– Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;

– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;

– Lưu: VT, PL.

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Xuân Phúc

 

 

PHỤ LỤC 2.

DANH SÁCH TRUNG TÂM TRỌNG TÀI VÀ TRỌNG TÀI VIÊN CỦA CẢ NƯỚC (đến ngày 31/8/2017)

Tổng số trung tâm trọng tài : 21 ; Tổng số trọng tài viên : 480

 

 

STT Tên tổ chức trọng tài Tên viết tắt Chủ tịch Trung tâm Tổng số trọng tài viên
1. Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC Trần Hữu Huỳnh 144
2. Trung tâm trọng tài thương mại Á Châu ACIAC Trần Quang       Mỹ 37
3. Trung tâm trọng tài Thương mại Đông Dương ITAC 1.    Lê Văn Mậu 35
4. Trung tâm trọng tài thương mại Công Lý Việt Nam VIETJAC 2.    Trịnh Xuân Chuyền 05
5. Trung tâm trọng tài Thủ Đô CAC 3.    Trần Văn Thi 05
6. Trung tâm trọng tài thương mại Thăng Long TLAC 4.    Trần Thị Thúy 05
7. Trung tâm trọng tài thương mại Đông Nam Á SEAAC Nguyễn Hoàng Minh 5

    

 

DANH SÁCH CÁC TỔ CHỨC TRỌNG TÀI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, CẦN THƠ, ĐĂK LẮK

 

STT Tên tổ chức trọng tài Tên viết tắt Chủ tịch Trung tâm Tổng số trọng tài viên
8. Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương PIAC Nguyễn Đăng Trừng 78
9. Trung tâm trọng tài thương mại Tài chính FCCA Nguyễn Thị Kim Vinh 6
10. Trung tâm trọng tài thương mại Tài chính Ngân hàng Việt Nam VIFIBAR Lê Thiết Hùng 9
11. Trung tâm trọng tài thương mại Thành phố Hồ Chí Minh

·

TRACENT Nguyễn Văn On 27
12. Trung tâm trọng tài thương mại Nam Việt NVCAC 5.    Đồng Anh Tuấn 05
13. Trung tâm trọng tài thương mại Toàn cầu GCAC 6.    Đặng Xuân Minh 19
14. Trung tâm trọng tài thương mại Sài Gòn SCAC 7.    Nguyễn Minh Thuận 05
15. Trung tâm trọng tài thương mại Liên Minh ACAC 8.    Trần Tuấn Giang 05
16. Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam VLCAC 9.    Nguyễn Văn Hậu 59
17. Trung tâm trọng tài tài chính Việt VFA 10.Mai Long Định 5
18. Trung tâm trọng tài

Gia Định

GDAC 11.Nguyễn Duy Hưng 5
19. Trung tâm trọng tài thương mại Cần Thơ

·

CCAC Lê Văn Cường 11
20. Trung tâm trọng tài Phía Nam STAC Hoàng Thế Cường 5
21. Trung tâm trọng tài Thịnh Trí TTCAC Hoàng Xuân Đoàn 5

 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Văn kiện, Nghị quyết của Đảng
  2. Nghị quyết số 48 – NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;
  3. Nghị quyết 49 – NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020;
  4. Nghị quyết số 09 – NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế;
  5. Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 Hội nghị trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;
  6. Nghị quyết số 10 – NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

II.Văn bản quy phạm pháp luật

  1. Bộ luật dân sự năm 2015;
  2. Luật trọng tài thương mại năm 2010;
  3. Luật thi hành án dân sự năm 2008;
  4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2014;
  5. Luật đầu tư năm 2014;
  6. Luật doanh nghiệp 2014;
  7. Luật thương mại 2005;
  8. Luật hàng hải 2015;
  9. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010;
  10. Nghị định số 63/2011/NĐ – CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ đã ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật trọng tài thương mại.
  11. Thông tư số 12/2012/TT-BTP ngày 7/11/2012 của Bộ Tư pháp đã ban hành ban hành một số biểu mẫu về tổ chức và hoạt động trọng tài thương mại.
  12. Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 3/5/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn thi hành quy định Luật trọng tài thương mại.
  13. Nghị định số 96/2017/NĐ – CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tư pháp;

III. Văn bản của Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ Ngành

  1. Nghị quyết số 19 – 2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020;
  2. Nghị quyết 98/NQ – CP ngày 3/10/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10 – NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
  3. Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg ngày 25/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Học viện Tư pháp;
  4. Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định số 2083/2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ;
  5. Dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, các Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023”;
  6. Báo cáo sơ kết 4 năm thi hành Luật trọng tài thương mại số 74/BC-BTP ngày 08 tháng 4 năm 2016 của Bộ Tư pháp;
  7. Các số liệu thống kê tại Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, các Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023”;
  8. Chương trình khung đào tạo nghề Luật sư ban hành kèm theo Quyết định số 788/QĐ-BTP ngày 02/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
  9. Chương trình khung đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 2539/QĐ-BTP ngày 06/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
  10. Chương trình khung đào tạo nghề đấu giá ban hành kèm theo Quyết định số 927/QĐ-BTP ngày 29/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
  11. Chương trình khung đào tạo nghề Thừa phát lại ban hành kèm theo Quyết định số 955/QĐ-BTP ngày 25/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

IV.Văn bản của Học viện Tư pháp

  1. Tập tài liệu Hướng dẫn thực hiện chương trình đào tạo thẩm phán, Học viện Tư pháp;
  2. Chương trình chi tiết đào tạo nghề Luật sư ban hành kèm theo Quyết định số 873/QĐ-BTP ngày 06/7/2017 của Giám đốc Học viện Tư pháp;
  3. Chương trình chi tiết đào tạo đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 1418/QĐ-BTP ngày 26/12/2016 của Giám đốc Học viện Tư pháp;
  4. Chương trình chi tiết đào tạo nghề đấu giá ban hành kèm theo Quyết định số 1187/QĐ-HVTP ngày 14/9/2017 của Giám đốc Học viện Tư pháp;
  5. Chương trình chi tiết đào tạo nghề Thừa phát lại ban hành kèm theo Quyết định số 373/QĐ-HVTP ngày 05/5/2016 của Giám đốc Học viện Tư pháp
  6. Tài liệu khác
  7. Luật mẫu của Liên hợp quốc về trọng tài (UNCITRAL Model Law);
  8. Luật trọng tài của Anh (Arbitration act 1996);
  9. Bộ luật tố tụng dân sự Pháp – Code de procédure civile – từ Điều 1442 đến Điều 1527;
  10. Bộ luật tố tụng dân sự Nhật Bản;
  11. Luật trọng tài Singapore 2001 – Arbitration Act 2001;
  12. Báo cáo số 10/BCPL-HLGVN ngày 30/4/2009 của Hội Luật gia Việt Nam tổng kết thi hành pháp lệnh trọng tài thương mại 2003;
  13. Báo cáo tham luận Hội nghị sơ kết 4 năm thi hành Luật trọng tài thương mại của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội;
  14. Nguyễn Đình Tiến, Thẩm phán Tòa Kinh tế -Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội “Thực tiễn hỗ trợ của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đối với hoạt động tố tụng trọng tài thương mại trong việc giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài”, bài tham luận Hội nghị sơ kết 4 năm thi hành Luật trọng tài thương mại;
  15. Nguyễn Mạnh Dũng, Nguyễn Thị Thu Trang “Thực trạng sử dụng trọng tài thương mại tại Việt Nam – Một số giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của trọng tài”, bài tham luận Hội nghị sơ kết 4 năm thi hành Luật trọng tài thương mại;
  16. Báo cáo của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam(VIAC) tại tọa đàm xử lý tranh chấp tín dụng tại trọng tài và tòa án ngày 27/4/2016;
  17. https://www.moj.gov.vn;
  18. https://www.ciarb.org/training-and-development/arbitration;
  19. arbitrationacademy.org/
  20. http://www.iccwbo.org/training-and-events/
  21. http://www.arbitration-icca.org/YoungICCA/Home.html
  22. https://www.finra.org/arbitration-and-mediation/required-basic-arbitrator-training
  23. Alan Redfern/Martin Hunter/Nigel Blackaby/Constantine Partasides, Pháp luật và thực tiễn Trọng tài thương mại Quốc tế, Sweet & Maxwell (2004), Dịch và Hiệu đính bởi VIAC và VCCI năm 2015
  24. Albert Jan van den Berg, Công ước New York năm 1958, Kluwer Law International (1981), Dịch và hiệu đính bởi VIAC và VCCI năm 2009
  25. Albert Jan Van Den Berg, Trọng tài quốc tế và tòa án quốc gia: Câu chuyện không hồi kết, Kluwer Law International (2001), VIAC và VCCI dịch 2015
  26. Allan H. Goodman, Kỹ năng cơ bản cho Trọng tài viên mới, NXB Solomon, Dịch và hiệu đính bởi VIAC và VCCI năm 2015
  27. Nhà Pháp luật Việt – Pháp, Tuyển tập một số văn bản về trọng tài và hòa giải thương mại, NXB Từ điển Bách khoa (2010)
  28. Thẩm phán Hacking, “Arbitration is only as good as its arbitrators”, Liber Amicorum Eric Bergsten. International Arbitration and International Commercial Law: Synergy, Convergence and Evolution,Kluwer International (2011), trang 223-230
  29. UNCITRAL, Giải thích chính thức của UNCITRAL về Luật mẫu được đăng tải tại: http://www.uncitral.org/pdf/english/texts/arbitration/ml-arb/07-86998_Ebook.pdf
  30. CIArb London Centenary Principles, Nguồn: https://www.ciarb.org/docs/defaultsource/centenarydocs/london/the-principles.pdf?sfvrsn=2.
  31. Luật mẫu về Trọng tài của Ủy ban luật thương mại của Liên Hợp Quốc (gọi tắt là UNCITRAL) năm 1985, sửa đổi và bổ sung năm 2006.

 

 

 

[1].Báo cáo số 74/BC-BTP ngày 8/4/2016 của Bộ Tư pháp về việc sơ kết 04 năm Luật trọng tài thương mại.

[2]. Theo Báo cáo số 10/BCPL-HLGVN ngày 30/4/2009 của Hội Luật gia Việt Nam tổng kết thi hành pháp lệnh trọng tài thương mại 2003.

[3]. Theo thống kê của Tòa án về số vụ tranh chấp kinh tế thương mại đã được Tòa án giải quyết trong một số năm gần đây như sau: năm 2013: 17.426 vụ; năm 2014: 16.993 vụ; năm 2015: 17.262 vụ.

[4]. Báo cáo sơ kết 4 năm thi hành Luật trọng tài thương mại số 74/BC-BTP ngày 08 tháng 4 năm 2016 của Bộ Tư pháp.

[5] . Theo Danh sách trọng tài viên được công bố trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

[6]. Đại từ điển Kinh tế thị trường định nghĩa trọng tài như sau: “ Trọng tài là phương thức giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp, khi các bên đương sự tự nguyện đem những vấn đề tranh chấp cho người thứ ba có tư cách công bằng chính trực xét xử, phán quyết do người này đưa ra có hiệu lực rang buộc với các bên”;

Tự điển Luật Oxford định nghĩa “trọng tài là phán quyết về vụ tranh chấp được quyết định bởi một hoặc các bên thứ ba độc lập mà không phải là tòa án”

[7] Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

[8]. Theo Báo cáo số 10/BCPL-HLGVN ngày 30/4/2009 của Hội Luật gia Việt Nam tổng kết thi hành pháp lệnh trọng tài thương mại 2003.

[9]. Báo cáo sơ kết 4 năm thi hành Luật trọng tài thương mại số 74/BC-BTP ngày 08 tháng 4 năm 2016 của Bộ Tư pháp.

[10]. Báo cáo tham luận Hội nghị sơ kết 4 năm thi hành Luật trọng tài thương mại của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.

[11]. “Thực tiễn hỗ trợ của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đối với hoạt động tố tụng trọng tài thương mại trong việc giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài” – Nguyễn Đình Tiến, Thẩm phán Tòa Kinh tế -Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

[12] . Theo Danh sách trọng tài viên được công bố trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

[13].Báo cáo số 74/BC-BTP ngày 8/4/2016 của Bộ Tư pháp về việc sơ kết 04 năm Luật trọng tài thương mại.

[14]. Theo Báo cáo số 10/BCPL-HLGVN ngày 30/4/2009 của Hội Luật gia Việt Nam tổng kết thi hành pháp lệnh trọng tài thương mại 2003.

[15]. Theo thống kê của Tòa án về số vụ tranh chấp kinh tế thương mại đã được Tòa án giải quyết trong một số năm gần đây như sau: năm 2013: 17.426 vụ; năm 2014: 16.993 vụ; năm 2015: 17.262 vụ.

[16]. Luật trọng tài của Anh (Arbitration act 1996), Pháp (Bộ luật tố tụng dân sự Pháp-Code de procédure civile- từ Điều 1442 đến Điều 1527), Nhật Bản (Bộ luật tố tụng dân sự), Singapore (Luật trọng tài Singapore 2001 – Arbitration Act 2001).

[17]. Ví dụ: Thạc sỹ về trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế tại các trường Đại học Paris I, II của Pháp-Master 2 Professionnel de contentieux, arbitrage et modes alternatifs de règlement des conflits.

[18] The London court of International arbitration (LCIA); HongKong international arbitrage center (HKIAC); Singapore international arbitration center (SIAC); the Kuala Lumpur Regional Centre for Arbitration (KLRCA).

[19]. Ls. Nguyễn Mạnh Dũng là Thạc sỹ Luật giải quyết tranh chấp quốc tế của Trường Luật Queen Mary, ĐHTH Luân Đôn và là thành viên Viện trọng tài Luân đôn (CIArb) và Nhóm công tác hài hòa pháp luật trọng tài khu vực châu Á Thái Bình Dương của Ủy ban Trọng tài thuộc Đoàn luật sư quốc tế IBA gọi tắt là APAG.

Nguyễn Thị Thu Trang là Thạc sỹ chuyên ngành Luật trọng tài và Kinh tế của trường Erasmus Rottterdam và là trợ lý nghiên cứu tại Công ty Luật TNHH Tư vấn Độc Lập có tên giao dịch quốc tế là Dzungsrt & Associates LLC, một hãng luật chuyên sâu về luật hàng hải và ADR: www.dzungsrt.com.

[20]. Thực trạng sử dụng trọng tài thương mại tại Việt NamMột số giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của trọng tài – Ls. Nguyễn Mạnh Dũng, Nguyễn Thị Thu Trang.

[21]. Xem mục 1.1 Cơ sở lý luận của việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp” và mục 1.2 “Cơ sở thực tiễn của việc đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp”

[22]. Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) là Trung tâm trọng tài có số lượng trọng tài viên nhiều nhất hiện nay (theo số liệu của Bộ Tư pháp, tính đến 31/8/2017 VIAC có 144 trọng tài viên trên tổng số 480 trọng tài viên trong cả nước); VIAC cũng là một trong những Trung tâm trọng tài ban hành số lượng phán quyết nhiều nhất hiện nay.

[23] Giải thích chính thức của UNCITRAL về Luật mẫu được đăng tải tại: http://www.uncitral.org/pdf/english/texts/arbitration/ml-arb/07-86998_Ebook.pdf

[24] Xem thêm CIArb London Centenary Principles tại: https://www.ciarb.org/docs/defaultsource/centenarydocs/london/the-principles.pdf?sfvrsn=2. 7 Luật mẫu về Trọng tài của Ủy ban luật thương mại của Liên Hợp Quốc (gọi tắt là UNCITRAL) năm 1985, sửa đổi và bổ sung năm 2006.

[25] Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng (thành viên Viện trọng tài Luân đôn – CIArb) & Nguyễn Thị Thu Trang (Công ty Luật TNHH Tư vấn Độc Lập, tên giao dịch quốc tế là Dzungsrt & Associates LLC), Thực trạng sử dụng trọng tài thương mại tại Việt Nam – Một số giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của trọng tài), nguồn: www.dzungsrt.com.

[26] Xem thêm thông tin các khóa học tại: https://www.ciarb.org/training-and-development/arbitration

[27] Xem thêm thông tin các khóa học tại: www.arbitrationacademy.org/

[28] Xem thêm thông tin các khóa học tại: http://www.iccwbo.org/training-and-events/

[29] Xem thêm thông tin các khóa học tại: http://www.arbitration-icca.org/YoungICCA/Home.html

[30] https://www.finra.org/arbitration-and-mediation/required-basic-arbitrator-training

[31] http://www.ciarb.org/training-and-development/international-arbitration-courses

[32] Nguyên văn tiếng Anh “Arbitration is only as good as its arbitrators”, thảm khảo bài viết cùng tên của Thẩm phán Hacking, “Arbitration is only as good as its arbitrators”, Liber Amicorum Eric Bergsten. International Arbitration and International Commercial Law: Synergy, Convergence and Evolution,Kluwer International (2011), trang 223-230

[33] Khoản 3 Điều 3 Luật giáo dục dạy nghề năm 2014.

[34] http://viac.vn/thong-ke/loai-hinh-tranh-chap-a168.html

[35] Xem mục 2 Chuyên đề 3 Định hướng xây dựng nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp”

[36] Xem thêm thông tin các khóa học tại: https://www.ciarb.org/training-and-development/arbitration

[37] Xem thêm thông tin các khóa học tại: www.arbitrationacademy.org/

[38] Xem thêm thông tin các khóa học tại: http://www.iccwbo.org/training-and-events/

[39] Xem thêm thông tin các khóa học tại: http://www.arbitration-icca.org/YoungICCA/Home.html

[40] Tài liệu tập huấn phục vụ giảng dạy, tuyên truyền về quyền trẻ em do Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Unicef biên soạn năm 2003

[41] Xem thêm Chuyên đề 4: “Phương pháp đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp”

[42] Theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 20 Luật trọng tài thương mại thì phạm vi những người có thể trở thành trọng tài viên là tương đối rộng

[43]. Đại từ điển Kinh tế thị trường định nghĩa trọng tài như sau: “ Trọng tài là phương thức giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp, khi các bên đương sự tự nguyện đem những vấn đề tranh chấp cho người thứ ba có tư cách công bằng chính trực xét xử, phán quyết do người này đưa ra có hiệu lực rang buộc với các bên”;

Tự điển Luật Oxford định nghĩa “trọng tài là phán quyết về vụ tranh chấp được quyết định bởi một hoặc các bên thứ ba độc lập mà không phải là tòa án”

[44]. Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020

[45]. Theo báo cáo của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tại tọa đàm xử lý tranh chấp tín dụng tại trọng tài và tòa án ngày 27/4/2016.

[46]. Theo Báo cáo số 10/BCPL-HLGVN ngày 30/4/2009 của Hội Luật gia Việt Nam tổng kết thi hành pháp lệnh trọng tài thương mại 2003.

[47].Báo cáo số 74/BC-BTP ngày 8/4/2016 của Bộ Tư pháp về việc sơ kết 04 năm Luật trọng tài thương mại.

[48]. Theo Báo cáo số 10/BCPL-HLGVN ngày 30/4/2009 của Hội Luật gia Việt Nam tổng kết thi hành pháp lệnh trọng tài thương mại 2003.

[49]. Theo thống kê của Tòa án về số vụ tranh chấp kinh tế thương mại đã được Tòa án giải quyết trong một số năm gần đây như sau: năm 2013: 17.426 vụ; năm 2014: 16.993 vụ; năm 2015: 17.262 vụ.

[50] . Theo Danh sách trọng tài viên được công bố trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

[51]. Luật trọng tài của Anh (Arbitration act 1996), Pháp (Bộ luật tố tụng dân sự Pháp-Code de procédure civile- từ Điều 1442 đến Điều 1527), Nhật Bản (Bộ luật tố tụng dân sự), Singapore (Luật trọng tài Singapore 2001 – Arbitration Act 2001).

[52]. Ví dụ: Thạc sỹ về trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế tại các trường Đại học Paris I, II của Pháp-Master 2 Professionnel de contentieux, arbitrage et modes alternatifs de règlement des conflits.

[53] The London court of International arbitration (LCIA); HongKong international arbitrage center (HKIAC); Singapore international arbitration center (SIAC); the Kuala Lumpur Regional Centre for Arbitration (KLRCA).

[54]. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017; Nghị quyết 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 đã trích dẫn.

[55] Giải thích chính thức của UNCITRAL về Luật mẫu được đăng tải tại: http://www.uncitral.org/pdf/english/texts/arbitration/ml-arb/07-86998_Ebook.pdf

[56] Xem thêm CIArb London Centenary Principles tại: https://www.ciarb.org/docs/defaultsource/centenarydocs/london/the-principles.pdf?sfvrsn=2. 7 Luật mẫu về Trọng tài của Ủy ban luật thương mại của Liên Hợp Quốc (gọi tắt là UNCITRAL) năm 1985, sửa đổi và bổ sung năm 2006.

[57] Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng (thành viên Viện trọng tài Luân đôn – CIArb) & Nguyễn Thị Thu Trang (Công ty Luật TNHH Tư vấn Độc Lập, tên giao dịch quốc tế là Dzungsrt & Associates LLC), Thực trạng sử dụng trọng tài thương mại tại Việt Nam – Một số giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của trọng tài), nguồn: www.dzungsrt.com.

[58] Xem thêm thông tin các khóa học tại: https://www.ciarb.org/training-and-development/arbitration

[59] Xem thêm thông tin các khóa học tại: www.arbitrationacademy.org/; và www.finra.org.

[60] Xem thêm thông tin các khóa học tại: http://www.iccwbo.org/training-and-events/

[61] Xem thêm thông tin các khóa học tại: http://www.arbitration-icca.org/YoungICCA/Home.html

[62] https://www.finra.org/arbitration-and-mediation/required-basic-arbitrator-training

[63] http://www.ciarb.org/training-and-development/international-arbitration-courses

[64] Nguyên văn tiếng Anh “Arbitration is only as good as its arbitrators”, thảm khảo bài viết cùng tên của Thẩm phán Hacking, “Arbitration is only as good as its arbitrators”, Liber Amicorum Eric Bergsten. International Arbitration and International Commercial Law: Synergy, Convergence and Evolution,Kluwer International (2011), trang 223-230

[65] Xem Phụ lục 2

[66] Quyết định 3006/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến năm 2020 tại TPHCM” trang 5

[67] Khoản 3 Điều 3 Luật giáo dục dạy nghề năm 2014.

[68] http://viac.vn/thong-ke/loai-hinh-tranh-chap-a168.html

[69] Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, trang 793

[70] Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, trang 289

[71] Tài liệu tập huấn phục vụ giảng dạy, tuyên truyền về quyền trẻ em do Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Unicef biên soạn năm 2003

[72]. Phụ lục 2, Tài liệu Tọa đàm lấy ý kiến xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, các trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2013” do Cục bổ trợ – Bộ Tư pháp tổ chức ngày 24/10/2017 tại Hà Nội.

[73]. Báo cáo sơ kết 4 năm thi hành Luật trọng tài thương mại số 74/BC-BTP ngày 08 tháng 4 năm 2016 của Bộ Tư pháp.

[74]. Báo cáo tham luận Hội nghị sơ kết 4 năm thi hành Luật trọng tài thương mại của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.

[75]. “Thực tiễn hỗ trợ của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đối với hoạt động tố tụng trọng tài thương mại trong việc giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài” – Nguyễn Đình Tiến, Thẩm phán Tòa Kinh tế -Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

[76]. Ls. Nguyễn Mạnh Dũng là Thạc sỹ Luật Giải quyết tranh chấp quốc tế của Trường Luật Queen Mary, ĐHTH Luân Đôn và là thành viên Viện trọng tài Luân đôn (CIArb) và Nhóm công tác hài hòa pháp luật trọng tài khu vực châu Á Thái Bình Dương của Ủy ban Trọng tài thuộc Đoàn luật sư quốc tế IBA gọi tắt là APAG.

Nguyễn Thị Thu Trang là Thạc sỹ chuyên ngành Luật trọng tài và Kinh tế của trường Erasmus Rottterdam và là trợ lý nghiên cứu tại Công ty Luật TNHH Tư vấn Độc Lập có tên giao dịch quốc tế là Dzungsrt & Associates LLC, một hãng luật chuyên sâu về luật hàng hải và ADR: www.dzungsrt.com.

[77]. Thực trạng sử dụng trọng tài thương mại tại Việt NamMột số giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của trọng tài – Ls. Nguyễn Mạnh Dũng, Nguyễn Thị Thu Trang.

[78] án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

[79] Một số nước trên thế giới không bắt buộc phải trọng tài viên hoàn thành một khóa đào tạo mới được bổ nhiệm, nhưng các trọng tài viên được thường xuyên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về kĩ năng và kiến thức cần thiết do các tổ chức trọng tài quốc tế hàng đầu tổ chức như Viện trọng tài London (CIarb), Học viện trọng tài Paris (Arbitration Academy), Phòng thương mại quốc tế (ICC), Hội đồng quốc tế về trọng tài thương mại (Young ICCA)…

[80] Nguyên văn tiếng Anh “Arbitration is only as good as its arbitrators”, thảm khảo bài viết cùng tên của Thẩm phán Hacking, “Arbitration is only as good as its arbitrators”, Liber Amicorum Eric Bergsten. International Arbitration and International Commercial Law: Synergy, Convergence and Evolution,Kluwer International (2011), trang 223-230

[81] Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) là Trung tâm trọng tài có số lượng trọng tài viên nhiều nhất hiện nay (theo số liệu của Bộ Tư pháp, tính đến 31/8/2017 VIAC có 144 trọng tài viên trên tổng số 480 trọng tài viên trong cả nước); VIAC cũng là một trong những Trung tâm trọng tài ban hành số lượng phán quyết nhiều nhất hiện nay.

[82] Xem mục 2 Chuyên đề 3 Định hướng xây dựng nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp”.

[83] Xem thêm thông tin các khóa học tại: https://www.ciarb.org/training-and-development/arbitration.

[84] Xem thêm thông tin các khóa học tại: www.arbitrationacademy.org/

[85] thêm thông tin các khóa học tại: http://www.iccwbo.org/training-and-events/

[86] Xem thêm thông tin các khóa học tại: http://www.arbitration-icca.org/YoungICCA/Home.html

[87] Xem thêm Chuyên đề 4: “Phương pháp đào tạo nghiệp vụ trọng tài tại Học viện Tư pháp”