Để khởi nghiệp, Doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng văn hóa chấp nhận thất bại

0
400

Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, mỗi năm có hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, một nguồn lực rất lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhận thức của xã hội cũng như lớp sinh viên trẻ về hệ sinh thái khởi nghiệp còn rất mơ hồ. Ngay cả các cơ quan nhà nước cũng gần như chưa có khái niệm về sinh thái khởi nghiệp cũng như đầu tư mạo hiểm.

“Để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thành công, cần phải xây dựng văn hóa chấp nhận thất bại, dám đứng lên làm lại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh tại Hội thảo “Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đồng bằng sông Hồng” vừa diễn ra tại thành phố Hải Phòng.

Hội thảo do Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức. Mục đích của hội thảo nhằm tìm giải pháp kết nối các ý tưởng sáng tạo, kết nối các nhà đầu tư và doanh nghiệp, đồng thời hướng tới xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp liên vùng đi theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của quốc gia, quốc tế. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay đã và đang là chủ đề được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ngày càng đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844). Để triển khai thực hiện Đề án, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Ban Điều hành Đề án để định hướng triển khai Đề án 844 và tiến hành tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức tham gia thực hiện các nhiệm vụ đặt hàng trong đợt tuyển chọn đầu tiên. Đến nay, đã tiếp nhận được được 67 hồ sơ và lựa chọn được 9 hồ sơ nhận hỗ trợ triển khai các hoạt động thuộc Đề án.

Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các thành viên của Ban Điều hành Đề án 844 xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai Đề án từ nay đến năm 2025, xây dựng thông tư quản lý Đề án, xây dựng tiêu chí chuyên gia, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng thông tư hướng dẫn tài chính Đề án, phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như sự kiện Techfest, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, trong quá trình hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, điều quan trọng là phải xây dựng và phát triển được hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các vùng miền với trọng tâm là các vùng kinh tế và hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các trường đại học trong cả nước để thông qua đó giúp tạo dựng và lan tỏa văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong vùng và cả nước.

Tác động đa chiều của toàn cầu hóa, tự do thương mại hóa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ thế giới, xu thế định hình và phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ mang lại cơ hội và thách thức rất lớn cho Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng. Để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao và bền vững, thực hiện các mục tiêu chiến lược về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tất yếu phải dựa vào khoa học và công nghệ mà lực lượng trung tâm là các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết.

Theo đó, thành phố Hải Phòng đã ban hành kế hoạch phê duyệt dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Hải Phòng đến năm 2020 với mục tiêu hỗ trợ 100 dự án khởi nghiệp sáng tạo, trong đó ít nhất 20% kêu gọi vốn đầu tư thành công, phát triển 50 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có ít nhất 20 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Để đạt mục tiêu này, Hải Phòng xây dựng trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, định kỳ hàng năm tổ chức ngày hội đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố với các hệ sinh thái khởi nghiệp của các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế…

Một trong những điểm mạnh của Việt Nam là nhân tố con người. Với môi trường kinh doanh thuận lợi và sự hỗ trợ của Nhà nước với tư cách là một bàn đỡ, thì các startup ngày hôm nay sẽ trưởng thành và tạo ra những cuộc bứt phá ngoạn mục trong sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.