Điểm mới của Luật hộ tịch.

0
381

Trong bài trả lời phỏng vấn Kênh VTV4, Đài truyền hình Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà đã trao đổi với Biên tập viên về những điểm mới trong Luật hộ tịch, đặc biệt là những điểm mới liên quan tới yếu tố nước ngoài.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

BTV: Các vấn đề mà người dân hay gặp phải nhất đối với luật hộ tịch cũ (lưu ý: trước đây chưa có văn bản Luật quy định cụ thể về đăng ký hộ tịch mà chỉ có các nghị định, thông tư quy định rải rác về vấn đề này), đặc biệt là  những vấn đề có liên quan đến yếu tố nước ngoài ?

Luật sư: Đối với những vấn đề có yếu tố nước ngoài, trước đây, thủ tục đăng ký theo các quy định pháp luật về hộ tịch cũ còn rườm rà, bất cập, chưa tạo ra được thuận lợi cho người dân.

Ví dụ, đối với thủ tục đăng ký kết hôn, theo Nghị định 24/2013/NĐ-CP, người dân sẽ phải thực hiện các bước: nộp hồ sơ và nộp lệ phí tại Sở Tư Pháp à phỏng vấn trực tiếp tại Sở Tư phápà đến Sở Tư pháp làm lễ đăng ký kết hôn và nhận Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Như vậy, người dân sẽ phải trực tiếp đến Sở Tư pháp ít nhất là 3 lần và thời gian tối thiểu để thực hiện thủ tục trên là 25 ngày, nếu phỏng vấn không thành công thì thời gian sẽ là 55 ngày (lần phỏng vấn tiếp theo sẽ được thực hiện sau 30 ngày kể lần phỏng vấn không thành công).

BTV: Luật hộ tịch mới có giải quyết được những vấn đề đó không ? Theo ông, điểm thay đổi đáng chú ý nhất của luật hộ tịch mới là gì ?

Luật sư: Luật Hộ tịch ra đời nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý hộ tịch theo hướng hiện đại hơn, đảm bảo một cách thuận lợi hơn cho người người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch.

Điểm mới của luật hộ tịch:

–           Thẩm quyền đăng ký hộ tịch đối với các trường hợp có yếu tố nước ngoài là Ủy ban nhân dân cấp huyện (trước đây là cấp tỉnh)

–           Thủ tục hành chính được rút ngắn hơn, ít thủ tục hơn (trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, Luật quy định thời gian giải quyết là 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy Ôđủ giấy tờ tài liệu)

BTV: Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của luật hộ tịch mới sau khi có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016​ ?

Luật sư: Với tinh thần cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch và đơn giản, nếu được thực hiện thành công thì thông tin hộ tịch của người dân sẽ được quản lý tập trung, thống nhất, các yêu cầu của người dân sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật, giảm một cách đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính của cả người dân và cơ quan nhà nước.

Theo tôi, tính khả thi của Luật Hộ tịch sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch.Ngoài ra, Chính phủ cũng cần nhanh chóng xây dựng văn bản dưới luật để hướng dẫn chi tiết về thủ tục, các tài liệu cần thiết…nhằm tăng cường tính khả thi của Luật hộ tịch 2015.