“Giằng co” thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công

0
412

Theo chương trình, ngày 13/6 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhưng cho tới thời điểm hiện tại, câu chuyện thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công vẫn là câu chuyện tạo nên nhiều tranh cãi.

Dù Chính phủ đã có văn bản trình bày, song 204/423 đại biểu không tán thành phương án để Chính phủ quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã trả lời phỏng vấn báo Diễn đàn doanh nghiệp về nội dung quan trọng này.

Cá nhân ông đánh giá vấn đề này như thế nào? theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến những giằng xé, khó lựa chọn hôm nay?

Trả lời:

Nội dung về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (điều 59) không phương án nào được trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Phương án 1: Quốc hội quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Kết quả 234/424 bằng 48,35% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. 174 vị không đồng ý và 16 vị không tham gia biểu quyết.

Phương án 2: Quốc hội chỉ quyết định danh mục các dự án quan trọng quốc gia. Chính phủ quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Kết quả 206/423 đại biểu tán thành, bằng 42,56%, 204 vị không đồng ý, 13 vị không tham gia ý kiến.

Nguyên nhân là do, 01 bên thì cho rằng quy định Quốc hội quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương dẫn tới thời gian chậm một năm rưỡi khiến địa phương mất tính chủ động trong xây dựng kế hoạch, khiến một số dự án chậm. Quan điểm khác lại cho rằng quyết định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn được giao cho Quốc hội là phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

 

 

Theo ông, chúng ta có nên để Quốc hội là quyết định trực tiếp các dự án không? Vì sao?

Trả lời:

Việc xử lý những điểm nghẽn của Luật đầu tư công, gắn với phân cấp, phân quyền là cần thiết. Vì vậy, nếu để Quốc hội quyết định toàn bộ danh mục thì không những khối lượng quyết định quá lớn mà còn khó sâu sát và kém linh hoạt.

Theo đó, Quốc hội nên tập trung những nội dung trọng yếu, tổng vốn đầu tư công trung hạn; nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên, danh mục, mức vốn, dự án quan trọng của quốc gia, đồng thời phân công để thực hiện hậu kiểm, giám sát.

Dự thảo cũng đưa ra các mốc 10.000, 20.000 tỉ đồng là căn cứ để lựa chọn xét duyệt các dự án. Nhưng nhiều quan điểm lại cho rằng đây là các mốc này sẽ trói chân các dự án? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào bởi trên thực tế nhiều dự án có quy mô lớn hơn mốc 20.000 tỉ đồng, nếu theo tiêu chí 20.000 tỉ đồng mà duyệt hết các dự án, đợi QH họp quyết định thì kéo dài thời gian phê duyệt, mất rất nhiều thời gian. Theo ông, làm thế nào để chúng ta có thể giải quyết hài hòa bài toán này, làm thế nào để để cơ quan quản lý vẫn có thể giám sát được các dự án trọng điểm nhưng vẫn có thể đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, tránh việc thời gian phê duyệt dự án quá lâu sẽ khiến nhà đầu tư chờ đợi, mất thời gian?

Trả lời:

Về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) quy định việc sử dụng vốn đầu tư công từ 20.000 tỉ đồng trở lên thì cần được QH quyết định. Tiêu chí này là chưa hợp lý.

Trong tương lai sẽ có nhiều dự án lớn hơn mốc đó, nếu đưa ra mốc 20.000 tỉ đồng này thì QH sẽ họp quanh năm suốt tháng vì không họp không bao giờ giải quyết được.

Ngoài ra, Khoản 5 Điều 43 về điều chỉnh chương trình, dự án của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) nêu rõ: “Trường hợp điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án lớn hơn tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thì phải thực hiện thủ tục, trình tự quyết định điều chỉnh…”.

Do đó, đề nghị cần xem lại, điều chỉnh dự thảo Luật Đầu tư công theo hướng: Những thay đổi mang tính khách quan như trượt giá, thay đổi tỉ giá mà không thay đổi quy mô hay mục tiêu thì không cần trình lại chủ trương đầu tư đối với dự án.

 

Có ý kiến cho rằng những bức xúc hiện nay trong đầu tư công (như giải ngân chậm, hiệu quả thấp) là do không chọn được dự án tốt. Nói cách khác, luật đang đưa ra một quy trình ngược: chia vốn trước, chọn dự án sau. Trong khi lẽ ra nên làm ngược lại? Ông nghĩ sao về điều này?

Trả lời:

Đây là một ý kiến cũng đáng cân nhắc. Thiết nghĩ, các đại biểu, nhất là đại biểu chuyên trách cần làm việc tích cực hơn nữa, rà soát, tiếp thu các ý kiến phản ánh để nhận diện những vướng mắc, bất cập, đệ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp dụng những hình thức họp trực tuyến để xin ý kiến Quốc hội, thậm chí biểu quyết điện tử, để công tác xây dựng pháp luật kịp thời hơn

Theo ông chúng ta có nên đảo lại quy trình này, tức chọn dự án tốt chưa rồi chia vốn sau không, thưa ông?

Trả lời:

Theo tôi đảo lại quy trình như thế thì sẽ hợp lý hơn. Tuy nhiên, chi phí để chuẩn bị dự án ở đâu? Hiện nay phải ghi vốn mới có tiền chuẩn bị dự án, rồi mới thẩm định, phê duyệt và thực hiện. Do đó, cần phải sửa đồng bộ hệ thống pháp luật.

Vậy, về lâu dài, theo ông, đâu là giải nâng cao hiệu quả của Đầu tư công, thưa ông?

Trả lời:

Việc cân đối vốn đầu tư phát triển không thể xử lý một sớm một chiều. Do đó, trước mắt, vấn đề nằm ở đội ngũ cán bộ, chuyên gia trực tiếp triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn. Vốn chỉ có thế, chọn dự án nào, tiêu chí phải cụ thể, phải cân đối với bối cảnh chung ở các ngành khác, địa phương khác. Một quyết định không chính xác, thiếu công tâm thì không những địa phương, đơn vị đó không được hưởng lợi từ dự án, mà nguồn vốn đầu tư còn không phát huy được hiệu quả, thậm chí nguy cơ thất thoát. Do đó, cần có cơ chế rõ ràng, minh bạch, gắn với trách nhiệm cán bộ khi lựa chọn dự án đầu tư công.

Về lâu dài hơn, cần tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia về đầu tư công và đầu tư trung hạn.

 

Dự thảo Luật Đầu tư công vẫn được mang ra lấy ý kiến. Ông có đóng góp như thế nào để dự thảo này được hoàn thiện hơn?

Trả lời:

Rõ ràng quy trình quản lý vốn đầu tư hiện nay rất có vấn đề nên phải xem lại quy trình thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư để tránh tình trạng địa phương khai vốn đầu tư ban đầu rất thấp, sau đó tăng lên nhiều lần.

Cần có quy định cụ thể dự án đội vốn bao nhiêu phần trăm phải chịu xử lý và tăng vốn mức nào phải lập dự án đầu tư mới.

Ngoài ra, không nên cho chuyển đổi mục đích đầu tư dự án đã thực hiện. Trường hợp có khối lượng phát sinh, cần bổ sung lớn thì coi đó là một dự án mới, chứ để dự án chồng lấn lên nhau sẽ không kiểm soát nổi.