Giữ hay bỏ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài?

0
340

Đây không phải là lần đầu tiên, câu chuyện giữ hay bỏ thủ tục đầu tư ra nước ngoài được mang ra bàn luận. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn quá nhiều tranh luận xung quanh vấn đề này.

Để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – đại diện công ty Luật SB Law.

1/ PV: Sau hơn 4 năm thực hiện Luật Đầu tư 2014, cá nhân ông đánh giá như thế nào về quy định giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài? Quy định này đã bộc lộ những bất cập như thế nào?

Trả lời:

Luật Đầu tư năm 2014 và Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài đã thể hiện rõ quyền tự do đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư theo hướng Nhà nước chỉ xác nhận các hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài của nhà đầu tư thông qua việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Để nhà đầu tư lựa chọn ngành nghề đầu tư phù hợp với khả năng của mình, cơ quan có thẩm quyền đã quy định rõ một số ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài; quy định rõ hơn về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Tuy nhiên, việc quy định như vậy lại không rõ ràng về mục tiêu quản lý của Nhà nước, tức quản lý nguồn vốn chuyển ra nước ngoài hay toàn bộ hoạt động của dự án.

2/ PV: Một lần nữa quan điểm bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài lại được dấy lên. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào? theo ông nên giữ hay nên bỏ?

Trả lời:

Đầu tư ra nước ngoài giúp doanh nghiệp rất nhiều trong nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh. Thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên sửa đổi quy định với mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hướng bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

3/ PV: Nhưng nếu bỏ thì nhiều người lo ngại về khả năng quản lý bởi đầu tư ra nước ngoài còn là câu chuyện của thể diện quốc gia. Nếu bỏ thì thay bằng cơ chế nào? thưa ông?

Trả lời:

Theo tôi, nên thay bằng cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối. Việc bỏ loại giấy này không phải là giải pháp nhằm tự do hóa dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, đồng thời cũng không đồng nghĩa với việc từ bỏ hay nới lỏng quản lý nhà nước đối với hoạt động này mà chỉ nhằm thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ chế độ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sang chế độ quản lý, sử dụng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý chuyên ngành.

Tuy nhiên, việc áp dụng chế độ đăng ký chuyển tiền ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối cần được cân nhắc bởi cơ quan này không có thẩm quyền quản lý hoạt động đầu tư, trong đó có hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

4/ PV: Các nước trên thế giới ứng xử với vấn đề đầu tư ra nước ngoài thế nào, thưa ông? Chúng ta có thể học gì từ họ?

Trả lời: 

Nhiều nước trên thế giới chỉ thực hiện chế độ kiểm soát dòng tiền chuyển ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư và có chính sách cấm, hạn chế chuyển tiền ra nước ngoài trong một số trường hợp nhất định để đảm bảo cân đối vĩ mô cũng như tính hợp pháp của nguồn tiền, mà không quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Lý do là những hoạt động này được thực hiện tại nước tiếp nhận đầu tư và phải tuân thủ pháp luật của nước đó.

Mặt khác, hiện nay, Trung Quốc vẫn đang thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước Trung ương và Dự án có quy mô từ 300 triệu USD trở lên thuộc mọi nguồn vốn đều phải được xem xét, chấp thuận của Ủy ban cải cách và phát triển; các dự án khác, tùy thuộc mục tiêu, quy mô, tính chất có thể được phân cấp cho Ủy ban cải cách và phát triển Quốc gia và Bộ Thương mại, Sở Thương mại.

Do đó, cần làm rõ mục tiêu quản lý đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài để xác định phương án tối ưu, bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi cho nhà đầu tư ra nước ngoài.