Hành vi kích động biểu tình trái phép sẽ bị xử lý như thế nào?

0
607

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn về hành vi kích động biểu tình trái phép trên Thông tấn xã Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Hình phạt cao nhất đối với hành vi gây rối mất trật tự công cộng là gì, có bị phạt tù hay không?

Câu hỏi:

Gây rối trật tự công cộng là hành vi diễn ra tương đối phổ biến trong thời gian gần đây gây mất trật tự, an ninh xã hội, trật tự nếp sống đô thi.

Tùy vào mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, xử phạt hành chính:

Tùy vào hành vi mà người vi phạm mà sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự:

Hành vi gây rối trật tự công cộng nếu gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích thì người vi phạm có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm”.

Như vậy, mức hình phạt của tội này được chia làm hai khung, cụ thể như sau:

– Khung 1 (khoản 1): Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

– Khung hai (khoản 2): Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.

2. Hành vi kích động biểu tình trái phép, chống đối người thi hành công vụ, đập phá hủy hoại tài sản của tổ chức, cá nhân thì phạm tội gì?

Trả lời:

Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Trong đó, người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người nào có hành vi kích động biểu tình trái phép, chống đối người thi hành công vụ, đập phá hủy hoại tài sản của tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 BLHS 2015); Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 BLHS 2015); Tội chống người thi hành công vụ (Điều 330 BLHS năm 2015).

Trường hợp, người này nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 112 của Bộ luật này thì còn có thể bị truy cứu về Tội phá rối an ninh quy định tại Điều 118 Bộ luật hình sự năm 2015.