Hệ thống bảo hộ Chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

0
446

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 có một phần riêng quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo cách tiếp cận của Pháp và các nước thuộc liên minh châu Âu.

Vì vậy, các sản phẩm đặc sắc của địa phương thường chủ yếu được đăng ký bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý mà chưa có quy định tương ứng đối với hình thức đăng ký nhãn hiệu chứng nhận.

Trên thực tế, ngoài việc công nhận một cái tên đã tồn tại từ lâu cho những sản phẩm đặc sắc của Việt Nam, hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý hầu như chưa đạt hiệu quả.

Trong lần sửa đổi thứ nhất năm 2009, Luật Sở hữu trí tuệ đã bổ sung quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý (Điều 87 Khoản 4) cho các đặc sản địa phương. Tuy nhiên, quy định này cũng mới chỉ mang tính nền tảng mà chưa có hướng dẫn triển khai trên thực tế. Vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận thực sự hữu ích đối với Việt Nam.

Chỉ dẫn địa lý có thể được bảo hộ theo ba cách: bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể, trong đó nhãn hiệu chứng nhận là hình thức pháp lý được xem là phù hợp nhất với chỉ dẫn địa lý.

“Nhãn hiệu chứng nhận là bất kỳ chữ, tên gọi, biểu tượng, hình vẽ hoặc sự kết hợp các yếu tố đó đã được sử dụng hoặc có ý định sử dụng trong hoạt động thương mại bởi một người không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu, được chủ sở hữu đăng ký nhằm mục đích cho phép người khác sử dụng và nộp đơn đăng ký bảo hộ nhằm chứng nhận rằng hàng hoá và dịch vụ mang nhãn có nguồn gốc khu vực hoặc nguồn gốc khác, có nguyên liệu, cách thức sản xuất, chất lượng, sự chính xác hoặc đặc tính khác của hàng hóa hay dịch vụ của người nào đó hoặc chứng nhận quy trình và cách thức sản xuất hàng hoá và dịch vụ được thực hiện bởi các thành viên của hiệp hội hoặc tổ chức khác” (Lanham Act, chương 15, điều 1127).

Điểm đặc biệt của nhãn hiệu chứng nhận theo pháp luật Hoa Kỳ: sản phẩm không nhất thiết phải sản xuất ở khu vực địa lý đó, sản phẩm vẫn có thể mang nhãn hiệu chứng nhận nếu sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra và chỉ cần một công đoạn sản xuất được thực hiện ở khu vực địa lý đó là đủ.

Như vậy, về cơ bản, nhãn hiệu chứng nhận của Hoa Kỳ tương đồng với cách hiểu nhãn hiệu chứng nhận của các nước. Chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ được độc quyền sử dụng nhãn hiệu nếu chủ sở hữu: thực hiện việc quản lý một cách hợp pháp việc sử dụng nhãn hiệu đó cho hàng hoá;  không được từ chối chứng nhận hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn chứng nhận; không sử dụng nhãn hiệu cho hàng hoá để bảo đảm tính trung lập; không được sử dụng nhãn hiệu với mục đích nào khác việc chứng nhận nhằm bảo đảm không gây nhầm lẫn cho công chúng về chức năng của nhãn hiệu chứng nhận. Nhãn hiệu chứng nhận được sử dụng cho một hoặc nhiều sản phẩm và một hoặc nhiều nhà sản xuất trong một khu vực cụ thể.

Một yêu cầu chung đối với nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc xuất xứ là khi đăng ký phải xác định rõ khu vực sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu chứng nhận còn xác nhận chất lượng hoặc đặc tính của sản phẩm. Các dấu hiệu đăng ký làm nhãn hiệu chứng nhận không giới hạn chỉ ở các tên địa lý. Một tên không chính thức của địa danh, tên viết tắt, thậm chí những dấu hiệu gián tiếp đều có thể được sử dụng như hoặc trong một nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý. “Idaho”, “Idaho Prefered Idaho”, “Idaho Potatoes Grown in Idaho”, “Grown in Idaho” là những ví dụ về nhãn hiệu chứng nhận được đăng ký bảo hộ cho táo và các sản phẩm từ táo được trồng ở vùng Idaho, Hoa Kỳ.

Bên cạnh những nhãn hiệu chứng nhận chỉ ra nguồn gốc địa lý của táo, còn có một số nhãn cũng có chứa tên địa lý như “Idaho’s Best” hay “Idaho Naturally”, nhưng những nhãn hiệu này không chỉ ra nguồn gốc địa lý của sản phẩm như các nhãn hiệu nói trên mà chỉ đơn thuần xác nhận loại táo mang nhãn đó đáp ứng yêu cầu về đặc tính, chất lượng sản phẩm nhất định. Các sản phẩm mang nhãn hiệu “Idaho’s Best” có thể trồng ở California hay một nơi khác và chỉ được chế biến ở Idaho nhưng vẫn đáp ứng được một số tiêu chuẩn về chất lượng hay đặc tính mà chủ nhãn hiệu đưa ra.

 Do đặc điểm của các chỉ dẫn địa lý ở Hoa Kỳ không quá đặc thù và độc đáo tới mức không thể tìm thấy các sản phẩm tương tự ở địa phương khác, nên Hoa Kỳ đã lựa chọn hình thức bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận nhằm bảo đảm việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý mà không cần có sự can thiệp sâu của Chính phủ. Như vậy, với hệ thống pháp luật lâu đời và hoàn thiện về nhãn hiệu, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo hệ thống bảo hộ nhãn hiệu giúp Hoa Kỳ giảm bớt việc thiết lập một hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý mới, tồn tại song song với hệ thống nhãn hiệu. Điều này sẽ giúp giảm chi phí và đơn giản hoá thủ tục bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Nếu như theo quy định của châu Âu hay Pháp, quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý không thể coi là quyền tư hữu, thì pháp luật Hoa Kỳ lại khẳng định việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua pháp luật về nhãn hiệu như một quyền tư hữu.

Tuy nhiên, quyền tư hữu đối với chỉ dẫn địa lý của Hoa Kỳ có điểm khác biệt ở chỗ nó vẫn bảo đảm được tính tập thể trong việc sử dụng và đầu tư vào việc thương mại hoá các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Tính tập thể trong bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận của Hoa Kỳ còn nhằm mục đích khuyến khích mối liên hệ hợp tác giữa chủ sở hữu nhãn hiệu và những người sản xuất địa phương.

Mặt khác, dù quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận là quyền tư hữu nhưng để bảo vệ các nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý, bất kỳ bên thứ ba liên quan nào đều có thể phản đối việc đăng ký hoặc yêu cầu huỷ bỏ đăng ký theo các thủ tục như đối với nhãn hiệu thông thường.

Do đó, nếu cho rằng cơ quan chứng nhận không tuân thủ các tiêu chuẩn đã đưa ra hoặc từ chối không có lý do chính đáng việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của một tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn, tổ chức, cá nhân liên quan có thể nộp đơn phản đối hoặc yêu cầu huỷ nhãn hiệu chứng nhận đó hoặc kiện lên Toà án liên bang.

Việc kiểm soát chất lượng thông qua hệ thống nhãn hiệu chứng nhận của Hoa Kỳ tạo ra một cơ chế kiểm soát với sự đồng thuận của chính các nhà sản xuất. Chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận xây dựng quy trình sản xuất hoặc tiêu chuẩn chất lượng với một cơ chế cấp phép thích hợp để bảo đảm cho các nhà sản xuất có thể khai thác lợi thế thương mại từ nhãn hiệu đó và đồng thời cũng mang lại lợi ích cho chính chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận.