Kẻ hở pháp lý trong các dự án BT

0
490

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW trả lời tạp chí Pháp lý về kẽ hở trong các dự án BT, mời quý vị đọc nội dung bài phỏng vấn:

1) Thưa ông, dư luận cho rằng có rất nhiều kẽ hở trong việc thực hiện các dự án BT, công tác cổ phần hóa… Theo đó, cán bộ nhà nước và các cá nhân khác lợi dụng để trục lợi, rút tiền ngân sách, tham nhũng đất đai, tài nguyên… Xin ông cho biết những thủ đoạn, phương thức mà họ dùng để cấu kết với nhau trục lợi tài sản công.

Trả lời:

Với dự án BOT, nhà đầu tư phải thu hồi vốn qua quá trình khai thác công trình do mình bỏ vốn đầu tư, còn với dự án BT, nhà đầu tư có thể được phép an toàn hơn vì sau khi xây dựng xong, công trình sẽ được Nhà nước (Bộ, địa phương) thanh toán dưới dạng tiền trái phiếu hoặc quỹ đất do hai bên thống nhất, lựa chọn và định giá theo hợp đồng. Về bản chất, BT là cam kết Nhà nước “mua” dự án BT bằng tiền ngân sách hoặc nguồn thu cho NSNN.

Trên thực tế, BT có thể mang lại rủi ro cho nhà đầu tư khi phải ứng trước vốn để giải phóng mặt bằng không tính lãi và làm báo cáo tiền khả thi, khả thi… Nếu dự án không được cấp thẩm quyền thông qua thì nhà đầu tư không được bồi hoàn kinh phí. Tuy nhiên, dự án BT lại có nhiều điều khác hấp dẫn các nhà đầu tư, tiếc rằng đây cũng chính là những kẽ hở đáng quan ngại của quá trình quản lý nhà nước đối với dự án.
Hợp đồng BT do nhà đầu tư thực hiện nên họ có thể chủ động lựa chọn nhà thầu, đồng thời quá trình thi công thiếu sự giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Vì thế, có thể dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo. Thực tế một số công trình BT đã hoàn thành tại Hà Nội những năm trước, như dự án Cung Tri thức Thành phố, Bảo tàng Hà Nội, … chỉ đưa vào vận hành không lâu đã xuất hiện nhiều hư hỏng.
Mục đích nhà đầu tư nhắm đến khi tham gia dự án BT là dự án hoàn vốn, là những khu đất có giá trị. Nhiều khu đất vàng đáng lẽ phải qua đấu giá, nhưng bằng việc đề xuất dự án BT và đa số sau đó được chỉ định thực hiện, nhà đầu tư đã dễ dàng có được.
Chính vì nhắm đến quỹ đất, trong khi tại các đô thị lớn “tấc đất tấc vàng”, nên không ít nhà đầu tư đã dùng nhiều chiêu tinh vi thổi giá công trình BT để có thể đổi lấy nhiều diện tích hơn.
Rõ ràng, thất thoát trong các dự án BT nếu xảy ra sẽ vô cùng lớn, bởi hầu hết các dự án có tổng mức đầu tư rất cao.
Đối với công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước:
Cả nước có hàng trăm trường hợp cổ phần hóa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng không tính giá trị quyền sử dụng đất và giá trị quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa hoặc tính giá trị doanh nghiệp chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước; khi cổ phần hóa không thực hiện đấu giá và niêm yết trên thì tường chứng khoán; thậm chí còn không thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước, …
Nhiều trường hợp sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa lập tức thay đổi mục đích sử dụng đất, mà hầu hết đó đều là các khu đất vàng nhưng không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa và không thực hiện đấu giá khi cổ phần hóa; dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, vi phạm Luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước.
Thực tế cho thấy, giá trị sổ sách tài sản trên đất có thể rất thấp, nhưng quyền thuê đất và chuyển nhượng đất cũng phải là tài sản và không thể bỏ qua của doanh nghiệp và chúng rất hấp dẫn các nhà đầu tư.
Việc không tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa có nguyên nhân cả về nhận thức, sự bất cập trong chính sách hoặc lạm dụng kẽ hở luật định, sự không tuân thủ đúng hoặc thiếu công khai, minh bạch trong tính toán giá trị và tổ chức cổ phần hóa, …
Bởi vậy, để phòng tránh hiện tượng chảy máu tài sản công trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng như trong việc thực hiện dự án BT, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng những cơ chế cụ thể, tránh hiện tượng lạm dụng kẽ hở luật định để trục lợi tài sản công.

2) Hiện tại đang xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo ông, luật này ra đời liệu có khắc phục được tham nhũng không khi mà nhiều luật khác như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công… vẫn còn rất nhiều kẽ hở để trục lợi? Xin ông phân tích về những kẽ hở trong những luật trên đã tạo điều kiện cho tham nhũng.

Trả lời:
Về cơ bản, Luật phòng, chống tham nhũng ngay từ khi xây dựng có thể nói là luật tiến bộ, theo sát công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Việt Nam cũng như trong tổ chức thực thi, có ý kiến cho rằng Luật phòng, chống tham nhũng như” hổ không răng”, tính khả thi chưa cao nên lần sửa đổi này, luật đã khắc phục tính hình thức và những cái kém hiệu quả.
Tuy nhiên, chúng ta đừng hy vọng Luật phòng, chống tham nhũng giải quyết được tất cả vấn đề, vì chống tham nhũng ở từng lĩnh vực còn phụ thuộc vào Luật chuyên ngành, ta phải thực hiện tốt những Luật đó mới chống được tham nhũng.
Hiện nay, trong một số văn bản pháp luật vẫn còn tồn tại những kẽ hở tạo cơ hội cho cán bộ, doanh nghiệp trục lợi. Ví dụ:
Trong các quy định của Luật Đất đai 2013 thì các quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, tái định cư về đất được quy định khá cụ thể trong chương VI. Tuy đã khá chặt chẽ và cụ thể nhưng vẫn còn có những quy định có kẽ hở gây thiệt hại cho dân và “giúp” cho cán bộ và doanh nghiệp hưởng lợi.
Đầu tiên là hiện tượng nhiều doanh nghiệp (qua chính quyền) đứng ra thu hồi đất nông nghiệp, nhưng trả dân tiền bồi thường với giá rẻ mạt, rồi sau đó doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm gia tăng giá trị lên nhiều lần. Đây là điều rất bất bình đẳng, quan chức, doanh nghiệp được lợi, đó là nguồn gốc của tham nhũng.
Ngoài ra, các quy định thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc gia, công cộng tại Điều 62, nhất là tại khoản 3 điều này – các dự án có thu hồi đất do HĐND cấp tỉnh quyết là dễ lách luật nhất. Doanh nghiệp ban đầu có thể lập dự án với mục đích để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng sau đó có thể sẽ xin chuyển đổi mục đích của một phần hay toàn dự án. Hoặc doanh nghiệp cố tình lập các dự án trong danh mục hưởng ưu đãi đầu tư, sau khi hưởng hết các ưu đãi đầu tư thì lại chuyển mục đích của dự án.
Mặc dù Điều 35, Luật Đất đai quy định về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhấn mạnh: Quy hoạch và kế hoạch phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, được lập từ tổng thể đến chi tiết; … Điều 43 của Luật này cũng quy định việc lập quy hoạch và kế hoạch phải hỏi ý kiến của nhân dân, …
Tuy nhiên các cấp thẩm quyền sửa đổi quy hoạch lại “bí mật”, thủ tục cũng khá đơn giản “giúp” nhiều doanh nghiệp lách luật. Việc đó tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp “đi đêm” với quan chức, tạo ra những quyết định sửa đổi quy hoạch có lợi cho doanh nghiệp.
Đó chính là nguyên nhân của thất thoát nhà nước, thiệt thòi cho dân và mang tới lợi ích cho quan chức có quyền quyết định đồng nghĩa với tiêu cực, tham nhũng.
Thiết nghĩ, để tránh việc tuồn tài sản thì hiện nay ta có nhiều giải pháp khác nhau nhưng quan trọng là phòng ngừa, xử lý, cùng với đó, khuyến khích người dân tham gia vào phòng ngừa tham nhũng.
Đồng thời, phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí lớn. Bảo đảm công khai, minh bạch trong các dự án, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch.