Khi mua nhà để mở cửa hàng người nước ngoài có thể đứng tên chung trong sổ đỏ không?

0
525

Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 159 Luật nhà ở 2014, một cá nhân nước ngoài chỉ cần “được phép nhập cảnh tại Việt Nam” là đủ điều kiện để được mua nhà ở thương mại tại Việt Nam, bao gồm căn hộ chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực đảm bảo quốc phòng và an ninh theo quy định của Chính Phủ.

Như vậy, nếu đáp ứng điều kiện theo quy định trên, người nước ngoài sẽ được quyền mua nhà ở tại Việt Nam, tức có quyền đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, việc sử dụng nhà ở để “mở cửa hàng” được pháp Luật nhà ở quy định thành 02 trường hợp như sau:

+Trường hợp người nước ngoài mua căn hộ chung cư, Luật Nhà ở 2014 quy định cấm việc sử dụng nhà chung cư vào mục đích không phải để ở. Cụ thể, Khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014 quy định “cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”. Do đó, việc mua căn hộ chung cư để mở cửa hàng là trái quy định của pháp luật.

+Trường hợp người nước ngoài mua nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trường hợp này, pháp luật nhà ở không cấm bạn sử dụng vào mục đích không phải để ở. Cụ thể, Điều 161 và Điều 10 Luật Nhà ở quy định rằng, chủ sở hữu, chủ sử dụng nhà ở “được quyền sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà pháp luật không cấm”.

Như vậy, nếu người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam để mở cửa hàng, người nước ngoài chỉ có thể mua nhà ở riêng lẻ trong các dự án nhà ở thương mại. Thủ tục như sau:

+Trường hợp người nước ngoài mua nhà trực tiếp từ chủ đầu tư thực hiện dự án, thông thường chủ đầu tư dự án nhà ở sẽ thay người mua thực hiện các thủ tục để xin cấp Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, trong trường hợp người mua thoả thuận với chủ đầu tư về việc tự thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận thì người mua cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các tài liệu sau theo quy định tại Khoản 3 Điều 72 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT và nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai nơi người mua mua nhà. Hồ sơ gồm:

– Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK được ban hành kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT;

– Hợp đồng về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở;

– Biên bản bàn giao nhà, đất, công trình xây dựng.

+Trong trường hợp người mua không mua trực tiếp từ chủ đầu tư dự án mà mua lại nhà của một tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận, bạn nộp một bộ hồ sơ đăng ký biến động tại Văn phòng đăng ký đất đai nơi có nhà. Hồ sơ gồm:

– Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT;

– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

– Bản gốc Hợp đồng về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở;

Trước khi thực hiện thủ tục này, người mua và người bán cần phải thực hiện thủ tục kê khai và nộp lệ phí trước bạ và thuế thu nhập cá nhân (nếu có) tại Chi cục thuế nơi có nhà.