Lạm dụng tình dục trẻ em – Đừng biến nạn nhân thành tội nhân

0
417

Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã chia sẻ những quy định của pháp luật xoay quanh thực trạng Lạm dục tình dục trẻ em hiện nay trên chương trình Bạn và Pháp luật kênh VOV1, Đài tiếng Nói Việt Nam

Câu hỏi: Thưa luật sư, Con số mà các ngành chức năng đưa ra được cho là chưa phản ánh được hết thực trạng. Vậy theo ông thì thực trạng còn nghiêm trọng hơn như thế nào?

Luật sư trả lời: Thông qua số liệu thống kê của các cơ quan chuyên môn đã phản ánh được thực tế là tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục diễn ra ngày càng phổ biến, công khai và phức tạp. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những con số thì sẽ không thấy được thực trạng nghiêm trọng của vấn đề này. Theo các thống kê mà tôi đã nghiên cứu từ các phương tiện thông tin đại chúng thì hiện tại, đối tượng là trẻ em bị xâm hại bao gồm cả nam và nữ, xuất hiện ngày càng nhiều ở lứa tuổi từ 5 đến 13. Hơn nữa người thực hiện hành vi đa phần là người quen, người thân, họ hàng của các em và thậm chí là từ chính những người trong gia đình như bố đẻ. Tôi cho rằng những dấu hiệu này đã chứng minh được sự xuống cấp về đạo đức, thiếu hiểu biết và coi thường pháp luật của người có hành vi xâm hại.

Không chỉ vậy, với sự bùng nổ của Internet hiện nay đã khiến cho các đối tượng phạm tội dễ dàng phát tán hành vi xâm hại của mình lên mạng, gây ảnh hưởng lớn tới danh dự của các em. Đối với hành vi trong trường hợp này thì các đối tượng không chỉ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em mà còn phải chịu trách nhiệm đối với hành vi tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy.

Câu hỏi: Mặc dù pháp luật nước ta qui định các hình phạt đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em khá nghiêm khắc nhưng tại sao số vụ án năm sau vẫn tăng hơn năm trước với mức độ ngày càng nghiêm trọng?Phải chăng còn có nhiều lỗ hổng trong thực thi pháp luật thưa ông?

Luật sư trả lời: Theo ý kiến cá nhân tôi trước tình trạng diễn biến ngày càng gia tăng về số lượng và phức tạp về hành vi phạm tội như hiện nay thì pháp luật hiện hành đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp. Ví dụ, Bộ luật hình sự 1999 có quy định yếu tố bắt buộc để chứng minh đối với tội hiếp dâm trẻ em và cưỡng dâm trẻ em là người phạm tội phải thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân. Theo quy định này của BLHS 1999 thì hành vi giao cấu vẫn được hiểu theo nghĩa truyền thống tuy nhiên trên thực tiễn xét xử các vụ việc về lạm dụng tình dục trẻ em đã cho thấy việc xâm hại hiện nay khá đa dạng cả về cách thức lẫn giới tính.

Ngoài ra hiện nay, pháp luật ở nước ta dường như chỉ chú trọng về chế tài xử phạt đối với những hình thức xâm hại tình dục nghiêm trọng như hiếp dâm, cưỡng dâm trẻ em tuy nhiên đối với những hành vi xâm hại ở mức nhẹ thì chưa có quy định nào điều chỉnh.

Mặt khác, pháp luật cần có những quy định buộc những người phát hiện, nghi ngờ có trẻ em bị xâm hại tình dục phải khai báo, tố giác tội phạm; tránh để trường hợp có những kẻ phạm tội vẫn ‘‘nhởn nhơ’’ ngoài vòng pháp luật chỉ vì sự im lặng, thờ ơ của những người xung quanh hay từ chính gia đình và các nạn nhân.

Câu hỏi: Rất nhiều kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật vì không bị tố cáo, chúng dọa nạn nhân phải im lặng, hoặc có bị tố cáo cũng không có bằng chứng, vì vậy giải pháp của vấn đề này không phải nằm ở pháp luật?

Luật sư trả lời:

Vấn đề này xuất phát từ tâm lý lo sợ khi khai báo sẽ có nhiều người biết đến của nạn nhân và gia đình nên họ đã có tâm lý e dè, quyết định im lặng để che giấu sự việc. Bên cạnh đó, đối với các tội xâm hại tình dục như hiếp dâm, cưỡng dâm thì cơ quan nhà nước cần phải có kết luận giám định pháp y nhằm xác định việc có hành vi giao cấu xảy ra hay không để làm căn cứ chứng minh. Tuy nhiên chính việc xác minh này đã khiến nhiều em còn e ngại, đôi khi có thể khơi gợi lại những tổn thương mà các em phải chịu. Chính vì thế theo tôi, giải pháp tốt nhất trong vấn đề này là giải quyết vấn đề tâm lý của nạn nhân và gia đình.

Đối với nạn nhân, do vẫn còn trong độ tuổi phát triển về tâm sinh lý nên cần động viên, thăm hỏi; có thể tạo điều kiện để các em được gặp các chuyên gia tâm lý để tháo gỡ khúc mắc trong lòng. Ngoài ra, chính quyền địa phương nên phối hợp với các cơ quan công an để thực hiện việc bảo vệ các nạn nhân, gia đình hoặc người làm chứng để họ có thể yên tâm hơn khi tố giác tội phạm.

Câu hỏi: Vậy, theo luật sư trách nhiệm cùa Bộ lao động – thương binh xã xã hội đối với công tác phòng ngừa vào giảm thiểu tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ra sao?

Luật sư trả lời: Vào ngày 22 tháng 12 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 2361/QĐ – TTg phê duyệt chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 trong đó đã quy định trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (BLĐTBXH) bao gồm:

– Hướng dẫn các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện Chương trình;

– Xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động của Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

– Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện Chương trình; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên thực tế trong thời gian vừa qua, BLĐTBXH đã phối hợp với các tổ chức cũng như cơ quan nhà nước để triển khai Quyết định này, bao gồm: cùng với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 267 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020; Ngày 10/12/2016, tại Hà Nội, phối hợp với Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam và Mạng Bảo vệ Quyền trẻ em tổ chức Diễn đàn “Phát huy vai trò của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Mạng quyền trẻ em trong phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục”…. Có thể nói BLĐTBXH đã thực hiện tốt trách nhiệm được phân công, tuy nhiên theo ý kiến cá nhân tôi Bộ cần có những văn bản chỉ đạp trực tiếp đến các địa phương để triển khai công tác tuyên truyền pháp luật, phổ biến giáo dục về phòng ngừa xâm hại tình dục ở trẻ em; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em đã là nạn nhân của xâm hại tình dục có thể hòa nhập với cuộc sống.

Ngoài ra, Luật trẻ em 2016 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/6/2017 do đó BLĐTBXH cần khẩn trương triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết để trình Chính phủ, để từ đó nhanh chóng đưa vấn đề này vào khuôn khổ pháp luật.

Câu hỏi: Gần đây vụ việc ở Vũng Tàu làm xôn xao dư luận: đó là một phụ nữ có con gái ruột bị xâm hại tình dục và khi người mẹ lên tiếng trên mạng xã hội thì bà mẹ này lại bị chì chich và bị soi mói câu chuyện, vì thế nhiều nạn nhân thường giấu thông tin hoặc tự thu xếp với nhau hơn là tìm đến sự trợ giúp của pháp luật” – Luật sư bình luận gì về vấn đề này?

Luật sư trả lời: Với tốc độ phát triển như hiện nay thì các vấn đề trên mạng xã hội đã trở nên khá phức tạp nên việc có nhiều ý kiến trái chiều cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên xã hội cần có cái nhìn đúng đắn hơn về sự việc, các nạn nhân là những người bị hại nên họ không có lí do để phải chịu những lời chỉ trích, càng không có lí do để im lặng trước tội phạm. Việc gia đình nạn nhân công khai lên tiếng trên mạng xã hội là quyền của họ, cũng đồng thời là lời cảnh tỉnh cho cộng đồng để tránh những trường hợp đáng tiếc về sau. Ngoài ra, đối với những gia đình có con em là nạn nhân bị xâm hại tình dục thì cần tìm hiểu nâng cao các kiến thức của pháp luật, tốt hơn hết là tìm đến các cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức xã hội có liên quan để nhận trợ giúp.

Câu hỏi: Trước thực trạng đó, thì những người có tâm huyết với chủ đề này, các nhà nghiên cứu, các cơ quan chức năng cần phải làm gì để thay đổi nhận thức của xã hội và đừng biến những nạn nhân trở thành tội nhân thưa luật sư.

Luật sư trả lời: Đối với các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tại các địa phương, đặc biệt là vùng sâu vùng sa, các vùng có kinh tế khó khăn. Ngoài ra, do đối tượng chủ yếu là trẻ em, học sinh, thanh thiếu niên nên việc tổ chức hoạt động có thể được thực hiện thêm tại các trường học; nâng cao kiến thức cho các em về vấn đề tâm sinh lý và giới tính, tuyên truyền giải thích tác hại, hậu quả của hành vi quan hệ tình dục trước tuổi 16 cũng như cách để phòng chống, bảo vệ bản thân khi nghi ngờ có đối tượng dụ dỗ.

Câu hỏi: Nhiều thính giả cho rằng: Do đối tượng gây ra hành vi này thường là người rất thân thiết, gần gũi với các em nên khó phát hiện. Lúc phát hiện vì mặc cảm xấu hổ, sợ mang tiếng và chính bậc cha mẹ lại che giấu sự việc; nhiều gia đình phải ngậm đắng nuốt cay để bảo vệ gia đình, bảo vệ con mình? Vâng, thưa luật sư đây có phải là một trong những khó khăn gặp phải trong đấu tranh giảm thiểu tình trạng này không?

Luật sư trả lời: Đây là một trong những tình trạng mà tôi cho rằng thể hiện sự xuống cấp về đạo đức nhất bởi hành vi này còn bao gồm tính chất loạn luân. Hơn nữa, thông thường khi tuyên truyền, giáo dục về nhận thức của các em về vấn đề xâm hại tình dục, chúng ta thường có tâm lý dạy các em cần cẩn trọng với người lạ/ người không quen biết mà không có ai khuyên các em cần đề phòng với chính những người thân trong gia đình cả. Tuy nhiên thực tế cho thấy có những trường hợp các em bị xâm hại bởi chính bố đẻ của mình, điều này đã gây ra một sự bức xúc rất lớn trong xã hội.

Về cơ bản, đối với trường hợp này thì những người thân của các em như mẹ, họ hàng thân thích, anh chị em cần là những người ở bên và lên tiếng, thể hiện hành động để bảo vệ con em mình dù cho kẻ xâm hại là bất kỳ ai. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng trong trường hợp trẻ bị chính cha/mẹ lạm dụng thì vì sự an toàn cần tiến hành tách trẻ khỏi cha/mẹ.

Câu hỏi: Một thính giả có tên là Nguyễn Hồng Phượng ở Hậu Giang gửi câu hỏi về chương trình: Tôi có con gái đang tuổi đến trường. Tôi rất lo sợ khi thời gian gần đây các báo đài liên tục cảnh báo đến loại hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, thậm chí với các em gái còn rất nhỏ tuổi. Đề nghị quí Đài cho biết pháp luật nước ta qui định như thế nào đối với loại tội phạm này.

Luật sư trả lời: Thứ nhất, Luật số 25/2004/QH11 về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi, trong đó tại Điều 7 Luật này đã quy định các hành vi nghiêm cấm thực hiện với trẻ em có bao gồm: “Dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em”.

Hiện nay, Bộ luật hình sự 1999 đã quy định về 04 loại tội xâm hại tình dục trẻ em với các nhóm độ tuổi là dưới 13, từ đủ 13 đến dưới 16, bao gồm: tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112), tội cưỡng dâm trẻ em (Điều 114), tội giao cấu với trẻ em (Điều 115) và tội dâm ô đối với trẻ em (Điều 116). Tùy thuộc vào từng hành vi phạm tội mà pháp luật có những quy định về chế tài xử lý khác nhau, tuy nhiên khung hình phạt cao nhất có thể bị tù chung thân hoặc tử hình trong mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi.

Câu hỏi: Một bạn nữ ở Đăk Lăc xin được giấu tên hỏi: Tôi năm nay 15 tuổi rưỡi, bị người bạn đã 31 tuổi xâm hại tình dục 5 lần, tuy nhiên là tôi không đồng tình, nhưng người đó luôn tìm cách ép buộc tôi. Như vậy, người đó phạm vào tội gì?

Luật sư trả lời: Dựa vào câu hỏi mà bạn đặt ra thì tôi vẫn chưa có đủ căn cứ để khẳng định người đã có hành vi xâm hại mà bạn nói ở trên phạm phải tội cụ thể gì. Tuy nhiên, theo những chi tiết mà bạn đã đề cập có thể người có hành vi xâm hại ấy sẽ phạm vào tội hiếp dâm trẻ em hoặc tội cưỡng dâm trẻ em.

Câu hỏi: Thính giả Nguyễn Hồng Hạnh ở Thanh Ba- Phú Thọ gọi điện cho chúng tôi hỏi nội dung như thế này : Tôi nhớ có một vụ việc làm chấn động dư luận đó là 10 em nhỏ bị lạm dụng trong suốt vài năm liền bởi một nam bảo vệ ở trường học ở vùng cao và trong suốt mấy năm liền cả phụ huynh cũng như các thầy cô cũng không phát hiện ra. Phải chăng chúng ta quá lơ là trước những qui cơ bạo lực tình dục đối với con em mình?

Luật sư trả lời: Về bản chất, vụ việc xảy ra không hoàn toàn do phía gia đình hay nhà trường lơ là đối với các em mà nguyên nhân sâu sa của nó bắt nguồn từ đời sống tại vùng cao quá khó khăn, chủ yếu các gia đình thường tập trung vào làm kinh tế để trang trải qua ngày, ngay cả việc cho con em đi học đã là cả một sự cố gắng.

Bên cạnh đó, đa số các bậc phụ huynh đều là người dân tộc nên còn cổ hủ, lại không có cơ hội được đi học hay được giảng giải về kiến thức pháp luật và xã hội nên dẫn tới việc cha mẹ chưa nhận thức được các nguy cơ xâm hại cao đối với con mình. Bên cạnh đó, đối với các trẻ em vùng cao chủ yếu vẫn được các thầy cô tập trung dạy văn hóa, chưa có cơ hội để tìm hiểu về các kiến thức xã hội nên không biết cách tự phòng vệ cho bản thân cũng như tố cáo hành vi của kẻ phạm tội. Thiết nghĩ, cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm hơn tới các em thuộc vùng sâu vùng sa, vùng kinh tế còn khó khăn; ngoài ra các thầy cô tại nhà trường bên cạnh những buổi học về văn hóa thì cần dạy các em những kiến thức cơ bản nhất về vấn đề này.

Câu hỏi: Giải pháp nào để hạn chế cũng như chấm dứt tình trạng này thưa luật sư Nguyễn Thanh Hà?

Luật sư trả lời: Để hạn chế và chấm dứt tình trạng này tôi cho rằng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương và từ chính bản thân các gia đình.

– Như tôi đã trình bày ở phần trên, Luật trẻ em 2016 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 sắp tới nên BLĐTBXH cần tiến hành trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn một cách nhanh chóng, bên cạnh đó thực hiện tốt công tác phối hợp với các Bộ ban ngành cũng như Ủy ban nhân dân các tỉnh để triển khai thực hiện các chính sách pháp luật nhằm bảo vệ trẻ em.

– Tại các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới từng gia đình, đặc biệt là tại các vùng sâu vùng sa, vùng quê hoặc miền núi, những nơi còn khó khăn về kinh tế nên nhận thức của họ về các vấn đề xã hội còn thấp. Thực tế hiện nay tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em thường diễn ra tại những nơi này bởi bản thân các gia đình còn nghèo đói, các bậc phụ huynh chỉ mải lo kiếm tiền mà không quan tâm đến con mình, đến khi xảy ra sự việc thì do thiếu hiểu biết nên họ cũng không biết phải báo cáo hay tố giác tội phạm với chính quyền địa phương. Do đó theo tôi, công tác phổ biến pháp luật cũng như kiến thức xã hội đến những đối tượng thuộc các vùng kinh tế khó khăn là đặc biệt quan trọng.

Bên cạnh đó, đối với các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì chính quyền địa phương nên đặc biệt quan tâm, hỗ trợ gia đình các em về vật chất, tạo điều kiện thuận lợi để các em được đi học đầy đủ.

– Gia đình, nhà trường cần tích cực giáo dục cho chính bản thân các em về vấn đề giới tính, tâm sinh lý để từ đó tăng cường hiểu biết, nâng cao kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục. Đối với những em còn quá nhỏ, chỉ 5 – 6 tuổi thì gia đình cần chăm sóc, quan tâm một cách kĩ lưỡng, luôn để các em ở trong tầm mắt mà bố mẹ có thể giám sát được.

Ngoài ra, đối với các gia đình có trẻ em đã trở thành nạn nhân của việc xâm hại tình dục thì gia đình và nạn nhân cần mạnh dạn tố cáo tội phạm, tránh để tâm lý lo ngại, hoảng sợ dẫn đến việc không đưa tội phạm ra xét xử công khai.