Làm thế nào để đòi lại tài sản chiếm hữu không có căn cứ pháp luật?

0
442

Câu hỏi: A mượn xe của tôi và bị công an bắt và giam xe 1 tháng cùng với giấy tờ xe của mình. Sau 1 tháng A đi cùng B đến lấy xe, do không mang đủ tiền phạt nên A đã mượn B 2 triệu và nhờ B đến lấy xe hộ. Nhưng đến nay B vẫn cố tình giữ lấy xe của mình trong khi tôi đã hỏi và muốn gặp và để trả số nợ nhưng B nhất quyết không trả. A hiện đang bị giam vì liên quan đến tội ma túy. Luật sư có thể tư vấn giúp tôi làm thế nào để lấy được xe trong trường hợp này được không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trong trường hợp này của bạn thì anh B đang có hành vi chiếm hữu tài sản không có căn cứ Pháp luật.

Theo quy định tại Điều 165 Bộ Luật Dân sự năm 2015, việc chiếm hữu dựa trên một trong các căn cứ sau thì được xem là chiếm hữu có căn cứ pháp luật:

“a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;

b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;

c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;

d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Trường hợp khác do pháp luật quy định”.

Như vậy, nếu chủ thể khác có hành vi chiếm hữu nhưng không phát sinh từ một trong các căn cứ trên thì bị xem là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Trong trường hợp này thì anh B đã chiếm hữu chiếc xe máy của bạn là không có căn cứ pháp luật.

Ta thấy, trong chế định về chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, được phân chia thành chiếm hữu ngay tình và chiếm hữu không ngay tình.

Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.

Chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.

Trong tình huống này thì việc B chiếm hữu tài sản là chiếc xe máy của bạn là chiếm hữu không ngay tình không có căn cứ pháp luật vì anh B đã biết mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu là động sản phải đăng kí quyền sở hữu mà vẫn cố tình chiếm hữu và anh B không có quyền đối với chiếc xe máy này.

Căn cứ theo Điều 166 BLDS 2015“Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”.

Pháp luật quy định việc có đòi lại được tài sản hay không phụ thuộc vào nguồn gốc có được tài sản, tính chất ngay tình trong chiếm hữu, nguyên tắc đền bù.

Như vậy, nếu việc chiếm hữu của anh B là không có căn cứ pháp thì bạn có quyền kiện đòi lại chiếc xe máy của mình theo thủ tục tố tụng hình sự như sau:

Về thủ tục khởi kiện, theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015, bạn làm đơn khởi kiện với các nội dung chính sau:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;

d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);

đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Sau đó bạn nộp đơn đến Tòa án có thẩm quyền để giải quyết vụ việc trên.