Lộ trình mở của thị trường dịch vụ lô-gi-stíc đối với nhà đầu tư nước ngoài

0
299

Ngày 24/09/2015, Bộ Công thương đã ban hành Công văn số 9911/BCT-KH hướng dẫn các cơ quan chức năng Việt Nam về lộ trình mở của thị trường dịch vụ lô-gi-stíc đối với nhà đầu tư nước ngoài, SBLAW trích dẫn nội dung công văn này để Quý khách hàng xem xét:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3054/VPCP-QHQT ngày 05 tháng 5 năm 2015 và ý kiến của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 267/PC-VPCP ngày 21 tháng 5 năm 2015 về việc thống nhất hướng dẫn các cơ quan quản lý địa phương về cách hiểu, triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam với WTO về một số phân ngành có liên quan đến dịch vụ vận tải, trên cơ sở rà soát các quy định có liên quan của Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, Bộ Công Thương hướng dẫn các cơ quan quản lý đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:

1.Về việc các quy định của Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc về: (i) dịch vụ kho bãi; (ii) dịch vụ hỗ trợ khác và (iii) dịch vụ đại lý vận tải còn chưa rõ, có thể dẫn đến các cách hiểu và áp dụng khác nhau và khác với quy định có liên quan tại Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO:

Điều 2 Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Quốc hội Phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Trong trường hợp quy định của pháp luật Việt Nam không phù hợp với quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm thì áp dụng quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm”.

Do vậy, đối với các trường hợp trên, đề nghị các cơ quan quản lý đầu tư áp dụng trực tiếp các quy định có liên quan tại Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO.

2.Các quy định có liên quan tại Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO

a) Đối với dịch vụ kho bãi

Dịch vụ kho bãi (CPC 742): “Không hạn chế, ngoại trừ kể từ ngày gia nhập cho phép thành lập liên doanh trong đó tỷ lệ vốn nước ngoài không quá 51%. 7 năm sau khi gia nhập: không hạn chế”.

Theo cam kết trên, hạn chế về thành lập liên doanh và hạn chế về tỷ lệ vốn nước ngoài sẽ được xóa bỏ sau 07 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO và đến nay, nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để thực hiện dịch vụ này.

b) Đối với dịch vụ hỗ trợ khác (một phần của CPC 749)

Việt Nam chỉ cam kết đối với một phần của CPC 749 (bao gồm các hoạt động: kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa; giám định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; giám định hàng hóa; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải. Các dịch vụ này được thực hiện thay mặt cho chủ hàng) và “Kể từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam trong đó tỷ lệ vốn của bên nước ngoài không quá 49%. Sau 3 năm kể từ khi gia nhập, hạn chế này sẽ là 51%. 4 năm sau đó, hạn chế về vốn này sẽ được bãi bỏ”.

Theo cam kết trên, hạn chế về tỷ lệ vốn nước ngoài trong liên doanh sẽ được xóa bỏ sau 07 năm kể từ khi gia nhập, tuy nhiên, điều kiện về thành lập liên doanh vẫn tiếp tục được áp dụng.

Lưu ý: Nội dung của dịch vụ hỗ trợ khác quy định tại Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO khác với nội dung của dịch vụ bổ trợ khác quy định tại Nghị định số 140/2007/NĐ-CP.

c) Đối với dịch vụ đại lý vận tải

Dịch vụ đại lý vận tải (CPC 748): “Không hạn chế, ngoại trừ kể từ ngày gia nhập cho phép thành lập liên doanh trong đó tỷ lệ vốn nước ngoài không được vượt quá 51 %. Sau 07 năm kể từ khi gia nhập: không hạn chế”.

Theo cam kết trên, sau 07 năm kể từ khi gia nhập, nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

3. Theo quy định tại Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, đến nay, các dịch vụ sau còn điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài là phải thành lập liên doanh:

a) Dịch vụ vận tải biển: bao gồm dịch vụ vận tải hành khách, trừ vận tải nội địa (CPC 7211); dịch vụ vận tải hàng hóa, trừ vận tải nội địa (CPC 7212).

b) Dịch vụ thông quan (hay dịch vụ môi giới hải quan).

c) Dịch vụ vận tải đường thủy nội địa: bao gồm dịch vụ vận tải hành khách (CPC 7221); dịch vụ vận tải hàng hóa (CPC 7222).

d) Dịch vụ vận tải đường sắt: bao gồm dịch vụ vận tải hành khách (CPC 7111); dịch vụ vận tải hàng hóa (CPC 7112).

đ) Dịch vụ vận tải đường bộ: bao gồm dịch vụ vận tải hành khách (CPC 7121 và 7122); dịch vụ vận tải hàng hóa (CPC 7123).

e) Các dịch vụ khác (một phần của CPC 749).

Hạn chế tiếp cận thị trường đối với các dịch vụ khác thuộc ngành dịch vụ vận tải (quy định tại Mục 11 Phần II, Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO) đến nay đã hết. Về nguyên tắc, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện các dịch vụ này phù hợp với quy định pháp luật về lô-gi-stíc.

4.Để đảm bảo triển khai thực hiện đúng cam kết gia nhập WTO về các phân ngành thuộc ngành dịch vụ vận tải (quy định tại Mục 11 Phần II, Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO), Bộ Công Thương sẽ chủ trì báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 140/2007/NĐ-CP.

Trong trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc trong cách hiểu và áp dụng cam kết WTO về một số phân ngành có liên quan đến dịch vụ vận tải, đề nghị cơ quan quản lý đầu tư phản ánh về Bộ Công Thương để được hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định./.