LUẬT SƯ NÓI GÌ VỀ VIỆC HÀ GIANG CẤM ĐƯA ONG NGOẠI VÀO ĐỊA BÀN

0
378

Lấy lý do sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, ngày 31.10.2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang đã ban hành văn bản số 1065/SNN-CNTS đề nghị UBND 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân vận chuyển ong ngoại từ các địa phương khác đến địa bàn để khai thác mật hoa bạc hà…Việc này càng làm cho cuộc tranh chấp địa bàn đặt các đàn ong giữa người dân địa phương và người nuôi ong ở địa phương khác thêm nóng. Dưới góc nhìn pháp lý, việc cấm đoán này đúng, sai ra sao?Giải quyết việc này cần có giải pháp nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thạc sỹ, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAWW, Hà Nội – chuyên gia pháp lý Luật Sở hữu trí tuệ)

Thưa luật sư, Hà Giang được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc, theo quy định của pháp luật thì Hà Giang có quyền thế nào đối với chứng nhận chỉ dẫn địa lý này?

Khi Hà Giang được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giây chứng nhận chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc thì có nghĩa Hà Giang là chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp- Mà cụ thể ở đây là chủ sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc.

Quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 123 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005; được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo đó Hà Giang có quyền: Sử dụng, cho phép người khác sử dụng; ngăn cấm người khác sử dụng và định đoạt chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ

– Tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền sử dụng, quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có các quyền:

+ Tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền cho phép người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 123, Luật SHTT (sử dụng, cho phép người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc )

+ Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định tại điểm b khoản 1, Điều 123, Luật SHTT (ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc )

Trong các quyền nêu trên thì quyền quan trọng nhất của chủ sở hữu là chống lại hành vi vi phạm và đảm bảo chất lượng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Vậy Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý này có phải là căn cứ pháp lý để Hà Giang ngăn cấm người khác mang ong ngoại đến địa bàn khai thác mật hoa bạc hà ?

Như đã nói trên, việc Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc cho UBND tỉnh Hà Giang thì có nghĩa là UBND tỉnh Hà Giang là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý này. Tuy nhiên không có nghĩa là Hà Giang được độc quyền đối với hoa bạc hà mà Hà Giang chỉ độc quyền với thương hiệu mật ong bạc hà Mèo Vạc mà thôi.

Theo quy định, những người nuôi ong lấy mật ở khu vực địa lý mà chỉ dẫn địa lý đăng ký, tự nguyện tham gia và ký cam kết cùng sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm thì sẽ bị ràng buộc về việc sử dụng mẫu chỉ dẫn địa lý; phải tuân thủ quy trình sản xuất từ giống ong, cách lấy mật theo đúng bảng mô tả mà UBND tỉnh Hà Giang đã làm hồ sơ nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ.

Những cá nhân và tổ chức khác, không phải là thành viên trong hiệp hội sử dụng chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc thì sẽ không bị ràng buộc bởi những quy định của hiệp hội. Do đó nếu những người nuôi ong không phải là thành viên hiệp hội ở Hà Giang mà lấy ong từ khu vực khác đến nuôi, sau đó lấy mật và dán nhãn là chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc là hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng nếu họ không dùng tên gọi này mà dùng một tên gọi khác và tên gọi này họ cũng đăng ký thì không vi phạm.

Ngoài những quy định về quyền của chủ sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý như trên, ngày 01 tháng 7 năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thông tư số: 25/2015/TT-BNNPTNT “ Ban hành Danh mục giống vật nuôi được sản xuất kinh doanh tại Việt Nam”. Theo đó, trong Danh mục này thì “Các giống ong nội, các giống ong Ý và các tổ hợp lai của các giống ong trên” được được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mà không bị hạn chế bởi vùng miền nào. Bởi vậy người nuôi ong được phép đưa ong Ý đến bất cứ nơi nào trên lãnh thổ của Việt Nam để nuôi.

Tại Công văn số 1065/SNN-CNTS ngày 31.10.2013 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang đã yêu cầu các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản bạ “ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân vận chuyển ong ngoại từ các địa phương khác đến địa bàn để khai thác mật hoa”. luật sư đánh giá thế nào về nội dung này?

Từ những quy định về quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và Thông tư số: 25/2015/TT-BNNPTNT mà tôi đã nói ở trên thì người nuôi ong ở nơi khác hoàn toàn có quyền đưa ong Ý đến Hà Giang nuôi nếu sản phẩm mật ong của họ không dán nhãn là chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc mà dùng tên gọi khác và tên gọi này cũng được đăng ký theo quy định của pháp luật. Do đó việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang yêu cầu bốn huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản bạ “ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân vận chuyển ong ngoại từ các địa phương khác đến địa bàn để khai thác mật hoa” tại công văn số 1065/SNN-CNTS ngày 31.10.2013 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang là trái luật.

Nhưng diện tích hoa bạc hà thì có hạn, nếu để cho người ở các địa phương khác ồ ạt đưa ong đến Hà Giang nuôi thì nguồn mật hoa sẽ cạn kiệt, chất lượng mật ong bạc hà Mèo Vạc cũng sẽ bị ảnh hưởng. Luật sư có ý kiến thế nào về vấn đề này?

Pháp luật quy định như thế thì mọi người phải tôn trọng, Hà Giang không thể là ngoại lệ. Nếu pháp luật có điểm nào bất cập thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Trong khi chưa sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ thì vẫn phải thực hiện. Hà Giang tự mình quy định ngăn cấm như thế sẽ tạo lên một vùng các cứ.

Nhưng về tâm tư tôi cũng rất chia sẻ với lãnh đạo tỉnh Hà Giang, họ cũng chỉ vì muốn bảo vệ lợi ích cho người dân địa phương mà thôi – Nhất là trong khi đời sống của người dân vùng cao còn rất khó khăn. Trong khi diện tích bạc hà có hạn, nếu người nơi khác ồ ạt đưa ong về Hà Giang nuôi thì lấy đâu ra nguồn mật hoa bạc hà? Lãnh đạo Hà Giang lo ngại nguồn mật hoa bạc hà sẽ suy kiệt là tất nhiên rồi. Ấy là chưa kể có người lợi dụng “té nước theo mưa”, thật giả lẫn lộn làm ảnh hưởng đến thương hiệu mật ong bạc hà Mèo Vạc và đời sống của những người dân nơi đây.

Tôi cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với lãnh đạo Hà Giang, ngồi lại với nhau bàn bạc cụ thể, sao cho thấu tình, đạt lý; vừa đảm bảo quy định của pháp luật, nhưng cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người nuôi ong ở Hà Giang với người nuôi ong ở nơi khác.

Nhưng như thế cũng chỉ là giải pháp nhất thời, theo luật sư cần có biện pháp gì để giải quyết tận gốc để không dẫn đến tình trạng tranh chấp lãnh địa nuôi ong?

Trên thực tế không chỉ có việc nuôi ong mới xảy ra tranh chấp lãnh địa mà việc tranh chấp còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu không giải quyết được triệt để những tranh chấp đó có khi dẫn đến hậu quả khó lường mà phần thiệt thòi nhất vẫn là người dân phải gánh chịu. Do đó đối với câu chuyện nuôi ong ở Hà Giang, tôi cho rằng phải có giải pháp căn cơ. Hà Giang cần khảo sát đánh giá kỹ lưỡng sản lượng cây bạc hà; với sản lượng đó thì có thể cung cấp mật hoa cho bao nhiêu đàn ong, trên cơ sở đó xây quy hoạch vùng nuôi ong …Căn cứ trên sự tính toán khoa học đó xây dựng quy định, quy trình khai thác hợp lý; việc này cũng không khác gì một chiếc thuyền chỉ chở được 100 người, vượt quá số đó là quá tải. Khi hiểu được điều này, mọi người chắc chắn cũng sẽ chia sẻ với thực tế khó khăn của Hà Giang. Về lâu dài, cơ quan xây dựng luật cũng cần tính đến việc quy định quyền sở hữu, khai thác những nguyên liệu có tính đặc thù để đảm bảo quyền lợi của người dân địa phương và tránh được tranh chấp xảy ra.

Cảm ơn luật sư!

Hiếu Nghĩa (thực hiện)