Nên có toàn án chuyên về sở hữu trí tuệ

0
416

Pháp luật sở hữu trí tuệ với chức năng là nền tảng pháp lý bảo vệ các tài sản trí tuệ đang được hoàn thiện và giữ vai trò quan trọng đảm bảo lợi ích của các tri thức có tài sản tư. Những quy định xác lập quyền, cơ chế bảo vệ và thực thi trong pháp luật sở hữu trí tuệ dần khắc phục tình trạng nhiều tài sản bị “lấy đi” dễ dàng. Tuy nhiên, trước tình cảnh các ca sĩ và nhà đầu tư tranh giành quyền lợi, các công ty ra sức bảo vệ nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế, người ta vẫn thấy rằng ước mơ công lý của người có tài sản trí tuệ vẫn còn xa lạ.

Khi nhận thấy sự sáng tạo bị xâm phạm, người có tài sản trí tuệ thường lên tiếng phản đối để đòi lại công bằng. Họ thường phối hợp với cơ quan hành chính hoặc tìm đến tòa án dân sự. Nhưng với đặc thù phức tạp, mang tính chuyên môn cao nên nhiều khi các cơ quan hành chính và tòa án dân sự, vốn còn nhiều mặt hạn chế, vẫn không thể giải quyết thỏa đáng.

Khi gặp trường hợp khó, các cơ quan này thay vì phải giải quyết rốt ráo thì lại thường “đá” cho nhau. Khi đó người có tài sản trí tuệ cứ loay hoay không biết quyền lợi hợp pháp của mình có được bảo vệ hay không. Bởi thế, khi kinh tế phát triển, các tranh chấp về sở hữu trí tuệ gia tăng, người dân mong có tòa án đủ năng lực để xét xử các tranh chấp về sở hữu trí tuệ.

Pháp luật sở hữu trí tuệ của nước ta hướng đến việc khuyến khích sáng tạo, thi hành đủ các loại quyền tài sản trí tuệ và đủ sức bảo vệ người có quyền đó. Từ việc bảo vệ quyền của giới văn nghệ sĩ, cho tới bảo vệ độc quyền nhãn hiệu, sáng chế của người làm khoa học. Thậm chí quyền của người sử dụng trước tài sản trí tuệ cũng được bảo hộ một cách đầy đủ. Theo điều 134 Luật Sở hữu trí tuệ, nếu được tạo ra một cách độc lập, người sử dụng tài sản trí tuệ trước sẽ không thể bị người có văn bằng bảo hộ coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh không thật sự bình đẳng giữa các cơ quan hành chính và người dân, cộng thêm sự lúng túng của những người không chuyên, nhiều khi các bằng chứng bảo vệ lợi ích hợp pháp của người có tài sản trí tuệ lại bị lãng quên. Do đó, khi tranh chấp sở hữu trí tuệ xảy ra, ước mơ công lý của người dân tại cơ quan hành chính và tại các tòa án không chuyên trở nên xa vời. Chính vì vậy, tòa án chuyên về sở hữu trí tuệ với đầy đủ năng lực sẽ góp phần đưa ra những phán quyết chính xác, giải quyết được tận gốc rễ các xâm phạm về sở hữu trí tuệ.

Tòa án chuyên về sở hữu trí tuệ càng cần thiết hơn khi việc cấp giấy chứng nhận quyền tác giả không trải qua thẩm định chặt chẽ của cơ quan công quyền. Giới văn nghệ sĩ và những người có sức sáng tạo được hưởng quyền tác giả khi tác phẩm ra đời mà không cần đơn yêu cầu công nhận. Đủ thủ tục, không thiếu hồ sơ, người dân có thêm giấy chứng nhận bảo hộ quyền tác giả và được hưởng sự bảo hộ đầy đủ của pháp luật. Tác phẩm được đăng ký thành công, được cấp giấy chứng nhận thì người chủ tác phẩm có đủ căn cứ pháp lý để thể hiện quyền tài sản của mình.

Thế nhưng, thiếu đi cơ chế thẩm định trước khi cấp giấy chứng nhận, những tác phẩm bắt chước cứ đua nhau được xác lập giấy chứng nhận. Một tác phẩm được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả từ năm 2008 có thể chỉ với những thay đổi không đáng kể về hình thức, tên gọi lại được tiếp tục cấp giấy chứng nhận trong năm 2009.

Công lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chỉ có thể đạt được nếu có tòa án đề cao quyền sở hữu trí tuệ và có thẩm phán đủ năng lực chuyên môn. Quyền tài sản trí tuệ không được bảo vệ, hành vi xâm phạm tràn lan, thì niềm tin của các nhà đầu tư cũng sẽ sụt giảm. Nếu như nhiều nước có tòa án chuyên về sở hữu trí tuệ và tạo ra một môi trường đầu tư – thương mại hiệu quả, thì Việt Nam cũng có thể mong những điều tương tự. Trước tình trạng ăn cắp bản quyền, hàng giả khắp nơi, người ta càng không thể không lo. Vì lẽ đó, cho ra đời sớm một hệ thống tòa án chuyên xét xử về sở hữu trí tuệ là việc làm cần thiết để khuyến khích sự sáng tạo của mỗi người dân.

Trích dẫn từ:http://www.thesaigontimes.vn/

THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN – LÊ TRỌNG DŨNG – Công ty TNHH Luật Gia Phạm

Trích dẫn từ:http://www.thesaigontimes.vn/