Người tham gia tố tụng vắng mặt trong phiên tòa lao động thì xử lý như thế nào?

0
402

Khi tòa án mở phiên tòa để xét xử tất cả những người tham gia tố tụng phải được triệu tập tham gia phiên tòa, gồm có: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định và người phiên dịch. Ngoài ra Viện kiểm sát cử kiểm sát viên tham gia phiên tòa.

Về sự vắng mặt của những người tham gia tố tụng được triệu tập tham gia phiên tòa còn tồn tại nhiều quan điểm.

– Quan điểm thứ nhất: Triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt là hai lần được tòa án triệu tập và cả hai lần đương sự vắng mặt. Như vậy mỗi đương sự được vắng mặt một lần. Do đó một vụ án có bao nhiêu đương sự thì có khả năng phải hoãn phiên tòa bấy nhiêu lần.

– Quan điểm thứ hai: Phải lấy số lần tống đạt hợp lệ giấy triệu tập để tính. Nếu đương sự đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai thì dù phiên tòa thứ nhất đương sự có mặt hay không có mặt mà phiên tòa thứ hai vắng mặt thì vẫn được coi là đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hay xét xử vắng mặt đương sự.

Ví dụ: Phiên tòa lần 1 có mặt nguyên đơn, vắng mặt bị đơn: Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa. Phiên tòa lần 2 có mặt bị đơn, vắng mặt nguyên đơn, nếu nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ thì tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Hoặc phiên tòa lần 1 có mặt bị đơn, vắng mặt nguyên đơn – phiên tòa hoãn. Phiên tòa lần 2 có mặt nguyên đơn, vắng mặt bị đơn (không có lý do chính đáng), nếu bị đơn đã được triệu tập hợp lệ Tòa án xét xử vắng mặt bị đơn.

Thực tế giải quyết án tranh chấp lao động cá nhân cho thấy tại nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn các tỉnh phía Nam, đội ngũ nhân viên bảo vệ đông đảo, chuyên nghiệp, thường xuyên có sự thay đổi nhân viên. Khi tòa án đến doanh nghiệp để tống đạt các quyết định, bản án hoặc thông báo của tòa án, vì không có lệnh của chủ doanh nghiệp nên nhân viên bảo vệ không cho cán bộ tòa án vào doanh nghiệp, do đó cán bộ tòa án phải giao văn bản cho nhân viên bảo vệ. Về đánh giá tính hợp lệ của việc tống đạt này giữa các tòa án có sự khác nhau. Có tòa cho rằng việc tống đạt trên đã hợp lệ, có tòa cho rằng tống đạt như vậy chưa hợp lệ. Chính vì vậy, thực tế xảy ra một số trường hợp như tòa án cấp sơ thẩm cho rằng đã tống đạt hợp lệ giấy triệu tập 02 lần nhưng đương sự vẫn vắng mặt nên đã xử vắng mặt đương sự, nhưng đến cấp phúc thẩm cho rằng thủ tục tống đạt không hợp lệ nên đã hủy án sơ thẩm.

Điều 175 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng như sau:

1. Người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng phải trực tiếp chuyển giao cho người được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng có liên quan. Người được cấp, tống đạt, thông báo phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.

  1. Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính phải bằng thư bảo đảm và có xác nhận của người nhận văn bản tố tụng.

Văn bản có xác nhận phải được chuyển lại cho Tòa án.

Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ xác nhận đã nhận được văn bản tố tụng do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến”.

Như vậy nếu có đủ căn cứ xác định nhân viên bảo vệ được giao nhiệm vụ nhận văn bản thì phải yêu cầu nhân viên đó ký xác nhận, ghi rõ họ tên, số chứng minh nhân dân, số thẻ nhân viên. Trường hợp không có căn cứ xác định là nhân viên bảo vệ được giao nhiệm vụ nhận văn bản tố tụng thì cán bộ tòa án phải yêu cầu được vào trụ sở doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ tống đạt. Nếu nhân viên bảo vệ không cho cán bộ tòa án vào trong trụ sở doanh nghiệp để tống đạt thì tòa án tiến hành niêm yết công khai văn bản tố tụng theo Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.