Nhà thầu tự ý thay đổi chủng loại vật tư khi thực hiện hợp đồng có được không?

0
1420

Câu hỏi: Tôi là Thắng, ở Hà Nội. Quý công ty tư vấn giúp tôi trường hợp sau:

Trong hồ sơ dự thầu, nhà thầu có nêu rõ là cáp thép sử dụng trong thiết bị đó là có xuất xứ từ Mỹ. Tuy nhiên trong quá trình nhà thầu thực hiện lắp ráp chạy thử trước khi bàn giao đến công trường thì đã thay đổi thành loại của Trung Quốc và không báo cáo chủ đầu tư. Đến khi có đoàn kiểm tra vào thì mới xác nhận là có sự thay đổi. Bên nhà thầu giải thích do bên CĐT yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nên phải thay đổi loại cáp thép của Trung Quốc, thời gian nhập từ Trung Quốc nhanh hơn và giải thích tiêu chuẩn 2 loại là như nhau. Sau khi có yêu cầu làm rõ của CĐT thì nhà thầu đồng ý tăng thời gian bảo hành của sản phẩm và không thay đổi về giá trị HĐ. Và có thương thảo nếu CĐT giữ nguyên thời gian thực hiện HĐ ban đầu thì sẽ thay loại cáp Mỹ bỏ loại TQ. Như vậy, khi nhà thầu thay đổi chủng loại mà chưa báo cáo CĐT thì có sai không? Và nhà thầu có phải đàm phán về giá với bên CĐT không vì đã thay đổi từ Mỹ thành Trung Quốc. Và việc CĐT chấp thuận cho bên nhà thầu thay đổi chủng loại khi chưa xin phép cấp quyết định đầu tư đúng hay không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trước hết, giữa chủ đầu tư và bên nhà thầu sẽ căn cứ theo hợp đồng để làm cơ sở thực hiện dự án. Hợp đồng được ký kết giữa các bên phải phù hợp với nội dung hồ sơ mời thầu (HSMT), HSDT, kết quả thương thảo hợp đồng, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Khoản 32 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 có quy định:

Hợp đồng là văn bản thỏa thuận giữa chủ đầu tư với nhà thầu được lựa chọn trong thực hiện gói thầu thuộc dự án; giữa bên mời thầu với nhà thầu được lựa chọn trong mua sắm thường xuyên; giữa đơn vị mua sắm tập trung hoặc giữa đơn vị có nhu cầu mua sắm với nhà thầu được lựa chọn trong mua sắm tập trung; giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư được lựa chọn hoặc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư được lựa chọn và doanh nghiệp dự án trong lựa chọn nhà đầu tư”.

Theo đó, Khoản 3 Điều 65 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định:

Hợp đồng được ký kết giữa các bên phải phù hợp với nội dung trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, kết quả thương thảo hợp đồng, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu”.

Như vậy trước khi xem xét, quyết định chấp nhận hay không đề xuất của nhà thầu, chủ đầu tư cần kiểm tra các thông tin mà nhà thầu cung cấp. Trường hợp chính sách nguồn cung cấp hàng hóa từ xuất xứ Mỹ sang Trung Quốc của nhà sản xuất được thay đổi trước khi nhà thầu nộp HSDT thì đề xuất của nhà thầu như trên là không phù hợp; trong trường hợp này, chủ đầu tư cần xem xét, không chấp thuận đề xuất của nhà thầu.

 Đối chiếu với trường hợp trên sau khi đã trúng thầu đã thực hiện dự án bên nhà thầu mới thay đổi chính sách về nguồn cung cấp hàng hóa và là tình huống khách quan, không lường trước được của nhà thầu khi lập HSDT thì chủ đầu tư có thể xem xét, chấp thuận việc thay đổi xuất xứ hàng hóa theo đề nghị của nhà thầu song phải bảo đảm hàng hóa được đề xuất thay thế vẫn đáp ứng tất cả các yêu cầu về mặt kỹ thuật cũng như chất lượng theo yêu cầu của HSMT.  Còn khi này chủ đầu tư tự ý thay đổi chủng loại khi chưa thỏa thuận điều chỉnh hợp đồng mà không phải vì lý do khách quan không lường trước như vậy là sai phạm. Nếu phía chủ đầu tư cũng đồng ý vưới sự thay đổi này thì chủ đầu tư và nhà thầu cần đàm phán về giá hợp đồng và các rủi ro có thể xảy ra do việc cung cấp hàng hóa không theo đúng xuất xứ như cam kết trong HSDT và hợp đồng đã ký giữa hai bên.