Nội dung cơ bản của Điều lệ gồm những vấn đề gì?

0
341

Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định nội dung Điều lệ công ty gồm các vấn đề cơ bản sau đây:

1. Tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện.

2. Ngành, nghề kinh doanh.

3. Vốn điều lệ; cách thức tăng và giảm vốn điều lệ.

4. Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.

5. Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần của cổ đông sáng lập, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại đối với công ty cổ phần.

6. Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần.

7. Cơ cấu tổ chức quản lý.

8. Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

9. Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ.

10. Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên.

11. Những trường hợp thành viên có thể yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần.

12. Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh.

13. Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty.

14. Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.

15. Họ, tên, chữ ký của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của người đại diện theo pháp luật, của chủ sở hữu công ty, của các thành viên hoặc người đại diện theo uỷ quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của người đại diện theo pháp luật, của các cổ đông sáng lập, người đại diện theo uỷ quyền của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.

16. Các nội dung khác do thành viên, cổ đông thoả thuận nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

Các vấn đề cơ bản phải có trong Điều lệ theo quy định tại Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2005 có một số điểm chưa hợp lý. Ví dụ, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định chữ ký người đại diện theo pháp luật là một phần cấu thành của nội dung Điều lệ công ty tạo ra rất nhiều bất cập. Các tình huống sau đây sẽ làm rõ sự bất cập này:

 Tình huống: Ông Nguyễn Văn A tuyên bố như sau: “Nếu thực hiện theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 thì tôi chỉ mất chức Tổng giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty khi tôi chết vì tôi đang sở hữu 25,1% cổ phần có quyền biểu quyết”.

Tuyên bố trên của ông A đúng hay sai?

Có ý kiến cho rằng tuyên bố trên của ông Nguyễn Văn A là đúng vì: khoản 3 Điều 29 Nghị định 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh quy định hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần phải có biên bản họp và quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Khoản 3 Điều 29 Nghị định 88/2006/NĐ-CP quy định như trên là do khoản 15 Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định rằng chữ ký của người đại diện theo pháp luật là một phần nội dung Điều lệ công ty. Vì vậy, khi công ty thay đổi người đại diện theo pháp luật thì chữ ký của người đại diện theo pháp luật trong Điều lệ công ty sẽ phải thay đổi theo. Do đó, việc thay đổi người đại diện theo pháp luật sẽ kéo theo việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty. Mà việc sửa đổi bổ sung Điều lệ công ty phải được ít nhất 75% cổ phần có quyền biểu quyết thông qua (điểm b khoản 3 Điều 104, khoản 5 Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2005). Cho nên, nếu một người sở hữu 25,1% cổ phần có quyền biểu quyết là có thể phủ quyết việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty cũng tức là phủ quyết được việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty. Trên thực tế, còn có một Điều lệ quy định việc sửa đổi bổ sung Điều lệ phải được 85% cổ phần có quyền biểu quyết thông qua và có một cổ đông tư nhân mua gom được 15,6% đã phủ quyết mọi vấn đề thuộc thẩm quyền Đại hội đồng cổ đông.

Có ý kiến lại cho rằng tuyên bố của ông Nguyễn Văn A là sai vì: Theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 108 Luật Doanh nghiệp 2005 thì việc thay đổi Tổng giám đốc hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị nên trường hợp công ty cổ phần có người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc thì khi thay đổi người đại diện theo pháp luật không cần phải có biên bản họp và quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Ngoài ra, khoản 3 Điều 29 Nghị định 88/2006/NĐ-CP quy định khi công ty cổ phần thay đổi người đại diện theo pháp luật cần phải có biên bản họp và quyết định của Đại hội đồng cổ đông chỉ đúng với hai trường hợp: thứ nhất, nếu người đại diện theo pháp luật là chủ tịch Hội đồng quản trị và Điều lệ công ty quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị do Đại hội đồng cổ đông bầu thì lúc đó việc thay đổi người đại diện theo pháp luật mới thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông và do vậy mới cần phải có biên bản họp và quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Thứ hai, nếu thay đổi người đại diện theo pháp luật từ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị sang chức danh Tổng giám đốc hoặc ngược lại thì mới cần Đại hội đồng cổ đông thông qua vì lúc này việc thay đổi người đại diện theo pháp luật liên quan đến việc sửa đổi Điều lệ công ty.

Như vậy, có sự không hợp lý khi thiết kế nội dung Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2005. Đáng lẽ không nên quy định chữ ký người đại diện theo pháp luật là một phần nội dung Điều lệ công ty để tránh rắc rối. Ngoài ra, cần có hướng dẫn cụ thể việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần.

Tình huống: Công ty cổ phần S là một công ty niêm yết, có Điều lệ công ty tương tự như Điều lệ mẫu được ban hành kèm theo Quyết định 15/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài Chính. Theo Điều lệ công ty thì Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật. Tháng 10/2007, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty lấy ý kiến các thành viên Hội đồng quản trị bằng văn bản về việc bãi miễn Tổng giám đốc cũ và bổ nhiệm Tổng giám đốc mới. (Tổng giám đốc cũ là một trong 5 thành viên Hội đồng quản trị). Kết quả kiểm phiếu cho thấy có 3/4 phiếu biểu quyết đồng ý, 1/4 phiếu không có ý kiến (theo khoản 5 Điều 31 Điều lệ mẫu thì việc bãi miễn Tổng giám đốc cũ phải được ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng quản trị biểu quyết tán thành và trong trường hợp này không tính biểu quyết của Tổng giám đốc). Sau khi có kết quả lấy ý kiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị thay mặt Hội đồng quản trị ký Quyết định bãi miễn Tổng giám đốc cũ và bổ nhiệm Tổng giám đốc mới.

Tổng giám đốc cũ tuyên bố việc bổ nhiệm Tổng giám đốc mới chưa có hiệu lực vì: Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 14 Điều lệ mẫu thì việc bổ nhiệm Tổng giám đốc mới của Hội đồng quản trị phải được Đại hội đồng cổ đông phê chuẩn. Do đó, chưa có ai để bàn giao nên Tổng giám đốc cũ vẫn tiếp tục làm việc cho đến khi Tổng giám đốc mới được Đại hội đồng cổ đông phê chuẩn. Ngoài ra, Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật, mà việc thay đổi người đại diện theo pháp luật theo khoản 3 Điều 29 Nghị định 88/2006/NĐ-CP cần phải có Biên bản và Quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Dựa vào các căn cứ pháp lý trên, Tổng giám đốc cũ nhất định không chịu bàn giao công việc, sổ sách, con dấu công ty (thậm chí còn mua một két sắt cho đặt tại Phòng Tổ chức hành chính để cất con dấu còn bản thân mình thì giữ chìa khóa và mã mở két)

Chủ tịch Hội đồng quản trị lập luận rằng theo quy định tại điểm i khoản 3 Điều 25 Điều lệ mẫu và điểm h khoản 2 Điều 108 Luật Doanh nghiệp 2005 thì Hội đồng quản trị có toàn quyền bãi miễn Tổng giám đốc cũ và việc bãi miễn này không cần phải phê chuẩn của Đại hội đồng cổ đông nên người bị bãi miễn không còn là Tổng giám đốc nữa. Còn đối với việc bổ nhiệm Tổng giám đốc mới cần phải có sự phê chuẩn của Đại hội đồng cổ đông mới có hiệu lực thì trong thời gian chờ phê chuẩn của Đại hội đồng cổ đông, người được bổ nhiệm giữ chức vụ Quyền Tổng giám đốc. Việc Tổng giám đốc cũ không bàn giao công việc, sổ sách, con dấu là không đúng quy định.

Câu hỏi được đặt ra: Quyết định bãi miễn Tổng giám đốc cũ và bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới có hiệu lực khi nào?

Theo quy định tại Điều lệ công ty thì Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật nên việc thay đổi Tổng giám đốc đồng thời làm thay đổi người đại diện theo pháp luật. Nhưng theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 88/2006/NĐ-CP thì việc thay đổi người đại diện theo pháp luật phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua nên việc thay đổi Tổng giám đốc cũng phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Ngoài ra, theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 14 Điều lệ Công ty thì việc bổ nhiệm Tổng giám đốc mới của Hội đồng quản trị phải được Đại hội đồng cổ đông phê chuẩn. Do đó, quyết định bãi miễn Tổng giám đốc cũ và bổ nhiệm Tổng giám đốc mới chỉ có hiệu lực khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Như vậy, quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 88/2006/NĐ-CP và điểm e khoản 2 Điều 14 Điều lệ mẫu hiện nay rất bất cập và gây ảnh hưởng lớn đến quản trị công ty. Câu hỏi đặt ra là nếu Đại hội đồng cổ đông không phê chuẩn việc bổ nhiệm Giám đốc/Tổng giám đốc của Hội đồng quản trị thì sao? Lúc này sẽ có tình trạng công ty không bổ nhiệm được Giám đốc/Tổng giám đốc do sự không đồng thuận giữa HĐQT và Đại hội đồng cổ đông dẫn đến gián đoạn hoạt động kinh doanh do phải chờ Hội đồng quản trị giới thiệu người khác và đợi xin ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông (nếu Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông không đồng thuận thì quá trình này kéo dài không xác định). Trường hợp, Giám đốc/Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật thì hậu quả còn nặng nề hơn nữa.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 88/2006/NĐ-CP, hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật phải có bản sao biên bản, quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc thay thế người đại diện theo pháp luật. Đối chiếu với quy định của Luật Doanh nghiệp ta thấy chỉ có hai trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật do Đại hội đồng cổ đông quyết định: (i) thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật thành Giám đốc/Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật và ngược lại; (ii) Chủ tịch Hội đồng quản trị do Đại hội đồng cổ đông bầu trực tiếp và là người đại diện theo pháp luật. Các trường hợp khác, việc thay đổi người đại diện theo pháp luật đều là thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc/Tổng giám đốc đều thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng quản trị.

Nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh lập luận rằng khoản 3 Điều 29 Nghị định 88/2006/NĐ-CP phù hợp với khoản 15 Điều 22 Luật Doanh nghiệp. Khoản 15 Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định rằng chữ ký của người đại diện theo pháp luật công ty cổ phần là một phần nội dung Điều lệ công ty cho nên nếu công ty cổ phần thay đổi người đại diện theo pháp luật thì chữ ký của người đại diện theo pháp luật trong Điều lệ công ty sẽ phải thay đổi theo. Do đó, cơ quan đăng ký kinh doanh cho rằng việc thay đổi người đại diện theo pháp luật sẽ kéo theo việc thay đổi nội dung Điều lệ công ty vì chữ ký của người đại diện theo pháp luật cũng là một nội dung của Điều lệ, mà thay đổi nội dung Điều lệ công ty phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua với tỷ lệ tối thiểu là 75% số cổ phần có quyền biểu quyết có mặt tại cuộc họp thông qua.

Như vậy, quy định chữ ký người đại diện theo pháp luật là một phần nội dung Điều lệ công ty tạo ra những hệ quả pháp lý rất nghiêm trọng. Lúc này, Hội đồng quản trị chỉ có quyền tiến cử/ đề cử Giám đốc/Tổng giám đốc chứ không còn quyền bổ nhiệm.

Hai tình huống trên cho chúng ta thấy những bất cập rất lớn khi tiến hành các thủ tục theo Nghị định 88/2006/NĐ-CP để thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2010/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày 01/06/2010) thay thế Nghị định 88/2006/NĐ-CP. Theo quy định tại Điều 38 Nghị định 43/2010/NĐ-CP thì trong hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần cần có quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty làm thay đổi nội dung điều lệ công ty, của Hội đồng quản trị trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty không làm thay đổi nội dung điều lệ công ty.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào giải thích rõ trường hợp nào làm thay đổi nội dung Điều lệ, trường hợp nào thì không. Có người nêu ra ý kiến như sau: Khoản 22 Điều 15 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định chữ ký người đại diện theo pháp luật là một phần nội dung Điều lệ, vậy liệu rằng khi thay đổi người đại diện theo pháp luật có làm thay đổi nội dung Điều lệ không? Có lẽ cần thêm một văn bản giải thích rõ vấn đề này để cơ quan đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp thực hiện thống nhất.

Theo Luật gia: Cao Bá Khoát và Luật sư : Trần Hữu Huỳnh.