Phân biệt giữa sáng chế và giải pháp hữu ích

0
405

Trong chuyên mục Sở hữu trí tuệ của website thương hiệu 24h có bài phỏng vấn luật sư Phạm Duy Khương, giám đốc Sở hữu trí tuệ SBLAW của phóng viên Hồng Tiệp về sự khác biết giữa sáng chế và giải pháp hữu ích, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn này:

(Thương hiệu 24h) “Hiện nay có rất nhiều người nhầm lẫn rằng sáng chế và giải pháp hữu ích là một. Đây là nhận định sai lầm về luật sở hữu trí tuệ, do đó dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc”. Đó là nhận định của Thạc sỹ, luật sư Phạm Duy Khương giám đốc SHTT công ty luật SBLAW. 

Thuonghieu24h.com.vn đã trao đổi với luật sư Duy Khương về vấn đề này. Với góc nhìn và phân tích của chuyên gia sẽ giúp các bạn hiểu hơn về sáng chế và giải pháp hữu ích.

PV: Thưa ông thế nào là sáng chế và giải pháp hữu ích?

Thạc sỹ, luật sư Phạm Duy Khương: Sáng chế và giải pháp hữu ích là hai thuật ngữ luôn đi cùng với nhau trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ. Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Theo luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, sáng chế được chia thành hai dạng, bao gồm: Sáng chế và giải pháp hữu ích.

Một phát minh được bảo hộ dưới dạng độc quyền sáng chế phải là sản phẩm hoàn toàn mới, có tính sáng tạo cao mà người bình thường không thể nghĩ ra được. Nó có khả năng ứng dụng trong công nghiệp và đời sống. Được bảo hộ trong vòng 20 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ.

Còn giải pháp hữu ích là những sản phẩm chế tạo ra nhằm cải tiến hoặc làm tăng thêm chức năng của các sáng chế đã có trước đó. Thiết bị này góp phần làm cho sản phẩm trở nên hữu ích hơn, bằng độc quyền giải pháp hữu ích được bảo hộ trong thời gian 10 năm.

PVGiữa sáng chế và giải pháp hữu ích có điểm gì giống và khác nhau, thưa ông?

Thạc sỹ, luật sư Phạm Duy KhươngSáng chế và giải pháp hữu ích đều có điểm giống nhau đó là: Cả hai đều là giải pháp kỹ thuật nhất định. Tuy nhiên điểm khác nhau cơ bản giữa sáng chế và giải pháp kỹ thuật là về mặt pháp lý.

Đó chính là điều kiện bảo hộ, sáng chế được bảo hộ phải đáp ứng ba tiêu chí đó là: Có tính mới, có tính sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp. Còn đối với giải pháp hữu ích thì chỉ cần đáp ứng có hai tiêu chí để được bảo hộ đó là: Có tính mới, có khả năng áp dụng công nghiệp.

Khác biệt thứ hai giữa sáng chế và giải pháp hữu ích đó là thời hiệu bảo hộ độc quyền. Sáng chế được bảo hộ trong vòng 20 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ. Đối với giải pháp hữu ích được bảo hộ trong thời gian 10 năm.

PV: Như vậy ai là người có quyền đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích?

Thạc sỹ, luật sư Phạm Duy Khương:  Một trong những đối tượng sau đây có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích:

Tác giả là người tạo ra sáng chế, giải pháp hữu ích bằng công sức và chi phí của mình.

Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả, dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Trường hợp nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí, phương tiện vật chất, kỹ thuật thì quyền đăng ký thuộc về tổ chức, cơ quan được nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ này sẽ có trách nhiệm đại diện cho nhà nước để đăng ký.

Trong trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, giải pháp hữu ích thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký này chỉ được thực hiện khi tất cả các tổ chức, cá nhân đó đều đồng ý.

Trường hợp nhà nước góp một phần kinh phí, điều kiện kỹ thuật thì một phần đăng ký tương ứng với tỷ lệ góp vốn thuộc về nhà nước.

Trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở hợp tác nghiên cứu giữa cơ quan nhà nước với tổ chức cá nhân khác, nếu trong hợp đồng hợp tác không có quy định nào khác, thì phần quyền đăng ký tương ứng với tỷ lệ đóng góp của nhà nước trong việc hợp tác nghiên cứu.

Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký thì có quyền chuyển giao quyền đăng ký đó cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, có quyền để thừa kế quyền nộp đơn, hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật, kể cả trong trường hợp đã nộp đơn đăng ký (Điều 86 Luật SHTT, Điều 9 nghị định 103/2006/NĐ-CP).

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Hồng Tiệp (thuonghieu24h.com.vn)