Ý nghĩa của việc phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp

0
378

SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài trả lời phỏng vấn của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW với Đài Truyền hình Hòa Bình trong chương trình Sở hữu Trí tuệ và cuộc sống với chủ đề Tầm quan trọng của việc phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

PV: Xin kính chào quý vị và các bạn.

Thưa quý vị và các bạn, Trong xu thế phát triển và hội nhâp kinh tế như hiện nay thì tài sản trí tuệ được coi như là một tài sản lớn, hữu ích ngày càng được các doanh nghiệp coi trọng.

 Vai trò của quyền sở hữu trí tuệ và đặc biệt là quyền sở hữu công nghiệp có ý nghĩa ngày càng lớn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, lưu thông hàng hóa của mỗi tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh.

 Chính vì vậy mặc dù trong nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc sản xuất kinh doanh thì đứng trước những thách thức và khó khăn không nhỏ nhưng các doanh nghiệp vẫn nỗ lực giữ vững tài sản trí tuệ và vượt qua khó khăn để giữ vững thương hiệu.

 Trong chương trình tọa đàm ngày hôm nay các khách mời sẽ trao đổi với quý vị và các bạn về giá trị của tài sản trí tuệ, những kinh nghiệm trong phát triển tài sản trí tuệ và những điều cần quan tâm trong vấn đề này.

 Xin chào. Xin cám ơn các vị khách mời đã tham gia buổi tọa đàm của chúng tôi hôm nay.

Qúy vị và các bạn thân mến. Vấn đề về tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ hiện nay cũng không còn quá xa lạ đối với mọi người nữa. Tuy nhiên để dễ hiểu và dễ nhớ xin Ông có thể giải thích rõ hơn thế nào là tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ là gì để khán giả được biết không ạ?

 Luật sư: Để khán giả có thể hiểu một cách dễ dàng nhất thì tài sản trí tuệ là các thành quả trí tuệ do con người tạo ra thông qua các hoạt động sáng tạo như: các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học (trong đó có âm nhạc, hội họa, điêu khắc, điện ảnh ….)

Hay như các sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật (sáng chế, kiểu sáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý hay giống cây trồng). Tất cả nhưng đều đó đều được coi là tài sản.

Và các tài sản này được bảo hộ với pháp luật thì được gọi là quyền sở hữu trí tuệ.

Quyền sở hữu trí tuệ gồm có 3 loại:

Loại thứ nhất là quyền tác giả và quyền liên quan tới tác giả

Quyền thứ 2 là quyền sở hữu công nghiệp

Quyền thứ 3 là quyền đối với giống cây trồng

PV: Vậy! Xin luật sư cho biết giá trị và tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ như thế nào ạ?

 Luật sư: Bất cứ một sản phẩm mới nào vào thị trường và thu hút khách hàng thành công, không sớm thì muộn sẽ bị đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm giống hoặc tương tự.

Trong một số trường hợp, đối thủ cạnh tranh sẽ hưởng lợi từ việc tiết kiệm về quy mô sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn, có quan hệ tốt hơn với các nhà phân phối chính hoặc tiếp cận với các nguồn nguyên liệu thô rẻ hơn và do đó, có thể sản xuất một sản phẩm tương tự hoặc giống hệt với giá thành rẻ hơn, tạo áp lực nặng nề lên nhà sáng tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ nguyên gốc.

Đôi khi điều này sẽ đẩy nhà sáng tạo gốc ra khỏi thị trường, đặc biệt khi họ đã đầu tư đáng kể vào việc phát triển sản phẩm mới thì đối thủ cạnh tranh lại hưởng lợi từ kết quả đầu tư đó và chẳng mất thời gian và tài chính đầu tư cho thành quả sáng tạo và sáng chế của nhà sáng tạo gốc.

Đây là lý do quan trọng duy nhất để các doanh nghiệp phải cân nhắc khi sử dụng hệ thống SHTT để bảo vệ sản phẩm sáng tạo và sáng chế của mình nhằm mang lại cho họ các quyền độc quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tác phẩm văn học nghệ thuật và các tài sản vô hình khác.

Bảo hộ theo pháp luật SHTT mang lại quyền sở hữu đối với tác phẩm sáng tạo hoặc đổi mới, do đó hạn chế phạm vi sao chép và bắt chước của đối thủ cạnh tranh một cách đáng kể.

Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ có 3 nội dung quan trọng:

 Thứ nhất là Thúc đẩy sự sáng tạo. Như các sản phẩm chúng ta thấy trên thị trường mỗi ngày được cải tiến nên có nhiều các sản phẩm mới. Mà thường

Thứ hai là giúp cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, phát triển thị trường, giúp người tiêu dùng nhận biết và so sánh được về chất lượng giữa các sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác nhau cũng như nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm .

Thứ ba là là thúc đẩy cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bởi quyền sở hữu trí tuệ là điều kiện để Việt Nam gia nhập vào Tổ chức thương mại quốc tế WTO. Và thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển qua Việt Nam hoặc ngược lại.

PV: Xin cám ơn ý kiến vừa rồi của luật sư

Thưa quý vị và các bạn. Các doanh nghiệp ngày càng xác định rõ giá trị và tầm quan trọng của tài sản trí tuệ và sự cần thiết phải xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp đang đứng trước những khó khăn trong việc bảo vệ và phát huy tài sản trí tuệ.

 Và trong điều kiện nền kinh tế khó khăn chung hiện nay thì các doanh nghiệp phải đứng trước những thách thức không nhỏ. Trong năm 2012 và năm 2013 là thời gian mà nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng phải đứng trước khủng hoảng về kinh tế.

 Vậy xin được hỏi LS trước những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải như hiện nay thì việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa như thế nào tới việc xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp không ạ? 

 Luật sư: Việc sang tạo ra các tài sản sở hữu trí tuệ và tiến hành xác lập quyền thành công đối với các tài sản đó cần rất nhiều nguồn lực của doanh nghiệp. Các nguồn lực đó là con người, tài chính và các yếu tố khác.

Khi tổng thể nền kinh tế rơi vào khó khăn, khủng hoảng, các doanh nghiệp cũng gặp vô vàn khó khăn thì việc đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo ra các đối tượng sở hữu trí tuệ như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp lại càng khó khăn hơn.

 Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, bị đẩy tới bước đường cùng thì lúc đó, nội lực của doanh nghiệp sẽ được phát huy một cách tốt nhất.

 Càng trong khó khăn, doanh nghiệp lại càng cần phải tập trung nghiên cứu, có các giải pháp sáng tạo để tạo ra nội lực, giá trị cho doanh nghiệp.

 Vì vậy, trong thời kỳ khó khăn, các doanh nghiệp cần cắt giảm các chi phí không cần thiết, tuy nhiên, chi phí để thúc đẩy sáng tạo, tạo ra tài sản là giá trị thương hiệu thì doanh nghiệp vẫn nên đầu tư.

  PV: Xin cám ơn câu trả lời của luật sư. Thưa quý vị và các bạn thực tế đã cho thấy hiện nay các doanh nghiệp đã tự chủ động xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho mình. Như trong 3 tháng đầu năm 2014 đã 5294 đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Qua số liệu trên thì luật sư có đánh giá như thế nào về tình hình thực thi quyền sở hữu công nghiệp của nước ta hiện nay?

Luật sư: Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ trong 3 tháng đầu năm 2014 từ tháng 1/2014 đến tháng cuối tháng 3/2014 đã có 5294 đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Và cũng trong 3 tháng năm 2014, Cục đã cấp 3597 văn bằng bảo hộ cho các chủ sở hữu.

Theo tôi những con số trên đã cho thấy các doanh nghiệp trên cả nước đã nhận thức được nhiều hơn về tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp nói chung.

Các doanh nghiệp đã dần dần hiểu rõ được rằng việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ chính là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ cho thương hiệu cũng như các sản phẩm của công ty.

Nó làm đòn bẩy để phát triển mạnh việc xây dựng cho thương hiệu của chính doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng cho thấy tình hình thực thi quyền sở hữu công nghiệp của nước ta hiện nay đang có chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên so với một số các nước trên thế giới thì cần đẩy mạnh việc tuyên truyền và phổ biến cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp cùng tham gia bảo vệ tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp. Để góp phần thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

PV: Vậy xin luật sư có thể chia sẻ một số lời khuyên cho các doanh nghiệp để họ có thể quản lý và xây dựng tốt quyền sở hữu trí tuệ của mình, từ đó giúp cho các doanh nghiệp biết cách khai thác tốt tài sản sở hữu trí tuệ được không ạ?

Luật sư: Cũng như nhiều lĩnh vực khác, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ là một trong những nội dung mà các doanh nghiệp cần hết sức quan tâm, nhất là trong điều kiện nền kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ khi tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì ít hay nhiều đều liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

Vì vậy việc đầu tư để tạo dựng, đăng ký, sử dụng, phát triển và bảo vệ các tài sản trí tuệ là hết sức cần thiết đối với bất cứ một doanh nghiệp nào, nhất là khi các tài sản trí tuệ ngày càng trở lên quan trọng đối với mỗi nền kinh tế và doanh nghiệp trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Để quản lý và xây dựng tốt được các tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp đạt hiệu quả nhất giúp nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của doanh nghiệp thì tôi có một số lời khuyên như sau:

Việc đầu tiên của quản lý tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp cần làm, đó là thống kê, đánh giá và phân loại các tài sản trí tuệ hiện có trong doanh nghiệp.

Việc thống kế các tài sản trí tuệ cần được thực hiện dựa theo bản chất và quy định của pháp luật đối với từng đối tượng. Nếu tài sản trí tuệ là các đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp thì có thể thuộc một trong hai loại sau:

Loại thứ nhất gồm các đối tượng mà quyền sở hữu công nghiệp được xác lập không cần đăng ký, như tên thương mại, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu nổi tiếng; loại thứ hai gồm các đối tượng mà quyền sở hữu công nghiệp chỉ được xác lập thông qua đăng ký sáng chế, đăng ký kiểu dáng công nghiệp và đăng ký nhãn hiệu.

Với các đối tượng sở hữu công nghiệp mà quyền được xác lập thông qua đăng ký như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu… thì doanh nghiệp cần xác định xem thực trạng các đối tượng đó ra sao, hiện doanh nghiệp có bao nhiêu sáng chế, sáng chế nào đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền, sáng chế nào chưa đăng ký.

Tương tự như vậy, cũng xác định xem doanh nghiệp có bao nhiêu nhãn hiệu, bao nhiêu kiểu dáng công nghiệp, cái nào đã đăng ký và cái nào chưa đăng ký.

Tiếp theo việc thống kê, đánh giá các đối tượng, doanh nghiệp cần thực hiện việc đăng ký các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu mà doanh nghiệp chưa đăng ký.

 

Về nguyên tắc, nhà nước chỉ cấp một văn bằng bảo hộ cho sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu nào thỏa mãn tiêu chuẩn bảo hộ nhưng nộp đơn sớm nhất (kể cả đơn của người nước ngoài). Vì vậy khi thực hiện đăng ký, doanh nghiệp cần phải đánh giá khả năng bảo hộ từng đối tượng.

Khi các đối tượng sở hữu công nghiệp của doanh nghiệp đã được nhà nước bảo hộ (được cấp bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hay có được tên thương mại, bí mật kinh doanh đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ) thì doanh nghiệp phải tổ chức việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các đối tượng đó nhằm bù đắp những chi phí nghiên cứu, đăng ký và quan trọng là tạo ra lợi nhuận do cơ chế độc quyền mang lại.

Nếu chỉ đăng ký mà không sử dụng hoặc sử dụng không có hiệu quả thì việc đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp trở nên vô nghĩa, thậm chí còn lãng phí và tốn kém không đáng có.

Việc sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có thể do chính doanh nghiệp thực hiện hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp khác tiến hành dưới hình thức li-xăng (bán quyền sử dụng) nhưng phải thông qua hợp đồng bằng văn bản (hợp đồng li-xăng). Ví dụ chủ sở hữu sáng chế “Lon có khuyên kéo” bán quyền sử dụng (li-xăng) cho CocaCola với giá 148.000 bảng Anh/mỗi ngày.

Nếu việc sử dụng không có hiệu quả thì doanh nghiệp có thể tiến hành bán đứt (chuyển giao quyền sở hữu) để bù đắp lại những chi phí đã bỏ ra, như nhãn hiệu P/S đã được chủ sở hữu bán với giá 5 triệu USD (năm 1986).

Tiếp đến, doanh nghiệp cần chủ động và phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chống lại những hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình, nhằm bảo vệ quyền đối với các tài sản trí tuệ được nhà nước bảo hộ.

Để thực hiện các nội dung nhằm quản trị tốt các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp có thể tự làm trên cơ sở tổ chức bộ phận (hoặc chuyên gia) chuyên trách về sở hữu trí tuệ nhằm chủ động quản ly, hoặc doanh nghiệp có thể thuê các văn phòng luật sư (hoặc luật sư) thực hiện việc quản trị thông qua hợp đồng thuê quản trị tài sản trí tuệ mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã triển khai có hiệu quả.

PV: Vâng xin cám ơn những chia sẻ vừa rồi của Ông

Thưa quý vị và các bạn có thể nói sở hữu trí tuệ đóng một vai trò quyết định đến sự thành công của mỗi doanh nghiệp trong hoạt động phát triển thương hiệu. Vì vậy các doanh nghiệp của tỉnh Hòa Bình cần phải nhận thức cao hơn nữa về tầm quan trọng và lợi ích của việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Từ những chia sẻ của các vị khách mời thì chúng ta cũng có thể thấy được rõ phần nào nhu cầu và sự quan tâm của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân. Sự phối hợp của các bên được thực hiện tích cực hơn thì sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thực thi về quyền sở hữu trí tuệ có hiệu quả hơn.

Qúy vị và các bạn thân mến. Buổi tọa đàm hôm nay của chúng tôi xin được tạm dừng tại đây. Một lần nữa xin cám ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Xin cám ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi chương trình. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong các chương trình lần sau.

Thân ái chào tạm biệt. !