Phí chia tay liệu có hợp lý?

0
357

Ngày 12/6, khi thảo luận về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) đề xuất: công dân Việt Nam khi xuất cảnh có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền, gọi là phí chia tay, khoảng 3-5 USD/người.

Số tiền này, theo ông Hưng, sẽ được trích một phần cho các cơ quan ngoại giao làm kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ khi công dân ra nước ngoài gặp khó khăn.

Một phần khác được dùng để ngành xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư, nâng cấp máy móc kỹ thuật cũng như các việc khác để đảm bảo cho việc công dân xuất cảnh được tốt hơn, chu đáo hơn, thân thiện hơn; các chiến sĩ khi công dân xuất cảnh thì tươi cười vui vẻ, ân cần hơn đối với công dân.

Ngoài ra, số thu được cũng dành một phần cho quỹ xúc tiến phát triển du lịch để đẩy mạnh du lịch nước nhà.

Đề xuất thu phí chia tay của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đã làm xôn xao dư luận xã hội. Một số tỏ ý tán thành đề xuất thu phí, số đông khác lại phản đối dữ dội.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời báo Diễn đàn doanh nghiệp về những nội dung trên:

– Theo ông, đề xuất thu phí chia tay có hợp lý?

Trả lời:

Thông tư số 219/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam và được áp dụng đối với người nộp, tổ chức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Bao gồm 6 loại lệ phí trong việc cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh, tem AB và 12 loại phí trong việc cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài.

Thiết nghĩ, đề xuất thu thêm “phí chia tay” với mức từ 3 – 5 USD đối với mỗi công dân xuất cảnh ra nước ngoài đối với thời điểm hiện tại là không hợp lý và tạo ra gánh nặng về tài chính cho người xuất cảnh.

Bên cạnh đó, việc them một khoản phí nữa cũng sẽ làm giảm nhu cầu du lịch của người dân ra nước ngoài, lợi ích chưa thấy đâu mà vấn đề là các hang lữ hành có thể bị ảnh hưởng lớn.

 

– Người đề xuất thu phí lập luận số tiền thu được sẽ giúp công tác xuất cảnh của cơ quan chức năng được tốt hơn, thúc đẩy du lịch nước nhà, ông nghĩ sao?

Trả lời:

Lập luận số tiền thu được sẽ giúp công tác xuất cảnh của cơ quan chức năng được tốt hơn, thúc đẩy du lịch nước nhà là không hợp lý vì:

Thứ nhất, các cơ quan nhà nước đều nhận lương từ tiền thuế của nhân dân, lập luận phải có phí đấy thì họ mới phục vụ tốt hơn được thì không phù hợp;

Thứ hai, lý do dùng phí đấy để hỗ trợ phát triển du lịch trong nước cũng không đúng vì muốn phát triển du lịch, phát triển hạ tầng trong nước để hút khách du lịch thì phải thu phí người đến tham quan chứ sao lại thu của người xuất cảnh.

– Vậy nói thu phí này để hỗ trợ công dân ở nước ngoài thì sao?

Trả lời:

Lập luận này cũng không phù hợp. Vì lấy lí do đảm bảo hơn cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, hóa ra không có phí này thì công dân không được đảm bảo hay sao. Việc đảm bảo an toàn cho công dân là trách nhiệm của nhà nước, bất kể quốc gia giàu hay nghèo. Không có phí này, nhà nước vẫn phải bảo hộ công dân của mình.

– Người đề xuất thu phí viện dẫn kinh nghiệm nước ngoài là Nhật Bản cũng thu phí này. Nhưng viện dẫn như vậy thì lẽ ra phải so sánh điều kiện 2 nước là khác nhau và cũng cần so sánh với các quốc gia có điều kiện kinh tế và xã hội tương tự như Việt Nam.

 

 

Ông đánh giá như thế nào về tư duy đánh phí viện dẫn kinh nghiệm nước ngoài như vậy?

Trả lời:

Nhật Bản đã có luật và áp dụng từ tháng 1-2019, mỗi công dân Nhật Bản khi ra nước ngoài phải đóng phí gọi là phí chia tay 1.000 yen/người (khoảng 9,3 USD).

Phí này Nhật Bản sử dụng để thực hiện một số dự án nhằm phát triển ngành công nghiệp không khói cũng như hoàn thiện việc xuất nhập cảnh cho công dân được tốt hơn. Đồng thời, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông du lịch ở một số vùng còn khó khăn và thực hiện một số chính sách khác.

Đề xuất này được đưa ra dựa trên các thông lệ quốc tế thì việc áp dụng cho Việt Nam cũng không phù hợp lúc này. Vì mức độ phát triển của mỗi quốc gia là khác nhau, thật khập khiễng nếu so du lịch Nhật Bản với du lịch Việt Nam.

– Phản ứng của dư luận đối với đề xuất thu phí chia tay là khá gay gắt. Nhưng phản ứng này không hẳn xuất phát vì người dân sợ tốn thêm vài USD khi xuất cảnh mà họ lo ngại tiền phí có được quản lý và sử dụng đúng mục đích, minh bạch hay không. Ông có nghĩ như vậy không?

Trả lời:

Người dân lo ngại rằng khoản phải đóng như vậy có hợp lý không và nếu thu rồi thì quản lý như thế nào, có minh bạch không. Trong khi đó, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng thuế phí thu được lại chưa có.

Tôi nghĩ, những đề xuất xây dựng pháp luật của các đại biểu quốc hội là hết sức trân trọng, nhưng cũng cần có những đánh giá, tác động từ nhiều phía để xây dựng luật được chính xác.

 

– Trong vài năm trở lại đây, các đề xuất đánh thuế phí mới, tăng thuế phí hiện hữu có rất nhiều. Đề xuất mới này cũng nằm trong bối cảnh đó. Việc này có gợi cho ông suy nghĩ nào không?

Trả lời:

Người dân không quan tâm đến những con số mang tính chất học thuật nêu trên. Họ chỉ cần biết mình được hưởng gì từ chính sách thuế.

Hiện nay người dân đã phải chịu quá nhiều loại thuế, phí nên việc đề xuất thêm khoản thuế, phí đều phải cân nhắc và tính tới hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam.

Trong bối cảnh đời sống của người dân còn khó khan, mức lương thấp mà phải đóng nhiều thuế và phí sẽ ảnh hưởng tới an sinh xã hội.