Quy định mới về lựa chọn nhà đầu tư trong Nghị định hướng dẫn luật đấu thầu.

0
598

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (thay Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015).

Trước tình hình thực tế và tính cấp bách trong việc điều chỉnh quy định pháp luật về hoạt động đấu thầu, Nghị định ra đời đã tháo gỡ một số vướng mắc lớn của doanh nghiệp trong thời gian qua.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có bài viết giới thiệu nội dung quan trong của Nghị định này, bài viết được đăng trên báo Đầu tư.

Một trong những vấn đề lớn của các doanh nghiệp được giải quyết qua Nghị định lần này có lẽ là việc Nghị định số 25/2020/NĐ-CP đã quy định rõ ràng hơn thời gian, thủ tục giao đất cũng như trách nhiệm của các bên trong việc giao đất cho nhà đầu tư trúng thầu. Cụ thể:

Thứ nhất, về trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất: Trước đây pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về giao đất, cho thuê đất trong trường hợp đấu thầu, kết quả là nhiều nhà đầu tư sau khi bỏ tiền tỷ ra để giải phóng mặt bằng thì lại không được giao đất, dẫn đến hệ quả kinh tế cho các bên. Theo đó để giải quyết vấn đề này, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP đã có quy định: “Sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu đất thực hiện dự án, việc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư áp dụng theo trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất quy định tại khoản 3 Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).”

Thứ hai, về việc điều chỉnh thời gian trong hoạt động đấu thầu. Đối với các nhà đầu tư, khoảng thời gian nộp hồ sơ, thẩm định, đề xuất, phê duyệt, …là vấn đề ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án hay hoạt động giải ngân. Việc chờ đợi mòn mỏi rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Với quy định chi tiết về thời gian tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP như: Thời gian thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư tối đa là 20 ngày; Thời gian tối thiểu để nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ năng lực, kinh nghiệm và đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất là 30 ngày, Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển tối thiểu là 30 ngày, Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 60 ngày, …đã giúp tháo gỡ các thắc mắc trong hoạt động đấu thầu. Đặc biệt quy định, “Đối với các thời hạn khác trong quá trình đấu thầu, người có thẩm quyền quyết định theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng các hoạt động trong lựa chọn nhà đầu tư” có thể tạo ra sự linh hoạt cho phía cơ quan nhà nước, chủ động rút ngắn thời gian đấu thầu.

Thứ ba, xác định giá sàn nộp ngân sách nhà nước: Nghị định số số 25/2020/NĐ-CP quy định giá trị m3 được xác định mang tính tương đối và độc lập với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhà đầu tư phải nộp theo quy định của pháp luật về đất đai. Cụ thể: việc xác định giá sàn trên cơ sở: (i) diện tích phần đất có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của khu đất, quỹ đất dự kiến giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án; (ii) Giá trị tăng bình quân sau trúng đấu giá quyền sử dụng đất tính trên một đơn vị diện tích của các khu đất, quỹ đất có cùng mục đích sử dụng đất trong phạm vi địa phương hoặc khu vực có khu đất, quỹ đất thực hiện dự án; (iii) hệ số điều chỉnh giá trị tăng bình quân sau trúng đấu giá của các khu đất, quỹ đất có tính đến yếu tố tương đồng với khu đất, quỹ đất thực hiện dự án và các yếu tố cần thiết khác (nếu có).

Thứ tư, tăng cường minh bạch trong thông tin đấu thầu: Nhằm đối phó với hoạt động đầu thầu chưa minh bạch, công khau chậm dẫn đến hệ lụy là hàng trăm gói thầu đã không được công khai kết quả đúng thời hạn, trong số đó rất nhiều gói thầu đã hoàn thành, quyết toán từ lâu. Nghị định số 25/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định về việc đăng tải thông tin đấu thầu lên Hệ thống mạng đầu thầu quốc gia, công khai thông tin hợp đồng dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất, nộp hồ sơ dự sơ tuyển (đối với dự án PPP) và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. 

Thứ năm, đơn giản thủ tục thực hiện dự án PPP: Trước đây theo quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, trình tự thực hiện dự án PPP bao gồm các bước như:  Đàm phán, thành lập doanh nghiệp dự án (nếu có), ký kết hợp đồng dự án; ký kết thỏa thuận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, …Tuy nhiên, tại Nghị định 25/2020/NĐ-CP thì những thủ tục này trong hoạt động đấu thầu đã được gỡ bỏ, thúc đẩy tiến trình dự án PPP.

Như vậy, Nghị định này sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương thực hiện việc giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đầu thầu, tạo sự yên tâm cho các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu thực hiện dự án.