Quy định về đảm bảo trật tư, an toàn, vệ sinh môi trường trong thi công các công trình xây dựng tại Thành phố Hà Nội

0
371

Quy định về đảm bảo trật tư, an toàn, vệ sinh môi trường trong thi công các công trình xây dựng tại Thành phố Hà Nội.
Ngày 09/10/2015, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình tại TP. Hà Nội.
Quy định gồm có 5 chương với 18 điều, quy định cụ thể một số nội dung như sau:
* Đối tượng, phạm vi áp dụng:
– Quy định việc đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình đầu tư xây dựng công trình, phá dỡ, sửa chữa và cải tạo công trình và quá trình vận chuyển cấu kiện, vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng trên địa bàn thành phố.
– Quy định này áp dụng đối với các Sở, Ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã (viết tắt là UBND cấp huyện); Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn (viết tắt là UBND cấp xã); các chủ đầu tư, các nhà thầu, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn thành phố Hà Nội.
* Quy định cụ thể về việc khởi công và thi công công trình:
– Quyết định này chỉ rõ, trước khi khởi công xây dựng công trình, trong thời hạn 07 ngày làm việc, chủ đầu tư phải thông báo về việc khởi công cho UBND cấp xã, cơ quan cấp phép xây dựng và Sở quản lý các công trình xây dựng chuyên ngành… để thực hiện việc quản lý, kiểm tra trong quá trình thi công.
– Tất cả các công trình xây dựng (trừ nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân từ 07 tầng trở xuống) phải có phối cảnh công trình và biển báo công trình tại cổng ra vào công trình;
– Xung quanh khu đất xây dựng (trừ những mặt tiếp giáp với tường của công trình khác hoặc cổng vào của công trình), chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải làm hàng rào ngăn cách khu vực đang thi công với bên ngoài;
+ Trong đó hàng rào phải có chiều cao tối thiểu 02 mét; có kết cấu chắc chắn, kín khít, đảm bảo mỹ quan đô thị và tồn tại suốt quá trình thi công…
– Nếu nghi ngờ mặt bằng thi công có bom, mìn, vật liệu nổ, hóa chất độc hại, nguồn phóng xạ… chủ đầu tư phải thuê đơn vị chuyên môn có tư cách pháp nhân thực hiện việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ; báo cáo cơ quan có thẩm quyền có ý kiến xử lý nguồn hoá chất, phóng xạ trước khi khởi công xây dựng;
– Trường hợp trong quá trình thi công phát hiện các công trình ngầm, di tích, cổ vật… chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng có trách nhiệm dừng ngay thi công, bảo vệ hiện trạng, kịp thời báo cáo UBND cấp xã, UBND cấp huyện và các ngành liên quan biết để giải quyết;
– Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng công trình (kể cả cải tạo, nâng cấp, phá dỡ) có hành vi tổ chức thi công vi phạm các quy định về xây dựng, gây thiệt hại cho công trình lân cận (bao gồm cả công trình hạ tầng kỹ thuật) thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, đồng thời tạm dừng thi công để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại;
-Trường hợp bên bị thiệt hại không thống nhất với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án. Trường hợp bên gây thiệt hại không bị xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn áp dụng quy định để giải quyết việc bồi thường thiệt hại;
– Trường hợp công trình xây dựng có nguy cơ sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận, UBND cấp xã phải thực hiện kiểm tra ngay sau khi nhận được trình báo của bên bị thiệt hại, có kế hoạch và chịu trách nhiệm di chuyển người, tài sản ra khỏi công trình bị hư hỏng; kịp thời yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng công trình dừng thi công và có ngay biện pháp chống đỡ công trình hư hỏng, đồng thời báo cáo UBND cấp huyện để tiếp tục giải quyết;
– Chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng chỉ được phép tiếp tục thi công sau khi công trình liền kề có nguy cơ sụp đổ đã được xử lý đảm bảo an toàn;
– Chủ đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ tiền di chuyển và thuê chỗ ở tạm thời cho bên bị thiệt hại trong thời gian giải quyết…
* Về việc phá dỡ công trình:
– Sau khi kết thúc xây dựng, trong vòng 30 ngày, chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng phải tháo dỡ xong toàn bộ công trình xây dựng tạm (trừ công trình xây dựng tạm phù hợp với quy hoạch được duyệt), chuyển hết vật liệu, cấu kiện thừa, phế thải xây dựng đến nơi quy định;
– Trước khi phá dỡ công trình, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải lập, thẩm tra phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường theo quy định.
– Tổ chức, cá nhân thực hiện phá dỡ công trình phải thực hiện theo đúng các nội dung, phương án phá dỡ đã được phê duyệt;
+ Đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn cho người, tài sản của công trình phá dỡ và các công trình liền kề, phế thải xây dựng phải được thu gom, vận chuyển và đổ đúng nơi quy định;
+ Di chuyển máy móc, thiết bị phục vụ thi công ra khỏi mặt bằng công trình… Đặc biệt, nghiêm cấm chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng sử dụng công trình tạm vào mục đích khác sau khi kết thúc thi công;
– Trường hợp chủ đầu tư không chấp hành việc tháo dỡ công trình tạm, chính quyền địa phương sẽ tổ chức tháo dỡ thu hồi vật tư và chủ đầu tư phải chịu toàn bộ chi phí tháo dỡ.
– Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2015, thay thế Quyết định số 55/2009/QĐ-UBND ngày 17/03/2009.