Sai lệch giữa Báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán của doanh nghiệp

0
482

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã nêu quan điểm về sai lệch giữa Báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán của doanh nghiệp trên Báo Giao thông. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Thời gian qua có một công ty đại chúng công bố báo cáo tài chính tự lập bán niên 2018, nhưng sau khi kiểm toán vào cuộc thì có một số thay đổi như điều chỉnh tăng chi phí hoạt động, phân bổ lại các mục về tài chính… dẫn tới giảm lãi, thậm chí từ lãi chuyển thành lỗ. Hay có đơn vị không ghi nhận hết một số khoản thu dẫn tới kiểm toán đề nghị ghi nhận tăng lãi…

Theo các quy định hiện hành, các hành vi vô tình hoặc cố ý dẫn tới thông tin không đầy đủ không chính xác tới thị trường như trên có bị xử phạt hay không? Doanh nghiệp có phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không?

Trả lời:

Các sai lệch giữa Báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán của doanh nghiệp thường là những số liệu liên quan đến các ước tính kế toán như trích lập dự phòng, khấu hao, phân bổ, hàng tồn kho, hay ghi nhận doanh thu chi phí không đúng niên độ… Tuy nhiên, ngoài lý do về chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm của bộ phận kế toán, thì ý thức minh bạch của doanh nghiệp chính là vấn đề đáng bàn. Vì với doanh nghiệp trên sàn, họ phải can thiệp vào báo cáo tài chính để “làm đẹp” hồ sơ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, vay vốn, chứng minh năng lực tài chính với đối tác, khách hàng…Ngoài ra, theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 60 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP thì nếu doanh nghiệp bị lỗ trong 3 năm liên tiếp sẽ bị buộc hủy niêm yết, nên không loại trừ khả năng doanh nghiệp tìm cách “làm đẹp” số liệu tài chính để không bị rơi vào thua lỗ triền miên, dẫn đến bị buộc phải rời sàn niêm yết.

Nếu doanh nghiệp cố ý “nhào nặn” số liệu, chế tài xử lý mới chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính theo hai nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và kế toán, cụ thể là Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập; Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 145/2016/NĐ-CP).

Theo tôi, để thông tin đến với nhà đầu tư được rõ ràng, chính xác hơn, theo tôi, cần mạnh tay với những doanh nghiệp thường xuyên sai phạm để đảm bảo tính răn đe, giúp thị trường chứng khoán ngày một minh bạch hơn. Đồng thời, tổ chức thường xuyên hơn nữa các cuộc hội thảo hoặc tọa đàm về các sai sót thường gặp trong việc lập Báo cáo tài chính của các Doanh nghiệp niêm yết và đại chúng. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ có thể tránh được những sai sót trong việc lập Báo cáo tài chính.