Tạo vốn qua M&A: Bài toán phát triển dài hạn

0
478

Trong bài viết Tạo vốn qua M&A: Bài toán phát triển dài hạn đăng trên Tin nhanh chứng khoán của nhà báo Việt Dương có nêu ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW.

(ĐTCK) Hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) không chỉ giúp cho nhiều dự án có cơ hội “tái sinh”, mà còn được xem là cách thức huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp địa ốc trong bài toán phát triển dài hạn.

Trong vài năm gần đây, hoạt động M&A trên thị trường bất động sản đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể cả về giá trị, lẫn số lượng các thương vụ được công bố. Bên cạnh sự tích cực của các nhà đầu tư nội như Vingroup, Novaland, Hải Phát, FLC, TNR…, thì không quá khó để thấy sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài với những thương vụ đình đám.

Chẳng hạn, trong quý II/2016, Mapletree Investments (Singapore) liên tiếp bỏ ra 84,9 triệu USD, 39,8 triệu USD, 15,5 triệu USD, 74,9 triệu USD để lần lượt nắm giữ 50% cổ phần tại Kumho Asiana Plaza Office, Kumho Link, Kumho Asiana Plaza Apartments, Intercontinental Asiana Saigon từ Kumho Asiana (Hàn Quốc), hay Keppel Land bỏ ra 93,9 triệu USD để nhận chuyển nhượng 40% Dự án Empire City tại quận 2, TP. HCM…

Ngoài ra, thị trường cũng chứng kiến nhiều giao dịch M&A tài sản đầu tư khác (các bất động sản đang hoạt động), như thương vụ chuyển nhượng Tòa nhà A&B Tower (TP. HCM), Khu resort The Nam Hai (Quảng Nam), Khu Resort Six Sense Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Nhìn nhận của hầu hết các thành viên thị trường đều cho rằng, khác với hoạt động thâu tóm trước đó, các thương vụ M&A hiện nay đều mang tính chất đồng hành, thận thiện và kết quả của các thương vụ này chính là “nụ cười” của nhiều bên.

Theo đánh giá của luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw, điều này thể hiện một tầm nhìn mới, dài hạn và bền vững hơn trong việc phát triển thị trường bất động sản của các nhà đầu tư cả trong lẫn nước ngoài. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phát triển ổn định, dư địa còn nhiều, trong khi quỹ đất ngày càng eo hẹp, thì với các doanh nghiệp bất động sản chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính mạnh, việc chuẩn bị quỹ đất phục vụ cho chiến lược phát triển dài hơi luôn là bài toán được tính tới.

Ở một hình thức khác, sau khi thâu tóm các quỹ đất sạch, nhà đầu tư trong nước còn chủ động thực hiện các cuộc “giao duyên” với nhà đầu tư ngoại cùng phát triển dự án. Mục tiêu của các thương vụ này nhằm huy động nguồn vốn tiềm năng từ bên ngoài chảy vào thị trường địa ốc Việt Nam, nhưng mục tiêu quan trọng nhất là hướng tới đôi bên cùng có lợi.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Ben Gray, Giám đốc Bộ phận Đầu tư thị trường vốn Cushman&Wakefield Việt Nam cho biết, sau những thay đổi về chính sách, Việt Nam được coi là một điểm đến của nhiều nhà đầu tư ưa thích rủi ro trong khu vực, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Malaysia và Hồng Kông. Phương thức chủ yếu họ nhắm tới là xem xét hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để phát triển các dự án nhà ở, hoặc góp vốn vào các doanh nghiệp bất động sản trong nước thông qua việc mua cổ phần.

“Tiềm lực tài chính dồi dào, cũng như kinh nghiệm trong phát triển dự án tại nhiều quốc gia trên thế giới của nhiều nhà đầu tư nước ngoài là một điều kiện thuận lợi để các dự án bất động sản tại Việt Nam được chuẩn hóa và có giá trị hơn trong dài hạn. Điều này cũng góp phần tạo ra một thị trường bền vững và ổn định”, ông Ben đánh giá.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, trong bối cảnh tín dụng cho địa ốc bị siết dần, các chủ đầu tư ngoài việc trông chờ vào nguồn vốn ngân hàng, thì việc tìm kiếm những nguồn vốn đa dạng hơn là điều cần thiết. Trong thời gian sắp tới, với việc các hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam ký kết bắt đầu có hiệu lực, kết hợp với cú huých chính sách, các chủ đầu tư dự án có thể tận dụng cơ hội để chủ động hơn trong việc tìm kiếm các phương án hợp tác phù hợp cho mục tiêu phát triển dài hạn của mình.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc tìm kiếm đối tác ngoại để cùng phát triển dự án, hay tìm vốn từ các kênh khác ngoài ngân hàng với nhiều doanh nghiệp không phải chuyện đơn giản. Ngoài ra, cách thức huy động vốn nào cũng có những thuận lợi và thách thức, do đó doanh nghiệp phải tính toán kỹ và có chiến lược phù hợp trong việc tìm đối tác cũng như các kênh gọi vốn.