Thu hồi tài sản nhà nước dưới góc nhìn luật sư

0
443

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phần tư vấn về việc thu hồi tài sản nhà nước dưới góc nhìn luật sư trên cơ quan báo chí.

Sau đây chúng tôi giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Câu hỏi: Tài sản nhà nước đã bán cho doanh nghiệp nhưng phát hiện sai phạm trong quá trình chuyển nhượng sẽ được thu hồi trên cơ sở pháp lý nào? Thưa ông?

Liệu cơ quan pháp luật có thể phán xử tuyên hoặc buộc hủy bỏ hợp đồng để thu hồi tài sản cho Nhà nước được không?

Có mẫu số chung nào cho việc nhà nước thu hồi tài sản đã bán không, thưa ông?

Trả lời:

Việc thu hồi tài sản công đã bán trái quy định pháp luật được dựa trên các quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Cơ sở pháp lý đầu tiên phải kể đến là Bộ luật dân sự năm 2015, bộ luật điều chỉnh chung nhất đối với các hợp đồng, giao dịch.

Theo đó, trường hợp các giao dịch vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 123 là giao dịch vô hiệu.

Hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu theo quy định tại Điều 131 là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Đây là một nguyên tắc áp dụng cho tất cả các hợp đồng, giao dịch vô hiệu do vi phạm pháp luật.

Trường hợp giao dịch mua bán tài sản công trái pháp luật, cơ quan nhà nước có thể sử dụng căn cứ này để thu hồi lại tài sản đã bán.

Cơ sở pháp lý thứ hai, là quy định của Luật đất đai năm 2013. Theo đó, Điều 64 Luật đất đai quy định về việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.

Đây cũng là một cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền thu hồi tài sản công là đất đai, bất động sản đã bán trái quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đề cập tới quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017.

Theo đó, Điều 41 Luật này trực tiếp quy định, trường hợp chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định, tài sản công bị thu hồi.

Trên đây là những cơ sở pháp lý cơ bản để nhà nước thu hồi tài sản công đã bán, chuyển nhượng không đúng quy định.

Câu hỏi: Nhưng việc thu hồi này, chắc hẳn sẽ có nhiều khó khăn? Vậy dưới góc độ của nhà đầu tư, với hệ thống pháp luật của chúng ta như hiện nay, nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể sẽ gặp phải những nguy cơ nào khi họ mua lại tài sản nhà nước đã bán trong trường hợp vụ mua bán đó có sai phạm?

Có chế tài nào để bảo vệ nhà đầu tư không, khi nhà đầu tư đã mua tài sản nhà nước rồi không, thưa ông?

Theo ông, trong câu chuyện này, đâu sẽ là giải pháp để cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và nhà nước, thưa ông?

 Trả lời: Các quy định của pháp luật về mua bán và chuyển nhượng tài sản công, hay còn được gọi là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, để tránh rủi ro, doanh nghiệp nên có góc nhìn tổng quan hơn trong việc mua bán sáp nhập trong bối cảnh tái cơ cấu doanh nghiệp tại Việt Nam.

Cụ thể, quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp là chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước từ chủ yếu quản lý công thành thực thể thương mại:

DNNN sẽ mang hình thức pháp lý của Công ty TNHH hoặc Công ty Cổ phần hoặc có thể là hợp nhất các đơn vị nhỏ lẻ thành các Công ty lớn hơn hoặc thành Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty.

Đồng thời, quá trình cổ phần hóa cũng thay đổi cơ cấu sở hữu của doanh nghiệp trong đó các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp sau cổ phần hóa

Như vậy, rủi ro mà doanh nghiệp cần lường được khi tiến hành các giao dịch M&A với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa là các thủ tục mà nhà đầu tư cần thực hiện, các chấp thuận nào từ cơ quan quản lý nhà nước mà nhà đầu tư phải có.

Chỉ cần thiếu một trong các chấp thuận này, giao dịch của doanh nghiệp có khả năng vô hiệu và hậu quả thì chúng ta cũng đã thấy và đã được nêu trên.

Để bảo vệ triệt để lợi ích của mình, khi tiến hành các giao dịch M&A với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, doanh nghiệp cần làm kỹ lưỡng khâu rà soát pháp lý (legal due diligence).

Doanh nghiệp cần lưu ý rằng, doanh nghiệp nhà nước hoặc phần vốn nhà nước không chỉ có một ông chủ, bên mua cần mời luật sư rà soát kỹ bởi có khi ông tổng giám đốc hay ông chủ tịch HĐQT cũng chưa phải là những người có đầy đủ thẩm quyền quyết định và ký kết các hợp đồng M&A.

Có những vấn đề phải do Bộ chủ quản công ty/ phần vốn nhà nước đó quyết định và phải xin ý kiến của rất nhiều bên liên quan.

Về phía nhà nước, để giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp, các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét vấn đề tạo dựng một sân chơi bình đẳng.

Theo đó, việc quản lý doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo quy tắc thị trường: Minh bạch, cạnh tranh, quản trị doanh nghiệp và hạn chế rủi ro cho bên mua, như thế quá trình thoái vốn của nhà nước mới hiệu quả.