Tràn lan vi phạm bản quyền – kỳ 2: Quy định nhiều kẽ hở, quản lý chồng chéo

0
661

Luật Sở hữu trí tuệ sau 10 năm đi vào thực tiễn cùng với những nghị định, thông tư hướng dẫn được ban hành đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền. Song cần phải nhìn nhận một thực tế là công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam đến nay vẫn còn nhiều bất cập. Từ việc người dân không nắm rõ luật đến việc chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giữa nhà quản lý khiến các đối tượng vẫn “lách luật” để vi phạm bản quyền.

“Vác” đơn kiện nhầm đường

Vài năm trở lại đây, không ít vụ khiếu nại liên quan đến quyền tác giả, nhưng số vụ được giải quyết triệt để chẳng đáng là bao, nếu không nói phần lớn đều “chìm xuồng”, bởi những lá đơn khiếu kiện được chuyển đến cơ quan không có thẩm quyền giải quyết. Rất nhiều người bức xúc vì hành trình đòi bản quyền của mình như “con kiến kiện củ khoai”, nhưng bản thân họ lại chưa nắm rõ luật và “gõ cửa” không đúng nơi có thể đòi công lý.

Đơn cử mới đây nhất là việc họa sĩ Lưu Tiến hai lần viết đơn khiếu nại lên Cục Bản quyền tác giả (BQTG) nhờ cơ quan này bảo vệ khi cho rằng chương trình “Hát cùng Siêu Chíp” trên VTV2 vi phạm bản quyền các nhân vật của mình. Khi phát hiện ra đối tác liên kết với VTV sản xuất chương trình (Cty Kim Cương) cũng có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho các nhân vật gần giống cả về tạo hình và tên gọi mà Cục BQTG đã cấp cho mình từ 6 năm trước, ông Tiến đặt vấn đề có hay không việc Cục BQTG đã cấp phép nhầm?

Ông Bùi Minh Tuấn khiếu nại bị vi phạm bản quyền video “Vietnam qua góc nhìn flycam” kéo dài đã 2 năm chưa có kết quả. Ảnh: TL
Ông Bùi Minh Tuấn khiếu nại bị vi phạm bản quyền video “Vietnam qua góc nhìn flycam” kéo dài đã 2 năm chưa có kết quả. Ảnh: TL

Tuy nhiên, trường hợp Cục BQTG cấp cho 2 đơn vị khác nhau 1 tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được xem là giống nhau là một việc bình thường, theo Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ. Theo TS-LS Phạm Duy Khương – GĐ Cty Luật Sở hữu trí tuệ SB LAW – trong trường hợp này, ông Tiến và nhiều người khác cần phân biệt Giấy đăng ký quyền tác giả khác với Giấy chứng nhận nhãn hiệu. Trong khi Giấy chứng nhận nhãn hiệu chỉ được cấp cho đối tượng nộp đơn đăng ký trước, dựa trên quyền nộp đơn sớm nhất do Cục Sở hữu trí tuệ cấp, thì Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả (Cục BQTG cấp) chỉ có tác dụng ghi nhận ngày công bố tác phẩm và không đồng nghĩa với việc ghi nhận độc quyền sử dụng cho người được cấp. Thậm chí, bản quyền của tác phẩm tự động được bảo hộ kể từ ngày được thể hiện ra dưới một hình thức nhất định mà không cần đi nộp đơn đăng ký bản quyền tại cục.

“Điều 200 Luật Dân sự chỉ rõ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan tòa án, thanh tra, quản lý thị trường, hải quan, công an, UBND các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của tòa án. Hiện nay rất nhiều người chưa phân biệt rõ các cơ quan có chức năng giải quyết về vi phạm. Ví dụ, vi phạm về bản quyền thì do Thanh tra Bộ VHTTDL xử lý; vi phạm nhãn hiệu thì do Thanh tra KHCN xử lý. Nhiều người bị vi phạm bản quyền lại kêu lên Cục BQTG, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả – những đơn vị không có thẩm quyền xử lý vi phạm, khiến các vụ việc khiếu nại kéo dài” – luật sư Khương giải thích.

Như vậy, vụ việc tranh chấp bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của ông Ngô Xuân Phúc ở Nghệ An và nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai khiếu nại lên Trung tâm Quyền tác giả văn học; vụ ông Bùi Minh Tuấn kiện VTV vi phạm bản quyền video “Vietnam qua góc nhìn flycam” kéo dài hoặc “chìm xuồng” đều do các bên khiếu nại chưa đúng nơi có thể giải quyết.

Quy định nhiều kẽ hở, quản lý chồng chéo

Ngoài việc người bị xâm phạm bản quyền lúng túng trong việc đề nghị cơ quan đúng thẩm quyền giải quyết, thì việc quản lý và thực thi bản quyền tại Việt Nam hiện nay đang xuất hiện sự chồng chéo trách nhiệm và quyền hạn giữa các nhà quản lý, đặc biệt trước tình hình vi phạm bản quyền trên môi trường Internet có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay. Đơn cử như trong vấn đề dẹp nạn “phim lậu”, dù nhà sản xuất đã rất cố gắng, nhưng các bộ phim “sốt xình xịch” vẫn bị chiếu tràn lan trên mạng gần như đồng thời với thời gian phim ra rạp. Vì việc xử lý những vấn đề trên môi trường Internet thì thuộc thẩm quyền của Thanh tra Bộ TTTT, mà Bộ VHTTDL mới là cơ quan có khả năng thẩm định những vấn đề liên quan đến phim, nhạc. Dù đã có Thông tư liên tịch số 07/2012 quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông, nhưng việc thực thi lại chưa đến nơi đến chốn.

 Tranh cãi bản quyền quanh chương trình "Hát cùng Siêu Chíp" trên VTV2.
Tranh cãi bản quyền quanh chương trình “Hát cùng Siêu Chíp” trên VTV2.

Ngoài ra, sự “lệch pha” về quy định thực hiện phí tác quyền âm nhạc trong Nghị định 15/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL đã gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Vì trong khi nghị định quy định chặt chẽ về vấn đề bản quyền, yêu cầu đơn vị sản xuất phải có hợp đồng, văn bản thể hiện sự đồng ý của tác giả tác phẩm, thì thông tư hướng dẫn lại “thả cửa cho việc vi phạm bản quyền”. Trên thực tế, cấp phép biểu diễn và bản quyền tác giả là hai lĩnh vực khác nhau, do hai cơ quan khác nhau quản lý là Cục Nghệ thuật biểu diễn và Cục BQTG. Mặt khác, bản quyền là giao dịch dân sự, được quy định bằng Luật Sở hữu trí tuệ nhưng trong luật cấp phép lại không yêu cầu đơn vị tổ chức phải có hóa đơn thanh toán tiền bản quyền trong hồ sơ xin cấp phép. Đây cũng là “kẽ hở” để lách luật.

Hay đơn giản nhất là việc cần có một quy chuẩn xác định về vi phạm bản quyền, như thế nào là “đạo nhạc”, “đạo thơ”… thì hiện nay vẫn chưa có. Nên mới xảy ra chuyện có ca sĩ liên tục bị tố đạo nhạc, trong khi chẳng thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc xác minh. Khi pháp luật còn nhiều lỗ hổng, việc chống xâm phạm bản quyền phụ thuộc vào sức ép công luận và lòng tự trọng của người nghệ sĩ, thì tình trạng vi phạm tràn lan sẽ khó chấm dứt.