Tràn lan vi phạm bản quyền: Thói quen ngại đi kiện và thích “xài chùa”!

0
361

Tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực với nhiều hình thức và mức độ khác nhau, từ sử dụng tác phẩm không xin phép, không trả tiền bản quyền, thù lao cho tác giả đến sao chép, nhái tác phẩm… Sau những ồn ào dư luận, các vụ việc đều bị rơi vào quên lãng và tình trạng vi phạm bản quyền vẫn ngày càng gia tăng.

Kỳ 1:  Thói quen ngại đi kiện và thích “xài chùa”!

Đạo nhạc, sách lậu tràn lan, thói quen nghe – tải nhạc, phim miễn phí, ngại đi kiện hoặc không biết kêu ai khi phát hiện tác phẩm của mình bị xâm phạm bản quyền… – những vấn đề nhức nhối về bản quyền đang xảy ra ở nước ta. Nguyên nhân của điều này, một phần do người dân chưa có ý thức về vấn đề bảo vệ tác quyền, phần nữa do các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan còn nhiều bất cập.

Cuộc chiến dài kỳ

Chuyện vi phạm bản quyền chưa bao giờ hết nóng. Suốt hai tuần qua, dư luận ồn ào tranh cãi quanh chuyện ca khúc “Chúng ta không thuộc về nhau” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP có “đạo nhạc” hay không (ảnh). Việc tranh cãi về các sáng tác của Sơn Tùng đã kéo dài suốt 2 năm qua, từ những sản phẩm đầu tay như “Cơn mưa ngang qua”, “Nắng ấm xa dần” bị phát hiện phần beat nhạc và hình ảnh giống các MV của nghệ sĩ thế giới. Nhưng cũng chừng ấy thời gian, việc tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ, thậm chí đều rơi vào im lặng, khiến những nghệ sĩ chân chính bức xúc, còn nhiều người mượn chuyện “đạo nhạc” như một chiêu PR.

Tiếp đó là việc họa sĩ Lưu Tiến khiếu nại chương trình “Hát cùng Siêu Chíp” trên VTV2 vi phạm bản quyền các nhân vật của mình khiến Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL phải vào cuộc. Trước đó là vụ ầm ỹ khi triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về” trưng bày tranh giả, tranh chép tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Nhưng hết thời gian triển lãm, chủ nhân bộ sưu tập đưa tranh về nhà thì vụ việc cũng chìm xuồng, “hòa cả làng”.

Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng M-TP bị tố đạo nhạc We don't talk anymore của Charlie Puth
Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng M-TP bị tố đạo nhạc We don’t talk anymore của Charlie Puth

Việc vi phạm ngày càng có xu hướng gia tăng với hình thức tinh vi và phức tạp hơn, ở đủ mọi lĩnh vực, từ văn học, âm nhạc, điện ảnh cho tới truyền hình… Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc thường xuyên đau đầu với chuyện quỵt tiền, đòi nợ. Chỉ tính riêng địa bàn Hà Nội, trung bình mỗi năm có hơn 500 cuộc biểu diễn thì có tới hơn 80% trong số đó phớt lờ chuyện hỏi ý kiến nhạc sĩ. Các bầu sô có đủ chiêu lách luật như liên danh, mượn hoặc thuê đơn vị khác làm thủ tục xin cấp giấy phép biểu diễn một lần, nhằm tránh việc chi trả bản quyền tác giả.

Với các trang mạng xã hội, chia sẻ video như YouTube hay Facebook, việc vi phạm bản quyền càng nhức nhối hơn. Các chương trình ca nhạc, phim truyện cũng bị sao chép tràn lan, bán vài nghìn đồng một đĩa DVD hay CD. Còn với tranh ảnh, tác phẩm văn học, chỉ cần số hóa tác phẩm là có thể phát tán rộng khắp trên Internet chỉ với lệnh “copy and paste”.

Năm 2014, Báo Lao Động đã kiên trì với loạt bài “Sách giáo khoa cũng vi phạm tác quyền” và lần đầu tiên NXB Giáo dục đã phải chi trả tiền tác quyền cho các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm sử dụng trong SGK. Nhưng đấu tranh về bản quyền luôn là cuộc chiến dài kỳ và không phải lúc nào cũng có kết quả.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh – Phó TGĐ Cty TNHH BHD – sau nhiều năm bảo vệ bản quyền các bộ phim của mình đã phải thừa nhận công việc này chưa bao giờ dễ dàng, công nghệ càng hiện đại, phát triển thì việc bảo vệ quyền tác giả càng khó khăn. Cũng gần 2 năm nay, ông Bùi Minh Tuấn (ở Vĩnh Linh, Quảng Trị) – tác giả video “Việt Nam qua góc nhìn flycam” – đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng để khiếu nại việc bị vi phạm bản quyền, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Họa sĩ Bùi Đình Thăng – tác giả truyện tranh “Ba tôi” – từng vượt 300km từ Nghệ An ra Hà Nội khiếu nại chương trình “Quà tặng cuộc sống” đã sử dụng truyện tranh của anh để dựng thành phim mà chưa xin phép, nhưng phải ra về trong thất vọng, vì không nhận được dù chỉ một lời xin lỗi.

Bao giờ xem – nghe có ý thức?

Đó là câu hỏi của nhạc sĩ Quốc Trung – một người rất tích cực chống nạn vi phạm bản quyền và đã cùng nhạc sĩ Huy Tuấn phát động phong trào “Nghe có ý thức” từ năm 2012. “Thực sự đây là cái tên của một chiến dịch vận động mọi người quan tâm và ủng hộ, chấp hành các quy định về bản quyền. Chúng tôi kêu gọi ý thức của công chúng, ý thức xây dựng của những người làm nghề và tất cả ai tham gia vào nền công nghiệp âm nhạc đoàn kết cùng đóng góp xây dựng đời sống âm nhạc Việt ngày một lành mạnh, công bằng và phát triển hơn” – nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ.

Tuy nhiên sau vài năm phát động, nay chiến dịch đã “im lìm”, vì đó là “cuộc chiến không cân sức”, khi phần lớn người Việt vẫn có thói quen nghe và xem miễn phí, trong khi các trang tải nhạc trực tuyến và phim lậu ra đời ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, chính những người làm nghệ thuật cũng chưa quan tâm đến vấn đề bản quyền và có tâm lý “ngại đi kiện”. Ca sĩ Tuấn Hưng liên tục lên Facebook cá nhân bày tỏ bức xúc khi các ca sĩ và gameshow sử dụng ca khúc độc quyền của anh không xin phép. Thanh Duy, Đại Nhân mới đây cũng “tố” BTC Hoa hậu Việt Nam 2016 vi phạm độc quyền ca khúc “Tonight” của mình.

Nhưng mọi ồn ào chỉ dừng lại ở việc lên mạng xã hội viết vài dòng, khi người vi phạm bản quyền xin lỗi là “xong chuyện”. Việc các chủ thể quyền chưa chủ động áp dụng các biện pháp theo quy định để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình cũng là một hình thức tiếp tay cho nạn xâm phạm bản quyền ngày càng gia tăng.

Nói về tình trạng vi phạm bản quyền, nhất là quyền tác giả – quyền liên quan ở nước ta, thạc sĩ – luật sư Phạm Duy Khương – GĐ Cty Luật Sở hữu trí tuệ SB LAW – cho rằng: “Tư duy “dùng chùa” đã len lỏi vào nhiều người dân, nên không khó hiểu khi thấy hễ có cơ hội là dùng phần mềm không xin phép, vi phạm bản quyền diễn ra không một vết gợn”. Tuy nhiên, luật sư Khương cảnh báo, trong thời gian tới, khi đi vào thực hiện Hiệp định TPP thì sẽ có sức ép buộc các cá nhân, doanh nghiệp phải đổi thay và nghiêm khắc tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ. Vì quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TPP đề cập đến tất cả nội dung nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả, bằng sáng chế, bí mật kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ, nếu người dân, doanh nghiệp không nâng cao ý thức về vấn đề tôn trọng bản quyền, thì sẽ rất dễ xảy ra tranh chấp, kiện tụng.

Theo laodong.com.vn