Trốn thuế đối với hoạt động quảng cáo trực tuyến

0
541

Luật sư SBLAW trả lời báo Diễn đàn doanh nghiệp về vấn đề Trốn thuế đối với hoạt động quảng cáo trực tuyến.

Mời các bạn xem nội dung bài phỏng vấn:

1/ Thưa ông hiện nay Facebook, Google đang kinh doanh quảng cáo nội dung trên nền tảng của họ tại Việt Nam tuy nhiên lại không chịu đóng thuế, điều này gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên nền tảng số Việt Nam. Ông nhận định ra sao về thực trạng này?

Trả lời:

Doanh thu của Facebook, Google tại Việt Nam ngày càng tăng khủng khiếp. Nhưng, đến nay cơ quan thuế Việt Nam vẫn chưa thể thu thuế từ họ. Lý do, Facebook (cả Google) hiện chưa thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và đây chính là sự bất hợp lý với các doanh nghiệp của Việt Nam đang hoạt động.

Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp chạy quảng cáo, chỉ cần thẻ thanh toán quốc tế là có thể chuyển tiền dễ dàng, điều này gây khó khan cho việc kiểm tra và quyết toán thuế của cơ quan thuế.

Trong khi mạng xã hội của các doanh nghiệp trong nước không những phải nộp các khoản thuế theo quy định, mà còn chịu sự kiểm soát chặt chẽ về nội dung đăng tải, thì Facebook vô can với các quy định pháp luật.

Hiện Nhà nước quy định chỉ thu thuế những cá nhân bán hàng qua mạng xã hội đạt trên 100 triệu đồng/năm trở lên, nhưng việc thu thuế với người kinh doanh qua mạng rất khó, vì thiếu bằng chứng, thông tin, mà lại không thể kiểm soát được.

2/ Trong khi doanh nghiệp Việt kinh doanh ở nước ngoài lại chịu đầy đủ các loại thuế.

Thuế là một công cụ được nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ để điều tiết sự cân bằng giữa doanh nghiệp nội và ngoại. Theo ông, với những chính sách hiện nay đã thực hiện được đúng vai trò của nó tạo một môi trường công bằng, bình đẳng?

Trả lời:

Trên thực tế, với những quy định và chính sách thuế đối với “kinh doanh online” hiện nay chưa tạo được sự công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Công tác quản lý thuế nhà thầu đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới hiện nay cũng vẫn còn nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, các hình thức thu thuế hiện nay vẫn chủ yếu là tổ chức, cá nhân tự khai, tự tính và tự nộp cho Nhà nước, tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh TMĐT, kinh doanh qua MXH chưa có ý thức tự giác trong việc thi hành pháp luật thuế.

Lợi dụng quy định này, hầu hết các cá nhân và DN kinh doanh quảng cáo tại thi trường Việt Nam qua mạng internet tìm mọi cách để trốn nộp thuế, cho dù cơ quan Thuế đã có nhiều giải pháp quản lý nhằm giảm thất thu ngân sách nhà nước.

Rõ ràng, Việt Nam đang thiếu một hành lang quản lý thuế đối với những hoạt động kinh doanh mới một cách có hiệu quả và không theo kịp sự phát triển của công nghệ và mô hình kinh doanh mới, hiện tượng thất thu với những mô hình kinh tế chia sẻ là cao, thay vì tang nguồn thu với những đối tượng cũ thì cần mở rộng đối tượng nộp thuế là khả thi hơn.

3/ Ông có đề xuất, góp ý như thế nào dự thảo quản lý thuế sửa đổi nhằm cải thiện việc thu thuế các doanh nghiệp ngoại kinh doanh trên nền tảng số như Facebook, Google?

Trả lời:

Theo tôi, cơ quan quản lý cần xây dựng nhiều hướng xử lý đối với những vi phạm của Facebook, Google tại Việt Nam, trong đó bao gồm tiếp tục tập hợp các bằng chứng vi phạm, đấu tranh yêu cầu Facebook, Google tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Luật quản lý thuế cần học kinh nghiệm của nước ngoài trong việc phối hợp và yêu cầu các công ty đa quốc gia tuân thủ nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch xuyên biên giới, tránh thất thu và gây ra tình trạng không công bằng.

Bên cạnh đó, các nhà mạng trong nước đang cung cấp hạ tầng và cho thuê máy chủ lưu dữ liệu phải có trách nhiệm đàm phán lại các điều khoản hợp đồng với các doanh nghiệp xuyên biên giới.

Đây được coi là các biện pháp kinh tế, kỹ thuật áp dụng để Facebook phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, đồng thời là biện pháp để tránh nguồn lực của đất nước bị chảy ra nước ngoài, bảo đảm sự công bằng cho hoạt động giữa các doanh nghiệp.