Trong luật có quy định cụ thể về việc bảo đảm an toàn bệnh viện, y bác sỹ, người bệnh?

0
1040

Câu hỏi: Thưa luật sư, vụ côn đồ mang hung khí vào chém bệnh nhân trong Bệnh Viện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào, mức hình phạt cụ thể?

Luật sư trả lời:

Thứ nhất, những người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 104 BLHS – Tội cố ý gây thương tích (đồng phạm):

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a)Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b)Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c)Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d)Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2.Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3.Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4.Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân”.

Trong trường hợp trên, những người này sẽ chịu mức phạt như sau:

  • Bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, nếu nạn nhân có tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%.
  • Bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, nếu nếu nạn nhân có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104.
  • Bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm, nếu nạn nhân có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104.

Tuy nhiên, do mức độ tham gia của các đồng phạm khác nhau nên khi quyết định hình phạt tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự của mỗi đồng phạm.

Câu hỏi: Trong thời gian qua, từ mâu thuẫn các đối tượng thanh toán nhau ngay trong bệnh viện, người nhà bệnh nhân hành hung bác sỹ, những vụ việc như vậy đang khiến cho vấn đề an toàn, an ninh tại các Bệnh viện đang đặt ra nhiều nỗi lo. Trong luật có quy định cụ thể về việc bảo đảm an toàn bệnh viện, y bác sỹ, người bệnh?

Trả lời: Điều 35 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 có quy định quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề (đối với y bác sĩ) như sau:

3. Trường hợp bị người khác đe dọa đến tính mạng, người hành nghề được phép tạm lánh khỏi nơi làm việc, sau đó phải báo cáo với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chính quyền nơi gần nhất”

Tuy nhiên chưa có quy định cụ thể nào về việc bảo đảm an toàn bệnh viện, bệnh nhân, thiết nghĩ để vấn đề an ninh trong bệnh viện cũng như an toàn cho lực lượng y bác sĩ được bảo đảm thực sự thì bên cạnh sự quan tâm của toàn xã hội cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính ngành y. Ngành cần đưa ra các quy định cụ thể hơn về việc bảo đảm an ninh trong các cơ sở y tế.

Câu hỏi: Vai trò của lực lượng bảo vệ tại các tập đoàn, công ty, Bệnh viện thường được thực hiện theo dạng hợp đồng ký kết giữa các công ty bảo vệ với các đơn vị cần thuê người bảo vệ. Vai trò, trách nhiệm của bảo vệ như thế nào?

Trả lời: Vai trò, trách nhiệm của bảo vệ được quy định tại Điều 10 Nghị định số 06/2013/NĐ-CP quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp:

“1. Lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị có nhiệm vụ:

a) Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ của lực lượng Công an để phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; kịp thời đề xuất với người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp biện pháp xử lý;

b) Trực tiếp kiểm soát người ra vào cơ quan, doanh nghiệp. Khi xảy ra các vụ việc có liên quan đến an ninh, trật tự và an toàn cơ quan, doanh nghiệp phải tổ chức bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của cơ quan, doanh nghiệp, cấp cứu nạn nhân, bắt người phạm tội quả tang và báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất;

c) Thực hiện các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy, giữ gìn trật tự công cộng;

d) Làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp; xây dựng cơ quan, doanh nghiệp an toàn;

đ) Phối hợp với công an xã, phường, thị trấn nơi cơ quan, doanh nghiệp đóng trong công tác nắm tình hình, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cơ quan, doanh nghiệp; đề xuất với người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp xây dựng nội quy bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, kế hoạch, biện pháp phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong cơ quan, doanh nghiệp;

e) Thực hiện các quy định về quản lý vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, chất dễ cháy, chất độc hại (nếu có); giúp người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp trong việc phối hợp với cơ quan công an để quản lý, giáo dục người có tiền án, tiền sự, người chấp hành xong các biện pháp xử lý vi phạm hành chính khác đang làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp;

g) Phối hợp với các tổ chức quần chúng trong cơ quan, doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho mọi người; hướng dẫn các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn trong cơ quan, doanh nghiệp;

h) Thực hiện những nhiệm vụ cụ thể khác để bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp do người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp giao theo đúng quy định của pháp luật”.

Như vậy, ngoài các nhiệm vụ đã liệt kê trên, nhân viên bảo vệ còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác do người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp giao theo quy chế công ty và đúng quy định của pháp luật.