Vai trò của TSTT đối với doanh nghiệp

0
375

TSTT đóng vai trò như là thước đo hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Từ khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức kinh tế thế giới WTO, vai trò của TSTT lại càng được khẳng định rõ rệt hơn.

Nhiều doanh nghiệp đã tăng được giá trị của mình nhờ vào TSTT, một trong số đó là giá trị thương hiệu. Theo Interbrand năm 2010, Cocacola đứng đầu bảng xếp hạng thương hiệu nổi tiếng với giá 70,452 triệu đô la, tiếp đó là IBM với 64,727 triệu đô la, Microsoft có giá 60,895 triệu đô la… Như vậy, chúng ta có thể khẳng định được vai trò to lớn của TSTT ở các tập đoàn này, với một chiến lược phát triển thương hiệu đúng đắn, doanh nghiệp sẽ dần dần nâng cao giá trị của mình. Tuy nhiên, trong khi đó, ở Việt Nam, TSTT chưa được định giá một cách đúng đắn. Ví dụ: năm 2009, giá trị thương hiệu TISCO của công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên được định giá 54 tỷ đồng. Đây có thể được xem là một con số ấn tượng, tuy nhiên, so với tổng giá trị tài sản của công ty được định giá là 1840 tỷ đồng thì giá trị thương hiệu ở đây là quá thấp. Như vậy, so với doanh nghiệp nước ngoài, giá trị TSTT ở các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xem xét một cách đúng đắn và hiệu quả.

Có nhiều lợi ích mang đến cho doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp đã xây dựng được cho mình một chiến lược phát triển TSTT phù hợp và một hệ thống quản lý hữu hiệu những tài sản này, đó là:

– Hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp đưa ra thị trường có tính cạnh tranh cao, làm tăng đáng kể thị phần, lợi nhuận và giá trị của doanh nghiệp.

– Doanh nghiệp có được uy tín và vị thế vững chắc ở trên thị trường, uy tín của doanh nghiệp tăng lên dưới sự đánh giá của các nhà đầu tư và tài chính.

– Do đầu tư đúng hướng nên doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư trong việc nghiên cứu phát triển và marketing.

– Doanh nghiệp có nhiều lợi thế trong việc đàm phán các hợp đồng kinh tế, liên doanh, tiếp cận các nguồn tài chính để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như trong việc thâm nhập vào thị trường mới.

– Có thể ngăn chặn kịp thời các đối thủ cạnh tranh sao chép và làm nhái các sản phẩm dịch vụ của mình.

– Đối với khách hàng, thương hiệu chiếm một phần giá trị không nhỏ, làm tăng sự tin tưởng của khách hàng đối với sản phẩm đó, từ đó làm tăng doanh số bán hàng. Ví dụ, trong các loại bột giặt ở Việt Nam, OMO vẫn là sự lựa chọn số một của người tiêu dùng Việt. Điều đó một phần lớn là nhờ thương hiệu OMO nổi tiếng, đã tạo được lòng tin cho người tiêu dùng nhờ chất lượng của mình.

– Kiểu dáng công nghiệp có thể làm tăng giá trị của doanh nghiệp nhờ vào việc nắm bắt được thị hiếu của khách hàng.

Như vậy, TSTT có vai trò rất lớn trong việc làm tăng giá trị doanh nghiệp. Một doanh nghiệp sẽ ngày càng phát triển nếu có chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu, phát triển TSTT một cách đúng đắn.