Vấn đề doanh nghiệp đầu tư vào dự án xã hội hóa.

0
307

Về các chủ trương đầu tư, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW đã có phần trao đổi với phóng viên VITV về vấn đề này như sau:

Theo Quyết định số 131/2009/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, dạy nghề, văn hoá, thể thao, môi trường;

Doanh nghiệp A là 1 trong 10 DN nằm trong diện được xem xét ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo chủ trương xã hội hóa. Dự án cung cấp nước sạch tại Huyện Đan Phượng của doanh nghiệp A, Doanh nghiệp này đã nhận lại công trình do 2 chủ đầu tư cũ không thực hiện được đó là UBND huyện Đan Phượng và công ty cấp nước II của Hà Đông bàn giao lại với số vốn đầu tư ban đầu khoảng khoảng 7 tỷ 400 triệu đồng. Và đến nay đầu tư mở rộng với số vốn tăng lên 20 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng thì đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư để được hưởng ưu đãi thuế. Và ngoài ra DN thiếu nhiều giấy tờ liên quan.

Phóng viên hỏi: Thưa ông, hiện nay việc cấp giấy chứng nhận đầu tư một dự án cung cấp nước sạch cần những yêu cầu và thủ tục gì?

Luật sư trả lời:

Để được cấp GCN Đầu tư nói chung cũng như đối với dự án nước sạch nói riêng, chủ đầu tư phải giải trình được năng lực của mình đáp ứng được những điều kiện luật định để thực hiện dự án đó.

Những điều kiện đó là:

(i)      Dự án phải theo quy hoạch và đảm bảo các tiêu chí về quy mô, tiêu chuẩn theo quy định nhằm nâng cao đời sống cộng đồng dân cư. Cụ thể là: địa điểm thực hiện dự án phải tuân theo quy hoạch cấp nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ đầu tư phải đánh giá, lựa chọn phương án kỹ thuật, công nghệ và quy mô công suất, xác định tổng mức đầu tư của dự án phải được xem xét một cách đồng bộ với chi phí quản lý, vận hành để bảo đảm hiệu quả kinh tế tổng hợp của dự án.

(ii)    Phải có phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ, chuyển giao công nghệ; có năng lực quản lý khai thác và cam kết cung cấp dịch vụ nước sạch phục vụ cho cộng đồng dân cư. Cụ thể như: Phương án giá nước sạch phải được tính toán phù hợp với điều kiện cụ thể của các nguồn vốn của dự án; Đánh giá thực thực trạng mức sống, khả năng và sự sẵn sang đấu nối, thực hiện nghĩa vụ chi trả tiền nước của người dân khu vực dự án.

(iii)   Đối với dự án xây dựng công trình cấp nước có quy mô lớn phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể là: các dự án đầu tư xây dung công trình cấp nước có quy mô công suất từ 30.000m3/ngày trở lên đối với đô thị loại đặc biệt và 10.000m3/ngày trở lên đối với các đô thị còn lại.

Do vậy, theo quan điểm của tôi, việc doanh nghiệp A trong tình huống này chưa xin được Giấy chứng nhận đầu tư là bởi chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ giấy tờ để chứng minh năng lực của mình trong việc thỏa mãn các điều kiện cho việc cung cấp nước sạch như đã nêu trên.

Phóng viên hỏi: Để tháo gỡ khó khăn cho DN, nghị quyết 69 của chính phủ quy định riêng cho xã hội hóa tuy nhiên trong các tiêu chí để các DN thực hiện xã hội hóa có những quy định cụ thể, mà thật sự để đáp ứng các tiêu chuẩn này tương đối khó.

Ví dụ: Theo quyết định số 1466 của thủ tướng chính phủ ký ngày 10/10/2008, qui định danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí, qui mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực GD, YT, VH, TT và Môi trường thì DN phải đáp ứng các điều kiện: qui mô; giấy chứng nhận đầu tư, giấy cấp đất, giấy xác định tài sản dự án đầu tư;… Quan điểm của ông về những qui định tiêu chí này?

Luật sư trả lời:

Tôi cho rằng việc đưa ra những điều kiện cụ thể để các cơ sở bắt buộc đáp ứng mới được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa là điều cần thiết để nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với sự phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, môi trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia cũng như từ phía đối tượng áp dụng các chính sách này, thì có một số tiêu chuẩn chưa có tính khả thi. Ví dụ:

–         Theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì thu nhập của DN từ thực hiện hoạt động xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo… được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10%. Nhưng để được hưởng mức ưu đãi này, thì một trong các điều kiện các trường đại học dân lập phải đáp ứng là diện tích tối thiểu phải đạt 55 m2/sinh viên. Quy định này là quá cao, ngay cả các trường đại học công lập với đông sinh viên như trường đại học Luật Hà Nội, hay trường đại học Xây dựng cũng khó đạt được tiêu chuẩn này. Và như vậy thì lại không được hưởng ưu đãi về thuế.

–         Hoặc quy định về điều kiện miễn giảm thuế đối với cơ sở giáo dục mầm non. Cụ thể, theo quy định, để cơ sở giáo dục mầm non được áp dụng chính sách miễn giảm thuế, thì phải đáp ứng quy mô hoạt động tối thiểu từ 100 học sinh/cơ sở, đồng thời diện tích đất bình quân tối thiểu phải đạt 8m²/học sinh. Theo đó, được hiểu rằng, cơ sở mầm non ngoài công lập phải có diện tích ít nhất là 800m². Điều này là rất khó đạt được đối với thực trạng đông dân cư như ở Hà Nội hiện nay.

Do vậy, đối với những tiêu chuẩn chưa mang tính khả thi này cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời đảm bảo phù hợp với thực tiễn, nếu không, quy định sẽ luôn chỉ nằm trên giấy, và sự ưu đãi của nhà nước đối với DN xã hội hóa chỉ luôn là lý thuyết.

Phóng viên hỏi: Hiện nay sẽ phải đợi có những sửa đổi về tiêu chuẩn trong xã hội hóa cụ thể là những sửa đổi trong quyết định 1466 về những tiêu chí xã hội hóa thì DN cần phải làm những gì về thủ tục, giấy tờ để có thể sớm được hưởng những ưu đãi này thưa ông?

Luật sư trả lời: Trước khi Quyết định 1466 được sửa đổi thì QĐ này vẫn đang có hiệu lực thi hành. Do vậy, DN muốn hưởng ưu đãi thì bắt buộc phải đáp ứng được các tiêu chuẩn do QĐ này đưa ra, mặc dù theo đánh giá của tôi thì nhiều tiêu chí không khả thi như tôi đã nêu ở trên.

Tuy vậy, tôi cho rằng DN xã hội hóa nên có động thái gửi văn bản kiến nghị đến cơ quan ban hành để được xem xét cho phù hợp, hoặc đó cũng là căn cứ để cơ quan ban hành cân nhắc việc sửa đổi các tiêu chí này đảm bảo sự phù hợp với thực tế của các DN.