Vi phạm quy định về xây dựng có thể phải ngồi tù

0
346

Trong bài viết Vi phạm quy định về xây dựng có thể phải ngồi tù có ý kiến của luật sư Nguyễn Thị Thu từ SBLAW.

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 6-8, cơ quan CSĐT-CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” đối với vụ sập nhà tại 43 phố Cửa Bắc, quận Ba Đình, Hà Nội. Liên quan đến vụ việc này, chúng tôi đã trao đổi với luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn luật sư Hà Nội để làm rõ trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan.

Hiện trường vụ sập nhà số 43 Cửa Bắc
Hiện trường vụ sập nhà số 43 Cửa Bắc

Có thể phạt tù đến 10 năm

Theo CQĐT, nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự cố trên là do ngôi nhà 43 Cửa Bắc có hệ thống móng và tường chịu lực kém, xây dựng từ khá lâu, trong khi đó, lúc đào móng nhà liền kề (số 41 Cửa Bắc), đơn vị thi công không có biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình xung quanh. Hậu quả là ngôi nhà số 43 Cửa Bắc đã bị sập hoàn toàn, khiến 2 người chết và 4 người bị thương.

Luật sư Nguyễn Thị Thu phân tích, theo quy định tại Bộ luật Hình sự, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thi công công trình trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đó, người vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác… gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3-10 năm.

Đối với cấu thành tội phạm này, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc. Hậu quả để xác định trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra, cụ thể là: gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên là gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe; có thể gây ra cho 1 người và có thể gây ra cho nhiều người.

Nếu gây ra cho nhiều người mà tổng tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 31% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người từ 31% trở lên thì cũng coi là gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác. Gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của người khác là trường hợp gây thiệt hại về tài sản cho người khác có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Hậu quả rất nghiêm trọng là những thiệt hại do tội phạm gây ra rất lớn, lớn hơn so với mức gây hậu quả nghiêm trọng. Trong vụ sập nhà số 43 Cửa Bắc, thiệt hại không chỉ là tài sản mà còn khiến 2 người tử vong, làm bị thương 4 người khác.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Thu, nếu cơ quan chức năng xác định nguyên nhân gây sập nhà 43 Cửa Bắc là do đào móng nhà 41 gây ra thì đơn vị thi công nhà số 41 Cửa Bắc phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả thiệt hại. Tuy vậy, cũng cần xem xét chủ nhà có giao kết hợp đồng thuê đơn vị thi công hay không.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Bộ luật Dân sự 2005 quy định, khi xây dựng công trình, chủ sở hữu công trình phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.

Khi có nguy cơ xảy ra sự cố đối với công trình xây dựng, ảnh hưởng đến bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu công trình phải cho ngừng ngay việc xây dựng, sửa chữa hoặc dỡ bỏ theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Về nguyên tắc, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức, hình thức, phương thức bồi thường…

Còn theo Thông tư số 05/2015/TT-BXD ngày 30-10-2015 quy định về quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ, đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m, chủ nhà được tự tổ chức thi công xây dựng và chịu trách nhiệm về an toàn xây dựng và các ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở đến các công trình liền kề, lân cận.

Đối với nhà ở dưới 7 tầng, việc thi công xây dựng được tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm thi công xây dựng công trình với quy mô tương tự thực hiện. Trong quá trình thi công xây dựng, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, chủ nhà phải tham khảo ý kiến của thiết kế để kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, cần kiểm tra biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn đối với nhà ở và các công trình liền kề, lân cận, hệ thống cốp pha, giàn giáo thi công…

Đối chiếu với quy định này, đơn vị thi công nhà số 41 Cửa Bắc đã không thực hiện đúng các quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn với các nhà liền kề, bởi khi đào móng nếu thấy các móng nhà liền kề yếu thì phải tạm dừng ngay công trình, nếu thấy nhà có nguy cơ sập đổ cần di chuyển người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương… Trong trường hợp chủ nhà dù đã được cấp giấy phép xây dựng nhưng trong quá trình triển khai không thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép thì vẫn bị phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Theo anninhthudo.vn