Xây dựng đặc sản cho các địa phương

0
524

Chăn nuôi con đặc sản hiện nay đang trở thành trào lưu, giúp người chăn nuôi tạo ra sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên người nuôi con đặc sản hiện nay gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, trong khi đó còn phải đối mặt với sự lai tạp, gian lận…Dưới góc nhìn pháp lý, làm thế nào để mỗi người chăn nuôi, từng địa phương phát huy được ưu thế đó? Trang Trại Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, Hà Nội). Luật sư Hà cho biết:

Con đặc sản có năng suất không cao nhưng giá trị đem lại cho người nuôi là rất lớn, theo tôi đây là một hướng đi rất tốt để cạnh tranh với các sản phẩm chăn nuôi của nước ngoài nhập vào nước ta. Các con đặc sản ở nước ta khá đa dạng, phong phú – Đó là một thế mạnh cần được tận dụng khai thác, phát huy. Các con vật trong tự nhiên từ gia cầm tới gia súc đều được người dân thuần hoá để trở thành một vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao như gà Đông Tảo, gà Hồ, gà mía, gà HMông, gà đen, đà điểu, chim trĩ, vịt trời, dê, lợn rừng, hươu, thỏ và nhiều vật nuôi thuỷ sản như ba ba, cá sấu… Nhiều con đặc sản trở thành thương hiệu không chỉ của địa phương mà còn được nhiều vùng miền biết đến.

Luật sư nói “con đặc sản”, vậy thế nào là con đặc sản? Để được gọi là con đặc sản phải đạt tiêu chí gì?

Con đặc sản là theo cách gọi trong nhân dân chứ hiện nay pháp luật chưa có khái niệm con đặc sản cũng như quy định vật nuôi phải đạt tiêu chí gì thì được gọi là con đặc sản.

Theo từ điển Tiếng Việt thì đặc sản là sản phẩm đặc biệt của một vùng, một địa phương. Còn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì đặc sản là tên gọi chỉ chung về những sản vật, sản phẩm, hàng hóa (thường là nông sản) mang tính đặc đặc thù hoặc có nhiều điểm đặc biệt, riêng có mà xuất xứ từ những vùng, miền, địa phương và tạo nên những nét đặc trưng của một vùng, miền hay một địa phương nào đó. Khái niệm đặc sản cũng không nhất thiết chỉ về những sản phẩm, sản vật được ra đời đầu tiên tại vùng, miền hay địa phương nhưng nó mang tính chất thông dụng, phổ biến tại địa phương hay có chất lượng cao hơn hẳn những sản phẩm cùng loại và được nhân dân địa phương coi như sản phẩm truyền thống của địa phương mình.

Từ những khái niệm trên, tôi cho rằng con đặc sản là con gắn liền với truyền thống, với một vùng đất cụ thể hay nói cách khác con đó chỉ sinh sống hoặc nuôi dưỡng ở một vùng đất đó với cách thức chăm sóc như tại phương đó thì mới mang đặc tính đó. Đơn cử gà Đông Tảo, theo tôi biết đây là loài gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, người dân trước đây thường dùng để cúng tế, hội hè, hay tiến Vua. Gà Đông Tảo thuộc danh sách các giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam hiện đang được bảo tồn nguồn gen.

Như vậy, con đặc sản mang tính đặc thù ở một địa phương cụ thể. Nhưng cũng có thực tế là khi thấy giá trị kinh tế cao, người dân địa phương khác cũng nuôi. Điều này có ảnh hưởng đến chất lượng của con đặc sản và có vi phạm pháp luật?
Ảnh hưởng hay không thì việc này các nhà khoa học nghiên cứu về sinh vật sẽ trả lời. Nếu việc nhân rộng nuôi con đặc sản ở các địa phương khác mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hoặc chất lượng tốt hơn thì nên làm.

Ví dụ như gà Hồ một đặc sản quý ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Nếu giống gà này địa phương khác cũng chăn nuôi mà cho chất lượng thịt như người dân ở làng Lạc Thổ nuôi thì tốt quá; sẽ có nhiều người có cơ hội nhờ đó mà làm giàu. Ngược lại nếu chăn nuôi ở địa phương khác mà chất lượng thịt không đảm bảo, làm thoái hóa nguồn gen, mất đi thương hiệu của gà Hồ …thì không ổn. Tuy nhiên dưới góc độ pháp lý thì cần phải phân biệt cụ thể: nếu gà Hồ làng Lạc Thổ đã đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý và đã được cấp Giấy chứng nhận thì người chăn nuôi ở địa phương khác muốn lấy nhãn hiệu gà Hồ thi phải nuôi giống gà Hồ ở làng Lạc Thổ, tự nguyện tham gia và ký cam kết cùng sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm; tuân thủ quy trình chăn nuôi theo đúng bảng mô tả mà làng Lạc Thổ đã làm hồ sơ nộp cho Cục  Sở hữu trí tuệ. Nhưng nếu họ nuôi gà Hồ mà họ không phải là thành viên của hiệp hội sử dụng tên thương mại (nhãn hiệu), chỉ dẫn địa lý gà Hồ thôn Lạc Thổ, họ không sử dụng tên gọi là gà Hồ mà dùng một tên gọi khác và tên gọi này họ cũng đăng ký thì không vi phạm.

Như vậy có nghĩa địa phương có con đặc sản chỉ cần đăng ký tên thương mại (sửa thành nhãn hiệu), chỉ dẫn địa lý thì con đặc sản đó sẽ được bảo hộ?

Nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp. Quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 123 của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, chủ sở hữu đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý có quyền: định đoạt, cho phép hoặc ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm mà mình đã đăng ký và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận. Do đó nếu con đặc sản đã được đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thì chủ sở hữu sẽ được pháp luật bảo hộ. Người vi phạm sẽ bị xử lý theo “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp” tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 08 năm 2013 của Chính phủ.

Do đó theo tôi để chống “hàng nhái” địa phương, tổ chức, cá nhân nuôi con đặc sản cần đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Có như thế khi xảy ra vi phạm thì mới có căn cứ để xử lý. Và quan trọng hơn mới bảo vệ được thương hiệu con đặc sản của mình. Để làm được việc này phải chứng minh được những đặc tính riêng biệt, điều kiện tự nhiên quyết định đến chất lượng và tính riêng biệt đó, xây dựng được quy chế sử dụng và kiểm soát việc tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý…do đó phải cần sự giúp đỡ của các nhà khoa học, luật sư chuyên ngành sở hữu trí .

Tuy nhiên tôi cho rằng, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài để con đặc sản trở thành một ngành chăn nuôi sản xuất mũi nhọn, phát triển bền vững Nhà nước cần có giải pháp căn cơ hơn.

Theo luật sư, giải pháp căn cơ đó là gì?

Hiện nay pháp luật chưa có quy định về nuôi con đặc sản, do đó theo tôi cần xây dựng một hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho việc chăn nuôi con đặc sản. Cần phải quy định rõ: Con đặc sản là gì? Để được gọi là con đặc sản phải có tiêu chí gì? Quyền, nghĩa vụ của tổ chức cá nhân trong biệc bảo tồn nguồn gen đối với con đặc sản; chế tài xử lý hành vi vi phạm và những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với chăn nuôi con đặc sản…

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)