Xu hướng nhà đầu tư (NĐT) ngoại thâm nhập vào VN: các cơ chế luật

0
392

 

  1. Theo anh, khi bước vào môi trường kinh doanh VN, những điều tiên quyết về luật mà một NĐT nước ngoài nên quan tâm là gì? Vì sao?

Trả lời:

Hiện nay, làn sóng đầu tư vào Việt Nam đang tăng mạnh do nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn tăng trưởng. Mỗi quốc gia đều có những quy định về vấn đề đầu tư từ nước ngoài vào trong nước và các quốc gia lại quy định không giống nhau về vấn đề này. Chính vì vậy mà khi Nhà đầu tư muốn đầu tư vào một quốc gia nào đó thì họ cũng luôn phải tìm hiểu xem quốc gia đó có những yêu cầu, điều kiện gì đối với việc đầu tư, để từ đó họ kiểm tra xem bản thân có phù hợp để đầu tư vào đây hay có gì cần thay đổi hay không?

Tại Việt Nam, các chính sách khuyến khích đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài cũng được Nhà nước tập trung phát triển. Năm 2014 được coi là một cột mốc quan trọng trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài với sự ra đời của Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua hai năm áp dụng vào thực tiễn, những quy định này đã phát huy tác dụng và giúp cho thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Một trong những vấn đề các nhà đầu tư nước ngoài cần quan tâm là quyền và nghĩa vụ của họ khi thực hiện đầu tư tại Việt Nam, nói cách khác là những gì họ được làm và những gì họ bắt buộc phải làm theo quy định pháp luật tại đây. Hiểu rõ điều này giúp nhà đầu tư an tâm thực hiện dự án và đảm bảo sự hợp pháp của hoạt động đầu tư.

 

  1. Những hình thức kinh doanh nước ngoài được chấp nhận tại VN là gì vậy, thưa anh?

Trả lời:

Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư. Hình thức đầu là vấn đề rất được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Luật đầu tư 2014 quy định 4 hình thức đầu tư, bao gồm: đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC. Cụ thể:

Thứ nhất, Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế (Điều 22 Luật Đầu tư)

Hình thức thành lập tổ chức kinh tế bao gồm hai hình thức thành lập cụ thể, đó là: thành lập công ty 100% vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, thành lập công ty liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước hoặc Chính phủ trong nước và nhà đầu tư nước ngoài

Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về chứng khoán, về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước và các điều kiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ hai, là hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế (Điều 24 Luật Đầu tư)

Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế là hình thức đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài. Hình thức đầu tư này thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Khi thực hiện hình thức đầu tư này, nhà đầu tư cần tuân thủ các hình thức và thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Thứ ba, Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP (Điều 27 Luật Đâu tư)

Hợp đồng PPP là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án đầu tư. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, nó sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân.

Thứ tư, Đầu tư theo Hợp đồng BCC (Điều 28 Luật Đầu tư)

BCC là hình thức đầu tư được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân mới. Hình thức đầu tư này giúp các nhà đầu tư tiến hành hoạt động đầu tư được nhanh chóng mà không không mất thời gian, tiền bạc để thành lập và quản lý một pháp nhân mới.

Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.  Hợp đồng BCC có ít nhất 1 bên là nhà đầu tư nước thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

 

  1. Theo như tôi được biết, để tiến hành hoạt động kinh doanh, NĐT nước ngoài phải thực hiện thủ tục cần thiết để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Vậy anh Hoàng Anh có thể chia sẻ một chút, làm sao để quá trình này được thực hiện nhanh chóng và dễ dàng được hay không?

Trả lời:

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản, bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.

Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 37 Luật Đầu tư năm 2014 thì Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ; trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do từ chối. Như vậy việc cấp nhanh hay chậm phụ thuộc khá nhiều vào việc nhà đầu tư có cung cấp đúng và đủ hồ sơ chưa.

Thông thường, các doanh nghiệp nước ngoài không nắm bắt hết được những tài liệu cần chuẩn bị nên khó khăn trong việc yêu cầu cấp giấy, và dẫn đến thời gian cấp giấy chứng nhận kéo dài. Lời khuyên là các nhà đầu tư nước ngoài lên tìm hiểu các quy định thật kỹ, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ hoặc có thể nhờ đến các tổ chức tư vấn, hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp thực hiện thay để đảm bảo việc cấp bằng được nhanh chóng.

 

  1. Liệu có điều luật nào ràng buộc giữa NĐT nước ngoài với các doanh nghiệp VN, cụ thể hơn nữa là các start up Việt, hay không ạ?

Trả lời:

Tùy vào hình thức đầu tư của Nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ có các biện pháp ràng buộc cụ thể.

Ví dụ: đối với trường hợp thành lập doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp liên doanh được thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh ký giữa 2 bên hoặc nhiều bên để tiến hành đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Trong trường hợp đặc biệt, Doanh nghiệp liên doanh có thể được thành lập trên cơ sở hiệp định ký kết giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ nước ngoài.

Các bên tham gia liên doanh chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn cam kết góp vào vốn pháp định của doanh nghiệp.

Hay như đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh thì đấy là văn bản ký kết giữa 2 bên hoặc nhiều bên để tiến hành đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, trong đó quy định trách nhiệm và phân chia kết quả kinh doanh cho mỗi bên mà không thành lập pháp nhân mới.

 

  1. Nhà nước ta hiện đang có những định hướng chính sách/điều luật gì để hỗ trợ, thu hút NĐT nước ngoài rót vốn vào thị trường VN?

Trả lời:

Nhà nước ta trong nhiều năm trở lại đây đã có những nỗ lực rất nhiều để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam, cũng là để thu hút các nguồn FDI để phát triển Việt Nam.

Các chính sách ưu đãi và thu hút vốn FDI nhằm khuyến khích đầu tư vào địa bàn hoặc lĩnh vực mà Chính phủ định hướng hoạt động đầu tư. Do Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường nên môi trường đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế như: Kết cấu hạ tầng kém phát triển, thiếu đồng bộ về khung khổ pháp lý, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn ở mức cao. Bởi vậy, việc ban hành và áp dụng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư là cần thiết để bù đắp những hạn chế còn tồn tại, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh thu hút FDI.

Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định 13 nhóm lĩnh vực và 3 loại địa bàn khuyến khích đầu tư và giao cho Chính phủ quy định cụ thể các lĩnh vực, địa bàn được hưởng chính sách ưu đãi thuế. Theo đó, mức độ ưu đãi về thuế cụ thể được quy định trong pháp luật thuế. Các quy định về ưu đãi thu hút FDI được cụ thể hóa tại các văn bản pháp luật sau: Luật Đầu tư 2014, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) sửa đổi 2013, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 123/2017/NĐ-CP sửa đổi một số điều quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; …

Thông thường, các doanh nghiệp tại Việt Nam được hưởng chính sách ưu đãi cả về thuế và tài chính. Các ưu đãi phổ biến đó là miễn hoặc giảm thuế; miễn giảm thuế nhập khẩu; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; cho thuê đất với mức giá ưu đãi. Mục tiêu của các chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư của nước ta hiện nay là nhằm tăng thu hút nguồn vốn FDI, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cấp công nghệ, tạo việc làm, giảm bớt bất bình đẳng và các mục tiêu xã hội khác. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy rằng, mục tiêu của các loại chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của Việt Nam còn mang tính chất khá đa dạng, dàn trải và đôi khi các mục tiêu của chính sách còn chưa rõ ràng, chồng chéo.