Yêu cầu mới về hồ sơ cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam

0
336

Ngày 03 tháng 02 năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nghị định có hiệu lực thi hành vào ngày 01 tháng 04 năm 2016, thay thế nghị định 102/2013/NĐ-CP.

Nghị định 11 quy định chi tiết về việc cấp giấy phép lao động cho lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; việc trục xuất lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động.

Là một trong những vấn đề được sửa đổi nhiều nhất, hồ sơ cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Nghị định 11 được quy định như sau:

Thứ nhất, đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà làm việc cho người sử dụng lao động khác ở cùng vị trí công việc ghi trong giấy phép lao động thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động gồm: Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; 02 ảnh mầu (4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ; Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật; hợp đồng lao động (hoặc văn bản cử sang làm hiện diện thương mại và văn bản chứng minh người lao động đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước ít nhất 12 tháng đối với trường hợp di chuyển nội bộ) và giấy phép lao động hoặc bản sao chứng thực giấy phép lao động đã được cấp;

Thứ hai, đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà làm khác vị trí công việc ghi trong giấy phép lao động nhưng không thay đổi người sử dụng lao động thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động gồm: Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật; và các  giấy tờ còn lại tương tự như mục 1 trên.

Thứ ba, đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động nhưng hết hiệu lực theo quy định tại Điều 174 của Bộ luật Lao động mà có nhu cầu tiếp tục làm việc cùng vị trí công việc đã ghi trong giấy phép lao động theo quy định của pháp luật thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động giống như cấp mới giấy phép lao động nhưng thay văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật là văn bản xác nhận đã thu hồi giấy phép lao động đã được cấp.

Thứ tư, trường hợp người lao động nước ngoài tại các mục 1, 2 và 3 nêu trên đã được cấp giấy phép lao động theo quy định tại Nghị định số 102/2013/NĐ-CP thì phải có văn bản chứng minh là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật.

Để tìm hiểu chi tiết hơn về Nghị định, mời Quý khách truy cập theo link sau: 11_2016_ND-CP_302198

Mời Quý xem thêm tư vấn của luật sư SBLaw về kinh doanh trong lĩnh vực lao động: