Cấp phép sử dụng tên quốc gia để đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài

0
650

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 91/NQ-CP về việc cấp phép sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý thuộc phạm vi quốc gia để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ.

Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép sử dụng chữ “Việt” hoặc “Việt Nam”, chữ tiếng Anh tương ứng “Viet” hoặc “Vietnam” để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ quốc gia của Việt Nam tại nước ngoài; trước mắt cấp phép cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm gạo của Việt Nam tại nước ngoài.

Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về việc sử dụng tên quốc gia, bao gồm dạng đầy đủ, dạng rút ngắn, các chữ tiếng Anh tương ứng và các dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý thuộc phạm vi quốc gia trong việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) cho các sản phẩm, dịch vụ tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chỉ dẫn địa lý thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, vì vậy, Nhà nước có thể trực tiếp thực hiện quyền quản lý thông qua các cơ quan chức năng, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ,… hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Đó có thể UBND cấp tỉnh, thành phố trực Trung ương nơi có vùng địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh xác định và trao quyền quản lý.

Hiện nay, ở Việt Nam có 43 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Có thể nói, các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý không chỉ đa dạng về loại hình sản phẩm (hoa, quả, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng), mà còn có tính đại diện cho các vùng miền trên khắp cả nước: Từ miền núi phía Bắc (Hà Giang), Đông Bắc Bộ (Quảng Ninh) tới Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa) cho đến cả Đồng bằng sông Cửu Long (Vĩnh Long, Bạc Liệu).

Trong đó, sản phẩm nước mắm Phú Quốc được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường châu Âu. Điều này mang lại các giá trị kinh tế và cả ý nghĩa chính trị to lớn cho Việt Nam nói chung và Phú Quốc nói riêng.

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Nó có thể là những từ ngữ, tên gọi, dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh được sử dụng để chỉ ra rằng sản phẩm có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hoá này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên.

Thông qua chỉ dẫn địa lý, có thể nhận biết một khu vực địa lý cụ thể gắn liền với chất lượng, danh tiếng và những đặc tính riêng có của sản phẩm mà chỉ ở nơi ấy mới có. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý mang lại nhiều lợi ích, từ phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm của một vùng miền cho đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Nguồn: http://vietq.vn/cap-phep-su-dung-ten-quoc-gia-de-dang-ky-nhan-hieu-tai-nuoc-ngoai-d129517.html