Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở thì hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở bắt buộc phải có phương án phòng cháy chữa cháy.
Đây cũng là yêu cầu không thể thiếu để Sở Kế hoạch Đầu tư các địa phương trình UBND tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án, cũng như sau đó là cấp phép xây dựng.
Điều 16 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP cũng nêu rõ, chỉ khi nào hoàn thành nghiệm thu các nội dung đã được phê duyệt trong hồ sơ dự án, trong đó có phương án phòng cháy chữa cháy thì chủ đầu tư mới được bàn giao nhà cho cư dân.
Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ thì cơ quan công an có quyền kiến nghị yêu cầu chủ đầu tư thực hiện, ra văn bản xử phạt hành chính hoặc nếu vi phạm với mức độ nặng, hay vi phạm nhiều lần có thể ra quyết định yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục.
Xoay quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có bài trả lời phỏng vấn, mời các bạn xem nội dung tại đây
Câu hỏi: Tính đến tháng 10/2017, trên địa bàn Hà Nội còn 68 chung cư chưa an toàn về công tác PCCC. Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử lý các chủ đầu tư vi phạm hiện nay đang quá nhẹ tay?
Trả lời:
Dưới góc độ luật pháp, Điều 4 Nghị đinh số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định như sau:
“1. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đối với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tệ nạn xã hội đối với cá nhân là 40.000.000 đồng, đối với tổ chức là 80.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng”.
Ngoài ra, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, chủ đầu tư hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Điều 313 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tuy nhiên, thực tiễn, chế tài đối với những vi phạm về an toàn PCCC hiện nay chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền. Mức phạt còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe. Do đó, nhiều chủ đầu tư vì quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà lơ là trách nhiệm về an toàn PCCC dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Hơn nữa, cho đến nay, dù đã ban hành Luật Phòng cháy chữa cháy, nhưng lại chưa xây dựng tiêu chuẩn bắt buộc và hướng dẫn thiết kế cho các công trình nhà cao tầng về hệ thống báo cháy, hệ thống giám sát mức nước bể chữa cháy, tình trạng thiết bị chữa cháy, hệ thống điều khiển đèn chiếu sáng khẩn cấp, hệ thống thoát khói tự động, điều khiển hệ thống chỉ dẫn cửa thoát hiểm, điều khiển tăng áp tự động cầu thang thoát hiểm, ….
Chính vì vậy việc trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy và trợ giúp sơ tán phụ thuộc hoàn toàn vào túi tiền hay sự hào phóng của chủ đầu tư. Đa số các công trình chung cư cao tầng hiện nay, kể cả một số cao ốc văn phòng hạng sang đang trong tình trạng bị “lách luật” hay “làm luật”, điều đó dẫn đến người sử dụng hàng ngày phải đối mắt với nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng.
Câu hỏi: Theo ông! Để hạn chế tình trạng cháy nổ ở các khu chung cư theo ông cần có chế tài gì để xử phạt chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý cố tình phớt lờ quy định PCCC?
Trả lời:
Hiện nay, tình trạng xảy ra cháy nổ tại gia cư từ nhà phố cho tới chung cư đang xảy ra ngày một nhiều, gióng lên hồi chuông báo động về việc phòng ngừa hỏa hoạn.
Để tăng cường tính răn đe, phòng ngừa đối với các chủ đầu tư cố tình “phớt lờ” các quy định về PCCC, thiết nghĩ vấn đề phòng chống cháy nổ cần phải được luật hóa, để chủ đầu tư có trách nhiệm hơn. Đồng thời, nên sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật trong công tác PCCC.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm soát, giám sát nghiêm ngặt phương án PCCC tại các công trình nhà cao tầng nhằm tránh tình trạng nhà cao tầng đã có người vào ở, làm việc mà không đảm bảo được các yêu cầu về đảm bảo an toàn về PCCC.
Câu hỏi: Đối với các cư dân ông có lời khuyên gì nhằm giảm thiếu các rủi ro xuống mức thấp nhất?
Trả lời:
Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Đối với mỗi cá nhân hoặc tập thể đểu phải có ý thức và hiểu biết chung về phòng cháy chữa cháy.
Các cư dân tòa nhà, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp, cần phải làm gì để giảm thiểu các rủi ro về hỏa hoạn đến với mình khi sinh sống tại tòa nhà cao tầng? đừng để đến khi xảy ra sự cố cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản rồi mới quy trách nhiệm thì đã quá muộn màng. Trước khi về sống tại tòa nhà, người dân cần tìm hiểu xem tòa nhà đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy hay chưa. Tâm lý người dân thường nóng ruột, mong cho mau chóng được vào ở, đây là tâm lý dễ hiểu bởi nhu cầu ổn định cuộc sống, tuy nhiên, người dân cần phải tỉnh táo trong vấn đề này.
Mỗi người dân cần nghiên cứu bố trí tòa nhà, vị thang thoát nạn cũng như các trang thiết bị phương tiện phòng cháy chữa cháy được lắp ở đâu, có đầy đủ hay không. Điều này giúp người dân chủ động hơn trong việc ứng phó với các sự cố xảy ra. Chữa cháy từ bên trong luôn quan trọng và hiệu quả hơn chữa cháy từ bên ngoài.
Người dân cần tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC do lực lượng Cảnh sát PCCC hoặc ban quản lý chung cư tổ chức liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nắm vững các kỹ năng mà lớp tập huấn truyền đạt, chủ động trong công tác PCCC.