Hành vi trốn thuế bị xử lý thế nào?

0
533

1. Hành vi trốn thuế bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Tùy theo mức độ nghiêm trọng, hành vi trốn thuế có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Đối với xử phạt hành chính, mức xử phạt được quy định cụ thể tại Điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính thuế. Cụ thể Người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định của pháp luật bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận.

Ví dụ, Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên khi có 1 trong các hành vi như: Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế ; Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; Không xuất hóa đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ;… Phạt tiền 2 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi kể trên trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vi phạm lần thứ ba và có một tình tiết giảm nhẹ. Mức phạt tiền có thể tới phạt tiền 2,5 lần và phạt tiền 3 lần.

Ngoài ra đối với một số trường hợp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước.

Đối với xử lý hình sự, nếu đủ yếu tố cấu thành tội trốn thuế thì đối tượng vi phạm có thể bị xử lý được quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một số tôi khác, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Ngoài ra đối với một số trường hợp khác, mức phạt tiền cao nhất sẽ là 4.500.000.000 đồng và phạt tù lên đến 7 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

2. Tình trạng các doanh nghiệp kê khai báo lỗ hoặc doanh thu bằng 0 để trốn thuế liệu quy định pháp luật có xử lý được việc này?

Trả lời:

Trước tiên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật về thuế hiện hành để đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến các chính sách thuế để hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, đảm bảo minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện và đồng bộ với các luật khác

Về phía cơ quan thuế, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đáp ứng theo từng nhóm người nộp thuế; dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế thực hiện thủ tục hành chính thuế sẽ được thực hiện chủ yếu bằng hình thức điện tử trực tuyến, tập trung thống nhất trong hệ thống cơ quan thuế; ban hành quy định áp dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ để giảm chi phí cho người nộp thuế, hạn chế rủi ro trong công tác quản lý thuế, tăng hiệu quả trong việc kiểm soát doanh thu, phục vụ mục tiêu tăng cường việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, cũng cần tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, đặc biệt đối với những đơn vị có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, về hóa đơn chứng từ. Tập trung tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tại các địa phương để thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động kê khai và nộp thuế của doanh nghiệp.