Thương mại điện tử có ý nghĩa thế nào đối với nguồn thu ngân sách

0
153

Thương mại điện tử là 1 trong các lĩnh vực HOT nhất hiện nay. Vậy TMĐT có ý nghĩa thế nào đối với nguồn thu ngân sách?  Đây là một vấn đề lớn mà nhà nước và người dân đều rất quan tâm. Cùng theo dõi bài phỏng vấn dưới đây của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW về vấn đề trên.

1) Thời gian gần đây, trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn, như TikTok, Shopee… nở rộ livestream bán hàng với doanh số rất lớn, thậm chí lên tới hàng trăm tỉ đồng. Theo ông, sự phát triển của livestream bán hàng nói riêng và thương mại điện tử có ý nghĩa thế nào đối với nguồn thu ngân sách?

Trả lời:

Livestream bán hàng và Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành lĩnh vực có ảnh hưởng quan trọng đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Đối với Việt Nam, hoạt động TMĐT ngày càng được mở rộng, với sự đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia, mức tăng trưởng được đánh giá là nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Hiện nay giá trị ngành TMĐT của Việt Nam là 20,5 tỷ USD và ước tính sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025[1].

Thông tin về số thu ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính dẫn số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất cho thấy, kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử năm 2022 là 83.000 tỷ đồng; năm 2023 số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2024 số thuế đã nộp trên 50.000 tỷ đồng. Lũy kế đến nay đã có 96 Nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế với số thuế là trên 15,6 nghìn tỷ đồng[2]. Có thể thấy, khi Nhà nước khai thác tốt tiềm năng phát triển, đồng thời có chính sách giám sát, quản lý phù hợp thì hoạt động Livestream bán hàng nói riêng cũng như TMĐT nói chung sẽ là một nguồn thu khổng lồ cho Ngân sách nhà nước.

 

Thương mại điện tử có ý nghĩa thế nào đối với nguồn thu ngân sách
Thương mại điện tử có ý nghĩa thế nào đối với nguồn thu ngân sách

2) Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng pháp luật đang có khoảng trống, dẫn đến thất thu thuế trong lĩnh vực này. Xin ông cho biết quan điểm của mình?

Trả lời:

Về cơ bản, chúng ta đã có những quy định pháp luật tương đối cụ thể để quản lý thuế của hoạt động TMĐT: Luật Quản lý thuế 2019, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Thông tư 100/2021/TT-BTC, Thông tư số 40/2021/TT-BTC… Nhờ có những văn bản pháp lý quan trọng đó nên cơ quan thuế các cấp đã tổ chức thực hiện khá hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.

Tuy nhiên, qua quá trình thực thi các chính sách quản lý thuế, một số bất cập và hạn chế của các quy định pháp luật dần bộc lộ. Dù đã có nhiều văn bản luật liên quan điều chỉnh hoạt động giao dịch TMĐT như Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật Thương mại, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự… Nhưng trong bối cảnh hiện nay, hành lang pháp lý vẫn chưa theo kịp sự phát triển nhanh của TMĐT. Luật giao dịch điện tử chưa có quy định pháp lý ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trên không gian mạng, các mạng xã hội trong việc cung cấp thông tin về các hoạt động kinh doanh online, nhất là hoạt động bán hàng qua Facebook, TikTok… đang tạo ra doanh thu cho nhiều cá nhân, tổ chức, gây khó khăn trong việc kiểm soát, và truy thu thuế. Trên thực tế, không ít cá nhân, tổ chức có các khoản thu nhập này lại vô tình hoặc chủ ý không thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định, gây thất thu cho Ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, quy định về khai thuế, nộp thuế thay cá nhân vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo quy định Thông tư 100/2021/TT-BTC, các chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, khi cá nhân không tự nguyện ủy quyền thì sàn giao dịch TMĐT không bắt buộc phải kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân mà chỉ phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Điều này tạo ra khoảng trống cho nhiều cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT lợi dụng để cố tình né thuế bằng nhiều thủ đoạn qua mặt sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đồng thời, một số sàn TMĐT cũng có thể lợi dụng để thu hút cá nhân giao dịch trên sàn giao dịch TMĐT và giảm bớt khối lượng công việc khi không khuyến khích cá nhân ủy quyền kê khai, nộp thuế thay.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng chưa quy định rõ về nội dung thông tin phải cung cấp, hình thức và tần suất cung cấp thông tin cho cơ quan Thuế của các sàn giao dịch TMĐT.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Có nên tạm hoãn xuất cảnh
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW

3) Theo ông, đâu là những khó khăn trong việc thu thuế đối với livestream bán hàng, thương mại điện tử hiện nay?

Trả lời:

Hiện nay, công tác quản lý thuế của hoạt động TMĐT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến số thuế thu được còn hạn chế. Trong đó, những cá nhân livestream bán hàng online qua các trang mạng xã hội được xem là đối tượng khó quản lý thuế nhất. Nguyên nhân là do các đối tượng này thường không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ kinh doanh, cư trú rõ ràng, tên đăng ký trên các trang mạng xã hội khác với tên ngoài đời thực… Ngoài ra, giá bán, số lượng sản phẩm thường được bên mua và bên bán liên hệ online với nhau, cơ quan thuế không thể xác định chính xác doanh thu; phương thức thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, trả tiền khi giao hàng, nhiều trường hợp không có hóa đơn nên không kiểm soát được doanh thu bán hàng để quản lý thu thuế.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, việc thu thập thông tin từ cũng rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp cố tình trì hoãn hoặc không phối hợp trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến các khách hàng (viện dẫn nhiều lý do như bảo mật thông tin khách hàng, không thuộc trường hợp phải cung cấp thông tin…), hoặc cung cấp thông tin nhưng không đủ các nội dung cần thiết để thực hiện việc xác minh, đối chiếu về doanh thu cũng như địa chỉ của người nộp thuế…

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa ngành Thuế với ngân hàng vẫn còn hạn chế. Các ngân hàng chưa cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể để xác định được từng nghiệp vụ phát sinh khi giao dịch, từ đó xác định doanh thu kinh doanh TMĐT…, mà chủ yếu cung cấp sao kê giao dịch trên tài khoản. Vì vậy, không phân biệt được giao dịch nào là giao dịch TMĐT, giao dịch thông thường từ tài khoản của cá nhân.

 

4) Theo ông, cần những giải pháp gì để hạn chế thất thu thuế trong lĩnh vực này?

Trả lời:

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, khả năng tăng trưởng và tiềm năng phát triển của thương mại điện tử đã đặt ra yêu cầu cao hơn về quản lý thuế. Nhằm phát triển đồng thời chống thất thu thuế thương mại điện tử trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp tại Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ “điểm nghẽn’ trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, gồm có:

Thứ nhất, kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng. Mục tiêu là để giám sát, đối chiếu nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra đối với người nộp thuế.

Thứ hai, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần rà soát hoàn thiện pháp luật để bổ sung và sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến TMĐT, đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn hoạt động.

Thứ ba, thành lập cổng thông tin đăng ký và kê khai thuế thương mại điện tử, cung cấp nền tảng trực tuyến để doanh nghiệp dễ dàng đăng ký hoạt động, kê khai và nộp thuế. Đồng thời đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế.

Thứ tư, áp dụng định danh và xác thực điện tử. đồng bộ liên thông dữ liệu thông tin hàng hóa để có thể nhanh chóng xác minh và truy xuất thông tin về người nộp thuế.

Thứ năm, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Thanh toán không dùng tiền mặt càng nhiều thì quản lý và thu thuế càng cao.

Thứ sáu, sửa đổi Nghị định 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật và cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Thứ bảy, quản lý hoạt động thương mại điện tử qua mạng xã hội để thu thuế, do hoạt động livestream, bán hàng qua mạng xã hội hiện rất phổ biến, việc theo dõi đối chiếu hoạt động này với ngân hàng thì sẽ giúp thu được nguồn thuế rất lớn.

Ngoài các giải pháp trên, thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, kê khai, nộp thuế đến tất cả người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử; rà soát, đôn đốc người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế theo quy định; thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có kinh doanh thương mại điện tử nhằm đưa việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử vào nề nếp.

 

 5) Rõ ràng việc thu thuế đối với livestream bán hàng nói riêng và thương mại điện tử nói chung cần sự chung tay của nhiều cơ quan. Ông có khuyến nghị gì để vừa thúc đẩy sự chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan với nhau, vừa đảm bảo bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu của người dân?

Trả lời:

Việc kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước liên quan như thuế, hải quan, ngân hàng, công an… là cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, chống thất thu thuế hiệu quả; nhanh chóng phát hiện và xử lý hành vi trốn thuế; tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.

Để có thể vừa thúc đẩy kết nối thông tin giữa các cơ quan với nhau, vừa đảm bảo bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu của người dân, các cơ quan cần xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu, phát triển hệ thống thông tin quốc gia thống nhất, kết nối các hệ thống quản lý thuế, hải quan, ngân hàng, công an, điện lực, bưu chính…;  chuẩn hóa định dạng dữ liệu, quy tắc trao đổi dữ liệu để đảm bảo khả năng liên thông giữa các hệ thống; xây dựng các biện pháp bảo mật dữ liệu chặt chẽ để đảm bảo an toàn thông tin.

Đối với các dữ liệu được chia sẻ, cần quy định, xác định chính xác loại dữ liệu, thông tin cần thiết cho công tác quản lý thuế thương mại điện tử; quy định kỹ quy trình, thủ tục chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan; áp dụng các biện pháp kiểm soát truy cập dữ liệu để hạn chế truy cập trái phép.

Để đảm bảo bảo bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu, các cơ quan có thể áp dụng các biện pháp bảo mật vật lý, bảo mật kỹ thuật và bảo mật quản trị để bảo vệ dữ liệu, hạn chế tối đa việc thu thập, lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dân mà không cần thiết trong việc truy thu thuế.

Xin cảm ơn ông!

[1] https://vnbusiness.vn/thue-ngan-sach/61-009-co-so-kinh-doanh-thuong-mai-dien-tu-da-ap-dung-hoa-don-dien-tu-1100307.html

[2] https://kinhtedothi.vn/chong-that-thu-thue-ban-hang-livestream.html

 

Tham khảo thêm >> Tư vấn pháp luật thuế