Có nên tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế?

0
73

Có nên tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế? Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW trả lời kênh VTC1. Mời quý khách theo dõi trong bài viết phía dưới.

– Thời gian gần đây, dư luận xôn xao câu chuyện cấm xuất cảnh người nợ thuế. Luật sư nhìn nhận như thế nào về biện pháp này?

Trả lời:

Theo quy định tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam. Pháp luật Việt Nam chưa có quy định về thuật ngữ “cấm xuất cảnh” mà chỉ quy định về tạm hoãn xuất cảnh đối với công dân Việt Nam. Cụ thể tại khoản 7 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định tạm hoãn xuất cảnh là việc dừng, không được xuất cảnh có thời hạn đối với công dân Việt Nam.

Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh như: Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự; Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh; Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; …

Các quy định này là hợp lý vì nó đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật, nợ thuế ít hay nhiều thì cũng là vi phạm pháp luật và cần phải được xử lý. Nhưng cũng có ý kiến cho hay quy định này là chưa thiết thực và “làm khó” doanh nghiệp. Theo đó, thiết nghĩ, những quy định pháp luật mà khi áp dụng gây bất đồng quan điểm, gây xôn xao dư luận thì Nhà nước cần xem xét lại tính hợp lý của quy định đó để có thể bảo đảm đạt được phần lớn sự đồng thuận của người dân, không gây ra tranh cãi khi thực hiện.

Có nên tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế
Có nên tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế?

– Tuy vậy, không ít doanh nghiệp phản ảnh họ chỉ nợ vài trăm nghìn đồng cũng bị cấm xuất cảnh. Điều này đã gây ra không ít thiệt hại cho họ. Theo ông, chúng ta có nên thay đổi về giá trị nợ thuế để cấm xuất nhập cảnh không?

Trả lời:

Pháp luật Việt Nam quy định cá nhân là người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp khi chưa hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ về thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, các văn bản đều chưa quy định mức tiền nợ thuế dẫn đến việc không được xuất cảnh. Pháp luật chưa quy định một con số chi tiết để xác định mức độ nguy hiểm của hành vi nợ thuế, liệu rằng hành vi đó có dấu hiệu của tội phạm hay không, gây thiệt hại nghiêm trọng như thế nào, hành vi có tính thường xuyên và lặp lại hay chưa… Có thể thấy, do chưa thực sự rõ ràng nên quy định như vậy còn mang tính định tính và khá cứng nhắc, khi áp dụng vào thực tiễn sẽ tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên có những khảo sát, đánh giá khách quan việc thực thi các quy định pháp luật trong thực tế, đặc biệt là đối với các luật về thuế. Đồng thời cần lắng nghe người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia, tham khảo pháp luật các quốc gia khác để có thể sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật sao cho linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và mong muốn chính đáng của nhân dân.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Có nên tạm hoãn xuất cảnh
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Có nên tạm hoãn xuất cảnh

– Ngoài cấm xuất cảnh, thì có giải pháp nào linh hoạt để giảm sự ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phục hồi kinh tế?

Trả lời:

Bên cạnh biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với đại diện doanh nghiệp bị nợ thuế, cơ quan thuế nên cân nhắc áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt để giảm thiểu tác động tiêu cực đến doanh nghiệp. Cơ quan thuế có thể phân loại doanh nghiệp nợ thuế theo các nhóm rủi ro dựa trên khả năng thanh toán nợ thuế, tình hình tài chính và tuân thủ pháp luật thuế trước đây, dựa trên sự phân loại để áp dụng các biện pháp thu hồi nợ phù hợp, đảm bảo hiệu quả thu hồi nợ thuế nhưng cũng giảm thiểu gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp.

Cơ quan thuế cũng có thể cung cấp các giải pháp hỗ trợ thanh toán như, doanh nghiệp được phép lập kế hoạch thanh toán nợ thuế theo từng đợt trong một khoảng thời gian nhất định, phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp, có thể được giảm phạt nộp chậm nếu cam kết thực hiện thanh toán đầy đủ theo kế hoạch đã thống nhất…để có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực tới doanh nghiệp, đồng thời giúp cơ quan nhà nước giám sát và quản lý hoạt động thuế của doanh nghiệp được hiệu quả, chi tiết hơn.

Tham khảo >> Dịch vụ tư vấn pháp luật thuế