Hỏi đáp về Triển khai Hóa đơn điện tử trên toàn quốc và thuế xăng dầu

0
813

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về việc Triển khai Hóa đơn điện tử trên toàn quốc theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của luật Quản lý Thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019 và thuế xăng dầu. Dưới đây là nội dung chi tiết:

  1. Đánh giá của luật sư về TT78/2021 của Bộ Tài Chính về về việc triển khai HDDT trên toàn quốc trong bối cảnh VN đang thiết lập hệ thống tài chính số?

Luật sư trả lời:

Việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của luật Quản lý Thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về Hoá đơn, chứng từ là cần thiết nhằm củng cố thêm các quy định, khoá chặt các lỗ hổng cũng như cung cấp thêm thông tin, chứng từ liên quan đến hoá đơn điện tử trong bối cảnh nước ta đang thiết lập hệ thống tài chính số. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022.

Tại khoản 1, Điều 3 của Thông tư 78/2021/TT-BTC có quy định về Nguyên tắc uỷ nhiệm lập hoá đơn điện tử: người sử dụng phải là đối tượng đủ điều kiện sử dụng hoá đơn điện tử không thuộc trường hợp ngừng sử dụng hoá đơn điện tử theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (khoản a) và Việc ủy nhiệm phải được lập bằng văn bản (hợp đồng hoặc thỏa thuận) giữa bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm (khoản b) cũng như phải thông báo cho cơ quan thuế khi đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (khoản c). Việc đưa ra những quy định này giúp thắt chặt hơn pháp luật về hoá đơn điện tự, phòng tránh việc các tổ chức, cá nhận thực hiện các hành vi buôn bán hoá đơn, trốn thuế, …

Ngoài ra, Thông tư này còn quy định về ký hiệu mã số, ký hiệu hoá đơn, tên liên hoá đơn (Điều 4) và các phụ lục nhằm hướng dẫn các tổ chức cũng như các cơ quan thuế là việc một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

  1. Lợi ích của các DN khi sử dụng hóa đơn điện tử và các công cụ tài chính số? Cần có lưu ý gì khi sử dụng?

Luật sư trả lời:

Trong bối cảnh dịch bệnh, thương mại điện tử phát triển, việc triển khai mạnh mẽ hóa đơn điện tử là hợp lý và sẽ mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể:

  • Ý nghĩa và lợi ích lớn nhất của HĐĐT chính là tiết giảm thời gian, chi phí từ chi phí giấy mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng, chi phí lưu trữ hóa đơn, … cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế.
  • Tình trạng thất lạc khi lưu trữ hoá đơn có thể được hạn chế một cách tối đa. Bên cạnh đó, hóa đơn điện tử cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian tìm kiếm và quản lý hóa đơn.
  • Khi doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, các thủ tục về hành chính thuế cũng sẽ được quản lý và thực hiện qua máy tính, các phần mềm và mạng internet. Do đó, việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế của doanh nghiệp sẽ đơn giản hơn rất nhiều, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức.
  • Đối với các cơ quan quản lý thuế, công tác quản lý thuế được hiện đại hóa, thuận lợi hơn, giảm chi phí quản lý (thông qua giảm thời gian đối chiếu hóa đơn giấy như hiện nay). Và việc đưa các loại công cụ tài chính số, cơ quan thuế có cơ sở dữ liệu để phân tích đánh giá rủi ro nhận diện và phòng ngừa các vi phạm về hóa đơn, góp phần ngăn chặn kịp thời tình trạng sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích vào những mục đích xấu; ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế.
  • Sử dụng hóa đơn điện tử góp phần khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên), tình trạng làm giả hóa đơn, từ đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các công cụ tài chính số này vẫn còn một số tồn tại mà cơ quan quản lý thuế cũng như các doanh nghiệp cần lưu ý khi sử dụng:

  • Chi phí đầu tư ban đầu vẫn cao hơn nhiều so với việc DN tự in hóa đơn, do phải đầu tư hệ thống máy móc và trang thiết bị đảm bảo cho việc vận hành HĐĐT, vì vậy các doanh nghiệp nhỏ cần phải cân đối tình hình tài chính của công ty.
  • Đối với các đơn vị chuyên biệt về vận chuyển thì khi vận chuyển hàng hoá, doanh nghiệp đó luôn cần hoá đơn giấy để các cơ quan chức năng có thể kiểm tra một cách dễ dàng hơn. Khi tất cả chuyển đổi về hoá đơn số thì cũng cần phải đồng bộ cách thức kiểm tra của các cơ quan chức năng sao cho phù hợp với các doanh nghiệp.
  • Việc đảm bảo tính bảo mật của trung tâm lưu trữ hoá đơn cũng là một vấn đề lớn mà các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý thuế cần để ý tới, tránh trường hợp bị các kẻ xấu sử dụng công nghệ cao để đánh cắp hay xáo trộn thông tin lưu trữ.
  1. Theo luật sư, đâu là những rủi ro khi sử dụng các văn bản số hóa như hợp đồng và hóa đơn điện tử? Cách phòng trừ và xử lý ra sao?

Luật sư trả lời:

Như đã đề cập ở trên, rủi ro lớn nhất khi các cơ quan thuế và các doanh nghiệp khi sử dụng HĐĐT đó chính là việc bị đánh cắp thông tin, hay là thay đổi hoàn toàn thông tin dữ liệu trong quá trình vận chuyển và lưu giữ, được thực hiện bởi tội phạm công nghệ cao. Khoản 1, Điều 3 Nghị định 25/2014/NĐ-CP quy định về Phòng, chống tội phạm và hành vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao định nghĩa tội phạm công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao.

Vấn đề bảo mật còn thể hiện ở việc các doanh nghiệp sẽ phải sử dụng phần mềm quản lý HĐĐT do một bên thứ 3 xây dựng và cung cấp. Việc phụ thuộc này rấy lên lo ngại rằng nó sẽ có thể phát sinh ra các vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin doanh thu, chi phí, đặc biệt là các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh nhạy cảm như chính trị, an ninh, quốc phòng,…

Hơn nữa, việc thay đổi, chỉnh sửa, mua bán hoá đơn điện tử cũng dễ dàng hơn là việc sử dụng hoá đơn truyền thống. Đây chính là một thách thức lớn dành cho các cơ quan chức năng quản lý thuế ở nước ta trong tương lai không xa.

Để phòng trừ các rủi ro về bảo mật ở trên, cơ qua chức năng thuế có thể yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan quản lý thuế sử dụng đồng nhất một phần mềm quản lý hoá đơn một bên thứ 3 uy tín phát triển và phát hành; đồng thời luôn luôn cập nhật các bản vá lỗi cho phần mềm quản lý đó bởi bất kì phần mềm dữ liệu nào đều có những lỗ hổng nhất định mà những kẻ có ý đồ xấu có thể lợi dụng.

  1. Tại sao tỷ lệ các DN sử dụng hóa đơn điện tử vẫn còn thấp? Các DN cần chuẩn bị những gì để sử dụng HDDT cũng như xây dựng hệ thống tài chính số?

Luật sư trả lời:

Hiện nay, tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng HĐĐT vẫn còn thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể do một số lý do sau:

Đầu tiên chính là do chi phí ban đầu cho việc xây dựng một hệ thống quản lý dữ liệu HĐĐT là khá tốn kém, khi sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp cần chi trả chi phí đầu tư ban đầu để có thể sở hữu hệ thống khởi tạo, phát hành và quản lý hóa đơn điện tử cùng với các loại chi phí khác như chi phí duy trì, chi phí mua chữ ký số…

Hơn nữa, các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn tâm lý ngại thay đổi, chưa muốn tiếp xúc, học thêm những kiến thức mới về cách xác lập, lưu trữ, vận chuyển hoá đơn điện tử do các thủ tục hành chính cũng như các bước làm việc còn phức tạp. Đối với các doanh nghiệp vừa, họ sẽ cần phải có thêm một nguồn nhân lực mới để có thể duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu HĐĐT.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp hiện tại cần chuẩn bị một tâm lý cởi mở hơn, tiếp thu kiến thức mới để có thể làm chủ được hệ thống tài chính số. Các cơ quan tổ chức nhà nước cũng có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

  1. Theo đề xuất, từ 1/7/2022, trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn… sẽ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế. Liệu có khả thi khi áp dụng? Ông có cho rằng đây sẽ là giải pháp quản lý thuế hiệu quả, chống thất thu và đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh với nhau?

Luật sư trả lời:

Khoản 2 Điều 8 Thông tư 78/2021/TT-BTC quy định: Doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác) được lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có mã, hóa đơn điện tử không có mã”.

Ở một góc độ nhất định, việc máy tính tiền của các trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn kết nối với cơ quan thuế sẽ giúp việc thực hiện thuế của các doanh nghiệp trên trở nên minh bạch, công bằng hơn. Theo đó, các hộ, cá nhân kinh doanh này sẽ không bị cơ quan thuế ấn định doanh thu cũng như số thuế phải nộp, mà sẽ nộp thuế theo doanh thu thực tế theo dữ liệu từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

  1. Ông đánh giá như thế nào về khung pháp luật về hồ sơ, hợp đồng thông minh, những thỏa thuận được tự động thực thi bằng máy tính tại Việt Nam? Cần cải thiện chính sách như thế nào để thúc đẩy chuyển đổi số hiện nay?

Luật sư trả lời:

Hiện nay ở nước ta chưa có văn bản nào quy định cụ thể về hồ sơ, hợp đồng thông minh và những thoả thuận được thực hiện tự động bằng máy tính. Luật Giao dịch điện tử 2005 chỉ quy định khái niệm giao dịch điện tử tự động là giao dịch điện tử được thực hiện tự động từng phần hoặc toàn bộ thông qua hệ thống thông tin đã được thiết lập sẵn mà chưa có quy định về việc giao kết và thực hiện hợp đồng thông qua việc sử dụng hệ thống thông tin tự động. Bởi từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, chúng ta có nhắc đến việc chuyển đổi số, bắt đầu thời kì công nghệ 4.0, nhưng thực chất việc sử dụng hồ sơ, hợp đồng thông minh là hầu như không diễn ra.

Vì vậy, để có thể thúc đẩy việc chuyển đổi số, cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng hành lang pháp lý quy định cụ thể về việc giao kết, thực hiện hợp đồng thông qua việc sử dụng hệ thống thông tin tự động; làm rõ giá trị pháp lý cũng như trách nhiệm của các bên khi tham gia vào các giao dịch điện tử tự động.

  1. Việt Nam đang hướng đến hệ sinh thái tài chính điện tử tới năm 2030. Đánh giá của ông về tiềm năng của Việt Nam? Ông có những kiến nghị gì/ lưu ý gì cho Chính phủ & DN trong quá trình chuyển đổi số này?

Luật sư trả lời:

Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn khi hướng tới hệ sinh thái tài chính điện tử trong tương lai. Chúng ta có rất nhiều các tập đoàn công nghệ được đánh ra rất cao, ví dụ điển hình như Tập đoàn công nghệ BKAV, hay Tập đoàn công nghệ FPT, đều đang là các tập đoàn dẫn đầu về công nghệ cũng như phát triển phầm mềm quản lý. Hơn nữa, các nhà lập phát cũng đang bắt đầu đưa ra nhiều hơn các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hướng đến việc quản lý hệ sinh thái tài chính điện tử. Đây sẽ là một nền tảng vũng chắc cho nước ta để có thể hướng tới một thời kì công nghệ 4.0 trong tương lai.

Đối với Chính phủ, việc liên tục cập nhật thông tin, học hỏi công nghệ cũng như kỹ năng lập pháp từ các quốc gia phát triển nền kinh tế tài chính điện tử là một vấn đề cần được lưu ý. Bởi hiện nay thế giới điện tử đang phát triển với một tốc độ rất cao, và nếu không cập nhật liên tục, thì chúng ta sẽ là những người bị bỏ lại phía sau. Các doanh nghiệp, tổ chức cũng cần có một tâm lý cởi mở hơn với công nghệ, và hợp tác một cách chặt chẽ với các cơ quan quản lý thuế để nước ta có thể đạt tới một hệ sinh thái tài chính điện tử hoàn chỉnh vào năm 2030.

  1. Có ý kiến cho rằng, để giảm giá xăng dầu, giải pháp hiệu quả nhất là giảm thuế. Mặt hàng xăng dầu đang phải cõng 4 loại thuế gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường, chiếm 35-43% trong cơ cấu giá thành tùy theo từng mặt hàng. Ý kiến của luật sư về vấn đề này?

Luật sư trả lời:

Hiện nay, giá xăng dầu trên thế giới đang tăng mạnh, có thời điểm lên tới 83 USD/thùng. Quỹ Bình ổn xăng dầu của nước ta đã nhiều lần phải can thiệp để “hạ nhiệt” cơn sốt giá nhiên liệu thành phẩm. Tuy nhiên, việc xăng dầu đang phải gánh 4 loại thuế, cụ thể: thuế nhập khẩu (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) và thuế bảo vệ môi trường (ví dụ: với xăng E5RON92 là 3.800 đồng/lít, xăng RON95 là 4.000 đồng/lít, …) là quá nhiều so với các mặt hàng khác. Ngay cả xăng sinh học E5RON92 vẫn phải chịu thuế bảo vệ môi trường với một mức khá cao. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường, giá mặt hàng này sẽ về mức hợp lý hơn, tác động tích cực đến đời sống người dân. Hơn nữa, việc tính đúng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 sẽ góp phần giảm áp lực chi sử dụng quỹ bình ổn, tránh tình trạng giá bán các mặt hàng xăng dầu khác phải “gánh” thay để giảm giá xăng E5.