Phiên live trăm tỷ thất thu thuế: Cần nhiều bên phối hợp để vá ‘lỗ hổng’

0
176

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nhận định pháp luật đang bộc lộ những bất cập, gây khó khăn cho công tác thu thuế. Theo ông Hà, cần nhiều bên cùng phối hợp để vá” lỗ hổng” tránh thất thu thuế trên mảng thương mại điện tử.

Pháp lý chưa theo kịp sự phát triển

Phát trực tiếp và tương tác với mọi người trên mạng xã hội để bán hàng, hay còn gọi là livestream đã và đang là xu thế bán hàng của không ít cá nhân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với những phiên livestream được quảng cáo có doanh thu hàng chục tỷ đồng, thậm chí cả trăm tỷ đồng thì nhiều người đặt câu hỏi: Liệu nguồn hàng bán cho khách hàng có đảm bảo hay không? Có bị thất thu thuế với các cá nhân và tổ chức không?

Ở góc độ pháp lý, về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nhận định về cơ bản đã có những quy định pháp luật tương đối cụ thể để quản lý thuế của hoạt động thương mại điện tử: Luật Quản lý thuế 2019, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Thông tư 100/2021/TT-BTC, Thông tư số 40/2021/TT-BTC….

Tuy nhiên, theo ông Hà qua quá trình thực thi các chính sách quản lý thuế, một số bất cập và hạn chế của các quy định pháp luật dần bộc lộ. Dù đã có nhiều văn bản luật liên quan điều chỉnh hoạt động giao dịch thương mại điện tử như Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật Thương mại, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự… Nhưng trong bối cảnh hiện nay, hành lang pháp lý vẫn chưa theo kịp sự phát triển nhanh của thương mại điện tử.

Ông Hà nhấn mạnh Luật giao dịch điện tử chưa có quy định pháp lý ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trên không gian mạng, các mạng xã hội trong việc cung cấp thông tin về các hoạt động kinh doanh online, nhất là hoạt động bán hàng qua Facebook, TikTok… đang tạo ra doanh thu cho nhiều cá nhân, tổ chức, gây khó khăn trong việc kiểm soát, và truy thu thuế.

“Trên thực tế, không ít cá nhân, tổ chức có các khoản thu nhập này lại vô tình hoặc chủ ý không thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định, gây thất thu cho Ngân sách nhà nước”, ông Hà nhấn mạnh.

Ngoài ra, quy định về khai thuế, nộp thuế thay cá nhân vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo quy định Thông tư 100/2021/TT-BTC, các chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.

Tuy nhiên, khi cá nhân không tự nguyện ủy quyền thì sàn giao dịch thương mại điện tử không bắt buộc phải kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân mà chỉ phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Điều này tạo ra khoảng trống cho nhiều cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lợi dụng để cố tình né thuế bằng nhiều thủ đoạn qua mặt sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đồng thời, một số sàn thương mại điện tử cũng có thể lợi dụng để thu hút cá nhân giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử và giảm bớt khối lượng công việc khi không khuyến khích cá nhân ủy quyền kê khai, nộp thuế thay.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng chưa quy định rõ về nội dung thông tin phải cung cấp, hình thức và tần suất cung cấp thông tin cho cơ quan Thuế của các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Cần nhiều bên phối hợp để vá lỗ hổng sau những phiên livestream trăm tỉ
Cần nhiều bên phối hợp để vá “lỗ hổng” sau những phiên livestream trăm tỉ tránh thất thu thuế

Chống thất thu thuế như thế nào?

Để khuyến khích phát triển đồng thời chống thất thu thuế thương mại điện tử trong thời gian tới, ông Hà cho rằng các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát hoàn thiện pháp luật để bổ sung và sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn hoạt động trong đó cần bổ sung quy định về hoạt động livestream trên các nền tảng và sửa đổi Nghị định 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật và cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát các giao dịch thanh toán trong thương mại điện tử

Cần kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng.

Cùng với đó, ông Hà cho rằng cần kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng.

“Mục tiêu là để giám sát, đối chiếu nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra đối với người nộp thuế, áp dụng định danh và xác thực điện tử, đồng bộ liên thông dữ liệu thông tin hàng hóa để có thể nhanh chóng xác minh và truy xuất thông tin về người nộp thuế. Điều này hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc thực hiện kiểm tra thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử”, ông Hà nói.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - SBLAW
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW

Tiếp đó, cơ quan thuế cần lập cổng thông tin đăng ký và kê khai thuế thương mại điện tử, cung cấp nền tảng trực tuyến để doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh dễ dàng đăng ký hoạt động, kê khai và nộp thuế.

Đồng thời cơ quan thuế tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nghĩa vụ thuế cho người kinh doanh về nghĩa vụ thuế với nhà nước khi kinh doanh. Bên cạnh đó cũng cần đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế để răn đe và phục vụ công tác tuyên truyền nghĩa vụ thuế.

“Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt vì loại hình thanh toán này sẽ hỗ trợ hoạt động quản lý và thu thuế thuận lợi hơn và có sự liên thông, phối hợp cung cấp dữ liệu với các ngân hàng thương mại”, ông Hà nhấn mạnh.

Tham khảo thêm >> Tư vấn pháp luật thuế