Quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động nước ngoài

0
538

Câu hỏi: Xin chào quý công ty. Hiện công ty tôi có nhân sự là người lao động nước ngoài. Tuy nhiên, tôi chưa nắm được các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà người lao động nước ngoài được hưởng. Cụ thể như: ốm đau, hưu trí, bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi và tai nạn lao động thì chế độ và mức hưởng ra sao? Mong Quý Công ty giải đáp giúp tôi.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

  1. Về BHYT

1.1. Chế độ hưởng ốm đau và mức hưởng

Điều 6 Nghị định 143/2018/NĐ-CP có quy định về chế độ ốm đau đối với người lao động nước ngoài như sau:

(i)      Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

–       Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.

–       Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

(ii)    Thời gian hưởng ốm đau

–         Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

–        Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

–        Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

–        Trường hợp hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong năm mà chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

(iii)  Mức hưởng chế độ ốm đau

–       Người lao động nước ngoài ốm đau được hưởng tối đa 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

–       Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng được quy định như sau:

  1. a) Bằng 65% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên;
  1. b) Bằng 55% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
  1. c) Bằng 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.

–       Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

–       Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.

1.2. Về chế độ hưu trí và mức hưởng.

Điều 9 Nghị định 143/2018/NĐ-CP có quy định về chế độ hưu trí đối với người lao động nước ngoài như sau:

(i)       Điều kiện hưởng lương hưu:

Khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

–         Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

–        Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

–       Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

–       Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

(ii)    Mức hưởng:

–       Mức lương hưu hàng tháng:

+ Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

+ Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội được tính như sau:

  • Người lao động nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;
  • Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;
  • Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

–       Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu:

+ Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được 

hưởng trợ cấp một lần.

+ Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

  1. Về chế độ hưu trí

2.1. Về BHXH cho người cao tuổi

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP có quy định về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam như sau:

“2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  1. a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CPngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
  2. b) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động”.

Dẫn chiếu đến Khoản 2 Điều 169 Bộ Luật lao động 2019 quy định kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Như vậy, theo quy định trên đối với người lao động nước ngoài đã đủ tuổi nghỉ hưu năm 2021 là đối với nam đủ 60 tuổi 3 tháng, nữ đủ 55 tuổi 4 tháng sẽ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

2.2 Về vấn đề trợ cấp xã hội và mức hưởng.

(i)  Đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội

Theo Khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định người cao tuổi sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng nếu thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:

a) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

b) Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;

c) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

d) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

(ii) Mức hưởng:

Đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này được trợ cấp xã hội hàng tháng với mức bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng quy định như sau:

Đối với đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP:

– Hệ số 1,5 đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi;

– Hệ số 2,0 đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 từ đủ 80 tuổi trở lên;

– Hệ số 1,0 đối với đối tượng quy định tại các điểm b và c khoản 5;

– Hệ số 3,0 đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 5.

Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 là 360.000 đồng/tháng.

  1. Vấn đề tai nạn lao động thì chế độ, mức hưởng quy định ra sao?

Điều 8 Nghị định 143/2018/NĐ-CP có quy định về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động đối với người lao động nước ngoài như sau:

(i)       Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

  1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động 

và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

  1. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động;
  1. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

(ii)    Mức hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động

– Trợ cấp một lần (suy giảm từ 5% – 30%): Suy giảm 5% được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

– Trợ cấp hàng tháng (suy giảm từ 31% trở lên): Suy giảm 31% được hưởng 30% mức lương cơ sở, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.

(iii)  Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình

Tùy theo tình trạng thương tật tổn thương chức năng hoạt động của cơ thể.

(iv)   Trợ cấp phục vụ (ngoài khoản trợ cấp hàng tháng):

Mức hưởng bằng mức lương cơ sở nếu bị suy giảm từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống, mù hai mắt, cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần.

(v)     Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật:

– Được nghỉ tối đa 10 ngày;

– Được hưởng 25% mức lương cơ sở/ngày nếu nghỉ tại gia đình; 40% mức lương cơ sở/ngày nếu nghỉ tại cơ sở tập trung.

(vi) Trợ cấp khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.