Nguy cơ gia tặng nợ xấu từ trái phiếu doanh nghiệp

0
286

Nghị định 08 tạo hành lang pháp lý giúp doanh nghiệp phát hành đàm phán với trái chủ, giảm áp lực tài chính khi đáo hạn và bớt căng thẳng bởi những rào cản kỹ thuật. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế và cuộc chơi trái phiếu cần phải có không gian pháp lý rộng rãi nhưng chặt chẽ, nằm trong một chiến lược tổng thể của thị trường vốn…

 

Trước sự ban hành của nghị định 08/CP , Chủ tịch công ty Luật TNHH SBLaw cũng có bài phỏng vấn nhanh xoay quanh vấn đề này, nội dung chi tiết của bài phỏng vấn như sau:

 

Câu hỏi 1: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về nguy cơ gia tăng nợ xấu từ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là việc chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu đang xảy ra ngày một nhiều hơn?

     Áp lực nợ xấu tăng rất lớn và việc thị trường bất động sản chững lại sẽ tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản của các ngân hàng. Thêm vào đó, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp khác ngoài lĩnh vực bất động sản cũng gặp khó khăn khi xuất khẩu bị ảnh hưởng do cầu thế giới suy giảm; cầu tiêu dùng trong nước tăng trưởng chậm khi hiệu ứng mua sắm sau dịch Covid-19 qua đi và khu vực sản xuất gặp khó khăn. Ngoài ra, lãi suất tăng cao cũng gây áp lực lên khả năng trả nợ của doanh nghiệp và người dân. Nếu không được cơ cấu nợ, giãn nợ, chắc chắn nợ xấu của doanh nghiệp sẽ gia tăng trong thời gian tới trong bối cảnh áp lực trả nợ của các doanh nghiệp ngày càng cao. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa có dấu hiệu cải thiện sẽ hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn để tái cơ cấu các khoản vay của doanh nghiệp.

     Cụ thể là vào cuối tháng 2 năm nay HNX đã công bố danh sách 54 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu. Mặc dù một số doanh nghiệp đã thực hiện thanh toán sau đó song số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu đã lên đến 67, trong đó có 63 doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ.

 

Câu hỏi 2: Theo ông, Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp mới ban hành có ý nghĩa thế nào đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và nghị định này liệu có “hóa giải” được nguy cơ nợ xấu hay không?

    Nghị định 08/2023/NĐ-CP ban hành có nhiều điểm mới thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thanh toán cho các nhà đầu tư. Cụ thể như doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành đã công bố. Tuy nhiên, trong trường hợp trái chủ không chấp nhận thì doanh nghiệp vẫn phải thanh toán đủ gốc và lãi.
     Không những thế, giờ đây doanh nghiệp còn có thể mở rộng phương thức thanh toán trái phiếu so với trước đây. Nếu không thể thanh toán trái phiếu bằng đồng Việt Nam, doanh nghiệp có thể thanh toán bằng tài sản khác như căn hộ, nhà phố, biệt thự, đất, giấy tờ có giá… với điều kiện phải được người sở hữu trái phiếu chấp nhận. Ngoài ra, doanh nghiệp có trách nhiệm công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của trái chủ nhằm hạn chế phát sinh khiếu kiện, tranh chấp sau này.

      Bên cạnh đó, một điểm mới của Nghị định 08/2023/NĐ-CP có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đó là ngưng thi hành hiệu lực đến ngày 31/12/2023 đối với các nội dung về:

 

(i) xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân với giá trị danh mục nắm giữ tối thiểu 2 tỷ đồng trong vòng 180 ngày;
(ii) thời gian phân phối trái phiếu (áp dụng thời gian phân phối 90 ngày đến hết ngày 31/12/2023, từ ngày 1/1/2024 là 30 ngày);

(iii) xếp hạng tín nhiệm. Đối với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng vẫn thực hiện xếp hạng tín nghiệm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán. Sự ra đời của Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã làm giảm áp lực trả nợ lượng trái phiếu đáo hạn với điểm rơi vào năm 2023 – 2024, đồng thời, giúp các tổ chức phát hành có thêm thời gian cơ cấu tài chính, điều chỉnh kế hoạch và chính sách bán hàng để có sớm nguồn trả nợ. Đây chỉ là giải pháp tình thế, do đó, cần các quy định phải thay đổi tận gốc để giúp thị trường phát triển bền vững hơn.

 

Câu hỏi số 3: Ông đánh giá thế nào về sức chống chịu của các ngân hàng Việt Nam hiện nay? 70% tài sản đảm bảo của ngân hàng là bất động sản, nhưng thị trường BĐS khó khăn, chậm thanh khoản như hiện nay ảnh hưởng thế nào đến việc ngân hàng phát mãi tài sản để thu nợ? Thưa ông?

      Khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản. Do đó, nhà đất thường là tài sản được các ngân hàng đem ra phát mại nhiều nhất khi khách hàng không đảm bảo khả năng hoàn trả nợ vay. Việc thanh lý không phải lúc nào cũng diễn ra dễ dàng dẫn đến khó khăn cho hệ thống ngân hàng trong việc
thu hồi và duy trì nguồn tiền.
      Với tình hình thị trường BĐS khó khăn, chậm thanh khoản như hiện nay ảnh sẽ hưởng rất lớn đến việc ngân hàng phát mãi tài sản để thu nợ.

(i) Thứ nhất, việc thanh lý nhà đất phụ thuộc rất lớn vào tính thanh khoản của bất động sản. Các ngân hàng vẫn đang trong thờigian chuyển dịch cơ cấu cho vay theo hướng bán lẻ nhưng dự nợ đối với khách hàng doanh nghiệp tại các nhà băng top đầu vẫn còn lớn. Tài sản thế chấp là bất động sản của các đơn vị sản xuất kinh doanh thường cũng có quy mô không nhỏ, tính thanh khoản không cao bằng phân khúc dân cư dẫn đến việc phát mại không dễ dàng như chúng ta nghĩ.

(ii) Ngoài ra, chất lượng và sự phù hợp đối với thị hiếu tiêu dùng của tài sản do ngân hành chào bán cũng là một trong các yếu tố khiến nhà đầu tư đắn đo trước khi xuống tiền. Thời gian qua, các ngân hàng thực hiện phát mại tài sản thế chấp là BĐS để thu hồi khoản nợ dù nhiều lần giảm giá nhưng vẫn chưa rao bán được nguyên nhân chính là do thanh khoản bất động sản hiện nay đang sụt giảm nghiêm trọng. Đây có thể xem là cơ hội cho những người muốn săn bất động sản với giá hời. Nhưng những tài sản đưa ra rao bán dù có giá mềm hơn nhưng cũng phải qua nhiều thủ tục giải chấp, đôi khi trục trặc mà người mua sẽ gặp rủi nên họ không quá “mặn mà” với loại tài sản này.

 

Câu hỏi 4: Để giải quyết bài toán nợ xấu, theo ông cần những giải pháp gì?

Ngân hàng là ngành phụ thuộc nhiều vào những biến động kinh tế vĩ mô, và khi các chỉ số vĩ mô trở nên lạc quan hơn cũng sẽ giúp cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng từ đó nợ xấu cũng gỡ được phần lớn các khó khăn. Các ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận một cách bền vững hơn trong dài hạn, nếu như chất lượng tài sản thực sự được cải thiện thông qua các khoản vay được trả đúng hạn và không có nợ xấu.

Tuy nhiên, khó khăn trong ngành bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa được giải quyết, và điều này sẽ tác động trực tiếp lên chất lượng tài sản của ngân hàng khi rủi ro nợ xấu đang dần hiện hữu. Để giải quyết bài toán nợ xấu chúng ta
cần thực hiện các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như sau:
(i) Thứ nhất là hoàn thiện hành lang pháp luật, đặc biệt là các công cụ tài chính bất động
sản. Cần có chính sách phát triển các kênh dẫn vốn mới như quỹ đầu tư bất động sản (REIT), chứng khoán hóa bất động sản, Quỹ nhà ở…

(ii) Thứ hai là tái cơ cấu thị trường bất động sản, thúc đẩy nguồn cung nhà ở thương mại giá phù hợp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Nhà nước chủ động điều tiết nguồn cung đất đai cho thị trường bất động sản sơ cấp thông qua việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Sử dụng cơ chế chính sách như thuế để điều tiết, quản lý thị trường bất động sản.

(iii) Thứ ba là xây dựng hệ thống thông tin, đặc biệt là chỉ số giá bất động sản làm cơ sở cho việc tính tiền sử dụng đất, chống thất thoát nguồn thu ngân sách,…; bảo đảm thị trường bất động sản hoạt động một cách công khai, minh bạch.
(iv) Cuối cùng là cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ tín dụng bất động sản, kiểm soát tốt dòng tiền bơm vào thị trường, phải hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp, đưa mức giá bất động sản nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực. Thị trường hiện nay thanh khoản kém nên khiến việc thu hồi vốn chậm. Thu hồi chậm nên ngân hàng có xu hướng kiểm soát chặt hơn các nguồn vốn cho bất động sản. Vì kiểm soát chặt nên lượng cung vốn cho các dự án vay cũng bị hạn chế. Ngược lại, các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản vì sản phẩm chưa hoàn thành, sản phẩm không bán được ra thị trường nên không có tiền vào, từ đó nhu cầu vốn cũng tăng lên. Tuy nhiên, khó chồng khó khi trái phiếu không thể phát hành, thị trường chứng khoán đi xuống, huy động vốn từ khách hàng gặp khó nên tất cả đổ dồn vào nguồn vốn tín dụng. Giải quyết vấn đề của doanh nghiệp cũng chính là giải quyết các vấn đề của ngân hàng. Bởi lẽ dư nợ bất động sản trong hệ thống tín dụng không hề nhỏ. Do đó, vấn đề cấp thiết trước mắt mà chúng ta phải làm gấp là nhanh chóng ổn định thị trường trái phiếu và có chính sách mở đường cho thị trường bất động sản có cơ hội “sống dậy” từ đó để doanh nghiệp có thời gian và cơ hội để phục hồi sản xuất, …có như vậy thì mới mong cải thiện được nợ xấu.